(sav.gov.vn) - Ngày 4/9/2024, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đã ký ban hành kế hoạch số 1080/KH-KTNN thực hiện Phong trào thi đua chào mừng “Kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam” giai đoạn 2024-2026 nhằm hưởng Phong trào thi đua chào mừng “Kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam” giai đoạn 2024-2026 do của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) phát động tại Kế hoạch số 789/KH-UBTVQH15 ngày 17/4/2024.
Phong trào thi đua được Kiểm toán nhà nước (KTNN) thực hiện nhằm tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) người lao động KTNN về ý nghĩa quan trọng của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam, tạo ra một bước ngoặt quan trọng - Thời kỳ đất nước ta có Quốc hội, Chính phủ, Hiến pháp tiến bộ, hội nhập và một hệ thống chính quyền đại diện cho Nhân dân Việt Nam về đối nội, đối ngoại; khơi dậy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết dân tộc, tạo động lực mới nhằm thực hiện thắng lợi toàn diện nhiệm vụ của KTNN góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; cổ vũ, động viên toàn thể các đơn vị và CBCCVC, người lao động KTNN tiếp tục nỗ lực, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, lập thành tích xuất sắc trong lao động, học tập và công tác, đặc biệt là trong hoạt động kiểm toán, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả và sự thành công của Quốc hội khóa XV, thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, KTNN thi đua đổi mới mạnh mẽ tư duy, phương thức hoạt động, khắc phục khó khăn, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ được giao, góp phần cùng Quốc hội thực hiện kế hoạch lập pháp tổng thể mang tính định hướng của cả nhiệm kỳ; thông qua hoạt động kiểm toán cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác kết quả kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công góp phần nâng cao tính thiết thực, hiệu quả, hiệu lực hoạt động giám sát, quyết định đúng, trúng các vấn đề quan trọng của Quốc gia nhằm khơi dậy mọi tiềm năng, nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.
Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị toàn Ngành tập trung thực hiện một số nội dung, tiêu chí thi đua trọng tâm sau:
1. Tập trung nâng cao chất lượng Báo cáo kiểm toán, nhất là chất lượng các kiến nghị về hoàn thiện cơ chế chính sách. Nâng cao hiệu lực thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN. Đổi mới phương thức theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN để đảm bảo kết luận, kiến nghị kiểm toán được thực hiện nhanh nhất, hiệu quả nhất.
2. Đẩy mạnh số hóa Báo cáo kiểm toán để kịp thời công khai kết quả kiểm toán, cung cấp tới Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội theo hình thức điện tử, giúp Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội có thêm cơ sở đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, giá trị trong thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và Nhân dân.
3. Xây dựng kế hoạch kiểm toán trung hạn và kế hoạch kiểm toán hằng năm khoa học, lựa chọn các chủ đề kiểm toán đúng, trúng được dư luận xã hội quan tâm, những vấn đề dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, bám sát Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, đáp ứng yêu cầu giám sát của Quốc hội, UBTVQH và các cơ quan của Quốc hội, cung cấp thông tin kết quả kiểm toán chất lượng, kịp thời đáp ứng hoạt động xây dựng Luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội.
4. Tiếp tục thi đua thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán theo Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị, nâng cao hơn nữa chất lượng kiến nghị kiểm toán góp phần kiểm soát hữu hiệu quyền lực trong công tác quản lý các nguồn lực của đất nước, phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, góp phần xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 28/11/2022 của Ban Chấp hành trung ương và Kế hoạch số 11-KH/TW22 ngày 28/11/2022 của Bộ chính trị về thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
5. Tiếp tục thi đua thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý theo hướng tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho tổ chức và hoạt động của KTNN để thực hiện có chất lượng, hiệu quả Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện triển khai Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (được bổ sung bởi Kế hoạch số 734/KH-UBTVQH15 ngày 22/01/2024); Nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, 2025,… trọng tâm là: Tiếp tục rà soát, đề xuất hướng xử lý bất cập, vướng mắc trong Luật KTNN và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN; Rà soát sửa đổi các quy định, quy trình kiểm toán, Hệ thống mẫu biểu, hồ sơ kiểm toán đảm bảo gọn, chất lượng, giảm thiểu thủ tục hành chính song vẫn đáp ứng tốt yêu cầu quản lý; Nâng cao chất lượng xây dựng các đề cương hướng dẫn kiểm toán đối với lĩnh vực kiểm toán mới để triển khai thống nhất trong toàn Ngành nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm toán...
6. Tăng cường kiểm toán đánh giá cơ chế, chính sách, thông qua hoạt động kiểm toán kiến nghị hoàn thiện cơ chế chính sách góp phần cùng với Quốc hội nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, hướng tới hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, mở đường cho đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán.
