Hoàn thiện hệ thống chuyên môn, nghiệp vụ góp phần quan trọng nâng cao chất lượng kiểm toán

(sav.gov.vn) - Tại Hội thảo “Kiểm toán nhà nước - 30 năm xây dựng và phát triển” sáng 03/7, công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống quy định chuyên môn, nghiệp vụ được các thế hệ cán bộ, lãnh đạo của Kiểm toán nhà nước (KTNN) đánh giá đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng kiểm toán, góp phần xây dựng tầm vóc cơ quan KTNN trách nhiệm, uy tín, chuyên nghiệp, hiện đại.

Gian nan xây dựng hệ thống chuyên môn, nghiệp vụ những ngày đầu…

Chia sẻ về khó khăn những ngày đầu thành lập, nguyên Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II Mai Vinh cho biết, sự ra đời của KTNN là một yêu cầu tất yếu trong cơ chế thị trường. “Là một cơ quan không có tiền thân trước đó, nên những ngày đầu khi thực hiện kiểm toán, chúng tôi thiếu mọi thứ. Có thể nói là chưa có gì cả” - ông Mai Vinh nhớ lại.

Ông Vinh cho biết, khó khăn đầu tiên phải kể đến là việc địa vị pháp lý chưa tương xứng với hoạt động của KTNN. Địa vị pháp lý của KTNN lúc đầu chưa được xác lập đầy đủ, mới chỉ “chứa đựng” trong Nghị định 70/CP của Chính phủ, trong khi đó, hoạt động về tài chính ngân sách của quốc gia là vô cùng rộng lớn. Vì vậy, hoạt động của Đoàn kiểm toán gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong công tác phối hợp với các đơn vị được kiểm toán.
 

Nguyên Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II Mai Vinh Chia sẻ về khó khăn những ngày đầu thành lập

Bên cạnh đó, KTNN cũng chưa có cơ chế tổ chức hoạt động, chưa quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn kiểm toán, Trưởng đoàn kiểm toán và kiểm toán viên.

“Như vậy, trong quá trình quản lý, rõ ràng chúng ra rất khó phân công công việc khi chưa có quy định cụ thể. Vấn đề này gây khó khăn cho quá trình thực hiện nhiệm vụ của Đoàn/Tổ kiểm toán, cũng như trong mối quan hệ phối hợp giữa Đoàn kiểm toán với các cơ quan tham mưu, đơn vị kiểm toán và đặc biệt là bên thứ ba” - ông Mai Vinh chỉ rõ.

Nguyên Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II nhấn mạnh, KTNN chưa có một hệ thống quy trình chuẩn mực các hướng dẫn kiểm toán cũng như các mẫu biểu hồ sơ kiểm toán.

“Đơn cử, khi lập Kế hoạch kiểm toán, chúng ta nên làm những việc gì, kiểm tra, soát xét chất lượng kiểm toán như thế nào? thu thập tài liệu kiểm toán, ghi chép của kiểm toán viên ra sao? Tôi nhớ, hoạt động kiểm toán nhà nước lúc đầu còn rất sơ đẳng. Ba Tổ trưởng Tổ kiểm toán, tuy cùng một nội dung nhưng ghi theo 3 cách khác nhau là: Biên bản kiểm toán, Báo cáo kiểm toán, Thông báo kiểm toán. Vấn đề đó, qua nghiên cứu và thực tiễn, chúng ta mới thống nhất” - ông Mai Vinh dẫn chứng.

Mặc khác, nguyên Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II cũng khẳng định: “Hoạt động kiểm toán thời kỳ đầu thiếu thốn lắm, đặc biệt là các trang thiết bị kiểm toán. Chúng tôi đã cố gắng vượt qua những khó khăn, thử thách. Điều tự hào nhất là chúng tôi được đứng vào hàng ngũ thế hệ kiểm toán viên đầu tiên của KTNN”.
 
