Hội đồng tư vấn, thẩm định dự thảo Hệ thống Chuẩn mực kiểm toán nhà nước (CMKTNN) họp phiên đầu tiên

(sav.gov.vn) - Ngày 04/6, Hội đồng tư vấn, thẩm định dự thảo Hệ thống Chuẩn mực kiểm toán nhà nước (CMKTNN) họp phiên đầu tiên.

Tại cuộc họp, đại diện Vụ Pháp chế, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã công bố Quyết định thành lập Hội đồng tư vấn, thẩm định dự thảo Hệ thống CMKTNN.

Theo đó, ngày 31/5/2024, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Hệ thống CMKTNN đã ký Quyết định số 1202/QĐ-KTNN về việc thành lập Hội đồng tư vấn, thẩm định dự thảo Hệ thống CMKTNN (Hội đồng).

Hội đồng gồm 19 thành viên. Ông Đặng Văn Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - là Chủ tịch Hội đồng. Thành viên Hội đồng là đại diện các đơn vị tham mưu, một số KTNN chuyên ngành và KTNN khu vực.

 

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Thùy Anh

Bà Đặng Thị Hoàng Liên – Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, thành viên Tổ soạn thảo CMKTNN đã giới thiệu về dự thảo Hệ thống CMKTNN sửa đổi, bổ sung vừa được Ban soạn thảo hoàn thiện.

Theo đó, dự thảo Hệ thống CMKTNN gồm 43 chuẩn mực (thêm 4 chuẩn mực so với Hệ thống Chuẩn mực hiện hành) và danh mục thuật ngữ sử dụng trong Hệ thống CMKTNN.

4 CMKTNN mới được cập nhật, bổ sung theo ISSAI - Hệ thống Chuẩn mực kiểm toán do Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) ban hành năm 2019, gồm: CMKTNN 150 - Năng lực của kiểm toán viên nhà nước; CMKTNN 2710 - Thông tin so sánh - Dữ liệu tương ứng và báo cáo tài chính so sánh; CMKTNN 2720 - Trách nhiệm của kiểm toán viên nhà nước đối với thông tin khác trong tài liệu có báo cáo tài chính đã được kiểm toán và CMKTNN 2810 - Đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính tóm tắt...

Ông Đặng Văn Hải – Chủ tịch Hội đồng cho biết: Thành viên Hội đồng có trách nhiệm thẩm định về chất lượng thẩm định đối với các dự thảo Chuẩn mực KTNN được phân công.

Ông Hải lưu ý, các thành viên Hội đồng cần bám sát Điều 19 Quy chế soạn thảo, thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý của KTNN về nội dung thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, gồm: Sự cần thiết ban hành văn bản; sự phù hợp của nội dung dự thảo văn bản với mục đích, yêu cầu, đối tượng, phạm vi điều chỉnh của văn bản; sự phù hợp của nội dung dự thảo văn bản đối với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất của dự thảo văn bản với hệ thống pháp luật...

Theo kế hoạch, Hội đồng sẽ thẩm định dự thảo Hệ thống CMKTNN trong khoảng 15 ngày làm việc./.

Lưu Hường