Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung chủ trì họp báo công khai kết quả kiểm toán năm 2023
(sav.gov.vn) - Chiều 02/7, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN), chủ trì cuộc họp báo công bố công khai báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2023 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước (KTNN) năm 2022, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung nhấn mạnh, hoạt động kiểm toán của KTNN đã góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả điều hành, quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công; đóng góp quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm.
Tham dự buổi họp báo có lãnh đạo các đơn vị: Văn phòng KTNN, Vụ Tổng hợp, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, Vụ Pháp chế, Thanh tra KTNN và Kiểm toán trưởng các KTNN chuyên ngành, khu vực…; cùng đại diện các cơ quan báo, đài trung ương và địa phương.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung cho biết, năm 2023, KTNN đã xây dựng Kế hoạch kiểm toán bám sát các định hướng lớn của Đảng, Nhà nước, các vấn đề nóng được dư luận xã hội quan tâm, các vấn đề có rủi ro cao về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; bám sát Chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2021-2030, KTNN đã tăng cường thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN phục vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp phê chuẩn quyết toán NSNN, kiểm toán các chuyên đề phục vụ hoạt động giám sát tối cao và thực hiện theo các Nghị quyết của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo đó, trong năm 2023, KTNN đã tổ chức thực hiện kiểm toán thành công 135 nhiệm vụ với 174 Đoàn kiểm toán và phát hành 248 Báo cáo kiểm toán; trong đó, thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách tại 25 bộ, cơ quan trung ương và 52 địa phương; thực hiện 33 nhiệm vụ kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động, chiếm 26% tổng số nhiệm vụ kiểm toán theo đúng lộ trình thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030; với một số cuộc kiểm toán trọng tâm, có phạm vi kiểm toán nhiều bộ ngành và địa phương.
Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung, được sự quan tâm phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương và đơn vị được kiểm toán, với sự cố gắng nỗ lực của toàn Ngành, KTNN đã hoàn thành các nhiệm vụ năm 2023 và đã gửi Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán đến các đại biểu Quốc hội. Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV vừa qua, Tổng Kiểm toán nhà nước cũng đã trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2022 trước Quốc hội, là cơ sở để đại biểu Quốc hội thảo luận, xem xét phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2022.
Cuộc họp báo được tổ chức trong bối cảnh KTNN đang tích cực chuẩn bị cho chuỗi các hoạt động có ý nghĩa để chào mừng sự kiện quan trọng kỷ niệm 30 năm thành lập ngành KTNN gồm: Hội thảo kỷ niệm 30 năm thành lập KTNN tổ chức vào ngày 03/7; hội thảo Quốc tế “Vai trò của KTNN trong công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí” tổ chức vào ngày 09/7; lễ mít tinh kỷ niệm vào ngày 11/7.
Theo Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (KTNN) Vũ Ngọc Tuấn, tổng hợp kết quả chính từ 248 báo cáo kiểm toán năm 2023, KTNN đã kiến nghị tăng thu giảm chi ngân sách nhà nước (NSNN) 21.346,33 tỷ đồng, kiến nghị khác 28.595,09 tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hoặc hủy bỏ một số nội dung không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn của 198 văn bản. Đồng thời, kết quả kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán năm trước cho thấy 92% kiến nghị tăng thu, giảm chi NSNN đã được thực hiện.
Vụ trưởng Vụ Tổng hợp cũng điểm qua một số kết quả kiểm toán liên quan đến lĩnh vực thu - chi NSNN, quyết toán NSNN… Theo đó, KTNN xác nhận nợ công tính đến 31/12/2022, tổng số nợ công 3.557.668,28 tỷ đồng giảm 1,63% so với năm 2021, bằng 37,26% so với GDP. Các chỉ tiêu nợ công năm 2022 trong giới hạn cho phép của Quốc hội. Nợ công bình quân đầu người là 35,77 triệu đồng/người giảm 0,94 triệu đồng/người so với năm 2021 (năm 2021 là 36,71 triệu đồng/người).
Về quyết toán NSNN, kết quả kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN năm 2022 trình Quốc hội nêu rõ, còn tình trạng HĐND của một số địa phương phê chuẩn quyết toán NSĐP không đúng thời hạn quy định; 23 địa phương được kiểm toán, HĐND phê chuẩn báo cáo quyết toán ngân sách địa phương (NSĐP) nhưng chưa điều chỉnh đầy đủ số liệu theo kiến nghị của KTNN tại các báo cáo kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP, trong đó có 12 địa phương chưa điều chỉnh giảm quyết toán, giảm chi chuyển nguồn NSĐP, giảm kết dư NSĐP để nộp trả ngân sách trung ương (NSTW) số tiền 1.488,036 tỷ đồng.
