Hàng năm, Kiểm toán nhà nước kiểm toán báo cáo quyết toán chi tổ chức và hoạt động bảo hiểm y tế
(sav.gov.vn) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 24/10, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Một trong những nội dung đáng chú ý trong Dự thảo Luật là việc bổ sung quy định Kiểm toán nhà nước kiểm toán Báo cáo quyết toán chi tổ chức và hoạt động bảo hiểm y tế (BHYT) của cơ quan bảo hiểm xã hội hằng năm.
Giảm thủ tục, tạo thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế
Trình bày Tờ trình Dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 40 điều.
Trong đó, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung đối tượng tham gia, trách nhiệm đóng BHYT để khắc phục bất cập và đồng bộ với Luật Bảo hiểm xã hội; cập nhật các đối tượng đã thực hiện ổn định tại các luật, nghị định; bổ sung một số đối tượng cần được Nhà nước hỗ trợ để tăng bao phủ BHYT toàn dân; sửa đổi trách nhiệm, phương thức, thời hạn đóng, trách nhiệm lập danh sách đóng BHYT, thời hạn thẻ có giá trị sử dụng; bổ sung hành vi chậm đóng, trốn đóng BHYT.
Đồng thời, sửa đổi quy định về KCB đúng tuyến và không đúng tuyến (thông tuyến) được cập nhật theo cấp chuyên môn kỹ thuật của Luật KCB năm 2023. Bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với một số trường bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cấp chuyên môn cao để giảm thủ tục, tạo thuận lợi, giảm chi tiền túi cho người dân, tiết kiệm chi phí cho quỹ.
Sửa đổi quy định về đăng ký KCB BHYT ban đầu và chuyển người bệnh giữa các cơ sở KCB BHYT để đồng bộ với quy định về cấp chuyên môn kỹ thuật theo hướng tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và phân cấp, phân quyền cho Sở Y tế về đăng ký KCB BHYT ban đầu và phân bổ thẻ BHYT.
Đặc biệt, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Y tế về rà soát và cập nhật thường xuyên phác đồ điều trị để bảo đảm thuận tiện trong KCB và thanh toán BHYT; bổ sung quy định Kiểm toán nhà nước kiểm toán Báo cáo quyết toán chi tổ chức và hoạt động BHYT của cơ quan bảo hiểm xã hội hằng năm để đồng bộ với Luật Bảo hiểm xã hội.
Cụ thể, Dự thảo Luật quy định: Định kỳ 3 năm, Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán quỹ BHYT và báo cáo kết quả với Quốc hội; Trường hợp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán đột xuất quỹ BHYT; Định kỳ hằng năm, Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán Báo cáo quyết toán chi tổ chức và hoạt động quản lý quỹ bảo hiểm y tế của cơ quan bảo hiểm xã hội.
Ngoài ra, Dự thảo Luật sửa đổi một số nội dung mới mang tính cấp bách đã có thông tin, dữ liệu rõ ràng để khắc phục các vướng mắc, bất cập, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ.
Thẩm tra Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung và thấy rằng, nội dung của Dự thảo Luật cơ bản phù hợp với mục đích, yêu cầu xây dựng Luật.
Về đối tượng tham gia BHYT, trách nhiệm đóng và phương thức đóng BHYT (Điều 12, 13 và Điều 15 sửa đổi, bổ sung), Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ, Cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật tiếp tục rà soát để bảo đảm thể hiện đầy đủ đối tượng đang tham gia BHYT theo quy định tại các văn bản pháp luật khác được thể hiện ở Điều 12; tiếp tục rà soát, đối chiếu kỹ lưỡng để không làm giảm hay mất quyền lợi về hỗ trợ BHYT so với quy định hiện hành, không phát sinh bất công bằng giữa các đối tượng tham gia BHYT.
Với các nhóm đối tượng mới, đề nghị đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện tác động đến ngân sách nhà nước, Quỹ BHYT” - bà Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh.
