Phối hợp hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15

(sav.gov.vn) - Trên cơ sở ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu các bộ phận liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 và các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia.

Sáng 04/4, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 và các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.

Kinh tế phục hồi và phát triển tích cực nhờ thực hiện Nghị quyết số 43

Trình bày dự thảo báo cáo kết quả giám sát tại Phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho biết, đối với việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, kết quả đạt được sau hơn 2 năm thực hiện cho thấy, việc ban hành Nghị quyết số 43 là quyết sách đúng đắn, kịp thời của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong hoàn cảnh tình hình kinh tế - xã hội đất nước đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.

Các chính sách được Quốc hội quyết nghị tại Nghị quyết số 43 có tính chiến lược trong việc duy trì phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, mang tính nhân văn, động viên tinh thần cho người dân, doanh nghiệp, bổ sung nguồn lực lớn từ ngân sách nhà nước và các nguồn huy động khác để vực dậy cả cung và cầu của nền kinh tế, giúp kinh tế có những bước phục hồi và phát triển tích cực.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, còn một số tồn tại, hạn chế như: một số chính sách chưa đảm bảo bám sát quan điểm “nguồn lực đưa ra có khả năng giải ngân, hấp thụ nhanh”. Tại một số địa phương, việc thực hiện chính sách chậm do hướng dẫn thiếu cụ thể, hoặc một số chính sách phải hướng dẫn điều chỉnh bổ sung dẫn đến khó khăn, lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện.

 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn báo cáo tại Phiên họp. Ảnh: quochoi.vn


Chính sách hỗ trợ người dân, người lao động khó khăn được triển khai trong bối cảnh đặc biệt chưa từng có tiền lệ, trong khi số lượng hồ sơ nhiều dẫn đến việc thẩm định và giải quyết chi trả kinh phí hỗ trợ cho đối tượng thụ hưởng gặp nhiều khó khăn do không có cơ sở để kiểm tra, xác minh mà chủ yếu dựa vào thông tin do người lao động, người sử dụng lao động cung cấp, có thể dễ phát sinh trường hợp trùng hưởng chính sách.

Chính sách hỗ trợ 2% lãi suất thực hiện chưa đạt kết quả như mong muốn do công tác đánh giá, dự báo chưa sát thực tiễn; cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn nữa từ khâu xây dựng, hoạch định chính sách để đảm bảo thực hiện được hiệu quả trong thực tiễn.

Đối với các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia, ông Nguyễn Hữu Toàn nêu rõ, các cơ chế đặc thù được Quốc hội thông qua trong quá trình thực hiện đã phát huy hiệu quả, áp dụng cơ chế chỉ định thầu, rút ngắn trình tự, thủ tục, giảm thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu. Việc không phải thực hiện các thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ làm vật liệu xây dựng đã giúp rút ngắn thời gian thực hiện các gói thầu, đảm bảo nguồn cung vật liệu xây dựng ổn định, tránh tình trạng đầu cơ, nâng giá trong quá trình thực hiện.

Bên cạnh đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, Chính phủ cần đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc như: phối hợp chặt chẽ với các địa phương để bảo đảm đủ nguồn cung, công suất vật liệu đáp ứng tiến độ thi công các dự án quan trọng quốc gia; đẩy nhanh các thủ tục liên quan, hỗ trợ các địa phương trong việc tổ chức thực hiện di dời các đường điện cao thế tránh ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án…

Kiểm toán nhà nước cung cấp nhiều thông tin hữu ích phục vụ giám sát

Góp ý hoàn thiện Dự thảo Báo cáo kết quả giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, những đánh giá trong báo cáo giám sát cần bám sát mục tiêu, quan điểm, quy định trong Nghị quyết 43. Trên cơ sở đó, báo cáo tập trung làm rõ hơn nữa ý nghĩa của Nghị quyết này trong công tác ngăn chặn dịch bệnh, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị bổ sung thêm nội dung nêu rõ tinh thần quyết tâm và sự ứng phó linh hoạt của Quốc hội trong việc ban hành chính sách và đưa chính sách vào cuộc sống giữa bối cảnh dịch bệnh diễn biến khó lường chưa từng có tiền lệ.

 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan phát biểu ý kiến tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan thì đề nghị, cần đánh giá kỹ cách thức triển khai công tác giám sát của Đoàn giám sát, đúc rút kinh nghiệm từ việc chia đoàn giám sát, chia sẻ thông tin, đảm bảo thời gian và chất lượng giám sát trong bối cảnh khối lượng công việc của Quốc hội đang rất nặng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng ghi nhận và đánh giá cao sự tham gia tích cực của Kiểm toán nhà nước trong quá trình giám sát, qua đó đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích, cụ thể cho quá trình giám sát.

Các ý kiến cũng đề nghị, Đoàn giám sát gửi công văn đến các cơ quan, đơn vị đề nghị Chính phủ, một số Bộ, ngành gửi báo cáo bổ sung để cung cấp số liệu chính xác nhất cho Đoàn giám sát; làm rõ hơn các bài học kinh nghiệm về quá trình xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách; bổ sung số liệu, đánh giá về các sai phạm trong khai thác vật liệu để thực hiện một số dự án; bổ sung kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương nâng cao chất lượng công tác lập dự án, chuẩn bị đầu tư…

Kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu, căn cứ các ý kiến tại Phiên họp, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách phối hợp với Thường trực Ủy ban Kinh tế, Tổ giúp việc hoàn thành một bước dự thảo báo cáo kết quả giám sát và dự thảo nghị quyết; các thành viên Đoàn giám sát có ý kiến bằng văn bản nêu cụ thể các góp ý với các dự thảo báo cáo, dự thảo nghị quyết; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ trong hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát.

Nguyễn Hồng