Nghiệm thu Đề tài: Đánh giá công tác quản lý, sử dụng kinh phí bổ sung có mục tiêu thông qua hoạt động kiểm toán của KTNN
(sav.gov.vn) - Ngày 12/4, Hội đồng khoa học Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã tổ chức nghiệm thu Đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở “Đánh giá công tác quản lý, sử dụng kinh phí bổ sung có mục tiêu thông qua hoạt động kiểm toán của KTNN” do Ths. Nguyễn Đình Tuấn - KTNN khu vực VII và Cử nhân Lê Dương - KTNN khu vực V đồng chủ nhiệm.
TS. Vũ Thanh Hải - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV - làm Chủ tịch Hội đồng.
Theo Ban Đề tài, đối với nhiều tỉnh khó khăn về kinh tế, đặc biệt là các tỉnh miền núi Tây Bắc như Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ... việc ngân sách Trung ương (NSTƯ) bổ sung có mục tiêu cho các địa phương để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), các chính sách liên quan đến an sinh xã hội, đến đầu tư phát triển… là cần thiết.
Tuy nhiên, qua kiểm toán cho thấy quá trình tiếp nhận, điều hành quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí bổ sung có mục tiêu từ trung ương cho các địa phương này phát sinh nhiều vướng mắc cần được đánh giá và cần có kiến nghị của KTNN để hoàn thiện như: Việc thống kê xác định đối tượng thụ hưởng chính sách làm cơ sở xây dựng dự toán ngân sách hằng năm chưa đúng dẫn đến thừa kinh phí vào cuối năm, việc thực hiện chính sách không đúng đối tượng, kính phí còn đến cuối năm chưa kịp thời nộp trả NSTƯ, các CTMTQG chậm giải ngân phải đề xuất chuyển nguồn làm giảm hiệu quả sử dụng NSNN…
Giai đoạn 2016 - 2021, KTNN khu vực VII không thực hiện các cuộc kiểm toán chuyên đề dành riêng cho nguồn kinh phí bổ sung có mục tiêu, các nguồn kinh phí bổ sung có mục tiêu được kiểm toán trong 20 cuộc kiểm toán ngân sách địa phương hằng năm.
Nội dung kiểm toán chủ yếu là kiểm toán việc quản lý, sử dụng các khoản thu, chi ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; việc chấp hành pháp luật, chính sách, chế độ quản lý tài chính, kế toán và chế độ đầu tư xây dựng của Nhà nước.
Qua kiểm toán, KTNN đã phát hiện nhiều tồn tại trong việc quản lý, sử dụng kinh phí bổ sung có mục tiêu và có các kiến nghị tương ứng.
Bên cạnh đó, hằng năm KTNN tổ chức các cuộc kiểm toán chuyên đề về các CTMTQG, tuy nhiên KTNN chưa thực hiện riêng các chuyên đề về kiểm toán kinh phí bổ sung có mục tiêu mà được lồng ghép vào các cuộc kiểm toán ngân sách địa phương...
Với mong muốn nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng kinh phí bổ sung có mục tiêu thông qua hoạt động kiểm toán của KTNN, Ban chủ nhiệm đề tài đã nghiên cứu, phân tích, tổng hợp, hệ thống hóa những kết quả kiểm toán từ các cuộc kiểm toán.
Đồng thời, đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần xây dựng dựng và ban hành, sửa đổi các cơ chế chính sách phù hợp với thực tiễn của việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí bổ sung có mục tiêu.
Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng đánh giá: Ban chủ nhiệm đã biên soạn những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý, sử dụng kinh phí bổ sung có mục tiêu thông qua hoạt động của KTNN theo thực trạng từ hoạt động KTNN.
Tuy nhiên, Ban chủ nhiệm nên phân tích rõ giải pháp và kiến nghị riêng đối với cơ quan trung ương (Quốc hội và các cơ quan có liên quan), đối với tỉnh (HĐND các cấp… ), đối với ngân sách cấp huyện trong việc quản lý, sử dụng kinh phí bổ sung có mục tiêu...
Để Đề tài hoàn thiện hơn, các thành viên Hội đồng đề nghị Ban Đề tài xem xét phân tích thêm các nguyên nhân của những tồn tại, sai sót trong từng khâu của chu trình ngân sách, như: Nhiều trường hợp kinh phí bổ sung từ NSTƯ cho địa phương quá muộn (quý III, IV) dẫn đến không triển khai kịp; các CTMTQG được giao cho nhiều Bộ, cơ quan trung ương làm chủ trì, mỗi Bộ, cơ quan trung ương xây dựng cơ chế quản lý, sử dụng kinh phí chưa nhất quán với nhau nên khó khăn cho địa phương khi thực hiện; việc hướng dẫn lồng ghép các chương trình trên cùng địa bàn chưa rõ ràng, cụ thể khiến địa phương lúng túng dẫn đến đầu tư của các chương trình còn trùng giẫm lẫn nhau; việc đạt được mục tiêu, hiệu quả của các chương trình, dự án…
Ban Đề tài cần cân nhắc, không đề cập đến giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán do đây không phải là mục tiêu của Đề tài.
Ban Đề tài cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến để chỉnh sửa, hoàn thiện Đề tài.