Nguyên Giám đốc Trung tâm Khoa học và Bồi dưỡng cán bộ - ông Nguyễn Đình Hựu - cho rằng, bản chất của KTNN là bản chất dân chủ


Cùng chia sẻ niềm tự hào đó, nguyên Giám đốc Trung tâm Khoa học và Bồi dưỡng cán bộ - ông Nguyễn Đình Hựu - cho rằng, bản chất của KTNN là bản chất dân chủ. Bởi, hoạt động của KTNN đã góp phần chỉ rõ từng đồng tiền ngân sách đi đâu, về đâu, được sử dụng như thế nào, góp phần công khai, minh bạch nền tài chính quốc gia.

“Những ngày đầu khó khăn là rất nhiều nhưng không là gì so với sức mạnh tập thể. Tất cả chúng tôi đều đứng chung một đội ngũ dưới mái nhà KTNN, làm được điều nhân dân cần, nhân dân đòi hỏi” - ông Nguyễn Đình Hựu tự hào.
 
Ông Hoàng Phú Thọ - Vụ trưởng Vụ Pháp chế - người chủ trì xây dựng Quy chế kiểm soát chất lượng đầu tiên của KTNN

Là người chủ trì xây dựng Quy chế kiểm soát chất lượng đầu tiên của KTNN, ông Hoàng Phú Thọ - Vụ trưởng Vụ Pháp chế - cho biết, cuối năm 2013, trước yêu cầu của Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Hữu Vạn, khi ấy, ông đang là Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán đã triển khai xây dựng quy chế kiểm soát chất lượng kiểm toán với 5 cấp độ kiểm soát từ kiểm toán viên, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, Trưởng đoàn kiểm toán, Kiểm toán trưởng cho đến lãnh đạo KTNN.

Ngày 12/3/2014, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ký Quyết định số 395/QĐ-KTNN ban hành Quy chế kiểm soát chất lượng kiểm toán của KTNN. Tuy nhiên, ông Thọ cho biết, sau khi ban hành, việc thực hiện Quy chế này cũng rất nhiều gian nan. “Mặc dù đã tập huấn rất kỹ toàn Ngành nhưng vẫn có những vướng mắc, những va chạm, có những trường hợp thỏa thuận, thỏa hiệp lẫn nhau” - ông Thọ cho hay.

Song, ông Thọ cũng cho biết, dưới sự chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước, Quy chế này dần nhận được sự đồng thuận trong toàn Ngành. Đặc biệt, Luật sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2019 đã bổ sung Điều 49a quy định về công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán trong Luật.

“Tôi nhận thấy rằng, KTNN đạt được những thành công và uy tín như hôm nay là do tất cả các Tổng Kiểm toán nhà nước đều quan tâm và coi trọng công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán. Đặc biệt hiện nay, Ngành rất chú trọng công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán và đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên, nhất là trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ Ngành, với phương châm hoạt động “Chất lượng, chất lượng hơn và chất lượng hơn nữa” - ông Thọ nhấn mạnh.

Hoàn thiện Hệ thống Chuẩn mực Kiểm toán nhà nước - Nền tảng triết lý về kiểm toán công

Chia sẻ về kỷ niệm trong quá trình xây dựng Hệ thống Chuẩn mực KTNN, ông Đoàn Xuân Tiên - nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước - thông tin, năm 1999, lần đầu tiên, KTNN ban hành hệ thống 14 Chuẩn mực kế toán, kiểm toán nhà nước. Đây là những nguyên tắc, yêu cầu cơ bản nhất để tổ chức hoạt động kiểm toán. Năm 2010, KTNN sửa đổi, bổ sung thành 21 Chuẩn mực KTNN, gồm 3 hệ chuẩn mực: Chuẩn mực chung, chuẩn mực về thực hành, chuẩn mực về báo cáo.
 
