Hành động sớm của Kiểm toán nhà nước
Theo Chánh Thanh tra KTNN Lưu Trường Kháng, để thực hiện tốt nhiệm vụ PCTNTC, ngay từ rất sớm, KTNN đã có những động thái để tăng cường PCTNTC trong nội bộ. Năm 2013, KTNN đã ban hành quyết định thành lập Thanh tra KTNN với nhiệm vụ chính là tiến hành thanh tra công vụ trong hoạt động kiểm toán, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật và quy định của KTNN đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân thuộc KTNN, qua đó đẩy mạnh PCTNTC trong toàn Ngành.
Nhiều văn bản, chỉ thị liên quan đến yêu cầu thực thi đạo đức công vụ, ngăn chặn các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực cũng đã được Tổng Kiểm toán nhà nước ký ban hành, như Bộ Quy tắc đạo đức nghề nghiệp - Chuẩn mực KTNN số 30; Chương trình kiểm tra, giám sát PCTNTC trong nội bộ Ngành; Chỉ thị số 1346/CT-KTNN ngày 28/10/2022 về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ; Kế hoạch phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2023, năm 2024 của KTNN...
Ngay sau khi nhậm chức, ngày 28/10/2022, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đã ban hành Chỉ thị số 1346/CT-KTNN về việc “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ; kiên quyết đấu tranh PCTNTC trong thực thi công vụ”, trong đó, yêu cầu phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động kiểm toán; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc thi hành công vụ, nhiệm vụ, thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động. Nhiều biện pháp mạnh cũng được lãnh đạo KTNN đưa ra như không bố trí tham gia Đoàn kiểm toán đối với những người có hành vi vi phạm trong thực thi công vụ; tăng cường kiểm soát phạm vi, giới hạn kiểm toán; xử lý nghiêm trường hợp kiểm toán ngoài phạm vi...
Đặc biệt, sau khi Bộ Chính trị ban hành Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 về kiểm soát quyền lực, PCTNTC trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và hoạt động thanh tra, kiểm toán, KTNN đã khẩn trương quán triệt, tăng cường công tác PCTNTC trong nội bộ ngành KTNN theo đúng tinh thần của Quy định.
Riêng năm 2022, KTNN đã rà soát 75 văn bản liên quan đến quy trình kiểm toán để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, đề cao vai trò của người đứng đầu; Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, phát huy vai trò của cơ quan Thanh tra KTNN; xử lý nghiêm những hành vi có hiện tượng tham nhũng, tiêu cực...
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn
KTNN tiếp tục tăng cường giáo dục về đạo đức, văn hóa, ứng xử, trách nhiệm và lòng tự tôn nghề nghiệp cho đội ngũ kiểm toán viên nhà nước (KTVNN), đảm bảo xây dựng đội ngũ KTVNN phải “pháp luật nắm chắc, nghiệp vụ tinh thông, động cơ trong sáng”; thường xuyên quan tâm trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện phẩm chất của người KTVNN. Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm kiểm soát chất lượng kiểm toán, thanh tra, kiểm tra của từng cấp quản lý nhằm nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, kiểm soát quyền lực và đấu tranh, ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong nội bộ Ngành. Chú trọng kiểm soát tính đầy đủ, thích hợp của bằng chứng kiểm toán, chỉ rõ những bất cập trong kết quả, kết luận, kiến nghị kiểm toán, đảm bảo các kết luận, kiến nghị kiểm toán phải đầy đủ bằng chứng, rõ ràng và đúng quy định của pháp luật...
Đổi mới từng khâu của hoạt động kiểm toán
Tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đã khẳng định: Với vai trò là công cụ của Đảng, Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, việc PCTNTC trong nội bộ KTNN luôn là nhiệm vụ hàng đầu và quan trọng nhất.
Thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của cơ quan KTNN, Tổng Kiểm toán nhà nước đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt việc đổi mới từng khâu của hoạt động kiểm toán và tổ chức thực hiện theo quy trình chặt chẽ từ lập kế hoạch kiểm toán năm, lập kế hoạch, thực hiện kiểm toán, phát hành báo cáo kiểm toán của cuộc kiểm toán… Đồng thời, xác định công tác cán bộ là "then chốt của then chốt", thực hiện quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng trong thanh tra, kiểm tra, thời gian qua, KTNN luôn đẩy mạnh thực hiện luân chuyển, điều động cán bộ trong cơ quan, đơn vị.
Theo Tổng Kiểm toán nhà nước, trong vòng 2-3 năm, các KTNN khu vực phải luân phiên, luân chuyển trong công tác kiểm toán và chỉ đạo kiểm toán từng địa phương, khu vực, qua đó hạn chế được mối quan hệ thân hữu. Ngoài ra, KTNN cũng rất chú ý đến công tác luân chuyển từ trụ sở chính về khu vực hoặc trong nội bộ khu vực, luân chuyển địa bàn, luân chuyển lĩnh vực... "Hy vọng những giải pháp như vậy đã hạn chế được tối đa tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ" - Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn trả lời đại biểu Quốc hội.
Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng được KTNN đẩy mạnh tăng cường, qua đó góp phần tăng cường giáo dục tính liêm chính, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ công chức, KTVNN trong thực thi công vụ, nâng cao hiệu quả chất lượng hoạt động kiểm toán; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những tồn tại phát hiện qua thanh tra, kiểm tra...
Để phát huy vai trò của mình trong kiểm soát quyền lực, góp phần PCTNTC trong tình hình mới, Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, KTNN quán triệt thực hiện nghiêm túc quy định của Đảng, Nhà nước và của Ngành về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ, kiên quyết đấu tranh PCTNTC. Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán; tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán. Tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm thông qua việc kiểm toán và công khai kết quả kiểm toán nhằm thúc đẩy trách nhiệm giải trình. Chú trọng xây dựng đội ngũ công chức, KTVNN bảo đảm yêu cầu về số lượng và chất lượng; có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, tinh thông nghiệp vụ...
Đặc biệt, KTNN sẽ tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp đấu tranh PCTNTC trong chính nội bộ của Ngành thông qua việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát của các cấp; Xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm Quy chế hoạt động kiểm toán, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật để công tác kiểm toán đi vào kỷ cương, nền nếp, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng lòng tin của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với KTNN./.
Giai đoạn 2015-2020, KTNN điều động, luân chuyển 287 lượt công chức, viên chức giữa các đơn vị trực thuộc, chuyển đổi vị trí công tác 210 lượt công chức, viên chức trong nội bộ các đơn vị. Riêng trong năm 2024, KTNN điều động và bổ nhiệm 44 công chức lãnh đạo cấp Vụ (trong đó có 18 công chức là Vụ trưởng và tương đương); 87 công chức, viên chức lãnh đạo cấp Phòng và 19 công chức không giữ chức vụ lãnh đạo. 111 lượt công chức, viên chức đã được chuyển đổi vị trí công tác trong nội bộ các đơn vị trực thuộc KTNN. |