Giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán
Đại biểu Ma Thị Thúy (Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang) cho biết, báo cáo số 599 của KTNN cho thấy, số tiền kiến nghị chưa thu được nguyên nhân thuộc về đơn vị được kiểm toán chiếm tỷ lệ còn cao (59%), kết quả này cho thấy việc chưa thực hiện nghiêm túc kết luận của đơn vị được kiểm toán.
Đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết lý do, nêu rõ trách nhiệm và giải pháp khắc phục của Ngành, đồng thời kiến nghị các giải pháp để nâng cao hiệu quả thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN trong thời gian tới.
Trả lời câu hỏi của Đại biểu, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, hiện nay, việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiến toán đã được các cơ quan hết sức quan tâm, đặc biệt sau khi Quốc hội thực hiện giám sát tối cao với việc thực hiện các pháp lệnh liên quan đến thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí thì tiến độ và ý thức chấp hành trong thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán đã cao hơn.
“Tuy nhiên, hiện nay, theo thống kê của KTNN, vẫn còn hơn 67.000 tỷ đồng liên quan đến kết luận, kiến nghị chưa được triển khai thực hiện. Có 4 nhóm nguyên nhân, trong đó nhóm nguyên nhân thuộc về đơn vị được kiểm toán, chiếm 59,46%, nhóm nguyên nhân thuộc bên thứ ba là 24%, nhóm nguyên nhân khác chiếm 16% và nhóm nguyên nhân của KTNN chiếm 0,4%” - Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn thông tin.
Đối với nhóm nguyên nhân thuộc về các đơn vị được kiểm toán chiếm 59,46%, Tổng Kiểm toán nhà nước đánh giá: Đối với nhóm nguyên nhân này, theo phân tích, lý do thứ nhất thuộc về ý thức trách nhiệm đơn vị chưa tổ chức triển khai, thực hiện. Ngoài ra cũng có nguyên nhân khách quan do đơn vị khó khăn về tài chính, do đơn vị đợi hướng dẫn của cấp trên, thậm chí có những đơn vị được kiến nghị đã giải thể, phá sản nhưng vẫn phải theo dõi.
Về các giải pháp để đẩy nhanh, đẩy mạnh thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã quy định rất rõ do 6 nhóm nguyên nhân: Ý thức trách nhiệm; trình độ, năng lực; đùn đẩy, sợ trách nhiệm; vai trò người đứng đầu và công tác phối hợp.
“Còn vai trò của KTNN chúng tôi, trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục theo dõi, kiểm tra, đôn đốc để làm sao các kết luận, kiến nghị kiểm toán được thực hiện nhanh hơn, tốt hơn” - Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn khẳng định.
Tăng cường kiểm tra, giám sát để đẩy mạnh thực hiện kiến nghị kiểm toán đối với bên thứ ba
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận) nêu câu hỏi: Theo báo cáo của KTNN, một trong những nguyên nhân chưa thực hiện kiến nghị kiểm toán là do bên thứ ba.
Do đó, đại biểu đề nghị Tổng Kiểm toán nhà nước làm rõ bên thứ ba là bên nào, là chủ thể nào. Để giải quyết việc chưa thực hiện các kiến nghị kiểm toán, đại biểu đề nghị cho biết trách nhiệm của đơn vị kiểm toán cũng như giải pháp của KTNN về vấn đề này.
Về vấn đề này, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nêu rõ: Theo quy định tại khoản 1, Điều 1, Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi, nguyên nhân của bên thứ ba chiếm khoảng 24%. Trong đó, nguyên nhân thứ nhất là do chờ phê duyệt của cấp trên, chờ hướng dẫn; nguyên nhân thứ hai là do nhà thầu cố tình chây ỳ hoặc nhà thầu đã giải thể, phá sản, mất tích.
Về giải pháp trong thời gian tới, Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, với trách nhiệm của mình, KTNN sẽ có trách nhiệm đôn đốc, theo dõi, công khai và tăng cường kiểm tra, giám sát. Còn đối với đơn vị được kiểm toán, các đơn vị kịp thời theo dõi và báo cáo ngay những trường hợp trách nhiệm của bên thứ ba trong các cơ quan có liên quan
“Tôi cho rằng, giải pháp căn cơ nhất đấy là chúng ta phải thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã được quy định trong Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội và Chỉ thị số 22/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về triển khai Nghị quyết số 74/2022/QH15” - Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh./.
Xuân Hồng