Đột phá thể chế cho khoa học, công nghệ: Những kiến nghị kiểm toán còn nguyên giá trị

(sav.gov.vn) - Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ (KHCN) được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển lấy KHCN làm nền tảng, động lực. Từ tinh thần của Nghị quyết, Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã được trình Quốc hội với nhiều nội dung được sửa đổi, hoàn thiện, tháo gỡ sớm nhất những nút thắt thể chế cho lĩnh vực này; trong đó, nhiều vấn đề từng được Kiểm toán nhà nước (KTNN) chỉ ra và kiến nghị đã được đặt lên bàn nghị sự…

Mục tiêu lớn và những rào cản kìm hãm phát triển khoa học, công nghệ

Có thể khẳng định, những thành tựu quan trọng và toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước thời gian qua có phần đóng góp to lớn, hiệu quả của KHCN và đổi mới sáng tạo. Trong bối cảnh mới, đặc biệt là hướng đến bắt nhịp với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, KHCN được xác định là một trong các đột phá chiến lược quan trọng nhất để đất nước tiến tới phát triển nhanh, bền vững.

Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết số 57) khẳng định: Phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới. Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á về đổi mới sáng tạo, kinh tế số chiếm tỷ trọng tối thiểu 30% GDP. Tầm nhìn đến năm 2045 của Nghị quyết xác định mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển, thu nhập cao, sở hữu những doanh nghiệp công nghệ số tầm cỡ toàn cầu và đóng vai trò là trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực.

Dự thảo Luật đổi mới mạnh mẽ trong tư duy quản lý, từ kiểm soát quy trình và đầu vào như hóa đơn, chứng từ sang quản lý kết quả và hiệu quả đầu ra, chấp nhận rủi ro đi với quản trị rủi ro. Trọng tâm của quản lý nhà nước không còn là cách thức thực hiện mà là kết quả nghiên cứu và tác động thực tiễn đến phát triển kinh tế, xã hội; đồng thời lấy kết quả làm căn cứ để phân bổ nguồn lực.

Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Mạnh Hùng

Song, những mục tiêu đặt ra đang gặp phải trở ngại lớn đã được Bộ Chính trị nhận diện, đó là “thể chế pháp luật, cơ chế, chính sách chưa đáp ứng yêu cầu”. Đây cũng chính là điểm nghẽn khiến cho lĩnh vực KHCN thời gian qua dù được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư, song chưa thể bứt phá như kỳ vọng. Qua thực tiễn triển khai nhiệm vụ KHCN, nhiều đơn vị cho biết, một số quy định về đầu tư và cơ chế tài chính trong hoạt động KHCN chưa rõ ràng, hoặc không còn phù hợp với thực tiễn phát triển nhưng chậm được sửa đổi.

Đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam) dẫn chứng, cơ chế quản lý tài chính cho nghiên cứu khoa học trong doanh nghiệp rườm rà, thiếu hấp dẫn đang kìm hãm hoạt động đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D). Luật pháp cho phép doanh nghiệp trích tối đa 10% lợi nhuận trước thuế để lập Quỹ Phát triển KHCN, nhưng thủ tục sử dụng Quỹ rất phức tạp. Nhiều doanh nghiệp sợ rủi ro bị truy thu thuế hoặc phạt nếu chi Quỹ không đúng mục đích, nên thà không trích lập hoặc trích rồi để đó. Số liệu của Tổng cục Thuế cho thấy, giai đoạn 2015-2021 có 1.281 doanh nghiệp trích lập Quỹ Phát triển KHCN với tổng số tiền khoảng 23.000 tỷ đồng, nhưng doanh nghiệp chỉ sử dụng được 14.400 tỷ đồng (60%), phần còn lại đành nộp trả vì không tiêu hết. Trường hợp Tập đoàn Cao su Việt Nam từng phải hoàn trả tới 84% Quỹ Phát triển KHCN đã trích lập do không triển khai được hoạt động R&D nào đáng kể đã cho thấy rõ sự bất cập của chính sách.

Chưa kể, nhà khoa học còn bị “ngợp” trong “rừng” thủ tục, chứng từ thanh quyết toán đề tài. Theo lý giải của Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Mạnh Hùng đó là nhằm tránh rủi ro đối với các nghiên cứu có sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN), nhưng lại vô tình triệt tiêu động lực của nhà khoa học, cũng như khiến “các cơ sở nghiên cứu không dám nhận những nghiên cứu lớn, có rủi ro cao như các nghiên cứu cơ bản”.

Những phát hiện, kiến nghị kiểm toán còn nguyên giá trị…

Cùng với những rào cản được nêu tại Nghị quyết số 57, những bất cập khiến lĩnh vực KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số chưa thể “cất cánh” cũng đã từng được KTNN chỉ ra và kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.

Kết quả kiểm toán cho thấy, tổng kinh phí đầu tư của toàn xã hội cho KHCN và đổi mới sáng tạo còn thấp; việc huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực còn nhiều hạn chế, chưa hiệu quả. Quy định về xây dựng dự toán và kinh phí quản lý nhiệm vụ KHCN sử dụng NSNN hiện nay chưa phù hợp với đặc thù của hoạt động KHCN, chưa đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của cộng đồng khoa học. Việc phân bổ vốn đầu tư cho hoạt động KHCN còn chồng chéo, dàn trải, chưa tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên.

