Công tác phối hợp giữa KTNN và Thường trực HĐND, UBND: Phát huy vai trò tư vấn về quản lý tài chính công, tài sản công

(sav.gov.vn) - Những năm qua, kết quả phối hợp công tác giữa Kiểm toán nhà nước (KTNN) và các địa phương ngày càng thực chất, hiệu quả, đặc biệt trong kiểm toán quyết toán ngân sách. Thời gian tới, các địa phương kiến nghị KTNN tăng cường kiểm toán quyết toán ngân sách, đặc biệt là các lĩnh vực “nóng”, nhạy cảm.

Kiến nghị kiểm toán góp phần chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành ngân sách

Báo cáo thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa KTNN và Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Phú Yên cho biết, những năm qua, mối quan hệ phối hợp công tác giữa hai bên ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả, góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan. Hằng năm, thông qua hoạt động kiểm toán ngân sách địa phương (NSĐP), KTNN đã giúp HĐND tỉnh hoàn thiện hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Những thông tin, dữ liệu trao đổi giữa KTNN và Thường trực HĐND, UBND các tỉnh đã có tác dụng tích cực cho các cấp chính quyền địa phương, cơ quan chức năng xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, lập dự toán ngân sách, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân được giao quản lý, sử dụng tiền và tài sản nhà nước.

Là đơn vị trực tiếp kiểm toán 4 địa phương, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VIII - ông Đặng Thế Bình - cho hay, hằng năm, UBND các tỉnh đã gửi kịp thời báo cáo tình hình thực hiện dự toán năm hiện hành và xây dựng dự toán NSĐP năm kế hoạch, báo cáo quyết toán NSĐP cho KTNN; thường xuyên cung cấp các nghị quyết của HĐND, các văn bản chỉ đạo, điều hành về tài chính, ngân sách do HĐND, UBND tỉnh ban hành; gửi dự toán thu chi ngân sách, định mức phân bổ dự toán chi ngân sách, chế độ về thu phí, lệ phí… giúp KTNN nắm được những chính sách cụ thể liên quan đến quản lý kinh tế - xã hội của địa phương, thuận lợi cho việc xây dựng kế hoạch kiểm toán.

Bên cạnh đó, HĐND các tỉnh đã công khai kết quả kiểm toán, các kết luận, kiến nghị của KTNN đến đại biểu HĐND nhằm tăng cường công khai, minh bạch, hiệu quả trong quản lý điều hành NSĐP, sử dụng tài chính công, tài sản công; tạo điều kiện để HĐND thực hiện quyền giám sát; khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý, điều hành ngân sách trên địa bàn; đồng thời, thông qua đó giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Đối với KTNN, ông Bình nêu rõ, thông qua kiểm toán, KTNN đã đánh giá các mặt làm được, phát hiện những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành ngân sách, công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của các cấp ngân sách, đơn vị sử dụng ngân sách, đơn vị có liên quan. Những ý kiến đánh giá, kết luận, kiến nghị của KTNN góp phần chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành ngân sách của địa phương, là cơ sở quan trọng để HĐND xem xét trong quá trình thẩm tra, quyết định thông qua dự toán, phân bổ ngân sách và phê chuẩn quyết toán. Đặc biệt, KTNN đã kiến nghị các giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn của từng địa phương. Hằng năm, KTNN cũng đã phối hợp chặt chẽ với địa phương cho ý kiến về dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) theo quy định của Luật KTNN.

Về vấn đề này, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - ông Nguyễn Tấn Tuân - nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện các cuộc kiểm toán quyết toán NSĐP hằng năm, KTNN đã áp dụng nhiều biện pháp cải cách hành chính trong hoạt động kiểm toán như: Lồng ghép nhiều nội dung kiểm toán vào một đoàn kiểm toán, giảm tối đa các đoàn kiểm toán trên cùng một địa phương, chất lượng kiểm toán không ngừng được nâng cao; đi sâu đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Cùng với việc thực hiện kế hoạch kiểm toán được giao, KTNN khu vực VIII đã phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh thực hiện các cuộc kiểm toán chuyên đề đối với các lĩnh vực trọng điểm, nhạy cảm được dư luận xã hội quan tâm, tập trung đánh giá chức năng quản lý nhà nước theo lĩnh vực.

