Kiểm soát có trọng tâm, tập trung lĩnh vực dễ phát sinh rủi ro, lãng phí

(sav.gov.vn) - Để góp phần tăng cường thực hiện phòng, chống lãng phí thông qua hoạt động kiểm toán, cũng như từ nội Ngành, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu các đơn vị kiểm toán phải tập trung thực hiện tốt công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán (KSCLKT) trong các khâu, các hình thức kiểm soát để nâng cao khả năng phòng ngừa từ sớm đối với rủi ro có thể xảy ra trong hoạt động kiểm toán.

Chú trọng kiểm soát các vấn đề dễ phát sinh rủi ro, lãng phí

Thực hiện chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước về việc tăng cường kiểm toán đối với các lĩnh vực “nóng”, các đơn vị kiểm toán cũng chủ động triển khai các giải pháp để đảm bảo các hoạt động kiểm toán được tiến hành theo đúng kế hoạch, yêu cầu đặt ra. Trong đó, việc KSCLKT đối với các cuộc kiểm toán quan trọng, liên quan đến các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là nhiệm vụ trọng tâm được các đơn vị kiểm toán thực hiện song song với công tác kiểm toán.

"KTNN đặc biệt coi trọng công tác KSCLKT tại các cấp, gắn trách nhiệm với từng cấp và từng cá nhân. Qua công tác KSCLKT giúp phòng ngừa, phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những hạn chế, tồn tại trong tổ chức, thực hiện kiểm toán; góp phần nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán và giảm thiểu rủi ro kiểm toán. Công tác KSCLKT còn giúp quản lý chặt chẽ các thành viên tham gia hoạt động kiểm toán, bảo đảm tuân thủ đạo đức công vụ và quy định có liên quan." - Vụ trưởng Vụ Chế độ và KSCLKT Nguyễn Lương Thuyết.

Theo Vụ Chế độ và KSCLKT, hiện Kiểm toán nhà nước (KTNN) đang áp dụng đầy đủ 5 hình thức KSCLKT trong toàn bộ quy trình kiểm toán, từ bước lập Kế hoạch kiểm toán (KHKT) tổng quát đến khi xét duyệt Dự thảo Báo cáo kiểm toán, với mục tiêu tăng sự bổ trợ cho nhau và phát huy hiệu quả của các hình thức kiểm soát. “Đối với các cuộc kiểm toán của đơn vị đặc thù như KTNN chuyên ngành Ia, Ib không thực hiện ghi nhật ký kiểm toán trực tuyến, chúng tôi vẫn có Phiếu trao đổi công việc ngay trong quá trình kiểm toán. Qua đó giúp các đoàn kiểm toán kịp thời rà soát, bổ sung, củng cố bằng chứng kiểm toán để các kiến nghị đảm bảo tính phù hợp và khả thi” - đại diện Phòng Doanh nghiệp và các tổ chức tài chính - ngân hàng cho biết.

Từ góc độ đơn vị kiểm toán, công tác KSCLKT cũng được KTNN khu vực V rất chú trọng khi tiến hành kiểm toán. Theo Kiểm toán trưởng Nguyễn Đức Sỹ, ngoài kiểm soát theo kế hoạch, với sự tham gia của Vụ Chế độ và KSCLKT, đơn vị còn chủ động tự KSCLKT, trong đó tập trung vào các nội dung kiểm toán mới, các lĩnh vực thu, chi ngân sách, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, giúp phòng ngừa, chấn chỉnh kịp thời vi phạm. “Nhờ đó, các đoàn kiểm toán đều đạt được mục tiêu và tiến độ đề ra đảm bảo chất lượng và hiệu quả, có những kết quả nổi bật” - Kiểm toán trưởng Nguyễn Đức Sỹ cho biết.

Xác định công tác đầu tư xây dựng cơ bản, đặc biệt là các dự án trọng điểm là lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, ngoài việc chú trọng công tác kiểm toán của đoàn kiểm toán, KTNN chuyên ngành IV cũng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, từ đó giảm thiểu nguy cơ rủi ro, cũng như bỏ lọt vi phạm khi kiểm toán. “Đơn vị đã đảm bảo kiểm soát trực tiếp đối với tất cả các đoàn kiểm toán và tiếp tục tổ chức kiểm soát đột xuất, bên cạnh việc duy trì tốt chế độ báo cáo để hạn chế tối đa sai sót trong hoạt động kiểm toán” - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV Vũ Thanh Hải cho biết.

