Ngăn chặn nguy cơ thất thoát nguồn lực tài chính công - vai trò của Kiểm toán nhà nước

(sav.gov.vn) - “Hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”; “Trung thực, khách quan, công khai, minh bạch”, Kiểm toán nhà nước (KTNN) có vai trò quan trọng trong kiểm tra, kiểm soát và tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính công (TCC), tài sản công. Ngành KTNN cần triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phát huy tối đa vai trò của mình trong cơ cấu lại TCC.

Kiểm toán nhà nước là công cụ kiểm tra, kiểm soát quan trọng

Theo GS,TS. Đoàn Xuân Tiên - nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, với nguyên tắc “Hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”; “Trung thực, khách quan, công khai, minh bạch”, KTNN là công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Vai trò đó được thể hiện ở góc độ, KTNN giúp đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quyền quản lý, sử dụng TCC.

Đồng thời, KTNN thúc đẩy hệ thống quản lý, quản trị TCC và việc cơ cấu lại TCC một cách hiệu lực, hiệu quả, đúng chủ trương, định hướng; kịp thời phát hiện những hạn chế, bất cập, những kẽ hở, lỗ hổng của cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng TCC để đưa ra những kiến nghị nhằm khắc phục kịp thời, giúp tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, quản trị và sử dụng TCC.

Chung quan điểm, TS. Nguyễn Minh Phong chỉ rõ: KTNN không chỉ trực tiếp và gián tiếp giúp ngăn chặn các kẽ hở, sai phạm gây thất thoát và sử dụng lãng phí tài chính công, tài sản công, mà còn hỗ trợ đắc lực và làm tăng niềm tin của xã hội vào năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước các cấp, ngành và lĩnh vực, địa phương; góp phần cùng Đảng, Nhà nước bảo vệ các nguồn lực công, ngăn chặn, phòng ngừa sai phạm, đảm bảo sự minh bạch, tuân thủ pháp luật.

Tái cơ cấu TCC là vấn đề cốt lõi và bao trùm hoạt động cải cách, đổi mới quản lý thu, chi ngân sách, phân bổ nguồn lực TCC. Với vị trí là cơ quan giám sát việc quản lý hoạt động tài chính quốc gia, KTNN cần tăng cường kiểm toán hoạt động để kiểm tra, đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công nói chung và việc cơ cấu lại TCC nói riêng.

Đáng nói, theo TS. Nguyễn Hữu Hiểu - Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán, thông qua kiểm toán, KTNN đã phát hiện những lỗ hổng chính sách, những bất cập cản trở tiến trình cơ cấu lại TCC hay những mâu thuẫn giữa chính sách, chế độ với thực tiễn quản lý, sử dụng TCC dựa trên những bằng chứng đầy đủ và hợp lý. Đây là cơ sở cho việc hình thành những kiến nghị xác đáng giúp Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan chức năng ban hành mới, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng TCC.

Thêm vào đó, giới chuyên gia nhận định, trong các báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN), KTNN đều phân tích, đánh giá, xác nhận số liệu, tình hình cụ thể liên quan đến NSNN. Đơn cử, qua kết quả kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN các năm 2020-2023, KTNN đã cung cấp một “bức tranh” khá cụ thể, đầy đủ về tình hình, số liệu về lập, giao dự toán thu, chi NSNN; chấp hành thu, chi NSNN; bội chi NSNN; nợ công của các niên độ ngân sách và chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, bất cập trong quản lý NSNN, đặc biệt những tồn tại, hạn chế đó vẫn lặp đi lặp lại qua nhiều năm mà chưa được khắc phục.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, TS. Nguyễn Minh Phong cũng chia sẻ, KTNN là cơ quan không có chức năng điều tra nên khó có thể phát hiện các hành vi tham nhũng, tiêu cực, gian lận tinh vi ẩn sau hồ sơ dự án được hợp thức hóa qua thông đồng giữa các cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ liên quan và nhóm lợi ích nằm ngoài khả năng, phạm vi tiếp cận, phương pháp kiểm toán của KTNN. Hơn nữa, một số bất cập và khoảng trống trong quy định hiệu lực pháp lý và chế tài thực thi các kết luận kiểm toán đã và đang khiến không ít sai phạm vẫn tái phạm tại chính đơn vị được kiểm toán hoặc tiếp tục xảy ra ở những đơn vị khác dù KTNN đã chỉ ra và công khai kết quả kiểm toán.

Hoàn thiện quy định pháp lý

Để phát huy vai trò của KTNN trong quản lý TCC, giới chuyên gia khuyến nghị, các cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện quy định pháp lý liên quan đến hoạt động KTNN; tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm các quan điểm, chủ trương, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; trong đó có việc KTNN thực hiện công khai kết quả kiểm toán; công khai danh sách các tổ chức, cá nhân không thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán…

Về phía KTNN, nhằm thúc đẩy vai trò của KTNN trong cơ cấu lại TCC, giới chuyên gia đề xuất KTNN cần tiếp tục mở rộng quy mô kiểm toán và các loại hình kiểm toán, cũng như nâng cao chất lượng các báo cáo kiểm toán để cung cấp thông tin nhiều hơn cho các cơ quan dân cử thực hiện quyền giám sát hoạt động quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Bên cạnh đó, “KTNN cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chuẩn mực kiểm toán, quy trình kiểm toán, phương pháp kiểm toán; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp kiểm toán để phát hiện, xử lý kịp thời các sai phạm trong quản lý TCC, tài sản công” - TS. Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.

GS,TS. Đoàn Xuân Tiên lưu ý, KTNN cần tăng cường tổ chức kiểm toán chuyên đề chuyên sâu về cơ cấu lại TCC để đánh giá kết quả thực hiện cơ cấu lại TCC; trong đó tập trung kiểm toán hoạt động đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả các nội dung cơ cấu lại TCC. Cụ thể, KTNN cần tập trung đánh giá tính hiệu lực và hiệu quả, thực thi nhiệm vụ của các Bộ, ngành, tổ chức trong việc ban hành và tổ chức thực hiện một số cơ chế, chính sách tài chính đảm bảo tính đồng bộ và nhất quán; hiệu quả huy động các nguồn lực trong xã hội và huy động nguồn lực TCC; các cân đối tài chính vĩ mô, cân đối NSNN; hiệu lực, hiệu quả phân bổ, sử dụng nguồn lực công; công tác đổi mới hệ thống các tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập; sắp xếp cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước; kỷ luật, kỷ cương quản lý TCC, tài sản công.

Thêm vào đó, TS. Nguyễn Hữu Hiểu kiến nghị giải pháp tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; trong đó nhấn mạnh vấn đề quy hoạch (về chuyên môn) đội ngũ chuyên gia đầu ngành đặc biệt trong lĩnh vực TCC. Các chuyên gia đầu ngành này sẽ là mũi nhọn phối hợp, trao đổi chuyên môn với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội… vừa khẳng định tầm cao chuyên môn của KTNN, vừa trau dồi, học hỏi, nâng cao kiến thức để nhân rộng và lan tỏa trong đội ngũ kiểm toán viên nhà nước./.

Theo Báo Kiểm toán số 44/2024