Ông Đoàn Xuân Tiên - nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước - chia sẻ về kỷ niệm trong quá trình xây dựng Hệ thống Chuẩn mực KTNN

Năm 2013, trên cơ sở hoạt động hợp tác quốc tế của KTNN Việt Nam được mở rộng, KTNN bắt đầu tiến hành xây dựng, sửa đổi hệ thống Chuẩn mực KTNN lần thứ 3. Đến năm 2016, 39 chuẩn mực KTNN mới đã được ban hành, đã tiếp cận Chuẩn mực quốc tế ISSAIs, chọn lọc những nội dung cốt lõi của quốc tế nhưng vẫn phù hợp với cơ chế chính sách, pháp luật và thực tiễn của Việt Nam.

“Tôi cho rằng, Hệ thống 39 chuẩn mực này đã tạo điều kiện rất quan trọng về cơ sở pháp lý, tính chuyên nghiệp trong hoạt động kiểm toán và đặc biệt đảm bảo cho nền tảng triết lý về kiểm toán công” - ông Đoàn Xuân Tiên nhấn mạnh.
 
Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, Tổ trưởng Tổ soạn thảo sửa đổi, bổ sung Hệ thống Chuẩn mực KTNN - ông Nguyễn Lương Thuyết - chia sẻ về việc sửa đổi, bổ sung Hệ thống Chuẩn mực KTNN

Về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, Tổ trưởng Tổ soạn thảo sửa đổi, bổ sung Hệ thống Chuẩn mực KTNN - ông Nguyễn Lương Thuyết - cho hay, thực hiện chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước, Tổ soạn thảo đã rà soát kế thừa các nội dung của hệ thống 39 chuẩn mực cũ; đồng thời nghiên cứu tiếp thu Hệ thống Chuẩn mực của INTOSAI để sửa đổi, bổ sung, lược bỏ những nội dung không còn phù hợp.

Theo ông Thuyết, trong nhóm 27 chuẩn mực trong hệ thống INTOSAIs không thay đổi, KTNN đã rà soát, sửa đổi khoảng 26% nội dung. Đối với 12 chuẩn mực mà INTOSAI sửa đổi nhiều, KTNN ước tính, nội dung phải sửa đổi, bổ sung khoảng 56%. Ngoài ra, có 4 chuẩn mực được xây dựng mới hoàn toàn.
 
“Chúng tôi kỳ vọng, Hệ thống Chuẩn mực KTNN mới sẽ bao quát được tất cả các hoạt động của KTNN, phù hợp với môi trường phát triển công nghệ thông tin, đặc biệt là đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu trong môi trường công nghệ thông tin; đồng thời thích ứng với điều kiện môi trường, cơ chế và thực tiễn hoạt động của KTNN thời gian tới” - ông Thuyết kỳ vọng.
 
Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VII - thông tin về việc áp dụng phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán

Trao đổi thêm về việc áp dụng phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán, ông Ngô Minh Kiểm - Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VII - thông tin thêm, việc áp dụng phương pháp này phù hợp với thông lệ, chuẩn mực kiểm toán quốc tế và cần thiết cho thực tiễn hoạt động kiểm toán của KTNN.

Trong quá trình xây dựng phương pháp tiếp cận này, KTNN đã thực hiện khảo sát tại các công ty kiểm toán thuộc nhóm Big 4, đồng thời nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của các cơ quan kiểm toán độc lập cũng như các cơ quan kiểm toán tối cao quốc tế.

“May mắn, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ dài hạn của Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao khu vực Đông Nam Á - ASEANSAI về thực hiện Hệ thống các Chuẩn mực kiểm toán của các Cơ quan kiểm toán tối cao - ISSAI (LTAPII). Trên cơ sở đó, chúng tôi đã xây dựng được Hướng dẫn về phương pháp tiếp cận kiểm toán trọng yếu rủi ro” - ông Kiểm phát biểu.

Thời gian tới, ông Kiểm nhấn mạnh, KTNN cần sửa đổi Hệ thống Chuẩn mực KTNN, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng về tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu. Đặc biệt, KTNN cần đưa nội dung này vào từng kỳ kiểm tra, sát hạch nhằm đảm bảo được việc áp dụng phương pháp này ngày một tốt hơn./.

Bài: Xuân Hồng - Minh Thúy
Ảnh: Nguyễn Lộc