Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022

(sav.gov.vn) - Chiều 15/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ tham dự Phiên họp.

Tại Phiên họp, Chính phủ và Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã có báo cáo UBTVQH về quyết toán NSNN năm 2022 (trong đó có nội dung báo cáo thực hiện quy định tại khoản 6 Điều 3 của Nghị quyết số 91/2023/QH15 về phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2021; Nghị quyết số 94/2019/QH14 ngày 26/11/2019 của Quốc hội Khóa XIV về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN).

Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo quyết toán NSNN năm 2022, các thành viên UBTVQH đã thảo luận về nội dung này.

Đa số ý kiến đánh giá cao báo cáo của Chính phủ, KTNN và báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội. Các báo cáo được chuẩn bị nghiêm túc, đầy đủ theo các nội dung quy định của Luật NSNN, Luật Quản lý thuế, các nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách cụ thể, rõ ràng, có ý kiến vào từng nội dung thu, chi NSNN, chỉ ra kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong công tác điều hành, quyết toán NSNN.

Các ý kiến cũng cho rằng, năm 2022 mặc dù thực hiện nhiều chính sách miễn giảm thuế, phí nhưng mức tăng thu NSNN năm 2022 vượt khá so với dự toán. Công tác xây dựng dự toán thu thấp là vấn đề tồn tại nhiều năm nhưng chưa được khắc phục, đặt ra yêu cầu cần khẩn trương sửa đổi quy trình lập dự toán NSNN hàng năm và sửa đổi Luật NSNN.

Tuy nhiên, kết quả thu năm 2022 tăng cao cũng phản ánh sự phục hồi của nền kinh tế trong năm 2022, cho thấy các giải pháp kích cầu tiêu dùng tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ phát huy hiệu quả…
 
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn phát biểu ý kiến tại Phiên họp. Ảnh: VPQH

 Tại Phiên họp, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn và đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính đã giải trình, cung cấp thêm một số thông tin làm rõ vấn đề đại biểu quan tâm liên quan đến chênh lệnh số liệu giữa KTNN và Chính phủ.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, UBTVQH cơ bản thống nhất với báo cáo của các cơ quan; đồng thời đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương rút kinh nghiệm về thời gian gửi số liệu quyết toán NSNN. Bộ Tài chính, KTNN, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cần phối hợp chặt chẽ để thống nhất số liệu quyết toán khi báo cáo UBTVQH, trình Quốc hội.

UBTVQH đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong điều kiện tình hình kinh tế chính trị thế giới và khu vực biến động nhanh, phức tạp, khó lường; trong nước nền kinh tế cũng phát sinh nhiều khó khăn, thách thức, phải thực hiện chính sách miễn, giãn, giảm thuế, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân nhưng thu ngân sách vượt cao so với dự toán (vượt 28%), tỷ trọng thu nội địa đạt 79,5% tổng số thu NSNN. Các nhiệm vụ thu chủ yếu đều vượt khá cao so với dự toán.

Chi ngân sách cơ bản bảo đảm nhiệm vụ của Nhà nước; chi thường xuyên bằng 59% tổng chi NSNN; bội chi NSNN thấp hơn dự toán Quốc hội giao. Nợ công trong giới hạn cho phép; kỷ luật thu, chi ngân sách từng bước được cải thiện; công tác quyết toán NSNN có nhiều chuyển biến; thực hiện kiến nghị của KTNN có nhiều tiến bộ.
 
Các đại biểu tham dự Phiên họp. Ảnh: VPQH

Trên cơ sở các báo cáo và các ý kiến tại Phiên họp, UBTVQH đề nghị Chính phủ có giải pháp quyết liệt để xử lý một số hạn chế đã kéo dài nhiều năm trong công tác điều hành, quản lý, sử dụng NSNN như: lập, gửi báo cáo quyết toán chậm, một số địa phương phê chuẩn quyết toán chậm, chưa điều chỉnh theo số liệu của KTNN; ước thực hiện thu chi và lập dự toán không sát kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng đến quản lý, điều hành NSNN; quản lý thu của cơ quan thuế còn bất cập; giải ngân vốn đầu tư công, vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia chậm; còn tình trạng sử dụng sai mục đích nguồn kinh phí; còn những khoản tạm ứng quá hạn, ứng trước dự toán chưa thu hồi…

Đối với các nội dung về số liệu quyết toán thu chi tài chính, UBTVQH đề nghị Ủy ban Tài chính, Ngân sách chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, KTNN rà soát để thống nhất xử lý theo đúng quy định của pháp luật, xác định tính chính xác của số liệu quyết toán.
 
“Không đưa vào quyết toán trình Quốc hội nếu không có căn cứ pháp lý, không đúng quy định; lưu ý rà soát số liệu tăng thu NSNN năm 2022 để xử lý theo đúng quy định” - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu tiếp thu ý kiến của UBTVQH, rà soát báo cáo bổ sung các nội dung, số liệu để hoàn thiện Báo cáo, số liệu quyết toán; xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2022. Trong đó, nêu bật kết quả đạt được, bất cập, hạn chế trong quản lý, sử dụng NSNN, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân vi phạm; đề xuất các giải pháp cụ thể thiết thực để tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quyết toán NSNN, gửi Ủy ban Tài chính, Ngân sách thẩm tra chính thức, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7./.

Nguyễn Hồng