Khai thác tiềm năng to lớn của công nghệ số nhằm thúc đẩy tiến bộ nhân loại
DPI thường đề cập đến các hệ thống và công cụ số nền tảng, bao gồm hệ thống nhận dạng số, trao đổi dữ liệu và nền tảng thanh toán với chức năng chính cung cấp dịch vụ công, đảm bảo kết nối số và thúc đẩy chuyển đổi số trong một quốc gia. Được kỳ vọng thúc đẩy quản trị minh bạch, toàn diện; nâng cao lợi ích kinh tế, xã hội và đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) thông qua sử dụng công nghệ kỹ thuật số (KTS) để giải quyết các thách thức toàn cầu trên quy mô lớn, song nếu không được triển khai cẩn trọng, tình trạng bất bình đẳng có thể trở nên trầm trọng hơn, ảnh hưởng xấu đến phúc lợi xã hội, gây ra các thể loại rủi ro mới và kìm hãm sự tăng trưởng.
Việc thông qua Tuyên bố New Delhi tại Đại hội ASOSAI lần thứ 16 cho thấy quyết tâm và cam kết mạnh mẽ của các thành viên ASOSAI trong việc nâng cao năng lực, thúc đẩy hợp tác và giải quyết thách thức mới nổi trong kiểm toán công, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, môi trường toàn cầu và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Theo các chuyên gia, việc kiểm toán DPI bao gồm đánh giá quản trị, tính năng, và hiệu quả của các hệ thống này, đồng thời đảm bảo tính toàn vẹn, bảo mật của dữ liệu và sự phù hợp với các mục tiêu quốc gia. Quy trình này thường kết hợp với kiểm toán công nghệ thông tin và kiểm toán hoạt động ở diện rộng, tập trung vào khả năng đạt được các mục tiêu chính sách thông qua các hệ thống số.
Các nghiên cứu cho thấy, hiện trên thế giới, phụ nữ đang phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn trong việc tìm kiếm dịch vụ tài chính và tín dụng; tiếp cận hạn chế với điện thoại thông minh và internet; khả năng tiếp cận thấp đối với cơ sở y tế và giáo dục; ít được trao quyền do yếu tố về văn hóa và xã hội. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là cần khai thác tiềm năng to lớn của công nghệ số để thúc đẩy tiến bộ nhân loại. Trong đó, vấn đề quan trọng nhất là phải có sự kết nối tương hỗ giữa hai mục tiêu chung: Cuộc cách mạng KTS và Cuộc cách mạng về bình đẳng giới.
Để xây dựng và hoàn thiện hạ tầng DPI, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần thúc đẩy các khung chính sách khuyến khích phụ nữ tham gia tích cực vào việc xây dựng và thực hiện các chiến lược KTS quốc gia nhằm thu hẹp khoảng cách về tiếp cận và sử dụng KTS giữa các giới; tăng cường sự tham gia và việc làm của họ trong các lĩnh vực sử dụng công nghệ KTS và công nghệ mới nổi, như trí tuệ nhân tạo và học máy, đặc biệt phương pháp STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học); cần hỗ trợ tài chính để phụ nữ dễ tiếp cận các thiết bị KTS; xây dựng, thúc đẩy và thực hiện các chính sách nhạy cảm với giới để tạo ra một nền kinh tế KTS mở, công bằng, không phân biệt và bao trùm, nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ sở hữu, điều hành;
Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác quốc tế nhằm thu hẹp khoảng cách KTS giới tính và thúc đẩy quyền tiếp cận bình đẳng và công bằng đối với kỹ năng số; thúc đẩy hợp tác công tư trong các chương trình đào tạo kỹ năng; tạo môi trường học tập KTS an toàn, công bằng và bao trùm bằng cách đầu tư vào hệ thống giáo dục và hỗ trợ cơ sở hạ tầng; thiết kế và sử dụng các nền tảng và công cụ cấu thành DPI cần tính đến vấn đề giới, khuyến khích phụ nữ sử dụng Hệ thống thanh toán tích hợp quốc gia (IPS).
