Đào tạo kiểm toán trách nhiệm kinh tế

(sav.gov.vn) - Thực hiện kế hoạch đào tạo năm 2024 của Kiểm toán nhà nước (KTNN) sáng 24/9, tại Hà Nội, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán tổ chức Lễ khai giảng khóa đào tạo Kiểm toán trách nhiệm kinh tế. 40 học viên là các chuyên viên, kiểm toán viên, kiểm toán viên chính tham dự khóa đào tạo.

Tham dự Lễ khai giảng, về phía KTNN Trung Quốc (CNAO) có: ông Cui Zhenlong - Vụ trưởng Vụ Kiểm toán trách nhiệm kinh tế; ông Shi Huizhong - Trưởng phòng Kiểm toán doanh nghiệp, Cơ quan CNAO tại Trùng Khánh; ông Zhao Zhenhua - Phó Trưởng phòng Kiểm toán trách nhiệm kinh tế, CNAO.

Về phía KTNN Việt Nam, tham dự Lễ khai giảng có: ông Hà Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán; ông Phạm Thanh Sơn - Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV; ông Mai Văn Tân - Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực XIII; cùng 40 học viên tham dự khóa đào tạo.
 
Phó Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Hà Minh Tuấn phát biểu khai giảng.

Phát biểu khai giảng, Phó Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Hà Minh Tuấn cho biết: Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực liên tục được đẩy mạnh, quyết liệt, đồng bộ, toàn diện và hiệu quả. Việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được tiến hành gắn với công tác cán bộ, xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của Đảng, Nhà nước.

“Cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực đã lan tỏa rất mạnh mẽ và có “sức bật mới”, ngày càng đi vào chiều sâu, với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, trở thành một xu thế không thể đảo ngược, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước” – ông Hà Minh Tuấn nhấn mạnh.

Thời gian qua, KTNN Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò là công cụ trọng yếu và hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước, góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; hỗ trợ, phục vụ đắc lực cho hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trong thực hiện chức năng giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của các địa phương.
 
Đại diện lãnh đạo các đơn vị và học viên tham dự khóa học.

Để tiếp tục thực hiện tốt hơn nhiệm vụ trên, Chiến lược phát triển KTNN đã xác định rõ các nội dung quan trọng theo 3 trụ cột chính, trong đó có phát triển yếu tố con người và nâng cao chất lượng kiểm toán, hội nhập và hợp tác quốc tế nhằm tập trung phát triển chiều sâu; chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ, nâng cao năng lực của KTNN. Khóa học Kiểm toán trách nhiệm kinh tế được tổ chức nhằm cung cấp bức tranh khái quát và hệ thống hóa các kinh nghiệm chuyên môn của KTNN Trung Quốc từ xác định mục tiêu, nội dung kiểm toán đến cách thức triển khai, lộ trình thực hiện, giúp kiểm toán viên KTNN Việt Nam có thêm kinh nghiệm, cách tiếp cận mới, ứng dụng vào thực tiễn để nâng cao chất lượng kiểm toán.

Chia sẻ về khóa học, kiểm toán viên Đỗ Quốc Việt - KTNN khu vực I cho biết, khóa đào tạo Kiểm toán trách nhiệm kinh tế rất hữu ích và cần thiết đối với hoạt động kiểm toán của KTNN Việt Nam. Thông qua khóa học, các học viên mong muốn nắm bắt được các nội dung cơ bản về kiểm toán trách nhiệm kinh tế; nội dung, phạm vi, đối tượng kiểm toán; các kỹ năng cần thiết trong việc lựa chọn đối tượng, phạm vi và triển khai kiểm toán.

Đặc biệt, từ khóa học này, các kiểm toán viên có thể tham khảo kinh nghiệm của CNAO, đối chiếu với hệ thống các quy trình, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN Việt Nam để tham mưu cho lãnh đạo KTNN triển khai các cuộc kiểm toán về trách nhiệm kinh tế, ông Đỗ Quốc Việt chia sẻ.
 
Ông Cui Zhenlong - Vụ trưởng Vụ Kiểm toán trách nhiệm kinh tế (CNAO) giới thiệu chung về kiểm toán trách nhiệm giải trình kinh tế và thông lệ của Trung Quốc.

Khóa đào tạo diễn ra từ ngày 24 - 26/9/2024, gồm 5 chuyên đề:

Chuyên đề 1: Giới thiệu chung về Kiểm toán trách nhiệm giải trình kinh tế và thông lệ của Trung Quốc.

Chuyên đề 2: Quy trình quản lý và thực hiện kiểm toán trách nhiệm giải trình.

Chuyên đề 3: Nội dung và câu hỏi thường gặp về Kiểm toán trách nhiệm giải trình kinh tế trong các lĩnh vực chính.

Chuyên đề 4: Thách thức trách nhiệm giải trình và áp dụng kết quả kiểm toán trách nhiệm kinh tế.

Chuyên đề 5: Kiểm toán trách nhiệm kinh tế của cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước.

Khóa học sẽ dành thời lượng phù hợp để các học viên và giảng viên trao đổi thông tin, hỏi đáp và thảo luận nhằm giải quyết các tính huống thực tiễn và chia sẻ kinh nghiệm kiểm toán.

Tin và ảnh: Nguyễn Ly