Vai trò của Kiểm toán nhà nước Việt Nam trong đổi mới chính sách tài khóa

(sav.gov.vn) - Ngày 19/12, Hội đồng khoa học Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Vai trò của Kiểm toán nhà nước Việt Nam trong đổi mới chính sách tài khóa” do PGS,TS. Đặng Văn Thanh – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam và Ths. Lê Văn Duẩn - Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành V đồng chủ nhiệm.

TS. Bùi Quốc Dũng - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu; cùng tham dự có các thành viên Hội đồng và Ban đề tài.

Ý kiến của KTNN góp phần đảm bảo chính sách tài khóa được hoạch định có căn cứ, có tính khả thi

Theo Ban chủ nhiệm đề tài, để chính sách tài khóa (CSTK) được hoạch định có chất lượng, việc điều hành CSTK được suôn sẻ, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật rất cần các thông tin và ý kiến từ nhiều phía, trong đó có ý kiến của KTNN.
 
Quang cảnh cuộc nghiệm thu. Ảnh: Thùy Anh

Đề tài "Nâng cao vai trò KTNN trong đổi mới CSTK ở Việt Nam" với 3 chương đã hệ thống những vấn đề lý luận về CSTK, về vai trò của KTNN trong hoạch định và điều hành CSTK, đánh giá thực trạng CSTK và vai trò KTNN trong đổi mới CSTK ở Việt Nam, từ đó đề tài đã nêu quan điểm, phương hướng, yêu cầu và nguyên tắc nâng cao vai trò KTNN trong đổi mới CSTK.

Đề tài đã nêu 4 yêu cầu, 4 nguyên tắc và đề xuất 7 nhóm giải pháp nâng cao vai trò KTNN trong đổi mới CSTK.

Theo Ban đề tài, 4 yêu cầu để nâng cao vai trò KTNN trong đổi mới CSTK Việt Nam, gồm: yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; yêu cầu phát triển KTNN là công cụ trọng yếu hữu hiệu trong kiểm tra, kiểm soát việc hoạch định, điều hành CSTK; yêu cầu hội nhập quốc tế đòi hỏi nâng cao vai trò KTNN trong hoạch định và thực thi CSTK; yêu cầu phải khắc phục những hạn chế, tồn tại từ thực trạng, vai trò của KTNN trong đổi mới CSTK ở Việt Nam.

Cũng theo Ban đề tài, để nâng cao vai trò của KTNN trong đổi mới CSTK ở Việt Nam đòi hỏi phải tuân thủ 4 nguyên tắc: Nguyên tắc tuân thủ, nguyên tắc phù hợp, nguyên tắc khả thi, nguyên tắc tiết kiệm và hiệu quả.
 
PGS,TS. Đặng Văn Thanh nêu 7 nhóm giải pháp để nâng cao vai trò của KTNN trong đổi mới chính sách tài khóa. Ảnh: Thùy Anh

7 nhóm giải pháp để nâng cao vai trò của KTNN trong đổi mới chính sách tài khóa

PGS,TS. Đặng Văn Thanh – đại diện Ban đề tài - nhấn mạnh, KTNN có chức năng kiểm tra, đánh giá và xác nhận độ tin cậy của các thông tin tài chính nhà nước, quan trọng hơn, KTNN có quyền, có trách nhiệm, nghĩa vụ và có đủ năng lực tư vấn, kiến nghị để đổi mới CSTK.

Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 đã đặt ra mục tiêu phát triển KTNN là công cụ kiểm tra tài chính trọng yếu hữu hiệu của nhà nước. Do đó, đòi hỏi KTNN xác định đúng trách nhiệm vai trò, đồng thời có những giải pháp thật hữu hiệu để nâng cao vai trò trong việc đổi mới CSTK, đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành ngân sách nhà nước.

Đây là yêu cầu và cũng là việc làm cần thiết cả về lý luận và thực tiễn để khẳng định vị thế của KTNN đồng thời gia tăng giá trị của KTNN.

Vì vậy, rất cần các giải pháp có giá trị khoa học về lý luận và thực tiễn, góp phần bổ sung, hoàn thiện lý luận về CSTK, về vai trò của KTNN với tư cách là công cụ kiểm tra tài chính cao cấp trong hệ thống thể chế của nhà nước Việt Nam.

Theo đó, Ban đề tài đề xuất 7 nhóm giải pháp để nâng cao vai trò của KTNN trong đổi mới CSTK:

Một là, cần thống nhất nhận thức về vai trò KTNN trong đổi mới CSTK ở Việt Nam; cần thống nhất nhận thức về Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam và vai trò, vị thế của KTNN trong kiểm tra, đánh giá tài chính công, trong hoạch định và điều hành CSTK; phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa KTNN với các cơ quan của Quốc hội, hội đồng nhân dân, các cơ quan thuộc bộ máy nhà nước hành pháp, tư pháp, trực tiếp là các Bộ, ngành kinh tế, tài chính.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp lý về KTNN và vai trò KTNN trong đổi mới CSTK

Trước hết, cần hoàn thiện các quy định pháp lý về tài khóa, CSTK; tiếp tục hoàn thiện pháp luật về KTNN; hoàn thiện các quy định pháp lý về hoạt động kiểm toán của KTNN về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, hoạch định và điều hành CSTK.