“Các kết luận, kiến nghị kịp thời của KTNN đã góp phần chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành NSĐP; đồng thời, là kênh thông tin quan trọng giúp HĐND và UBND các cấp hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn của địa phương; là căn cứ quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán NSĐP, góp phần đảm bảo kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước” - ông Tuân khẳng định.

Năm 2022, KTNN thực hiện 168 nhiệm vụ kiểm toán. Năm 2023, chúng tôi rút xuống 129 nhiệm vụ và năm 2024 còn 121 nhiệm vụ. Đồng thời, KTNN cắt giảm khoảng 30% đoàn kiểm toán. Điều này đảm bảo chất lượng theo Chiến lược Phát triển KTNN đến năm 2030, đó là tập trung kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách của các Bộ, ngành, địa phương và tập trung kiểm toán chuyên đề theo yêu cầu, trong đó 40% các cuộc kiểm toán chuyên đề phục vụ tốt nhất cho việc giám sát tối cao của Quốc hội, HĐND và những điểm, những lĩnh vực nóng dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực”.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn

Tăng cường kiểm toán quyết toán và tư vấn chính sách

Thời gian tới, để kết quả phối hợp giữa KTNN và các địa phương ngày càng thiết thực, hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa kiến nghị tiếp tục tăng cường công tác kiểm toán, nhất là công tác quyết toán NSĐP nhằm đánh giá và xác nhận tính đúng đắn, trung thực, đầy đủ của Báo cáo quyết toán NSĐP, phát hiện những tồn tại trong quản lý, điều hành NSNN để kiến nghị biện pháp khắc phục, hoàn thiện từ thể chế, chính sách đến tổ chức quản lý, thực hiện, làm cơ sở để Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN hằng năm.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn khẳng định, với phương châm “gọn nhưng chất lượng”, thời gian tới, KTNN đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ ngay từ khi khâu xây dựng kế hoạch để đảm bảo chất lượng, đúng quy định pháp luật. “Năm 2022, KTNN thực hiện 168 nhiệm vụ kiểm toán. Năm 2023, chúng tôi rút xuống 129 nhiệm vụ và năm 2024 còn 121 nhiệm vụ. Đồng thời, KTNN cắt giảm khoảng 30% đoàn kiểm toán. Điều này đảm bảo chất lượng theo Chiến lược Phát triển KTNN đến năm 2030, đó là tập trung kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách của các Bộ, ngành, địa phương và tập trung kiểm toán chuyên đề theo yêu cầu, trong đó 40% các cuộc kiểm toán chuyên đề phục vụ tốt nhất cho việc giám sát tối cao của Quốc hội, HĐND và những điểm, những lĩnh vực nóng dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực” - Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.

Theo Tổng Kiểm toán nhà nước, một nhiệm vụ rất quan trọng là KTNN góp ý kiến vào quá trình xây dựng dự toán ngân sách. Hiện nay, Quốc hội yêu cầu rất cao đối với ý kiến của KTNN về dự toán ngân sách và phân bổ ngân sách trung ương. “Mong các địa phương tạo điều kiện cho KTNN tham gia ngay từ đầu quá trình xây dựng dự toán, để KTNN có ý kiến sâu sát. Năm 2023, chất lượng ý kiến của KTNN đã nâng lên một bước. Các đại biểu Quốc hội đánh giá rất cao và đã sử dụng rất nhiều ý kiến của KTNN trong quá trình thảo luận về thông qua dự toán ngân sách và phân bổ ngân sách trung ương năm 2024” - Tổng Kiểm toán nhà nước dẫn chứng.

Tổng Kiểm toán nhà nước cũng nhấn mạnh, yêu cầu của Quốc hội là phải rút ngắn thời gian thông qua quyết toán NSNN hằng năm. Bởi vậy, Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị các địa phương phối hợp để KTNN kịp thời xây dựng Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN hằng năm, giúp HĐND phê chuẩn quyết toán kịp thời, đúng quy định. Đồng thời, KTNN phát huy vai trò tư vấn cho chính quyền địa phương trong các lĩnh vực mà kiểm toán hiểu biết, đặc biệt là về quản lý tài chính công, tài sản công./.

Theo Báo Kiểm toán số 11/2024