Ngày mai (11/7) diễn ra Lễ Kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Kiểm toán nhà nước
(sav.gov.vn) - Sáng mai (11/7), tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Hà Nội, Kiểm toán nhà nước sẽ long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Kiểm toán nhà nước (11/7/1994-11/7/2024).
Dự kiến, sự kiện có sự tham dự và phát biểu chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cùng đông đảo các khách mời trong nước và quốc tế; các thế hệ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Kiểm toán nhà nước (KTNN) và các công chức, viên chức, người lao động của KTNN.
Tại Lễ Kỷ niệm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn sẽ có bài Diễn văn kỷ niệm 30 năm thành lập KTNN.
Lễ Kỷ niệm 30 năm thành lập KTNN là dịp để các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động KTNN cùng nhìn lại những mốc son lịch sử, ôn lại truyền thống vẻ vang của KTNN, để thế hệ hôm nay tiếp tục vững bước phấn đấu, đưa KTNN ngày một phát triển trên chặng đường sắp tới.
Cùng với các tiết mục văn nghệ chào mừng, bộ Phim tài liệu “30 năm vì nền tài chính quốc gia minh bạch, bền vững” sẽ được trình chiếu trong khuôn khổ buổi Lễ.
Theo chương trình, sau các ý kiến phát biểu của đại diện các thế hệ nguyên lãnh đạo KTNN, đại diện Tổ chức Đoàn thể của KTNN và của các khách mời quốc tế… sẽ là nghi lễ trao tặng các danh hiệu khen thưởng cấp Nhà nước cho KTNN. Đặc biệt, KTNN vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất nhằm ghi nhận và biểu dương những thành tích xuất sắc, những đóng góp lớn lao của KTNN đối với đất nước trong suốt những năm qua.
Đây cũng là dịp để các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Nhân dân, cùng các đại biểu trong nước và quốc tế gửi những lời chúc mừng tốt đẹp, đặc biệt là gửi gắm những niềm tin và kỳ vọng vào sự phát triển của KTNN trong tương lai để đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước.
Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, khởi đầu từ một cơ quan chưa có tổ chức tiền thân, KTNN được thành lập theo Nghị định số 70/CP ngày 11/7/1994 của Chính phủ. Năm 2005, Luật KTNN được ban hành đã thay đổi vị thế mới từ cơ quan thuộc Chính phủ sang cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Đặc biệt, ngày 28/11/2013, Quốc hội khóa XIII thông qua Hiến pháp năm 2013, trong đó đã bổ sung địa vị pháp lý của KTNN (Điều 118). Đây là một mốc lịch sử trong tiến trình xây dựng và phát triển KTNN, nâng tầm từ cơ quan do “luật định” thành “hiến định”, nâng cao vị thế, vai trò, trách nhiệm của KTNN trong kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Luật KTNN năm 2015, được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2019 đã cụ thể hóa quy định tại Điều 118 Hiến pháp năm 2013. Đây là văn bản pháp lý quan trọng, bảo đảm thiết chế KTNN có đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; góp phần thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, tiêu cực.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cũng không ngừng đổi mới cả về nội dung và hình thức, đào tạo theo hướng gắn với thực tiễn và sẵn sàng thích nghi với môi trường công nghệ kiểm toán hiện đại theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế.
Những năm qua, KTNN cũng rất chú trọng thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế theo hướng ngày càng mở rộng về phạm vi và tăng cường về chiều sâu. Đến nay, KTNN đã mở rộng, thúc đẩy quan hệ hợp tác với hơn 50 cơ quan KTNN các nước và các tổ chức quốc tế trên thế giới và khu vực; đã ký kết 29 Thỏa thuận quốc tế với các cơ quan SAI và các tổ chức quốc tế; một số Thỏa thuận quốc tế đã đi vào các nội dung cụ thể, thực chất, tập trung vào chương trình, dự án mà các bên cùng quan tâm.