Ngoài ra, cần số hóa các khoản thanh toán từ Chính phủ đến người dân (G2P) và các phúc lợi xã hội để đảm bảo tất cả các khoản thanh toán mạng lưới an sinh và các biện pháp bảo vệ xã hội sẽ đến tay nhóm đối tượng phụ nữ dễ bị tổn thương.
Kiểm toán hướng tới việc đạt được quản trị bao trùm và công bằng
Để thực hiện thành công một cuộc kiểm toán toàn diện và chuyên sâu về bình đẳng giới, các chuyên gia của ASOSAI cho rằng, khi xây dựng kế hoạch kiểm toán, SAI cần xác định khoảng trống về giới trong việc triển khai các chương trình công, đảm bảo rằng phụ nữ được hưởng lợi từ các dịch vụ. Về hình thức, cần tổ chức các cuộc kiểm toán toàn diện và bao trùm về các chương trình xã hội ở cấp quốc gia để xác định khoảng trống trong việc thực hiện và đề xuất các chiến lược nhằm tối ưu hóa chức năng và sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan ở tất cả các cấp chính quyền, như xác định nhu cầu của đối tượng yếu, trang bị kỹ năng và sự hỗ trợ cần thiết, đánh giá và điều chỉnh DPI để thích ứng liên tục với sự thay đổi của xã hội.
Các SAI cũng xem xét thực hiện sớm cuộc kiểm toán toàn diện và chuyên sâu về vấn đề bình đẳng giới ở chính quyền địa phương để thực hiện mục tiêu quốc gia về thu hẹp khoảng cách giới và xây dựng một kế hoạch toàn diện, nhất quán nhằm theo dõi và giám sát việc đạt được các mục tiêu này thông qua một hệ thống chỉ số về giới tích hợp các tiêu chí phù hợp, làm căn cứ phân bổ ngân sách và phân cấp cơ quan chính quyền địa phương.
Vai trò của SAI trong việc thu hẹp khoảng cách giới còn được thể hiện ở 2 chức năng chính, gồm giám sát chính sách và lập pháp (bao gồm đánh giá tính bao trùm, khuyến khích sửa đổi luật pháp, đảm bảo chất lượng) và giám sát thực hiện dịch vụ (bao gồm đảm bảo chất lượng dịch vụ; đào tạo và đánh giá chương trình hỗ trợ; phân tích dữ liệu và theo dõi; phân tích dữ liệu và phần mềm thống kê; công cụ quản lý khảo sát và đặt câu hỏi; công cụ phân tích và theo dõi; công cụ đánh giá chính sách thông minh; quản lý dữ liệu và công cụ phân tích; trí tuệ nhân tạo và công cụ phân tích văn bản; công cụ báo cáo và trí tuệ doanh nghiệp (BIRT); hệ thống quản lý kiểm toán (AMS)).
Về kiến nghị, SAI cần tập trung tăng cường tác động về giới của DPI như: tăng cường cơ chế theo dõi dữ liệu giới; hỗ trợ kiến thức tài chính cho phụ nữ; trọng tâm kiểm toán tập trung vào việc đánh giá việc thực hiện các chính sách khuyến khích và trao quyền cho phụ nữ; đảm bảo không có sự thiên lệch giới về mặt dữ liệu hoặc thuật toán trong việc ra quyết định dựa trên trí tuệ nhân tạo.
Ngoài ra, các SAI nhấn mạnh tầm quan trọng sống còn của bảo mật dữ liệu và an ninh mạng trong các dự án DPI, cam kết thực hiện các cuộc kiểm toán toàn diện, mang tính bao trùm để đánh giá việc bảo vệ dữ liệu cá nhân và hiệu quả của các biện pháp an ninh mạng trong các sáng kiến này. Cam kết này giúp xây dựng lòng tin của công chúng và đảm bảo rằng các dự án DPI đóng góp vào việc quản lý tài nguyên số một cách có trách nhiệm và an toàn, phù hợp với các thông lệ tốt và quy định toàn cầu. Bằng cách tập trung vào DPI, doanh nghiệp, chính quyền địa phương và các SAI hướng tới đóng góp đáng kể cho việc đạt được quản trị bao trùm và công bằng./.
Theo Báo Kiểm toán số 46/2024