Ngày 23.4, tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng), Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội phối hợp với Bộ Tài chính và Viện Konrad Adenauer (KAS) Cộng hoà Liên bang Đức tổ chức Hội thảo “Lộ trình rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà và Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng chủ trì Hội thảo.
Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Kho bạc Nhà nước, Bộ Tài chính, Kiểm toán nhà nước, Học viện Tài chính; đại diện lãnh đạo UBND, HĐND, Sở Tài chính TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Cần Thơ, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai…
Chương trình được tổ chức nhằm thực hiện nghị quyết của Quốc hội về nghiên cứu, hoàn thiện lộ trình rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán ngân sách nhà nước.
Còn nhiều tồn tại, hạn chế trong quyết toán NSNN
Theo quy định của Luật NSNN, Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước chậm nhất là 18 tháng sau khi kết thúc năm ngân sách.
Đại diện Kho bạc nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết, những năm qua, Kho bạc Nhà nước đã thực hiện theo các quy định của pháp luật về NSNN về quyết toán NSNN. Số liệu báo cáo quyết toán NSNN hàng năm được tổng hợp từ quyết toán ngân sách của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được HĐND cấp tỉnh phê duyệt và quyết toán ngân sách các bộ, cơ quan Trung ương đã được cơ quan tài chính thẩm định. Đồng thời số liệu quyết toán NSNN được kiểm toán bởi Kiểm toán nhà nước trước khi trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn.
Theo đó, báo cáo quyết toán NSNN là căn cứ quan trọng để cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh công tác xây dựng cơ chế chính sách quản lý, điều hành, sử dụng, kiểm tra, giám sát công tác tài chính, ngân sách được hiệu quả hơn.
Thông qua công tác quyết toán NSNN cho thấy, hàng năm, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp trong tổ chức điều hành NSNN theo dự toán được giao, quản lý chặt chẽ các khoản thu, chi và vay nợ của NSNN; tích cực thực hiện các giải pháp tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN. Nhiệm vụ tài chính, NSNN hàng năm đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm kinh tế vĩ mô, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và các chính sách an sinh xã hội.
Tuy nhiên, công tác quyết toán NSNN hiện vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: thời gian phê chuẩn quyết toán là 18 tháng sau khi kết thúc năm ngân sách là quá dài, không kịp thời cung cấp thông tin về tình hình thực hiện thu, chi NSNN năm trước, làm giảm vai trò, ý nghĩa của công tác quyết toán NSNN đối với công tác xây dựng dự toán và quản lý NSNN, chưa bảo đảm mục tiêu tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách.
Cùng với đó, việc kéo dài thời gian phê chuẩn quyết toán NSNN cũng gây ra nhiều hệ lụy trong quản lý, sử dụng NSNN như: lập dự toán thu NSNN và kế hoạch vốn đầu tư phát triển chưa sát thực tế giao kế hoạch vốn đầu tư công chậm, phải điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn nhiều lần trong năm; vẫn còn tình trạng chi tiêu không đúng chế độ, tiêu chuẩn định mức, không đúng nguồn quy định…) chậm khắc phục khó khăn trong việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, dẫn đến kỷ luật, kỷ cương trong chấp hành quy định pháp luật về quản lý, sử dụng NSNN chưa nghiêm khắc, chậm khắc phục các tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm.
Công tác xét duyệt, thẩm định, tổng hợp, phê chuẩn quyết toán NSNN hàng năm của một số bộ, cơ quan Trung ương, địa phương cũng còn muộn so với thời gian quy định. Theo đó, việc gửi báo cáo quyết toán về Bộ Tài chính để tổng hợp trình các cấp có thẩm quyền cũng bị chậm, muộn so với quy định. Còn xảy ra tình trạng một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương gửi báo cáo quyết toán cho Bộ Tài chính thiếu mẫu biểu quy định, điều chỉnh số liệu nhiều lần trong quá trình thẩm định, tổng hợp quyết toán. Điều đó ảnh hưởng đến thời gian và chất lượng tổng hợp, báo cáo quyết toán NSNN trình các cấp có thẩm quyền.
Sự cần thiết rút ngắn thời gian quyết toán NSNN
Tại hội thảo, các đại biểu và chuyên gia chỉ ra nguyên nhân của những bất cập, hạn chế nêu trên là do: quy trình tổng hợp, lập báo cáo quyết toán NSNN phức tạp, được thực hiện ở nhiều cấp ngân sách và nhiều cấp dự toán; quy định về việc xét duyệt quyết toán NSNN còn phức tạp, chồng chéo, chưa đề cao trách nhiệm của đơn vị trực tiếp sử dụng ngân sách; quy định về thẩm định quyết toán NSNN còn chồng chéo giữa trách nhiệm của đơn vị dự toán cấp trên, đơn vị sử dụng ngân sách và cơ quan tài chính các cấp...
Bên cạnh đó, nguyên nhân còn do mẫu biểu quyết toán NSNN phức tạp, thiếu đồng nhất; việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quyết toán còn hạn chế; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong công tác quyết toán NSNN chưa nghiêm.
Vì vậy, các đại biểu, chuyên gia nhấn mạnh mục tiêu, định hướng rút ngắn thời gian quyết toán NSNN nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng NSNN; tăng cường công tác hậu kiểm (kiểm tra, thanh tra, kiểm toán) đối với quyết toán NSNN.
Các đại biểu, chuyên gia cũng lưu ý, việc rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN ảnh hưởng lớn đến các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, đặc biệt đối với các bộ, cơ quan Trung ương có cơ cấu tổ chức gồm nhiều cấp dự toán, các địa phương có địa bàn rộng, số lượng đơn vị dự toán lớn.
Do đó, để đảm bảo tính khả thi của việc rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN, nhiều ý kiến đề nghị, Chính phủ cần trình Quốc hội các giải pháp, lộ trình thực hiện như: cho phép thực hiện thí điểm công tác quyết toán NSNN theo quy trình rút ngắn tại một số bộ, cơ quan Trung ương và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện thí điểm, Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật NSNN và một số luật có liên quan đến công tác quyết toán NSNN làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai quy trình rút ngắn quyết toán NSNN trên phạm vi cả nước.
Hà Linh