Đồng chí Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và đồng chí Ngô Văn Tuấn - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước chủ trì Hội nghị.
Dự Lễ ký về phía Bộ Quốc phòng còn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Thượng tướng Nguyễn Tân Cương - Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Trịnh Văn Quyết - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Thượng tướng Vũ Hải Sản - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng.
Phía KTNN có các Phó Tổng Kiểm toán nhà nước: Nguyễn Tuấn Anh, Doãn Anh Thơ, Hà Thị Mỹ Dung, Bùi Quốc Dũng cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc KTNN.
Quy chế phối hợp công tác trong hoạt động kiểm toán giữa KTNN và Bộ Quốc phòng được KTNN và Bộ Quốc phòng ký kết lần đầu vào ngày 23/8/2007; lần thứ hai vào ngày 14/7/2021. Đây là các cột mốc quan trọng trong việc xác lập chính thức cơ chế phối hợp công tác giữa KTNN và Bộ Quốc phòng trong hoạt động kiểm toán và đã tạo điều kiện để đưa hoạt động phối hợp giữa hai cơ quan ngày càng chặt chẽ.
Báo cáo tổng kết việc thực hiện Quy chế giai đoạn 2021-2024 cho biết, 2 cơ quan đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trên nhiều mặt.
Cụ thể, trong công tác chuẩn bị kiểm toán: Hằng năm, KTNN đã chủ động gửi văn bản đề nghị Bộ Quốc phòng cung cấp thông tin cần thiết phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch kiểm toán năm thuộc lĩnh vực quốc phòng.
Ngoài việc cung cấp các thông tin có liên quan, cần thiết, Bộ Quốc phòng đã gửi báo cáo quyết toán ngân sách hằng năm cho KTNN để phục vụ cho công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán năm.
Dự thảo kế hoạch kiểm toán năm sau khi xây dựng đã được KTNN gửi Bộ Quốc phòng tham gia ý kiến trước khi Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định, giúp kế hoạch kiểm toán sát với thực tiễn hoạt động của các đơn vị, tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, Cục Tài chính, Bộ Quốc phòng đã thường xuyên trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ; phối hợp kịp thời với KTNN chuyên ngành Ia trong việc cung cấp thông tin, trao đổi nhằm lựa chọn đầu mối kiểm toán phù hợp, tránh chồng chéo giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra. Các đơn vị được lựa chọn kiểm toán, các đơn vị có liên quan trong Bộ Quốc phòng đã cung cấp thông tin, tài liệu cơ bản đầy đủ và kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu thập các thông tin cần thiết phục vụ công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán của KTNN.
Hằng năm, Bộ Quốc phòng đã thực hiện nghiêm túc việc gửi báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Sau khi kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, KTNN đã lập Báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm làm căn cứ để phối hợp theo dõi, đối chiếu và đôn đốc các đơn vị thực hiện...
Trong công tác kiểm toán nội bộ, KTNN đã kịp thời trao đổi các thông tin, tài liệu liên quan đến cách thức, quy trình kiểm toán của KTNN theo đề xuất của Bộ Quốc phòng...
Thông qua kết quả kiểm toán, KTNN đã kiến nghị bổ sung, sửa đổi một số chính sách, chế độ tài chính chưa phù hợp hoặc bất cập so với thực tế. Ngoài ra, KTNN còn tham gia ý kiến đối với các văn bản chế độ, chính sách liên quan đến tài chính công, tài sản công trong lĩnh vực quốc phòng.
Phát huy thành quả phối hợp công tác giai đoạn 2021-2024, Bộ Quốc phòng và KTNN tiếp tục ký kết và triển khai Quy chế phối hợp công tác trong giai đoạn tới.
Theo đó, 2 bên sẽ tiếp tục phối hợp trong việc cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ xây dựng, lập kế hoạch kiểm toán; thực hiện kiểm toán; lập, gửi báo cáo kiểm toán; đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; trao đổi, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán; xây dựng chính sách, chế độ về quản lý tài chính công, tài sản công thuộc lĩnh vực quốc phòng.
Tại Hội nghị, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết: Lễ ký kết giữa KTNN và Bộ Quốc phòng thực sự ý nghĩa đối với KTNN trong bối cảnh toàn Ngành đang hướng tới kỷ niệm 30 năm thành lập.
Nhân dịp này, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Bộ Quốc phòng vì sự đồng hành, ủng hộ KTNN trong suốt thời gian qua. Sau 17 năm ký Quy chế phối hợp, KTNN và Bộ Quốc phòng đã phối hợp chặt chẽ, linh hoạt trong tổ chức hoạt động kiểm toán. Đặc biệt, tỷ lệ thực hiện kết luận, kiến nghị trong lĩnh vực quốc phòng luôn chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng số thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN - Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết.
Tổng Kiểm toán nhà nước mong muốn trong thời gian tới, hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ, xây dựng kế hoạch kiểm toán cụ thể, giúp KTNN thực hiện thành công Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 với tinh thần "gọn nhưng chất lượng".
Để công tác phối hợp giữa hai bên thực sự phát huy hiệu quả, Tổng Kiểm toán nhà nước mong muốn các đơn vị của Bộ Quốc phòng tiếp tục phối hợp, hỗ trợ, cung cấp hồ sơ, tài liệu kịp thời cho kiểm toán viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Phan Văn Giang gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới toàn thể lãnh đạo và đội ngũ công chức, viên chức, người lao động KTNN nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập KTNN.
Bộ trường Phan Văn Giang cũng gửi lời cảm ơn đến KTNN vì sự giúp đỡ, phối hợp hiệu quả trong suốt thời gian qua. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhận định, qua công tác kiểm toán, KTNN cũng đã đưa ra rất nhiều những kiến nghị quan trọng, đóng góp cho sự phát triển của Bộ Quốc phòng.
Công tác phối hợp giữa hai bên suốt 17 năm qua đã đạt được nhiều thành tựu đang ghi nhận. KTNN luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng trên tinh thần tôn trọng và xây dựng, giúp Bộ xác minh rõ độ tin cậy của những thông tin tài chính, đồng thời kiến nghị, tư vấn nhiều vấn đề quan trọng trong công tác quản lý, sử dụng tài chính đảm bảo hiệu quả, thiết thực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.
Trong thời gian tới, để triển khai hiệu quả Quy chế, Bộ trưởng Phan Văn Giang đề nghị 2 bên tiếp tục phát huy kết quả công tác phối hợp; đề xuất điều chỉnh, bổ sung chính sách, chế độ không còn phù hợp; tăng cường trao đổi, đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn… theo hướng minh bạch, đúng hướng, đúng vấn đề.
Bộ trưởng Phan Văn Giang khẳng định việc ký Quy chế là cần thiết để kịp thời chia sẻ thông tin, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành hoạt động tài chính quân đội, góp phần xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại./.
Tin, ảnh: Nguyễn Duyên