Thẩm định chương trình Bồi dưỡng kiểm toán trách nhiệm kinh tế

(sav.gov.vn) - Chiều 10/12, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Minh Khương đã chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định chương trình Bồi dưỡng kiểm toán trách nhiệm kinh tế (TNKT). Cùng tham dự cuộc họp có các thành viên Hội đồng thẩm định và Ban biên soạn chương trình.

Theo TS. Mai Văn Tân - Phó Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước (KTNN) khu vực XIII, chương trình Bồi dưỡng kiểm toán TNKT nhằm trang bị kiến thức cơ bản về kiểm toán TNKT và cách thức tổ chức, các nội dung, thủ tục kiểm toán cần thiết khi kiểm toán TNKT.
 
Chương trình được thiết kế 24 tiết giảng dạy, bao gồm các chuyên đề: Các vấn đề lý luận và hệ thống các quy định pháp lý về kiểm toán TNKT của KTNN; Bài học kinh nghiệm tổ chức mô hình kiểm toán TNKT của các nước và định hướng của KTNN Việt Nam; Hướng dẫn về kiểm toán TNKT, bao gồm các nội dung: xây dựng kế hoạch kiểm toán, mục tiêu kiểm toán, phạm vi và đối tượng kiểm toán, nội dung kiểm toán, phương pháp, thủ tục kiểm toán.
 

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Nguyễn Ly

Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng thẩm định cơ bản nhất trí với đề cương chương trình, đồng thời đề xuất Ban biên soạn tăng cường nội dung về khái niệm, vai trò của KTNN và đối tượng kiểm toán trong kiểm toán TNKT. Để đảm bảo học viên có thể tiếp thu và có thêm kiến thức thực tiễn, Ban biên soạn cần bổ sung nhiều bài tập tình huống, chia sẻ kinh nghiệm thực tế, lấy dẫn chứng cụ thể…
 
Đánh giá cao nỗ lực của Ban biên soạn cũng như việc nghiên cứu các tài liệu trong nước và quốc tế, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Minh Khương - Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhấn mạnh, kiểm toán TNKT là nội dung khó nhưng rất cần thiết và phù hợp với bối cảnh cả nước đang đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
 
TS. Mai Văn Tân trình bày nội dung chương trình Bồi dưỡng kiểm toán TNKT. Ảnh: Nguyễn Ly

Chủ tịch Hội đồng thẩm định thống nhất với nội dung chương trình và đề nghị Ban biên soạn khi xây dựng nội dung đào tạo cần bổ sung các nội dung: đặc điểm kiểm toán TNKT, các yếu tố tác động đến kiểm toán TNKT và làm rõ đối tượng kiểm toán. Tại Chương 3 về hướng dẫn kiểm toán, cần bổ sung thống kê dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công qua kết quả kiểm toán của KTNN, trong đó làm rõ dấu hiệu lãng phí, tham nhũng, tiêu cực trong từng lĩnh vực. Từ các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, Ban biên soạn bổ sung nội dung về phương pháp xác định giá trị thiệt hại do tham nhũng, lãng phí, tiêu cực gây ra.
 
Hội đồng thẩm định thống nhất chương trình đạt yêu cầu. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Minh Khương đề nghị Ban biên soạn tiếp thu ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định, hoàn thiện chương trình và triển khai xây dựng nội dung theo đúng tiến độ và kế hoạch.
 
Tin và ảnh: Nguyễn Ly