Hoàn thiện hành lang pháp lý về đầu tư công qua góc nhìn kiểm toán

(sav.gov.vn) - Xuất phát từ thực tiễn hoạt động kiểm toán, sau khi nghiên cứu Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực vào một số nội dung cụ thể của Dự thảo Luật nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý về đầu tư công.

Phân loại dự án dựa trên tổng mức đầu tư và năng lực quản lý

Liên quan đến tiêu chí phân loại dự án (Điều 8, 9, 10), KTNN đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xem xét cách thức tính toán tổng mức đầu tư để phân loại nhóm dự án, việc tăng tổng mức đầu tư các loại dự án lên gấp 2 lần (200%) là quá cao so với chỉ số giá xây dựng quốc gia đã được ban hành hằng năm. Vì thế, KTNN góp ý rằng, có thể nghiên cứu xem xét điều chỉnh tổng mức đầu tư với dự án nhóm A tính theo chỉ số giá xây dựng quốc gia đã được ban hành qua các năm; tương tự tiêu chí đối với nhóm B, C cũng như nhóm A.

Về mức vốn đầu tư công để phân loại các dự án quan trọng quốc gia, nhóm A, B, C được quy định từ Điều 7 đến Điều 10, trong đó mức vốn đối với các nhóm A, B, C đều được xác định tăng gấp 2 lần, dự án quan trọng quốc gia được vượt 3 lần so với quy định hiện hành. Để đảm bảo thống nhất, KTNN đề nghị cân nhắc điều chỉnh mức vốn tăng 1,5-2 lần so với quy định hiện hành. Về tổng mức đầu tư trong tiêu chí phân loại dự án, cần xem xét giá trị tổng mức đầu tư để phân loại nhóm dự án trên cơ sở năng lực quản lý điều hành của địa phương, tránh trường hợp một số địa phương năng lực quản lý thấp nhưng được giao chủ quản dự án với tổng mức đầu tư, quy mô dự án quá lớn.

Với Điều 15, KTNN góp ý lấy tên “Chi phí lập, thẩm định, theo dõi, kiểm tra, đánh giá, thanh tra, kiểm toán kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công”, trong đó, khoản 1 đề nghị biên tập thành “Chi phí lập, thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư sử dụng nguồn chi thường xuyên của cơ quan, đơn vị thực hiện các nhiệm vụ này”; đồng thời bổ sung thêm 1 khoản quy định “Chi phí kiểm toán của KTNN đối với kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công sử dụng nguồn chi thường xuyên của KTNN”, do việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư công là đối tượng kiểm toán của KTNN theo quy định pháp luật.

KTNN góp ý nên bổ sung tên Chương V thành “Theo dõi, kiểm tra, kiểm toán, đánh giá, thanh tra, giám sát kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công” và trong Chương bổ sung thêm 1 điều về KTNN đối với “kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công” do việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư công là đối tượng kiểm toán của KTNN.

Bên cạnh đó, KTNN cho rằng, cần cân nhắc quy định việc sử dụng vốn đầu tư công cho việc “lập, thẩm định kế hoạch, dự án đầu tư công” vì Dự thảo đang quy định cứng việc này sử dụng nguồn vốn chi thường xuyên. Trong khi nguồn chi thường xuyên hiện nay được lập dự toán tương đối chặt chẽ nên chưa có đủ nguồn vốn cho việc lập, thẩm định đề xuất chủ trương đầu tư công. Hơn nữa, tại Điều 40a cũng có quy định về việc lập, thẩm định, phê duyệt chi phí chuẩn bị dự án, dự toán chuẩn bị đầu tư.

Về trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ (khoản 4 Điều 23 của Dự thảo), KTNN góp ý nên xem xét bổ sung quy định giao Chính phủ hướng dẫn việc tổ chức thực hiện các bước tiếp theo của dự án. Bởi còn một số điểm chưa thống nhất trong phân cấp thực hiện đầu tư xây dựng các dự án sử dụng nhiều nguồn vốn, đầu tư trên địa bàn liên tỉnh giữa các Luật hiện hành như: Luật Giao thông đường bộ, Luật Xây dựng, Luật Ngân sách nhà nước... nên để đảm bảo tính thống nhất cần giao Chính phủ hướng dẫn cụ thể.

