(sav.gov.vn) – Qua kiểm toán ngân sách địa phương và kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương năm 2023 của tỉnh Sơn La, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 207,7 tỷ đồng, trong đó, kiến nghị thu hồi nộp NSNN các khoản chi sai quy định hơn 1,7 tỷ đồng; nộp NSNN các nguồn kinh phí còn dư hết nhiệm vụ chi hơn 152,7 tỷ đồng.
KTNN vừa hoàn thành báo cáo kiểm toán ngân sách địa phương và kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương năm 2023 của tỉnh Sơn La. KTNN đánh giá, năm 2023, tỉnh Sơn La đã có nhiều cố gắng trong quản lý, chỉ đạo, điều hành dự toán NSNN năm 2023 theo nội dung của Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, đã ban hành Quyết định số 2556/QĐ-UBND ngày 08/12/2022 quy định về quản lý, điều hành ngân sách địa phương năm 2023. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, điều hành thu, chi ngân sách của địa phương còn một số hạn chế, bất cập.
KTNN chỉ rõ, UBND tỉnh giao dự toán các khoản thu nội địa 4.800 tỷ đồng cao hơn dự toán Bộ Tài chính giao 550 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 5 tỷ đồng bằng dự toán Bộ Tài chính giao; dự toán chi giao cao hơn dự toán TW giao 543,6 tỷ đồng trả từ nguồn tăng thu tiền sử dụng đất 218 tỷ đồng, tăng thu từ thuế, phí, thu khác hơn 325,6 tỷ đồng. Có 07/16 chỉ tiêu thu hoàn thành và vượt dự toán Bộ Tài chính và dự toán HĐND tỉnh giao đầu năm 2023.
Công tác lập, phân bổ, giao dự toán
Kết quả kiểm toán cho thấy, địa phương xây dựng dự toán thu xuất nhập khẩu chưa đảm bảo tỷ lệ tăng 4-6% so với ước thực hiện năm 2022 theo mục B.I.1 của Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Chi cục Thuế xây dựng dự toán thu nội địa chưa đảm bảo tỷ lệ tăng 8-10%, lập dự toán chưa đảm bảo thời gian (huyện Mường La) quy định của Văn bản số 613/CTSLA-NVDTPC ngày 10/6/20222 của Cục Thuế, chưa dự kiến số truy thu, số tiền thuế nộp NSNN qua công tác kiểm tra thuế (huyện Mường La, huyện Sốp Cộp).
Huyện xây dựng dự toán thu nội địa thiếu đánh giá, chưa tính toán cụ thể các yếu tố tăng, giảm nguồn thu theo hướng dẫn của Sở Tài chính tại Công văn số 1951/STC-QLNS ngày 07/6/2022, chưa đảm bảo tính cân đối ngân sách, chưa phù hợp với khả năng thực tế của địa phương (thành phố Sơn La); chưa bao quát hết nguồn thu (huyện Sông Mã, huyện Sốp Cộp); giao dự toán thu nội địa chưa đảm bảo chỉ tiêu phấn đấu thu theo Quyết định số 2559/QĐ-UBND ngày 08/12/2022 của UBND tỉnh Sơn La (huyện Mường La).
Về chi đầu tư phát triển, UBND tỉnh Sơn La xây dựng báo cáo dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023 thiếu tình hình điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2022 theo từng nguồn vốn của từng dự án theo Văn bản số 5035/BKH&ĐT-TH và Chỉ thị số 12/CT-TTg; UBND tỉnh phân bổ một phần kế hoạch vốn đầu tư chưa chi tiết ngay từ đầu năm 532.200trđ theo khoản 2, 4 Điều 63 của Luật Đầu tư công 2019, giao chưa đủ số vốn NSTW, điều chỉnh vốn sau ngày 15/11, chưa sát phải điều chỉnh, giao vốn không đủ thời gian tối thiểu để thực hiện dự án.
Tại các huyện được kiểm toán chi tiết: Việc lập dự toán chi đầu tư phát triển còn thiếu một số đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ chi ngân sách năm 2022 (thành phố Sơn La); không thực hiện giao một phần kế hoạch vốn chi tiết ngay từ đầu năm, chưa phù hợp với quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 63 của Luật Đầu tư công 2019 và điểm 2 Mục I phần B của Chỉ thị số 12/CT-TTg (yêu cầu giao chi tiết trước 31/12/2022) (thành phố Sơn La 37.1 tỷ đồng; huyện Sông Mã 16,1 tỷ đồng); điều chỉnh tăng vốn cho một số dự án nhưng cuối năm không giải ngân hết (thành phố Sơn La 415,8 triệu đồng của 04 dự án); phân bổ kế hoạch vốn cho dự án có khả năng giải ngân thấp (huyện Sốp Cộp 01 dự án).