Kết quả kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP cho thấy, một số địa phương hạch toán chuyển nguồn kinh phí không phù hợp quy định 11.785,98 tỷ đồng (KTNN đã điều chỉnh tương ứng tại báo cáo quyết toán của 39 địa phương, chi tiết tại mục chi chuyển nguồn)…
Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (KTNN) cũng thông tin về kết quả kiểm toán 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; Chuyên đề việc đầu tư mua sắm, ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin, các hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin giai đoạn 2020-2022; Chuyên đề việc quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực khoa học công nghệ giai đoạn 2020-2022; Chuyên đề việc quản lý, sử dụng các quỹ tài chính ngoài ngân sách do địa phương quản lý giai đoạn 2020-2022; Chuyên đề việc quản lý, sử dụng quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam và các địa phương giai đoạn 2020-2022…
Tại họp báo, KTNN cũng công bố công khai kết quả kiểm toán môi trường và kiểm toán các đề án, chuyên đề lớn mà KTNN đã thực hiện trong năm 2023, cũng như kết quả kiểm toán lĩnh vực doanh nghiệp; đặc biệt nêu rõ những phát hiện kiểm toán liên quan đến các tồn tại, hạn chế trong chấp hành, quyết toán NSNN; những bất cập, hạn chế về cơ chế, chính sách…
Qua hoạt động kiểm toán năm 2023, KTNN kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán.
Trong đó, KTNN kiến nghị tăng thu giảm chi NSNN đối với niên độ ngân sách 2022 là 21.344,49 tỷ đồng, kiến nghị khác 28.586,29 tỷ đồng (chưa đủ thủ tục, chưa được quản lý, theo dõi, chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các khoản ngoài ngân sách...).
KTNN kiến nghị rà soát để hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới một số nội dung không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn của 198 văn bản gồm 01 Luật; 08 Nghị định; 05 Quyết định Thủ tướng Chính phủ; 27 Thông tư và 157 văn bản khác.
Đồng thời, kiến nghị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với các khuyết điểm và sai phạm đã nêu trong báo cáo kiểm toán của từng cuộc kiểm toán thực hiện trong năm 2023.
Về kết quả kiểm tra tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán trong năm 2023, ông Vũ Ngọc Tuấn cho biết, liên quan đến kiến nghị tài chính qua kiểm toán năm 2022 (niên độ kiểm toán năm 2021), tính đến 31/12/2023 các đơn vị đã thực hiện kiến nghị xử lý tài chính về tăng thu, giảm chi NSNN 31.719,05 tỷ đồng đạt tỷ lệ 92%; kiến nghị khác 30.566,16 tỷ đồng đạt tỷ lệ 83%.
Ngoài ra, đối với các kiến nghị kiểm toán trước năm 2022, trong năm 2023 các đơn vị được kiểm toán đã tiếp tục thực hiện thêm 10.302,89 tỷ đồng.
Số kiến nghị chưa thực hiện đến 31/12/2023 là 67.513,03 tỷ đồng, trong đó nguyên nhân chưa thực hiện do: Nhóm nguyên nhân thuộc về đơn vị được kiểm toán 39.803,83 tỷ đồng chiếm 59%; Nhóm nguyên nhân thuộc về trách nhiệm của KTNN 283,07 tỷ đồng chiếm 0,4 %; Nhóm nguyên nhân thuộc về bên thứ 3 là 16.591,2 tỷ đồng chiếm 24,6 %; Nhóm nguyên nhân khác 10.834,93 tỷ đồng chiếm 16%.
Về sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, có 98/270 nội dung/văn bản đã được Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của KTNN, các kiến nghị khác các đơn vị đang tiếp tục nghiên cứu sửa đổi theo quy định.
Liên quan đến kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân, có 68/183 Báo cáo kiểm toán có kiến nghị kiểm điểm đã được các đơn vị thực hiện.
Tại cuộc họp, phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương đã đặt rất nhiều câu hỏi cụ thể với đại diện của KTNN liên quan đến kết quả kiểm toán năm 2023, cũng như kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2022.
Cổng Thông tin điện tử KTNN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về buổi họp báo./.