Nghị định 34/2024/NĐ-CP về vận chuyển hàng hóa nguy hiểm

(sav.gov.vn) - Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 34/2024/NĐ-CP quy định Danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và phương tiện thủy nội địa. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/5/2024 và thay thế Nghị định số 42/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020.

Nghị định áp dụng với tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài liên quan đến việc vận chuyển hàng hoá nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và trên đường thủy nội địa trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong các trường hợp: Hàng hóa phục vụ cho yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, địch họa; hàng hóa quá cảnh của các nước, tổ chức quốc tế không ký kết điều ước quốc tế liên quan tới Việt Nam.

Nghị định quy định người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm phải đảm bảo có đủ các điều kiện điều khiển phương tiện và được huấn luyện, cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình huấn luyện an toàn hàng hóa nguy hiểm theo quy định. Người áp tải, người thủ kho, người xếp dỡ hàng hóa nguy hiểm phải được huấn luyện an toàn và cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình huấn luyện an toàn về loại hàng hóa nguy hiểm do mình áp tải, xếp, dỡ hoặc lưu kho.

Các phương tiện vận chuyển phải đủ điều kiện tham gia giao thông và thiết bị chuyên dùng phải bảo đảm tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc theo quy định của Bộ quản lý chuyên ngành. Phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm phải dán biểu trưng hàng hóa nguy hiểm ở các vị trí dễ quan sát. Sau khi dỡ hết hàng hóa nguy hiểm, phương tiện phải được làm sạch và bóc hoặc xóa biểu trưng nguy hiểm.

Về xếp, dỡ hàng hóa nguy hiểm, tổ chức, cá nhân liên quan phải tuân thủ đúng chỉ dẫn về bảo quản, xếp, dỡ, vận chuyển của từng loại hàng hóa. Việc xếp, dỡ phải do người thủ kho, người thuê vận tải hoặc người áp tải trực tiếp hướng dẫn và giám sát. Không được xếp chung các loại hàng hóa có thể tác động lẫn nhau. Đối với loại, nhóm hàng hóa nguy hiểm phải xếp, dỡ, lưu giữ ở nơi riêng biệt.

Khi vận chuyển hàng hóa nguy hiểm là các chất dễ cháy, nổ qua công trình hầm, phà, không được vận chuyển các loại thuốc nổ, khí đốt, xăng, dầu và các chất dễ cháy, nổ trên cùng phương tiện với người (người tham gia giao thông hoặc hành khách).

Nghị định cũng quy định 5 trường hợp được miễn cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm: vận chuyển hàng hóa nguy hiểm là khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và khí thiên nhiên nén (CNG) có tổng khối lượng nhỏ hơn 1.080 kg; vận chuyển hàng hóa nguy hiểm là khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) có tổng khối lượng nhỏ hơn 2.250 kg; vận chuyển hàng hóa nguy hiểm là nhiên liệu lỏng có tổng dung tích nhỏ hơn 1.500 lít; vận chuyển hàng hóa nguy hiểm là hóa chất bảo vệ thực vật có tổng khối lượng nhỏ hơn 1.000 kg; vận chuyển hàng hóa nguy hiểm đối với các hóa chất độc nguy hiểm còn lại trong các loại, nhóm hàng hóa nguy hiểm.

Nghị định cũng quy định 4 trường hợp bị thu hồi Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm: cung cấp bản sao không đúng với bản chính hoặc thông tin sai lệch trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy vận chuyển hàng nguy hiểm; thực hiện việc vận chuyển hàng hóa nguy hiểm không đúng với hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoặc không đúng với Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm đã được cấp; chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật; sử dụng người tham gia vận chuyển hàng hóa nguy hiểm khi chưa được huấn luyện an toàn hàng hóa nguy hiểm theo quy định.

Đồng thời, Nghị định quy định rõ trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa nguy hiểm và hoạt động huấn luyện an toàn hàng hóa nguy hiểm./.

ĐINH TRANG