7. Tiếp tục thi đua đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; duy trì, thực hiện tốt, đầy đủ theo quy định của pháp luật về việc tiếp công dân định kỳ của Lãnh đạo KTNN; thực hiện tốt công tác phân loại đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; nâng cao chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là giải quyết lần đầu; thực hiện đúng quy định của pháp luật về thời hạn, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo; quan tâm đúng mức đến việc tiếp, đối thoại, lắng nghe ý kiến của công dân nói chung và của CBCCVC, người lao động KTNN nói riêng theo đúng Chỉ thị số 35/CT-TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và Nghị quyết số 623/NQ-UBTVQH15 ngày 07/10/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
8. Thi đua phối hợp có hiệu quả với Quốc hội, UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội trong các hoạt động và chuỗi sự kiện Kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên góp phần cùng cả nước thực hiện thành công Đề án tổ chức Kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 - 06/01/2026).
Theo Kế hoạch, tập thể và cá nhân chủ trì hoặc phối hợp, tham gia tích cực trong công tác xây dựng, thực hiện có chất lượng, hiệu quả Kế hoạch kiểm toán trung hạn và kế hoạch kiểm toán hằng năm của đơn vị, của KTNN được Tổng Kiểm toán nhà nước đánh giá cao, trong đó kết quả kiểm toán có kiến nghị hữu ích và nổi bật đủ điều kiện được Thủ trưởng đơn vị tặng giấy khen; Tổng Kiểm toán nhà nước tặng bằng khen; Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen theo quy định của pháp luật.
Cụ thể:
Hoàn thiện thể chế, luật pháp, cơ chế, chính sách, nhằm khắc phục, hoàn thiện, bịt lỗ hổng thất thoát, lãng phí, tiêu cực từ cơ chế, chính sách, góp phần kiểm soát quyền lực trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách.
Chấn chỉnh công tác quản lý và xử lý tài chính đối với những sai phạm để nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, đặc biệt là trong khai thác, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, các hoạt động xây dựng, đầu tư, đấu thầu các dự án lớn, trọng điểm quốc gia..., góp phần kiểm soát quyền lực, phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi lãng phí, tham nhũng và tiêu cực vì mục tiêu xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Chủ trì hoặc phối hợp, tham gia tích cực trong công tác xây dựng và thực hiện có hiệu quả, bảo đảm chất lượng, tiến độ (được Tổng Kiểm toán nhà nước và toàn Ngành ghi nhận, đánh giá cao) Kế hoạch rà soát, sửa đổi Luật KTNN và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN; Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý hàng năm của KTNN nhất là rà soát sửa đổi, bổ sung Hệ thống Chuẩn mực KTNN, Hệ thống mẫu biểu, hồ sơ kiểm toán; Quy trình, Quy chế của Ngành; Đề cương hướng dẫn kiểm toán đối với lĩnh vực kiểm toán mới để triển khai thống nhất trong toàn Ngành.
Chủ trì hoặc phối hợp, tham gia tích cực số hóa Báo cáo kiểm toán bảo đảm chất lượng, đầy đủ, đúng tiến độ theo quy định, kịp thời cập nhật lên phần mềm và công khai kết quả kiểm toán góp phần thực hiện nghiêm kết luận, kiến nghị kiểm toán; đồng thời giúp các đại biểu Quốc hội có thêm cơ sở đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, giá trị trong thực hiện nhiệm vụ.
Phối hợp thực hiện tích cực, có hiệu quả hoạt động giám sát, chất vấn, giải trình và các kết luận, kiến nghị có liên quan trước và sau hoạt động giám sát, chất vấn, giải trình của Quốc hội, UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và được Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền liên quan đánh giá cao.
Chủ trì hoặc phối hợp, tham gia tích cực trong tổ chức, thực hiện hiệu quả công tác thông tin, tuyền truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Phối hợp tích cực, có hiệu quả với Quốc hội, UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội trong các hoạt động và chuỗi sự kiện Kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên.
Tổng Kiểm toán nhà nươc yêu cầu các đơn vị trực thuộc KTNN xây dựng và ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua với nội dung, tiêu chí cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao và gửi về Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng KTNN (qua Ban Thi đua - Khen thưởng, Văn phòng KTNN) để theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Phong trào thi đua; Cổng Thông tin điện tử KTNN, Báo Kiểm toán nhà nước, Tạp chí Nghiên cứu khoa học kiểm toán tuyên truyền về Phong trào thi đua chào mừng “Kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam” (06/01/1946 - 06/01/2026) gắn với các phong trào thi đua khác, gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến, tạo động lực và sức lan tỏa sâu, rộng trong công tác hưởng ứng, thực hiện Phong trào thi đua./.
Trương Hường