Về phạm vi được hưởng, mức hưởng của người tham gia BHYT, Cơ quan thẩm tra thấy rằng, Dự thảo Luật sửa đổi quy định về “thông cấp KCB” theo hướng mở rộng thêm một bước, đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người tham gia BHYT. Theo đó, quỹ BHYT chi trả như khi đi KCB đúng quy định trong trường hợp người bệnh tự đến cơ sở KCB thuộc cấp cơ bản hoặc cấp chuyên sâu trong trường hợp bệnh nặng, hiểm nghèo; KCB tại các cơ sở thuộc cấp KCB ban đầu và một số cơ sở thuộc cấp KCB cơ bản trên toàn quốc và KCB tại cơ sở KCB chuyên sâu với lộ trình phù hợp.
Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội đề nghị cần đánh giá tác động thêm đến khả năng cân đối Quỹ BHYT cũng như tổ chức, hoạt động của hệ thống KCB, trong đó có y tế cơ sở để đưa ra biện pháp bảo đảm thực hiện phù hợp.
Tăng chi trực tiếp cho khám, chữa bệnh từ 90% lên 91%
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng cho biết, Dự thảo Luật bổ sung cơ chế thanh toán điều chuyển thuốc trong trường hợp đã mua sắm theo các quy định thuận tiện nhất của Luật Đấu thầu mới nhưng vẫn thiếu thuốc nhằm khắc phục tình trạng thiếu thuốc và bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT, không để người bệnh phải tự mua và được bảo đảm quyền lợi (các cơ sở có thể điều chuyển thuốc từ nơi sẵn có và thanh toán trực tiếp với cơ quan BHXH theo giá thanh toán BHYT, khả thi hơn hình thức thanh toán trực tiếp do người bệnh tự mua).
Đồng thời, Dự thảo Luật cập nhật cơ chế thanh toán chi phí dịch vụ cận lâm sàng được chuyển đến cơ sở khác đủ điều kiện thực hiện đang được quy định tại nghị định của Chính phủ.
Cùng với đó, sửa quy định cơ quan BHXH kiểm tra chất lượng KCB thành kiểm tra việc thực hiện hợp đồng KCB để phù hợp về chức năng, tránh chồng chéo với cơ quan quản lý nhà nước về y tế; bổ sung hình thức thanh toán chi phí KCB đặc thù đối với lực lượng vũ trang và nhân dân ở khu vực biên giới, các xã đặc biệt khó khăn, biển đảo.
Đáng chú ý, Dự thảo Luật quy định điều chỉnh giảm 1% tỷ lệ chi phí quản lý Quỹ BHYT từ 5% còn 4% để tăng chi trực tiếp cho KCB từ 90% lên 91% từ đầu năm, tiết kiệm thủ tục, thời gian phân bổ, điều chỉnh kinh phí.
Dự thảo Luật quy định tăng tỷ lệ tạm ứng chi phí KCB cho cơ sở KCB, làm rõ thời hạn thông báo kết quả giám định chi phí KCB quý IV để khắc phục vướng mắc về kéo dài thời gian thanh, quyết toán hiện nay.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Xã hội đánh giá cao đề xuất của Chính phủ khi bổ sung quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế được điều chuyển giữa các cơ sở KCB, chi phí dịch vụ cận lâm sàng của người bệnh đã được chỉ định nhưng phải thực hiện ở nơi khác để bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT cũng như bảo đảm chất lượng và tính kịp thời trong KCB.
“Để giải quyết được căn cơ quyền lợi của bệnh nhân BHYT, Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu quy định tại khoản 4 Điều 31 cơ chế thanh toán thông qua bệnh viện hoặc trực tiếp cho người bệnh khi phải tự mua thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế như việc thanh toán chi phí dịch vụ cận lâm sàng quy định tại khoản 5 Điều 31”- bà Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh.
Theo chương trình, Dự thảo Luật sẽ được Quốc hội thảo luận ở Tổ tại phiên họp chiều 24/10, thảo luận tại Hội trường vào ngày 31/10 và Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Dự án Luật theo quy trình tại một kỳ họp tại phiên họp ngày 27/11.