Kiểm toán trách nhiệm kinh tế và vai trò của Kiểm toán nhà nước
(sav.gov.vn) - Chiều 24/6, Ban chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ “Kiểm toán trách nhiệm kinh tế và vai trò của Kiểm toán nhà nước” đã tổ chức tọa đàm chuyên môn nhằm thảo luận, tiếp thu ý kiến các chuyên gia để hoàn thiện đề tài.
Đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ “Kiểm toán trách nhiệm kinh tế và vai trò của Kiểm toán nhà nước” do ThS. Phạm Thanh Sơn - Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV và TS. Mai Văn Tân - Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực XIII đồng chủ nhiệm.
Tham dự tọa đàm có TS. Hoàng Văn Lương - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III, TS. Vũ Thanh Hải - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV, ThS. Trần Minh Khương - Kiểm toán trưởng KTNN khu vực XIII, đại diện các KTNN khu vực, chuyên ngành, Vụ Hợp tác quốc tế và Ban chủ nhiệm đề tài.
Khái niệm "kiểm toán trách nhiệm kinh tế (TNKT)" hay còn gọi "kiểm toán trách nhiệm giải trình kinh tế" (economy accountability audit) không còn xa lạ trên thế giới, nhưng chưa thực sự phổ biến tại Việt Nam. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, kiểm toán TNKT đối với cán bộ quản lý là một biện pháp quan trọng, mang tính đột phá nhằm ngăn ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, góp phần bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo đủ đức, đủ tài, phục vụ phát triển đất nước.
Theo ThS. Phạm Thanh Sơn - Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV, thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN Việt Nam đặt mục tiêu đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của các đơn vị, chương trình và dự án, từ đó chỉ ra các tồn tại, hạn chế để kiến nghị hoàn thiện các cơ chế, chính sách còn bất cập; phát hiện kịp thời các sai phạm, hành vi tham nhũng, lãng phí và xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật. Đó chính là một phần của kiểm toán TNKT tại các đơn vị được kiểm toán.
Thông tin về kết quả nghiên cứu, TS. Mai Văn Tân - Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực XIII cho biết, TNKT là nghĩa vụ và trách nhiệm của người lãnh đạo các tổ chức, đơn vị dựa trên vị trí, quyền hạn được trao để thực hiện đúng việc quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản nguồn vốn quốc gia. TNKT thường đi đôi với quyền hạn, nghĩa là quyền quản lý, sử dụng nguồn lực được giao (trong đó có nguồn lực về kinh tế). Quyền hạn càng lớn thì trách nhiệm cũng phải tương xứng.
Tại nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa như Việt Nam, mọi hoạt động tổ chức được thực hiện theo nguyên tắc "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách", nghĩa là trách nhiệm phải gắn liền với cá nhân, mà ở đây là người đứng đầu. Thông qua kết quả kiểm toán do cơ quan KTNN cung cấp, các cơ quan quản lý và kiểm tra cán bộ của Đảng và Nhà nước sẽ có thêm những luận cứ quan trọng và xác đáng khi bổ nhiệm, đề bạt, cách chức hoặc luân chuyển cán bộ.... Việc kiểm tra chính xác TNKT của cán bộ lãnh đạo cũng trở thành một khâu quan trọng của công tác giám sát cán bộ.
Đồng thời, kết quả kiểm toán TNKT sẽ góp phần làm rõ đúng sai, bảo vệ những cán bộ, đảng viên trung thực, liêm khiết, trong sáng trước các hành vi bè phái, cục bộ, mất đoàn kết, kiện cáo không mang tính chất xây dựng. Việc kiểm toán TNKT còn có tác dụng giáo dục, cảnh cáo, răn đe đối với số đông cán bộ. Từ đó, có thể thực hiện được mục đích không chỉ “chống” mà còn “phòng ngừa” trong quá trình tuyển chọn, quản lý, sử dụng cán bộ theo chính sách cán bộ của Đảng và Nhà nước.
Kiểm toán TNKT là biện pháp hữu hiệu đẩy mạnh làm việc theo pháp luật, lãnh đạo đất nước bằng luật pháp. Tăng hiệu quả giám sát việc thực thi quyền lực của cán bộ lãnh đạo, tránh việc cán bộ tắc trách, vượt quyền, lạm dụng quyền lực; thúc đẩy cán bộ lãnh đạo tự giác nâng cao pháp chế và ý thức pháp luật, học hỏi và vận dụng thành công các phương pháp pháp luật để lãnh đạo công tác kinh tế, quản lý xã hội, tiêu chuẩn hoá hành vi hành chính của bản thân, hướng dẫn cán bộ lãnh đạo quản lý và sử dụng quyền hạn đúng cách, đúng thẩm quyền.
