Kiểm toán nhà nước Việt Nam dự Hội nghị về khí hậu của Liên hợp quốc và Tổ chức Quốc tế các Cơ quan Kiểm toán tối cao
(sav.gov.vn) - Từ ngày 16-18/4, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh dẫn đầu Đoàn công tác của Kiểm toán nhà nước (KTNN) Việt Nam dự Hội nghị chuyên đề lần thứ 26 do Liên hợp quốc (UN) và Tổ chức Quốc tế các Cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) tổ chức tại TP. Vienna (Áo).
Hội nghị có chủ đề: “Thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững số 13 - Hành động về khí hậu: Vai trò, đóng góp và kinh nghiệm của các Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI)”.
Hội nghị do Tòa Thẩm kế Áo - Tổng Thư ký INTOSAI, Tòa Thẩm kế liên bang Brazil - Chủ tịch INTOSAI và Lãnh đạo Ủy ban các vấn đề kinh tế và xã hội của Liên Hợp quốc (UNDESA) đồng chủ trì, thu hút sự tham dự của hơn 60 SAI trên thế giới và các cơ quan hữu quan.
Hội nghị chuyên đề là sự kiện được tổ chức định kỳ 2 năm một lần tại TP. Vienna, Áo nhằm tăng cường năng lực cho các SAI thuộc các nước đang phát triển và có nền kinh tế đang chuyển đổi, theo Mục tiêu số 02 của Kế hoạch chiến lược INTOSAI; góp phần phát triển các nghiên cứu và phương pháp luận trong lĩnh vực kiểm toán khu vực công, thông qua trao đổi kinh nghiệm giữa các SAI tham dự.
Ở phạm vi liên khu vực, kể từ năm 1971 đến nay, đã có 25 Hội nghị chuyên đề về kiểm toán Chính phủ được INTOSAI tổ chức dưới sự bảo trợ của UN.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS. Margit Kraker - Chủ tịch Tòa Thẩm kế Áo nhận định: “Biến đổi khí hậu không chỉ là thách thức đối với môi trường sống mà còn đặt ra những nguy cơ nghiêm trọng đối với nền kinh tế, xã hội và chính trị. Chính vì vậy, tất cả các quốc gia trên thế giới đang triển khai các hành động tích cực để đối phó với biến đổi khí hậu như giảm thiểu lượng khí thải, chuyển sang sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, bảo vệ rừng, đất đai và thúc đẩy công nghệ sạch”.
Theo TS. Margit Kraker, trong bối cảnh đó, các SAI đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát và đánh giá các chính sách, biện pháp liên quan đến biến đổi khí hậu, nhằm đảm bảo tính minh bạch, trách nhiệm giải trình của Chính phủ và các tổ chức trong việc thực thi các cam kết về môi trường. Từ đó, đưa ra các kiến nghị, giúp Chính phủ và các tổ chức điều chỉnh chính sách, các biện pháp để ứng phó linh hoạt, hiệu quả hơn đối với tình trạng biến đổi khí hậu.
Với chủ đề liên quan đến việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững số 13 - Hành động về khí hậu, Hội nghị tập trung phân tích tác động của biến đổi khí hậu đối với kiểm toán các tổ chức tài chính, kiểm toán ngành sản xuất lương thực theo Kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu của quốc gia, kiểm toán tác động của biến đổi khí hậu đối với ngành công nghiệp khai thác dầu mỏ và sản xuất nhiên liệu hóa thạch…
Từ đó, Hội nghị khai thác kinh nghiệm kiểm toán tại các quốc gia tiên tiến, có nền kiểm toán hiện đại như Pháp, Anh, Croatia, Madagascar, Trung Quốc, Hà Lan, Bồ Đào Nha…
Hội nghị chuyên đề sẽ được tổ chức thành nhiều phiên họp, xoay quanh 3 tiểu chủ đề, gồm: Kinh nghiệm của SAI trong kiểm toán tác động của biến đổi khí hậu; Chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho kiểm toán hành động về khí hậu; Tăng cường các hành động về khí hậu và tác động của các cuộc kiểm toán biến đổi khí hậu.
Trong những năm gần đây, KTNN Việt Nam rất chú trọng triển khai thực hiện các cuộc kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động, kiểm toán môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu… Đồng thời, lồng ghép các nội dung đó trong Kế hoạch kiểm toán hàng năm của KTNN.
Đây cũng là một trong số các nhiệm vụ trọng tâm đã được KTNN Việt Nam xác định tại Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, ban hành kèm theo Nghị quyết số 999/2020/UBTVQH14 ngày 16/09/2020 về nâng cao chất lượng kiểm toán trong lĩnh vực kiểm toán môi trường, phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu.
Do đó, việc tham dự Hội nghị chuyên đề là cơ hội tốt để KTNN Việt Nam trao đổi, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn với các SAI tiên tiến, có phương pháp kiểm toán hiện đại trong lĩnh vực trên, góp phần trong nỗ lực chung của Chính phủ về ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính nhằm hướng tới mục tiêu phát triển xanh bền vững./.