Nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng vốn Chương trình Mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020

(sav.gov.vn) - Qua kiểm toán Chuyên đề việc quản lý, sử dụng vốn Chương trình Mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã chỉ ra nhiều thiếu sót, bất cập trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án, chủ trương đầu tư, Báo cáo đánh giá tác động môi trường, thiết kế và dự toán công trình…

Gánh nặng dồn lên ngân sách trung ương

Nhiều địa phương phê duyệt dự án, phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư (báo cáo nghiên cứu khả thi) chưa phù hợp với nội dung đăng ký, đề xuất khi trình danh mục vào Chương trình Mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) chưa làm rõ các nguyên nhân đảm bảo có phù hợp với mục tiêu và quy mô đầu tư của Chương trình hay không. Cụ thể, theo KTNN, tổng mức đầu tư của 21 dự án mở mới được phê duyệt thấp hơn nhiều so với tổng mức đầu tư tại thời điểm đề xuất duyệt Kế hoạch đầu tư công trung hạn trong khi nguồn vốn ngân sách trung ương thay đổi không đáng kể.

Tương tự, có dự án đã được điều chỉnh giảm quy mô đầu tư nhưng đơn vị chưa phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư và thiết kế cơ sở theo quy định, không giảm nguồn vốn ngân sách trung ương tương ứng, cụ thể là Dự án Cấp nước sinh hoạt cho dân cư khu vực Cù Lao Minh có tổng mức đầu tư của cả Dự án, gồm 2 giai đoạn là 752,5 tỷ đồng; trong đó, giai đoạn 1 là 275 tỷ đồng, giai đoạn 2 là 477,5 tỷ đồng. Theo báo cáo của Bộ KHĐT, nguồn vốn ngân sách trung ương cấp cho toàn bộ Dự án là 200,73 tỷ đồng, nhưng ngày 07/7/2020, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết điều chỉnh quy mô Dự án (giảm chiều dài tuyến ống chính từ 76,31km xuống còn 44,3km - bằng quy mô của giai đoạn 1) nhưng nguồn vốn do ngân sách trung ương cấp vẫn không thay đổi.

Bên cạnh đó, theo KTNN, mặc dù thời gian thực hiện của Chương trình là 2016-2020, nhưng một số dự án phê duyệt đầu tư có thời gian thực hiện hoàn thành sau năm 2020, trong đó có các Dự án: Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò (Hội An, Quảng Nam); Kè bờ, chống sạt lở, bồi lấp cửa biển Đà Diễn tại Phú Yên; Đập ngăn mặn trên sông cái Nha Trang; Xây dựng, nâng cấp đê biển Đông và hệ thống cống qua đê… đã được phê duyệt hoàn thành năm 2022. Các Dự án: Nâng cấp, gia cố, tăng khả năng thoát lũ và chống sạt lở bờ sông Đáy trên toàn tuyến sông Đáy thuộc địa phận tỉnh Hà Nam; Trồng mới, phục hồi và bảo tồn rừng ngập mặn ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu các huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên và thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh); Trồng và phục hồi rừng phòng hộ đầu nguồn lưu vực sông Đà, sông Mã… đã được phê duyệt hoàn thành năm 2023. Điều này làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn Chương trình, cũng như tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của từng dự án và tổng thể Chương trình.

Qua kiểm toán phát hiện nhiều bất cập

Liên quan đến công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, KTNN cũng phát hiện có dự án không phê duyệt chủ trương đầu tư mà chỉ có văn bản thống nhất của Hội đồng nhân dân tỉnh (Dự án Nâng cấp, gia cố hồ chứa nước xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái). Điều này là chưa phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 27 Luật Đầu tư công năm 2014.

KTNN cũng chỉ ra rằng Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét chưa đúng thẩm quyền theo quy định dẫn đến phải tạm dừng thực hiện Dự án, thu hồi chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư. Đến thời điểm kiểm toán (tháng 5/2021), Dự án đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư và đang được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án đầu tư. Ngoài ra, còn có tình trạng phê duyệt chủ trương đầu tư trước khi được Bộ KHĐT thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; chưa xác định rõ nguồn vốn đầu tư; phê duyệt chủ trương đầu tư chưa phù hợp với quy hoạch hoặc không có đầy đủ ý kiến thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư…

Về việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, KTNN phát hiện, một số dự án được phê duyệt dự án đầu tư và phê duyệt bổ sung một số hạng mục không có trong chủ trương đầu tư được duyệt ban đầu, đơn cử chỉ riêng hạng mục kè từ cầu Nguyễn Thái Học đến cầu Tôn Đức Thắng thuộc Dự án Kè chống sạt lở bờ sông Hậu và bảo vệ TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang được phê duyệt bổ sung đã làm tăng giá trị 88,8 tỷ đồng. Đối với Dự án Nạo vét hệ thống kênh trục và xây dựng công trình điều tiết trên kênh (tỉnh Trà Vinh), trong quyết định đầu tư đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt chưa xác định rõ phương án giải phóng mặt bằng dẫn đến quá trình thực hiện bị vướng. Hay với Dự án Kè chống sạt lở bờ sông Hậu bảo vệ TP. Long Xuyên đã được phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 377,92 tỷ đồng xuống 314,93 tỷ đồng nhưng không điều chỉnh giảm chi phí xây lắp cho phù hợp với dự toán công trình được duyệt…

Cùng với đó là hàng loạt những thiếu sót được KTNN chỉ ra tại các dự án, như: Thực hiện điều chỉnh quy mô đầu tư nhưng không lập, thẩm định và phê duyệt điều chỉnh Báo cáo đánh giá tác động môi trường; nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường chưa xem xét và đánh giá tác động môi trường đối với các bãi chứa bùn; phê duyệt dự án đầu tư không nêu cụ thể mốc thời gian thực hiện dự án mà chỉ nêu “không vượt quá 5 năm kể từ khi dự án được cấp có thẩm quyền bố trí kế hoạch vốn”; dự phòng trong tổng mức đầu tư chưa tính riêng cho dự phòng phát sinh khối lượng và phát sinh trượt giá theo quy định; hầu hết các dự án chưa dự kiến phân bổ nguồn vốn tại quyết định phê duyệt đầu tư.

Đáng chú ý, theo KTNN, việc tổ chức thẩm định thiết kế và dự toán công trình tại một số dự án cũng chưa phù hợp về thẩm quyền; chất lượng công tác khảo sát, thiết kế tại hầu hết các dự án được kiểm toán chi tiết còn hạn chế; việc tính toán khối lượng tại bước lập dự toán của hầu hết các dự án còn tính trùng, tính thừa so với thiết kế bản vẽ thi công; xác định thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường chưa phù hợp… Những bất cập này đã được KTNN yêu cầu các đơn vị phải chấn chỉnh, khắc phục kịp thời./.

Tổng mức đầu tư của 21 dự án mở mới được duyệt là 4.282,77 tỷ đồng, đạt 37,6%, tương ứng giảm 7.117,23 tỷ đồng so với đăng ký (11.400 tỷ đồng); vốn ngân sách trung ương phê duyệt là 3.230,26 tỷ đồng, đạt 93,3% so với đăng ký (3.462 tỷ đồng); vốn ngân sách địa phương và vốn khác 1.052,51 tỷ đồng, đạt 13,3%, tương ứng giảm 6.885,49 tỷ đồng.