Hội thảo quốc tế “Vai trò của các cơ quan kiểm toán tối cao trong phòng chống tham nhũng, tăng cường tính minh bạch, liêm chính công và quản trị tốt” thành công tốt đẹp
(sav.gov.vn) - Đây là khẳng định của Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn khi phát biểu bế mạc Hội thảo quốc tế “Vai trò của các cơ quan kiểm toán tối cao trong phòng chống tham nhũng, tăng cường tính minh bạch, liêm chính công và quản trị tốt” do Kiểm toán nhà nước (KTNN) Việt Nam tổ chức sáng nay (09/7).
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Đức Hải - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội đã có bài phát biểu chào mừng; ông Ngô Văn Tuấn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam đã có bài phát biểu khai mạc.
Tiếp đó, Hội nghị đã nghe phần trình bày tham luận của 04 cơ quan: Bà Tsakani Maluleke - Tổng Kiểm toán, Cơ quan Tổng Kiểm toán Nam Phi; ông Benedikt Hofmann - Phó Trưởng Đại diện của Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) Khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương; ông Hendra Susanto - Phó Chủ tịch, Ủy ban Kiểm toán Indonesia; ông Doãn Anh Thơ - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam.
Các diễn giả đã trình bày tham luận về cách thức nhận diện tham nhũng trong bối cảnh mới; vai trò và những đóng góp của SAI trong phòng, chống tham nhũng; sự phối hợp giữa các SAI thành viên trong việc thực hiện công tác phòng chống tham nhũng, góp phần tăng cường tính minh bạch, liêm chính công và quản trị tốt cũng như những thách thức, giải pháp, khuyến nghị trong công tác phòng chống tham nhũng.
Để làm rõ hơn về một số nội dung của Hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm của các SAI quốc tế về đảm bảo tính độc lập của cơ quan kiểm toán tối cao nhằm phát huy vai trò kiểm toán nhà nước trong phòng, chống tham nhũng; về kiểm toán điều tra và phương pháp; giá trị pháp lý và tính hiệu lực của kiến nghị kiểm toán; quy trình kiểm toán để nâng cao hiệu quả, hiệu lực phòng, chống tham nhũng, Hội nghị đã nghe phần thảo luận bàn tròn đến từ Cơ quan Tổng Kiểm toán Nam Phi, Tòa thẩm kế Pháp, Tòa thẩm kế liên bang Brazil, Cơ quan Kiểm toán quốc gia Úc, Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) Khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương, Ủy ban Kiểm toán Indonesia dưới sự điều phối của ông Lê Hoài Nam - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp và bà Lăng Trịnh Mai Hương - Phó Vụ trưởng vụ Hợp tác quốc tế của KTNN Việt Nam.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh: Sau một buổi sáng làm việc trong không khí trang nghiêm, thảo luận sôi nổi, Hội thảo quốc tế “Vai trò của KTNN trong phòng, chống tham nhũng, góp phần tăng cường tính minh bạch, liêm chính công và quản trị tốt” do KTNN Việt Nam tổ chức đã hoàn thành tốt đẹp chương trình đề ra.
“Thay mặt KTNN Việt Nam, tôi trân trọng cảm ơn các quý vị đại biểu, các bạn đồng nghiệp quốc tế đã tham dự và đóng góp nhiều ý kiến, kinh nghiệm quý báu, mang đến thành công cho Hội thảo quốc tế hôm nay” - Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn bày tỏ.
Theo Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn, thông qua các bài viết đăng trong kỷ yếu, các bài tham luận đã trình bày cũng như ý kiến thảo luận trực tiếp tại hội trường, chúng ta đã thống nhất nhận thức và khẳng định vai trò và sự cần thiết phải phòng chống tham nhũng; vai trò của các Cơ quan kiểm toán tối cao trong phòng chống tham nhũng, đặc biệt là việc nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công, thúc đẩy sự minh bạch và trách nhiệm giải trình, từ đó góp phần phòng chống tham nhũng. Việc thực hiện trách nhiệm của các SAI còn phụ thuộc vào mỗi quốc gia về khuôn khổ pháp lý, nguồn lực để SAI có thể thực hiện kỹ hơn, hiệu quả hơn công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đơn cử, SAI Indonesia đã thực hiện rất hiệu quả việc kiểm toán điều tra.
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho hay, Hội thảo đã đề xuất, kiến nghị các giải pháp để nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng của Cơ quan kiểm toán tối cao, qua đó góp phần quan trọng nâng cao tính công khai, minh bạch, liêm chính công và quản trị tốt trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Đó là:
Một là, nâng cao nhận thức và sự ghi nhận của công chúng về vai trò của Cơ quan kiểm toán tối cao đối với phòng, chống tham nhũng trong việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Hai là, đảm bảo trong Hiến pháp và hệ thống pháp luật vị thế và tính độc lập của Cơ quan kiểm toán tối cao trong thực hiện nhiệm vụ.
Ba là, tăng cường quan hệ với nghị viện và các cơ quan chống tham nhũng thông qua chia sẻ thông tin, xây dựng chương trình công tác chung; tổ chức hội thảo, hội nghị chung để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cũng như kết quả kiểm toán, đặc biệt là chia sẻ kết quả đã thực hiện được trong quá trình kiểm toán điều tra.
Bốn là, tăng cường quan hệ quốc tế, chia sẻ tri thức, kinh nghiệm và các phương pháp kiểm toán mới để không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm toán, góp phần phòng, chống tham nhũng.
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn khẳng định, trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, KTNN Việt Nam ngày càng khẳng định là cơ quan hữu hiệu của Nhà nước Việt Nam trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công và góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
“So với các SAI, KTNN Việt Nam còn rất non trẻ. 30 năm không phải dài nhưng KTNN Việt Nam có được kết quả như vậy, bên cạnh sự quan tâm, lãnh đạo của các cấp, sự cố gắng của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của KTNN không thể thiếu sự hỗ trợ của các SAI, đặc biệt là INTOSAI, ASOSAI và ASEANSAI” - Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn bày tỏ, đồng thời nhấn mạnh: “Thời gian tới, để giúp KTNN Việt Nam ngày càng lớn mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ, chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ từ các đồng nghiệp, từ các SAI, các tổ chức quốc tế. Tôi xin cảm ơn và đánh giá cao sự hợp tác của các bạn”./.