Về chi thường xuyên: Giao dự toán (từ nguồn chi thường xuyên, đã sử dụng) vốn điều lệ cho quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước (Quỹ Hỗ trợ nông dân) theo hình thức giao dự toán chi thường xuyên và không có trong danh mục đầu tư công, chưa đúng quy định tại khoản 6 Điều 5 của Luật Đầu tư công 2019 và Điều 41, 42 của Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06/4/2020 của Chính phủ 2,4 tỷ đồng (cấp tỉnh 1,5 tỷ đồng, huyện Mường La 300 triệu đồng, huyện Mai Sơn 300 triệu đồng, huyện Sốp Cộp 300 triệu đồng). Tại các huyện được kiểm toán chi tiết: Việc lập dự toán chi còn tồn tại so với hướng dẫn của Sở Tài chính tại Công văn số 1951/STC- QLNS (chưa đảm bảo thời gian, chưa báo cáo dự toán chi tạo nguồn CCTL (huyện Mường La), chưa xác định tối thiểu 10% chi thường xuyên (5/5 huyện thành phố được kiểm toán chi tiết), lập thiếu đánh giá (huyện Mường La), thiếu một số nội dung (thành phố Sơn La, huyện Sông Mã)); lập thiếu biểu mẫu, giao dự toán chi giáo dục, đào tạo chưa đúng cơ cấu UBND tỉnh giao (thành phố Sơn La).
Công tác chấp hành ngân sách
Kết quả kiểm toán cũng chỉ rõ, có 02 công ty đã được cấp giấp phép, đã nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thực hiện khai thác và nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường nhưng vẫn chưa thực hiện việc thuê đất và nộp tiền thuê đất. Hợp đồng thuê đất của 03 công ty không phù hợp với thời điểm được cấp giấy phép khai thác, việc chưa thực hiện quản lý và thu tiền thuê đất (trước thời điểm ký hợp đồng 03 công ty chưa nộp tiền thuê đất) đối với các mỏ đã sử dụng là chưa đúng quy định điểm a khoản 3 Điều 152 của Luật Đất đai 2013 (hiện nay là điểm a, b khoản 2 Điều 205 của Luật Đất đai số 31/2024/QH15 ngày 18/01/2024 của Quốc hội).
Năm 2023 Cục Thuế chưa theo dõi, quản lý và thu tiền thuê đất đối với 10/28 đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính trên địa bàn tỉnh, Cục Thuế chưa nhận được hồ sơ thuê đất do cơ quan Tài nguyên và Môi trường chuyển thể (các sang, một số đơn vị chưa có quyết định của UBND tỉnh về giá đất cụ đơn vị được giao đất có giá trị lớn hơn 10 tỷ đồng), do vậy cơ quan thuế không có căn cứ để theo dõi, quản lý.
Về số nợ đọng XDCB so với Kế hoạch đầu tư công trung hạn, kết quả kiểm toán chỉ rõ: Nợ trước ngày 01/01/2015 là 0 triệu đồng; nợ phát sinh trong năm 2023 lũy kế đến ngày 31/12/2023 là 2 tỷ đồng (nguồn NSTW), nợ phát sinh trong năm 2024 là gần 2 tỷ đồng (nguồn NSTW), lũy kế đến 30/8/2024 là 4 tỷ đồng.
Về số nợ đọng XDCB so với Kế hoạch đầu tư công hàng năm, kết quả kiểm toán tổng hợp chỉ rõ: Nợ trước ngày 01/01/2015 là 0 triệu đồng; từ ngày 01/01/2015 đến 31/12/2022 của huyện Vân Hồ là 13,2 tỷ đồng (đã được kiến nghị tại BCKT năm 2022), đến 31/12/2023 là 11,5 tỷ đồng, đến thời điểm kiểm toán 30/8/2024 là 6,7 tỷ đồng (đã có trong KHĐT công trung hạn của huyện); nợ phát sinh trong năm 2023 lũy kế đến ngày 31/12/2023 là 19,8 tỷ đồng, đến 30/8/2024 là 2,2 tỷ đồng (nguồn NSTW CTMTQG là 793 triệu đồng, NSĐP cấp huyện 1,4 tỷ đồng). Qua kiểm toán chi tiết dự án tại 05 huyện cho thấy: Huyện Sốp Cộp nợ đọng XDCB nguồn vốn NSĐP cấp huyện (phát sinh trong năm 2024) 2 tỷ đồng, nguồn vốn NSTW cấp huyện quản lý (phát sinh trong năm 2024) 221 triệu đồng.
