Kiểm toán trách nhiệm kinh tế và vai trò của Kiểm toán nhà nước
(sav.gov.vn) - Ngày 10/10, Hội đồng khoa học Kiêm toán nhà nước (KTNN) tổ chức nghiệm thu Đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ “Kiểm toán trách nhiệm kinh tế và vai trò của KTNN” do ThS. Phạm Thanh Sơn - Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV và TS. Mai Văn Tân - Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực XIII đồng chủ nhiệm.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu. Tham dự buổi nghiệm thu có các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu và Ban chủ nhiệm đề tài.
Theo Ban chủ nhiệm đề tài, Điều 4 Luật KTNN năm 2015 quy định: "Đối tượng kiểm toán của Kiểm toán nhà nước là việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán". Chủ thể quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công rất đa dạng, là các cơ quan quản lý hành chính nhà nước, là các đơn vị sự nghiệp, là các doanh nghiệp nhà nước… Trách nhiệm của các đơn vị này (hay người đứng đầu đơn vị) về mặt kinh tế là sử dụng một cách hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch các nguồn lực của nhà nước trong phạm vi đơn vị của mình.
Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đặt mục tiêu đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của các đơn vị, chương trình và dự án, từ đó chỉ ra các tồn tại, hạn chế để kiến nghị hoàn thiện các cơ chế, chính sách còn bất cập; phát hiện kịp thời các sai phạm, hành vi tham nhũng, lãng phí và xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật. Đó chính là một phần của kiểm toán trách nhiệm kinh tế tại các đơn vị được kiểm toán.
Ban chủ nhiệm đề tài nhấn mạnh, kiểm toán trách nhiệm kinh tế là một dạng hoạt động kiểm toán nhằm đánh giá, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu/ tập thể đứng đầu tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp hoặc người được giao quyền hạn nhiệm vụ (sau đây gọi là người đứng đầu) trong việc điều hành, quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công đảm bảo tuân thủ pháp luật, đạt được tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả theo yêu cầu của nhà nước trong một nhiệm kỳ hoặc một khoảng thời gian nhất định.
Kiểm toán trách nhiệm kinh tế, nếu xét về mục tiêu kiểm toán là một dạng của kiểm toán tuân thủ có kết hợp với xem xét tính hiệu quả đối với các hoạt động kinh tế và thu chi tài chính của đơn vị, tổ chức gắn với trách nhiệm quản lý, điều hành của cán bộ lãnh đạo. Tuy mục đích của kiểm toán trách nhiệm kinh tế không nhằm xác nhận tính trung thực, hợp lý của báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán nhưng lại gắn chặt với các nội dung kiểm toán báo cáo tài chính. Vì vậy, nếu xét về nội dung kiểm toán thì kiểm toán trách nhiệm kinh tế có thể coi là một dạng kiểm toán hỗn hợp, được thực hiện trong cùng một cuộc kiểm toán các nội dung kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động.
Phạm vi của kiểm toán trách nhiệm kinh tế đối với cán bộ lãnh đạo chủ yếu chỉ liên quan đến lĩnh vực thu, chi tài chính và các hoạt động kinh tế của đơn vị có liên quan đến trách nhiệm quản lý của người cán bộ lãnh đạo. Trách nhiệm này được xác định trên cơ sở chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ có thẩm quyền, trong thời gian nhiệm kỳ mà người cán bộ đó giữ chức vụ lãnh đạo đơn vị.
Chủ thể của kiểm toán trách nhiệm kinh tế là cơ quan KTNN và kiểm toán viên Nhà nước. Do đây là loại hình đặc thù liên quan đến kiểm tra, đánh giá cán bộ của nhà nước nên chủ thể kiểm toán chỉ có thể là KTNN, không thể uỷ thác cho kiểm toán viên độc lập và kiểm toán viên nội bộ của đơn vị.
Mục đích của kiểm toán trách nhiệm kinh tế đối với cán bộ lãnh đạo là thông qua xem xét, kiểm tra để đánh giá, quy trách nhiệm kinh tế đối với cán bộ lãnh đạo. Do đó, loại hình kiểm toán này được coi như một hình thức đặc biệt của đảng và nhà nước để đánh giá cán bộ lãnh đạo.
Từ những vấn đề có tính lý luận về kiểm toán trách nhiệm kinh tế, các quy định pháp lý về kiểm toán trách nhiệm kinh tế và vai trò của KTNN trong hệ thống chính trị Việt Nam, Ban đề tài phân tích thực trạng hoạt động kiểm toán trách nhiệm kinh tế của KTNN; nghiên cứu một số bài học kinh nghiệm từ kiểm toán trách nhiệm kinh tế của các nước, đặc biệt là tham khảo kinh nghiệm của KTNN Trung Quốc. Từ đó, đề xuất hướng dẫn kiểm toán trách nhiệm kinh tế cho KTNN Việt Nam.
Đề tài được kết cấu thành 3 chương: Chương 1- Các vấn đề lý luận và hệ thống các quy định pháp lý về kiểm toán trách nhiệm kinh tế của KTNN; Chương 2 - Thực trạng hoạt động kiểm toán trách nhiệm kinh tế của KTNN; Chương 3 - Hướng dẫn kiểm toán trách nhiệm kinh tế của KTNN.
Tại buổi nghiệm thu, các thành viên trong Hội đồng khoa học đánh giá đề tài có độ khó cao và mang tính chất mới về lý luận kiểm toán theo chiều sâu và thực tiễn. Vấn đề trách nhiệm kinh tế đã được quan tâm ở những góc độ khác nhau trong các cuộc kiểm toán, nhưng chưa được xác định cụ thể trong từng cuộc kiểm toán hoặc tổ chức cuộc kiểm toán riêng.
Bên cạnh đó, việc chưa có những hướng dẫn chung trong tổ chức thực hiện cuộc kiểm toán trách nhiệm kinh tế nhằm tạo sự đồng thuận và thống nhất trong toàn ngành cũng ít nhiều gây khó khăn cho các đơn vị của KTNN trong việc tổ chức thực hiện kiểm toán trách nhiệm kinh tế. Chính vì vậy, việc nghiên cứu xây dựng hướng dẫn tổ chức thực hiện kiểm toán trách nhiệm kinh tế của KTNN có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cao.
Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban đề tài bổ sung, nghiên cứu thêm một số nội dung: Đặc điểm của kiểm toán trách nhiệm kinh tế; các yếu tố tác động đến chất lượng kiểm toán trách nhiệm kinh tế. Làm rõ hơn mối quan hệ giữa đối tượng kiểm toán của Kiểm toán nhà nước Việt Nam (hoạt động quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán) với trách nhiệm kinh tế của người lãnh đạo.
Ban đề tài phân tích sâu hơn về những điểm còn khuyết thiếu trong cơ sở pháp lý cho phép thực hiện kiểm toán trách nhiệm kinh tế để từ đó đưa ra các kiến nghị, giải pháp; bổ sung nội dung về phương pháp thực hiện kiểm toán điều tra trong kiểm toán trách nhiệm kinh tế.
Kết luận buổi nghiệm thu, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ đánh giá, đề tài có ý nghĩa lý luận và thực tiễn, đặc biệt trong bối cảnh KTNN đang tổng kết, đánh giá, kiến nghị sửa đổi Luật KTNN phù hợp với hoạt động kiểm toán. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị Ban đề tài tiếp thu tối đa ý kiến của các thành viên trong Hội đồng nhằm nâng cao chất lượng của Đề tài và đưa vào ứng dụng trong thực tiễn kiểm toán.