Thẩm định Tài liệu bồi dưỡng chuyên đề kiểm toán chương trình mục tiêu quốc gia

(sav.gov.vn) - Sáng 23/12, Hội đồng khoa học Kiểm toán nhà nước (KTNN) tổ chức cuộc họp thẩm định Tài liệu bồi dưỡng chuyên đề kiểm toán Chương trình MTQG. ThS. Trần Hải Đông - Kiểm toán trưởng KTNN khu vực XI làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định; cùng tham dự có các thành viên Hội đồng và Ban biên soạn Tài liệu.

Theo Luật Đầu tư công năm 2019, Chương trình MTQG là chương trình đầu tư công nhằm thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của từng giai đoạn cụ thể trong phạm vi cả nước. Giai đoạn 2011-2015, nước ta thực hiện 16 Chương trình MTQG: Việc làm và dạy nghề; Giảm nghèo bền vững; Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Y tế; Dân số và kế hoạch hoá gia đình; Vệ sinh an toàn thực phẩm; Văn hoá; Giáo dục và đào tạo; Phòng, chống ma tuý; Phòng, chống tội phạm; Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Ứng phó với biển đổi khí hậu; Xây dựng nông thôn mới; Phòng chống HIV/AIDS; Đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo; Khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường.

Giai đoạn 2016-2025 có 5 Chương trình MTQG: Xây dựng nông thôn mới; Giảm nghèo bền vững; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Có thể thấy, Chương trình MTQG là những chương trình có quy mô lớn, nhiều nội dung, dự án thành phần, tính chất đa dạng, phức tạp, có nhiều cơ quan chủ quản cùng tham gia xây dựng, thực hiện; bao gồm cả hai nội dung chi là chi thường xuyên và chi đầu tư xây dựng cơ bản. Đây là một đặc điểm rất quan trọng mà các nhà quản lý, cơ quan kiểm tra, giám sát cần lưu ý trong quá trình quản lý Chương trình MTQG.

Kiểm toán Chương trình MTQG không chỉ là việc xác nhận báo cáo tài chính mà quan trọng hơn là đánh giá việc thực hiện các mục tiêu đã được xây dựng như thế nào, có đảm bảo hiệu quả và hiệu lực. Chính vì vậy, ngoài việc kiểm toán tài chính và tuân thủ, kiểm toán hoạt động đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện kiểm toán các Chương trình MTQG.
 
Quang cảnh cuộc họp

Hiện nay, KTNN đã áp dụng kiểm toán hoạt động vào thực tiễn kiểm toán, đồng thời, do tính chất an sinh xã hội của các Chương trình MTQG và đôi khi kết quả thực hiện Chương trình MTQG khó có thể lượng hóa cụ thể, nên việc áp dụng kỹ thuật, phương pháp kiểm toán hoạt động đánh giá mục tiêu các Chương trình MTQG là việc cần thiết phải tiến hành.

Ngoài ra, việc kiểm toán Chương trình MTQG còn nhằm mục đích phát hiện kịp thời hành vi tham nhũng, lãng phí và sai phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước tại các đơn vị sử dụng vốn của Chương trình; xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, kiến nghị xử lý sai phạm theo quy định của pháp luật; kiến nghị xử lý tài chính, tài sản phát hiện sai sót; phát hiện bất cập và đề xuất sửa đổi bổ sung cơ chế, chính sách quản lý tài chính, ngân sách cho phù hợp…

Tài liệu bồi dưỡng chuyên đề kiểm toán Chương trình MTQG gồm các chuyên đề: Chuyên đề 1- Tổng quan về Chương trình MTQG và kiểm toán Chương trình MTQG; Chuyên đề 2 - Kiểm toán tại các cơ quan quản lý và thực hiện Chương trình MTQG tại trung ương; Chuyên đề 3 - Kiểm toán tại các cơ quan quản lý và thực hiện Chương trình MTQG tại địa phương; Chuyên đề 4 - Kiểm toán tại các cơ quan thụ hưởng Chương trình MTQG; Chuyên đề 5 - Phân tích, đánh giá tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực của Chương trình MTQG; Chuyên đề 6 - Lập biên bản kiểm toán và lập báo cáo kiểm toán Chương trình MTQG.

Tại cuộc họp, Hội đồng thẩm định cơ bản thống nhất với dự thảo Tài liệu bồi dưỡng chuyên đề kiểm toán Chương trình MTQG, đồng thời đề xuất Ban soạn thảo bổ sung một số nội dung: cập nhật các văn bản mới, chuẩn mực KTNN mới ban hành; rà soát, biên tập một số phần lý luận chung không cần thiết; đầu mối kiểm toán nên ghi cơ quan chủ trì Chương trình MTQG; cân đối câu hỏi và số lượng bài tập tình huống. Tài liệu bồi dưỡng bám sát hướng dẫn quy trình kiểm toán Chương trình MTQG mà KTNN đã bàn hành, với mục tiêu cơ bản đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng và chia sẻ kinh nghiệm tốt nhất để kiểm toán viên triển khai cuộc kiểm toán.

Hội đồng thẩm định đánh giá Tài liệu đạt yêu cầu, Ban biên soạn hoàn thiện trước khi trình Lãnh đạo KTNN phê duyệt, ban hành.

Tin và ảnh: Nguyễn Ly