Kết quả kiểm toán xác định nguồn thực hiện cải cách tiền lương (CCTL) năm 2023 (thời điểm 31/12/2023) còn dư chuyển sang năm 2024 sử dụng tăng so với thẩm định của Bộ Tài chính 115,8 tỷ đồng (nguồn NSTW phải giảm trừ dự toán 49,5 tỷ đồng, nguồn của các đơn vị tự đảm bảo về CCTL 66,2 tỷ đồng).
Ngoài ra, địa phương trích chưa đủ 70% số tăng thu thực hiện năm 2023 để tạo nguồn thực hiện CCTL năm 2024 số tiền 311 triệu đồng (huyện Sông Mã 291 triệu đồng, huyện Sốp Cộp trích thiếu 20 triệu đồng).
Kết quả kiểm toán xác định nguồn thực hiện các chính sách an sinh xã hội còn dư hết nhiệm vụ chi năm 2023 số tiền 125,9 tỷ đồng (trong đó để kết dư ngân sách tỉnh 125 tỷ đồng, đã bao gồm trung ương bổ sung vào cuối năm 79,3 tỷ đồng).
Chi chuyển nguồn ngân sách năm 2023 sang năm 2024 là 4.870,2 tỷ đồng, chiếm 21,7% cơ cấu chi ngân sách, tăng 4,9% so với năm 2022 chuyển sang năm 2023. Kết quả kiểm toán cho thấy: Các huyện, thành phố chi chuyển nguồn các nguồn kinh phí bổ sung có mục tiêu còn dư hết nhiệm vụ chi chưa nộp trả ngân sách cấp trên 26,3 tỷ đồng. Chi chuyển nguồn chưa phù hợp với Điều 64 của Luật NSNN 2015 số tiền 15,7 tỷ đồng.
Qua kiểm toán chi tiết tại 05 huyện, thành phố tổng số vốn tạm ứng quá hạn chưa thu hồi là 1,6 tỷ đồng (huyện Mường La 630 triệu đồng; huyện Sông Mã hơn 1 tỷ đồng), huyện Sốp Cộp 27 dự án tạm ứng quá 6 tháng chưa có khối lượng hoàn ứng là 12,5 tỷ đồng.
Về cơ chế, chính sách
Đến thời điểm kiểm toán (tháng 8/2024), UBND tỉnh chưa ban hành chi tiết được tiêu chuẩn, định mức sử dụng công trình sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục, đào tạo theo điểm b khoản 2 Điều 9 của Nghị định số 152/2017/NĐ-CP. (2). Địa phương đang quản lý thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo quy định tại khoản 4 Điều 3 của Quyết định số 55/2018/QĐ-UBND (giao cho cơ quan thuế) không còn phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 1 của Nghị định số 62/2019/NĐ-CP (giao cho cơ quan tài chính).
Qua kiểm toán, tổng số phát hiện kiến nghị xử lý 234,129 tỷ đồng đồng, gồm: Kiến nghị xử lý tài chính hơn 207,7 tỷ đồng: (1). Thu hồi nộp NSNN các khoản chi sai quy định hơn 1,7 tỷ đồng; (2). Nộp NSNN các nguồn kinh phí còn dư hết nhiệm vụ chi hơn 152,7 tỷ đồng; (3). Giảm thanh toán, dự toán hơn 52,6 tỷ đồng; (4). Xử lý tài chính khác hơn 666 triệu đồng. Kiến nghị khác hơn 26,3 tỷ đồng: Chủ đầu có trách nhiệm rà soát, điều chỉnh giảm giá trị hợp đồng còn lại của các dự án đầu tư hơn 25,8 tỷ đồng, rà soát giảm trừ dự toán còn lại hơn 202 triệu đồng. Trích lập đủ 70% số tăng thu thực hiện năm 2023 để tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2024 số tiền hơn 310 triệu đồng.
Hà Linh