Chú trọng nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát

Việc thực hiện đồng thời các hình thức kiểm soát sẽ mang lại hiệu quả phòng ngừa, cũng như kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai sót trong hoạt động kiểm toán, do đó, các ý kiến cũng đề nghị cần tiếp tục nâng cao chất lượng kiểm soát trong từng khâu, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm và gắn trách nhiệm của từng cá nhân có liên quan với kết quả kiểm soát, kết quả kiểm toán.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện các phòng chức năng của Vụ Chế độ và KSCLKT cho biết sẽ tập trung vào những nội dung kiểm soát có trọng tâm, bám sát chỉ đạo của lãnh đạo KTNN, gắn với từng hình thức kiểm soát để đảm bảo phát huy hiệu quả của từng hình thức. Đơn cử, đối với hình thức kiểm soát trực tiếp, bộ phận kiểm soát dành thời gian kiểm soát việc: Tuân thủ quy trình, thủ tục kiểm toán; thực hiện các trọng yếu kiểm toán; tính đầy đủ, thích hợp của bằng chứng kiểm toán; các trường hợp bỏ sót kết quả; các vấn đề nhạy cảm còn có sự chưa thống nhất giữa đoàn kiểm toán và đơn vị được kiểm toán. Đây cũng là vấn đề được lưu ý chung đối với bộ phận tham gia KSCLKT tại các đơn vị kiểm toán.

Trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn, để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ kiểm soát, các đơn vị cho rằng cần nâng cao hơn nhận thức về tầm quan trọng của công tác KSCLKT, đẩy mạnh và xây dựng văn hóa nội bộ về KSCLKT. Các tổ KSCLKT tại KTNN chuyên ngành và khu vực cần kiểm soát đầy đủ các hình thức và bước trong quy trình kiểm toán; thực hiện kiểm soát 100% hồ sơ kiểm toán. Trong quá trình kiểm soát, cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa Vụ Chế độ và KSCLKT và đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán trong việc lập và thực hiện kế hoạch KSCLKT bảo đảm hiệu quả, đạt chất lượng.

Từ góc độ đơn vị kiểm toán, KTNN chuyên ngành III cho biết, để nâng cao hiệu quả KSCLKT, đơn vị sẽ tổ chức hoạt động KSCLKT theo hình thức kết hợp giữa kiểm soát trực tiếp và kiểm soát đột xuất trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện kiểm toán của các đoàn kiểm toán. Ngoài ra, đơn vị sẽ tăng cường kiểm tra hồ sơ, bằng chứng kiểm toán ngay trong quá trình kiểm toán dưới hình thức kiểm tra chéo giữa các đoàn. Đặc biệt, “đơn vị sẽ gắn trách nhiệm của từng bộ phận, cá nhân tham gia kiểm soát với kết quả cuộc kiểm toán. Tập trung làm tốt công tác quản lý và KSCLKT từ khâu chuẩn bị kiểm toán đến khâu phát hành Báo cáo kiểm toán; nâng cao hơn nữa chất lượng của Hội đồng thẩm định cấp Vụ” - lãnh đạo đơn vị cho biết.

Nhấn mạnh chất lượng nhân lực tham gia kiểm soát sẽ quyết định đến hiệu quả của công tác này, KTNN khu vực V đề nghị cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, bố trí kiểm toán viên có năng lực chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm cao tham gia hoạt động kiểm soát. Trong quá trình kiểm soát phải đảm bảo có sự phối hợp chặt chẽ với đoàn kiểm toán, đồng thời tổ KSCLKT phải có ý kiến rõ ràng đối với từng nội dung được kiểm soát để thuận lợi cho việc tiếp thu của đoàn kiểm toán./.

Nguyễn Lộc - Theo Báo Kiểm toán