Trong hợp tác đa phương, KTNN đã chủ động, tích cực hội nhập sâu và tham gia thực chất hơn vào các hoạt động của các tổ chức INTOSAI, ASEANSAI và đặc biệt trong khuôn khổ ASOSAI. Trên mỗi cương vị, KTNN luôn phát huy tốt vai trò của mình, qua đó nâng cao hình ảnh và khẳng định vị thế của KTNN Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Ngoài ra, KTNN đã thiết lập và mở rộng mối quan hệ với nhà tài trợ có uy tín, trách nhiệm nhằm thu hút nguồn lực phục vụ mục tiêu chung phát triển KTNN.
Hoạt động nghiên cứu khoa học của KTNN được tập trung chuyên sâu các lĩnh vực kiểm toán mới, như: kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề, kiểm toán trong môi trường công nghệ thông tin... Kết quả nghiên cứu đã góp phần tích cực vào việc xây dựng khuôn khổ pháp lý cho tổ chức, hoạt động, kế hoạch và chiến lược phát triển của Ngành; xây dựng quy trình, chuẩn mực, phương pháp, nghiệp vụ kiểm toán...
Đáng chú ý, KTNN xác định rõ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) là công cụ hỗ trợ đắc lực trong việc hiện đại hoá mọi mặt hoạt động của KTNN. Trong thời gian qua, KTNN đã chủ động, tích cực đẩy mạnh phát triển ứng dụng CNTT vào hoạt động của KTNN và đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành và hoạt động kiểm toán.
KTNN đã kịp thời ban hành Kế hoạch ứng dụng CNTT trung hạn (05 năm) và Kế hoạch ứng dụng CNTT hàng năm. Các Chương trình, Kế hoạch ứng dụng CNTT đã bám sát chủ trương, định hướng chung của Đảng, Chính phủ về phát triển CNTT và nhu cầu của Ngành. Đặc biệt là Chiến lược phát triển và Kiến trúc tổng thể CNTT của KTNN giai đoạn 2019-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 về phát triển công nghệ thông tin và công nghệ cao - đây là những Chương trình, Kế hoạch quan trọng nhằm định hướng cho việc phát triển, ứng dụng CNTT của KTNN trong giai đoạn tới, giúp cho KTNN thích ứng với sự thay đổi của Cách mạng công nghệ 4.0 trong quá trình chuyển đổi số…
Với những nỗ lực không ngừng, KTNN đã đạt được những thành tựu đáng tự hào, trở thành công cụ quan trọng của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Tổng hợp kết quả kiểm toán từ khi thành lập đến nay, KTNN đã thực hiện khoảng 3.600 cuộc kiểm toán, phát hiện và kiến nghị trên 740.000 tỷ đồng, trong đó tăng thu, giảm chi NSNN chiếm tỷ trọng trên 40%; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 2.200 văn bản có nội dung sai quy định hoặc không phù hợp; kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với nhiều tập thể, cá nhân có sai phạm. Kiến nghị kiểm toán cơ bản đã được các đơn vị thực hiện kịp thời, trong đó về xử lý tài chính được các đơn vị thực hiện khoảng 75% trong năm liền kề và tiếp tục được thực hiện trong các năm tiếp theo (lũy kế sau 05 năm, bình quân kết quả thực hiện đạt trên 90%).
Góp phần tích cực vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, KTNN đã chuyển 40 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định; 02 vụ việc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý; cung cấp gần 2.000 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu cho cơ quan có liên quan để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát…
Có thể thấy, trong suốt quá trình 30 năm xây dựng và trưởng thành, với phương châm “Chuyên nghiệp - Liêm chính - Hội nhập”, KTNN luôn hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao phó; luôn đổi mới, sáng tạo để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực kiểm toán; góp phần quan trọng vào sự minh bạch, phát triển bền vững nền tài chính quốc gia; nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đất nước và phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đóng góp tích cực vào thành tựu của công cuộc đổi mới, hoàn hiện thể chế của đất nước.
Trên bước đường hướng tới, KTNN đang tiếp tục phấn đấu phát triển thành công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; nâng cao trách nhiệm giải trình và đảm bảo tính công khai, minh bạch của các cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước, phục vụ hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Chính phủ trong thực hiện chức năng lập pháp, giám sát, quản lý điều hành và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước./.