Tại Điều 29 và 30 liên quan đến nội dung báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình đầu tư công và nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A, đề nghị xem xét lược bỏ nội dung “Dự kiến kế hoạch bố trí vốn” và chỉnh nội dung “tiến độ thực hiện dự án” thành “thời gian thực hiện” để đảm bảo thống nhất với các Điều trước đó.

Phân cấp nhưng cần làm rõ thẩm quyền

Về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư (khoản 1 Điều 34), theo KTNN nên làm rõ thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư trong trường hợp chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương, quyết định đầu tư. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong quá trình thực hiện dự án, do nhiều nguyên nhân khác nhau có thể dẫn đến tổng mức đầu tư của dự án vượt thẩm quyền của cấp quyết định trước đó, lúc này cấp nào được quyết định điều chỉnh? Trong khi tổng mức đầu tư được phân loại tại Dự thảo tăng lớn so với quy định hiện hành nên cần xem xét để quy định rõ ở điều khoản chuyển tiếp đối với thẩm quyền điều chỉnh chủ trương, quyết định đầu tư của các dự án đầu tư công.

Qua kiểm toán cho thấy, nhiều địa phương bố trí vốn cho các dự án trong giai đoạn thực hiện dự án đầu tư công không đủ kế hoạch vốn (thường bố trí 90-95% vốn), còn lại đợi quyết toán vốn. Vì vậy, KTNN đề nghị làm rõ việc bố trí vốn trong giai đoạn thực hiện quyết toán dự án (khoản 21a Điều 4) thì được lượng hóa những nội dung gì làm cơ sở cho việc lập, giao, phân bổ vốn đầu tư công?

Đồng thời, tại Điều 53, Ban soạn thảo cũng cần bổ sung quy định đối với dự án chuyển tiếp phải bảo đảm số vốn bố trí hằng năm phù hợp với tiến độ thực hiện dự án. KTNN đề nghị xem xét bổ sung thời gian bố trí vốn, thẩm quyền cho phép gia hạn đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công thuộc dự án quan trọng quốc gia. Cụ thể hơn, tại khoản 2 Điều 53 quy định về việc kéo dài thời gian bố trí vốn đầu tư công, theo góp ý của KTNN, nên xem xét quy định về trình tự, thủ tục để Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định kéo dài thời gian bố trí vốn đầu tư công đối với các dự án đã quá thời hạn bố trí vốn. Bởi qua thực tiễn kiểm toán cho thấy, do chưa đủ điều kiện, thủ tục nên việc xem xét kéo dài thời gian bố trí vốn của các cơ quan liên quan mất thêm rất nhiều thời gian, làm cho dự án đầu tư công bị đình trệ, tiềm ẩn nguy cơ tăng chi phí, lãng phí vốn đầu tư công.

Tại Điều 55 quy định về “Trình tự lập, phê duyệt, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước”, KTNN đề nghị bổ sung cụm từ “chương trình” vào các điểm a, b, c khoản 8 do bên cạnh các dự án đầu tư công thì còn có nhiều chương trình sử dụng vốn đầu tư công được triển khai. Theo đó, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, huyện, xã quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn của cấp mình, bao gồm tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn, danh mục, mức vốn ngân sách địa phương bố trí cho từng chương trình, dự án… Đơn cử, từ thực tế kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 cho thấy, đối với phần vốn ngân sách địa phương hỗ trợ các chương trình chưa được nhiều Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp phân giao cụ thể cho từng chương trình mà giao theo ngành lĩnh vực đối với phần vốn do cấp mình quản lý. Qua đó, việc quản lý việc sử dụng vốn đầu tư công đối với các Chương trình mục tiêu quốc gia chưa được minh bạch và chưa có đủ căn cứ, cơ sở cho chủ Chương trình tổng hợp lập báo cáo quyết toán toàn Chương trình./.

Theo Báo Kiểm toán số 43/2024