Cùng với đó, cần chế tài mạnh mẽ hơn nhằm ràng buộc đơn vị được kiểm toán phải khắc phục sai sót, khuyết điểm, phải thực hiện hoặc và phải trả lời bằng văn bản những vấn đề mà KTNN yêu cầu.
Ba là, giải pháp về KTNN tăng cường phân tích và đánh giá các công cụ của CSTK

KTNN có trách nhiệm và chức năng kiểm toán về tài khóa, về quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước; KTNN cũng cần đánh giá CSTK và đánh giá các công cụ của CSTK, công cụ chi tiêu của Chính phủ...

Bốn là, giải pháp về tăng cường vai trò KTNN trong việc đổi mới phương thức hoạch định CSTK

Những thông tin và ý kiến từ KTNN đối với việc hoạch định CSTK là cực kỳ quan trọng, có giá trị, vì đó là ý kiến độc lập, khách quan, có bằng chứng pháp lý và được cung cấp bởi các chuyên gia, bởi cơ quan kiểm tra tài chính cao nhất được hiến định.

KTNN cần tham gia ngay từ khâu chuẩn bị CSTK, ngay từ khâu chuẩn bị dữ liệu cho lập dự toán NSNN. Đồng thời với trách nhiệm là cơ quan kiểm tra tài chính tối cao, KTNN cần chuẩn bị dữ liệu, chuẩn bị và sử dụng các phương pháp phân tích đánh giá mức độ nhạy cảm, mức độ rủi ro của tài khóa, của CSTK, những rủi ro trong ngắn hạn và rủi ro trong dài hạn.

Năm là, giải pháp về tăng cường vai trò KTNN trong việc đổi mới phương thức vận hành CSTK

Đối với nhóm giải pháp này, theo Ban đề tài, KTNN cần tham gia tích cực và có hiệu quả vào quá trình điều hành CSTK và đổi mới phương thức điều hành CSTK.

KTNN cần được quyền khai thác, sử dụng thông tin về kinh tế, tài chính, ngân sách trên cổng thông tin của Chính phủ và dữ liệu thông tin của Bộ Tài chính, của Kho bạc nhà nước và Thanh tra Chính phủ.

KTNN cần đổi mới cách thức cung cấp báo cáo kết quả kiểm toán của KTNN về CSTK về ngân sách, trước hết là các báo cáo kiểm toán nhà nước gửi Quốc hội, hội đồng nhân dân theo hướng tập trung vào những vấn đề tồn tại và kiến nghị những vấn đề cấp bách, quan trọng...

Sáu là, nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng của KTNN, kiểm toán viên về kinh tế vĩ mô, về tài chính quốc gia, tài chính công và chính sách tài chính quốc gia

Bảy là, đổi mới phương thức lập báo cáo kiểm toán và cung cấp thông tin đã được kiểm toán cho các nhà hoạch định CSTK để đại biểu dân cử có thể tìm kiếm thông tin và sử dụng thông tin trên báo cáo kiểm toán cho hoạt động của mình một cách dễ dàng, thuận tiện...

Để triển khai có hiệu quả các nhóm giải pháp này, Ban đề tài cũng đã đề xuất điều kiện và cũng là 3 nhóm kiến nghị với Quốc hội; với Chính phủ, các Bộ ngành và KTNN Việt Nam.
 
Thành viên Hội đồng góp ý với Ban đề tài. Ảnh: Thùy Anh

Cần đề xuất KTNN có bộ phận chuyên trách nghiên cứu, phân tích chính sách

Đánh giá về kết quả nghiên cứu, Hội đồng nghiệm thu cho rằng, đây là đề tài khó nhưng nhóm nghiên cứu đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học, phù hợp, đề xuất những giải pháp có giá trị, thuyết phục để nâng cao vai trò của KTNN Việt Nam trong đổi mới CSTK.

Để hoàn thiện đề tài, Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban đề tài bổ sung những đóng góp của KTNN đối với việc đổi mới CSTK Việt Nam; phân tích rõ hơn những bất cập làm ảnh hưởng đến vai trò của KTNN trong đổi mới CSTK như KTNN chưa được tham gia đầy đủ quá trình hoạch định chính sách, những hạn chế trong việc tiếp cận thông tin của KTNN... từ đó đề xuất KTNN tham gia cả khâu hoạch định chính sách và khâu đánh giá chính sách.

Cùng với đó, Hội đồng nghiệm thu cũng đề nghị Ban Đề tài nghiên cứu, bổ sung giải pháp để KTNN có bộ phận chuyên trách nghiên cứu, phân tích chính sách.

Hội đồng nghiệm thu đề nghị Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán khi xây dựng tài liệu, giáo trình cần tham khảo một số kết quả của đề tài...

Đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại Khá./.