Tập trung chuẩn bị tốt các nội dung cho Kỳ họp
Tại Hội nghị giao ban công tác toàn Ngành tháng 5/2024, Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 5 của Ngành và yêu cầu các đơn vị tập trung tối đa nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ này. Đến nay, toàn Ngành đang tập trung tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2023; kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2022; hoàn thành báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến năm 2023; báo cáo Đoàn giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về các dự án quan trọng quốc gia. Các đơn vị cũng chuẩn bị nội dung, phục vụ công tác báo cáo của Tổng Kiểm toán nhà nước trước Quốc hội.
KTNN đã cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến các kiến nghị của KTNN về cơ chế, chính sách với cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa thực hiện; phát hiện các tồn tại, sự chưa đồng bộ giữa các văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực tài chính, ngân sách thông qua kiểm toán theo yêu cầu của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội. KTNN cũng tích cực triển khai số hóa Báo cáo kiểm toán phục vụ công khai Báo cáo kiểm toán cho Quốc hội. Tính đến ngày 20/4, KTNN đã hoàn thành 100% báo cáo cần số hóa theo kế hoạch.
"Các đơn vị kiểm toán cần chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng kiểm toán. Thủ trưởng các đơn vị cần tiếp tục quán triệt đến công chức, kiểm toán viên về việc thực hiện nghiêm túc các quy định trong hoạt động kiểm toán, đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử của Kiểm toán viên nhà nước." - Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn
Lưu ý việc xây dựng báo cáo chuẩn bị cho Kỳ họp cần chu đáo, khẩn trương song phải thực chất, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cũng yêu cầu các đơn vị có trách nhiệm trao đổi, thống nhất với đơn vị được kiểm toán về các phát hiện được đưa ra trong quá trình kiểm toán, cũng như kịp thời tiếp nhận, trả lời thỏa đáng, đúng quy định đối với kiến nghị của đơn vị được kiểm toán, đảm bảo để đơn vị “tâm phục khẩu phục” với những đánh giá, kết luận kiểm toán và giải đáp của KTNN. “Đến nay, các đơn vị kiểm toán đang rà soát, nghiên cứu và báo cáo hướng giải quyết với các văn bản kiến nghị của đơn vị được kiểm toán” - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Vũ Ngọc Tuấn cho biết.
Theo các đơn vị, KTNN sớm chuẩn bị cho nhiệm vụ phục vụ hoạt động của Quốc hội, cũng như tập trung nguồn lực tốt nhất để thực hiện kiểm toán chương trình, dự án phục vụ công tác giám sát. Điều này được thể hiện qua việc lựa chọn “đúng” và “trúng” các nội dung, đầu mối kiểm toán trong kế hoạch năm 2024. Theo đó, KTNN đã bám sát các định hướng lớn của Đảng, Nhà nước, của Quốc hội, các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm; tăng cường kiểm toán để xác nhận quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm của các Bộ, ngành, địa phương theo định hướng của Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030…
Nâng cao chất lượng kiểm toán gắn với giữ nghiêm đạo đức công vụ
Xác định việc thực hiện có chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán đóng vai trò quan trọng, giúp cung cấp thông tin hữu ích, phục vụ hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, cũng như nâng cao đóng góp của Ngành với đất nước, Tổng Kiểm toán nhà nước đã chỉ đạo các đơn vị tập trung nguồn lực tốt nhất để thực hiện nhiệm vụ này với tinh thần “gọn nhưng chất”. Thực hiện chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước, các đơn vị đã tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ kiểm toán, chú trọng nâng cao chất lượng kiểm toán, gắn với đạo đức công vụ của kiểm toán viên.
Tính đến hết tháng 4/2024, toàn Ngành đã kết thúc toàn bộ các đoàn kiểm toán thuộc Kế hoạch kiểm toán năm 2023, xét duyệt và phát hành 249/250 (99%) báo cáo kiểm toán; đã tổ chức xét duyệt 60 kế hoạch kiểm toán và triển khai 50 đoàn kiểm toán, kết thúc 21 đoàn kiểm toán và xét duyệt 4 dự thảo Báo cáo kiểm toán thuộc kế hoạch năm 2024. Thực hiện chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước, các đoàn kiểm toán đã tập trung đánh giá hiệu lực, hiệu quả cơ chế, chính sách, đặc biệt là chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách có ảnh hưởng rộng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, nhằm phát hiện các bất cập, vướng mắc để kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính công, tài sản công…
Được ví như thước đo đánh giá hiệu quả của hoạt động kiểm toán, thời gian qua, tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán đã có nhiều chuyển biến, với tỷ lệ thực hiện kiến nghị ngày càng được nâng lên. Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ, kết quả này có được là nhờ sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của các cơ quan, địa phương, đặc biệt là các đơn vị trong Ngành với những đổi mới trong hoạt động kiểm toán. “Điều này cho thấy chất lượng kiểm toán đã được nâng lên; các đánh giá, kiến nghị kiểm toán đã được các đơn vị được kiểm toán đồng tình, thực hiện tốt” - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết.
Xác định việc nâng cao chất lượng kiểm toán không thể tách rời với hoạt động kiểm soát, thời gian qua, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán cùng các đơn vị kiểm toán đã chú trọng công tác này; trong đó chú trọng đến hình thức kiểm soát trực tiếp, kiểm soát đột xuất. Cụ thể, theo Vụ trưởng Nguyễn Lương Thuyết, thực hiện kế hoạch kiểm soát năm 2024, Vụ đã thực hiện triển khai thực hiện 1 cuộc kiểm soát trực tiếp; tổng hợp, báo cáo sai sót, hạn chế của đơn vị, đoàn kiểm toán quý I/2024 gửi Thanh tra KTNN theo quy định. Qua kiểm soát cho thấy, các đơn vị đã bám sát hướng dẫn về mục tiêu, trọng yếu và nội dung kiểm toán chủ yếu của Ngành; thực hiện đúng quy định về chế độ báo cáo định kỳ; đồng thời, qua công tác kiểm soát giúp phát hiện và xử lý kịp thời các hạn chế trong thực hiện kiểm toán, hạn chế các trường hợp khiếu nại từ phía đơn vị được kiểm toán./.
Theo Báo Kiểm toán số 19/2024