Kiểm toán nhà nước chuyên ngành IV tổ chức đào tạo về tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán nhà nước
(sav.gov.vn) - Sáng 15/01, tại Hà Nội, Kiểm toán nhà nước (KTNN) chuyên ngành IV đã tổ chức buổi đào tạo nội bộ nhằm trao đổi, thảo luận về Quy chế Tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán nhà nước.
Tham dự buổi đào tạo có ông Vũ Thanh Hải - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV, các Phó Kiểm toán trưởng và toàn thể công chức, viên chức của đơn vị.
Giảng viên khách mời là bà Lê Thị Huyền - Phó Trưởng Phòng Pháp luật, Vụ Pháp chế, KTNN.
Thông tin tại buổi đào tạo, bà Lê Thị Huyền cho biết, Quy chế Tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán nhà nước (ban hành tại Quyết định số 1495/QĐ-KTNN ngày 20/8/2024 của Tổng Kiểm toán nhà nước) được ban hành trên cơ sở kế thừa các quy định tại Quyết định số 03/2020/QĐ-KTNN ngày 19/10/2020 của Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành kèm theo Quy chế tổ chức và hoạt động Đoàn kiểm toán nhà nước; đồng thời, cụ thể hóa các quy định của Bộ Chính trị liên quan đến hoạt động kiểm toán… Quy chế Tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán nhà nước (sau đây gọi là Đoàn kiểm toán) có hiệu lực thi hành từ ngày 20/8/2024.
Quy chế gồm 05 chương, 37 điều, quy định về tổ chức, hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm trong tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán, mối quan hệ công tác, lề lối làm việc của Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán, các thành viên Đoàn kiểm toán và tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Quy chế này áp dụng đối với các Đoàn kiểm toán được thành lập theo quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước và tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Bà Huyền cho biết, Quy chế nêu rõ, nguyên tắc hoạt động của Đoàn kiểm toán là: độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; trung thực, khách quan, công khai, minh bạch.
Trong hoạt động kiểm toán, các thành viên của Đoàn kiểm toán và các tổ chức, cá nhân có liên quan phải tuân thủ Luật KTNN, quy định của cấp có thẩm quyền về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và quy định của KTNN.
Khi tiến hành kiểm toán ở nước ngoài, Đoàn kiểm toán phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, pháp luật nước sở tại và luật pháp quốc tế; tuân thủ nguyên tắc: tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo an ninh quốc phòng và bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, Quy chế quy định rõ 21 hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kiểm toán như: Đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ dưới mọi hình thức, mua chuộc người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người có liên quan nhằm giảm nhẹ, trốn tránh trách nhiệm cho đối tượng vi phạm; Cung cấp, tiết lộ thông tin, tài liệu, hồ sơ của đơn vị được kiểm toán và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán (sau đây gọi là đơn vị được kiểm toán) cho tổ chức và cá nhân không có thẩm quyền, trách nhiệm, nhất là thông tin, tài liệu, hồ sơ đang trong quá trình kiểm toán; tiết lộ thông tin về tình hình và kết quả kiểm toán chưa được công bố chính thức; Nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất, tham gia hoạt động vui chơi, giải trí của đơn vị được kiểm toán hoặc người có liên quan đến đơn vị được kiểm toán…
Đồng thời, Quy chế cũng quy định rõ các trường hợp không được bố trí tham gia Đoàn kiểm toán.
Về tổ chức của Đoàn kiểm toán, theo Quy chế, Đoàn kiểm toán tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ kiểm toán. Tuy nhiên, Đoàn kiểm toán phải chịu trách nhiệm về những đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị trong báo cáo kiểm toán, thông báo kết quả kiểm toán, thông báo kết luận, kiến nghị của KTNN.
Bên cạnh đó, Quy chế quy định cụ thể về thành phần Đoàn kiểm toán, tiêu chuẩn Trưởng Đoàn kiểm toán, Phó trưởng Đoàn kiểm toán và Tổ trưởng Tổ kiểm toán; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Trưởng Đoàn kiểm toán và Phó trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của thành viên Đoàn kiểm toán là Kiểm toán viên nhà nước; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của thành viên Đoàn kiểm toán không phải Kiểm toán viên nhà nước; việc thay thế, bổ sung thành viên Đoàn kiểm toán; tạm đình chỉ thực hiện nhiệm vụ thành viên Đoàn kiểm toán.
Về hoạt động của Đoàn kiểm toán, Quy chế quy định rõ trường hợp thay đổi nội dung quyết định kiểm toán, kế hoạch kiểm toán tổng quát của cuộc kiểm toán; thay đổi kế hoạch kiểm toán chi tiết của Tổ kiểm toán; chế độ báo cáo; chế độ nghỉ làm việc; chế độ họp giao ban; chế độ ăn ở, đi lại…
Quy chế cũng quy định cụ thể các vấn đề liên quan đến bảo lưu ý kiến của các thành viên Đoàn kiểm toán; xử lý ý kiến giải trình của đơn vị được kiểm toán; nhật ký kiểm toán, nhật ký công tác; trách nhiệm lập biên bản kiểm toán; trách nhiệm lập và quản lý hồ sơ kiểm toán.
Liên quan đến quan hệ công tác và lề lối làm việc của Đoàn kiểm toán, bên cạnh các quy định về chỉ đạo, kiểm tra hoạt động của Đoàn kiểm toán; kiểm soát chất lượng kiểm toán trong Đoàn kiểm toán, Quy chế cũng quy định rõ về các mối quan hệ có liên quan đến Đoàn kiểm toán…
Tại buổi đào tạo, giảng viên và các kiểm toán viên của đơn vị đã trao đổi, thảo luận sâu thêm về những quy định đối với việc tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán, nhất là những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kiểm toán./.