Đối tượng kiểm toán TNKT là các trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức, đơn vị công lập trong các hoạt động quản lý, điều hành có liên quan đến việc sử dụng tài chính công, tài sản công (người đứng đầu tổ chức, đơn vị có thể bao gồm cán bộ lãnh đạo quản lý tại các cơ quan đảng, chính quyền và đoàn thể từ trung ương đến địa phương; cán bộ lãnh đạo quản lý tại các DNNN và thậm chí là bên thứ ba có sử dụng, quản lý tài chính công, tài sản công).
Các mục tiêu kiểm toán TNKT bao gồm: Kiểm tra, xác nhận trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chỉ đạo lập, trình bày báo cáo quyết toán, báo cáo tài chính, các thông tin tài chính khác có trung thực, hợp lý hay không; Đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tuân thủ pháp luật, tuân thủ hệ thống kiểm soát nội bộ và các quy định khác có liên quan trong quá trình chỉ đạo, lãnh đạo cơ quan, đơn vị thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; Đánh giá tính kinh tế, tính hiệu lực, tính hiệu quả các chương trình, dự án do người đứng đầu chỉ đạo, lãnh đạo, tổ chức thực hiện; Chỉ ra các sai phạm để kiến nghị với người đứng đầu chấn chỉnh công tác quản lý, điều hành; kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý sai phạm và sửa đổi các cơ chế, chính sách còn bất cập; ngăn ngừa, phòng chống và phát hiện kịp thời hành vi tham nhũng, lãng phí trong công tác quản lý, điều hành để xử lý theo quy định của pháp luật.
Mục tiêu của kiểm toán TNKT cũng là để cung cấp thông tin, số liệu tin cậy cho Đảng, Nhà nước, Quốc hội, HĐND các cấp và các cơ quan có thẩm quyền về việc thực hiện trách nhiệm của cán bộ, công chức quản lý trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, để từ đó làm cơ sở cho công tác bầu cử, lấy phiếu tín nhiệm, quy hoạch nhân sự, thực hiện nhiệm vụ; thực hiện chức năng kiểm tra, điều tra, giám sát quá trình người đứng đầu thực hiện nhiệm vụ.
Theo TS. Hoàng Văn Lương - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III, kiểm toán TNKT là một nội dung khó và KTNN Việt Nam chưa thực hiện kiểm toán riêng nội dung này. Tuy nhiên, trong các cuộc kiểm toán, KTNN đều có những kết luận, kiến nghị về trách nhiệm của tập thể, cá nhân, người đứng đầu các cơ quan, doanh nghiệp liên quan đến những sai phạm mà KTNN chỉ ra. Đồng thời, KTNN đã chủ động phối hợp tốt với các cơ quan trong việc phát hiện, phòng ngừa và xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2011 đến nay, KTNN đã chuyển 40 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định; 02 vụ việc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý. KTNN cũng đã cung cấp 1.950 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến người đứng đầu cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đây đều là những nội dung thuộc phạm vi của kiểm toán TNKT mà KTNN Việt Nam đã và đang thực hiện thời gian qua.
Đồng quan điểm trên, TS. Vũ Thanh Hải - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV nhấn mạnh, kiểm toán TNKT hay kiểm toán trách nhiệm người đứng đầu đã được KTNN Việt Nam thực hiện nhưng có những giới hạn nhất định về quyền hạn, phạm vi, cơ sở pháp lý... Thực tế hiện nay, các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới cũng có những vướng mắc và khó khăn tương tự như vậy khi kiểm toán TNKT, do đó các cơ quan kiểm toán sẽ phải phối hợp, chuyển hồ sơ hoặc cung cấp thông tin để các cơ quan thanh tra, điều tra thực hiện nhiệm vụ chuyên sâu hơn.
Vì vậy, để triển khai kiểm toán TNKT, trước tiên KTNN phải đảm bảo cơ sở pháp lý, tiếp theo đó là phương pháp, hướng dẫn, hồ sơ, mẫu biểu, chuẩn mực kiểm toán phù hợp để triển khai, và lộ trình tổ chức kiểm toán phù hợp theo từng giai đoạn cả về nhân lực, tổ chức, công nghệ, thời gian...
Thay mặt Ban Đề tài, ThS. Phạm Thanh Sơn tiếp thu các ý kiến của các chuyên gia và trao đổi thêm một số nội dung để làm rõ hơn từng vấn đề liên quan đến chủ đề kiểm toán TNKT trước khi hoàn thiện đề tài, trình hội đồng nghiệm thu.
Kiểm toán TNKT giúp đánh giá chính xác cán bộ lãnh đạo có thực hiện đúng chức trách kinh tế của mình hay không, có chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, quy định hiện hành về kinh tế, tài chính của Nhà nước hay không. Kết quả kiểm toán TNKT là căn cứ tham khảo quan trọng để cơ quan quản lý cán bộ tuyển chọn và sử dụng cán bộ một cách đúng đắn, chính xác.