Hay như cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng của nhiệm vụ KHCN dù đã được triển khai thực hiện, nhưng không phổ biến. Hiện nay, việc chi tiêu, thanh toán vẫn chịu sự điều chỉnh đồng thời của Luật Kế toán, Luật NSNN và Luật Đấu thầu. Theo đại diện Bộ Công Thương, Bộ chưa áp dụng được hình thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, bởi chưa có hướng dẫn cụ thể việc áp dụng định mức kinh tế - kỹ thuật cho các sản phẩm KHCN triển khai theo phương thức này. Ngay tại Bộ KHCN, trong giai đoạn 2016-2021, qua kiểm toán cho thấy, không có đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu KHCN cấp quốc gia nào áp dụng phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng.

 

KTNN đã đưa ra nhiều kiến nghị nhằm tháo gỡ những nút thắt trong cơ chế, chính sách về KHCN. Ảnh: TL

Khó khăn, vướng mắc còn đến từ việc xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ KHCN sử dụng vốn nhà nước. KTNN chỉ rõ, ngay cả nghiên cứu đã mang lại kết quả, nhưng không thể chuyển giao, đưa vào khai thác thương mại do bất cập, sự thiếu đồng bộ của Nghị định số 70/2018/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KHCN sử dụng vốn nhà nước và các văn bản hướng dẫn. Đơn cử, tại Bộ Công Thương, KTNN xác định, do vướng mắc về căn cứ để xác định giá trị tài sản từ kết quả nghiên cứu dẫn đến 360 nhiệm vụ đã hoàn thành trong giai đoạn 2020-2022 chưa thể hoàn thành thủ tục nghiệm thu, thanh lý hợp đồng, chưa hoàn thành công tác bàn giao tài sản đưa vào sử dụng…

Những bất cập trong quy định dẫn đến lúng túng trong quản lý nhiệm vụ KHCN cũng xảy ra tại chính Bộ KHCN. Theo đó, đối với các tài sản là kết quả nghiên cứu của đề tài/dự án, khi kết thúc nhiệm vụ KHCN và đã được nghiệm thu, các cơ quan chủ trì nhiệm vụ không lập báo cáo về tài sản gửi cơ quan quản lý nhiệm vụ KHCN. Nguyên nhân là do chưa xác định được chi phí tạo lập tài sản.

Từ những vấn đề được chỉ ra, KTNN đã đưa ra nhiều kiến nghị nhằm tháo gỡ những nút thắt trong cơ chế, chính sách về KHCN. Trong đó, KTNN kiến nghị Bộ KHCN rà soát các quy định tại Luật KHCN, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực KHCN đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; đồng thời phối hợp với Bộ Tài chính để sửa đổi Nghị định số 70/NĐ-CP… KTNN cũng kiến nghị cần đẩy nhanh thực hiện cơ chế Nhà nước đặt hàng nghiên cứu các đề tài KHCN dựa vào kết quả, hiệu quả cuối cùng, nhằm khắc phục tình trạng lãng phí nguồn lực NSNN, thúc đẩy phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo.

Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III Phạm Thành Ngọc cho rằng, từ bức tranh tổng thể về việc quản lý, sử dụng kinh phí cho KHCN, để khắc phục những bất cập nêu trên đòi hỏi cần có sự tiếp cận tổng thể, đồng bộ từ Luật KHCN và các văn bản pháp luật có liên quan. Đây cũng chính là yêu cầu bức thiết nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị.

Để đổi mới đột phá không nằm… trên giấy

Trong bối cảnh đất nước sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, Nghị quyết số 57 là “kim chỉ nam”, mở đường cho sự phát triển bứt phá của KHCN, đổi mới sáng tạo, tạo động lực tăng trưởng kinh tế. Với ý nghĩa đó, chỉ ít lâu sau khi Nghị quyết số 57 được ban hành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 193/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết đã đưa ra hàng loạt chính sách chưa có tiền lệ, đặc biệt là các chính sách nhằm tháo gỡ vướng mắc về cơ chế tài chính cho nghiên cứu KHCN.

Đặc biệt, để cấp bách sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định pháp luật, tại Kỳ họp thứ 9, Chính phủ đã trình Quốc hội Dự án Luật KHCN và đổi mới sáng tạo, với nhiều quy định đột phá nhằm đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả hoạt động KHCN, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Đáng chú ý, nhiều vấn đề KTNN kiến nghị đã được cụ thể hóa trong Dự thảo Luật lần này.

Đơn cử, Dự thảo Luật quy định cho phép cơ sở nghiên cứu được sở hữu và có quyền tự quyết đối với kết quả nghiên cứu, với tài sản hình thành từ nghiên cứu. Người làm nghiên cứu được hưởng tối thiểu 30% kết quả thương mại hoá, được phép tham gia thành lập và điều hành doanh nghiệp. Quy định này sẽ hóa giải nút thắt lớn kéo dài nhiều năm nay liên quan đến việc định giá kết quả nghiên cứu để hoàn trả kinh phí vào NSNN, như KTNN đã chỉ ra. “Việc tổ chức chủ trì được sở hữu kết quả nghiên cứu sẽ tạo sự chủ động trong việc thương mại hoá, ngay sau khi kết thúc nghiên cứu. Nhà nước sẽ thu lại kinh phí đầu tư gián tiếp thông qua thuế, tạo ra công ăn việc làm cho xã hội. Về tổng thể, quy định này sẽ tạo động lực cho các tổ chức nghiên cứu, tạo ra luồng sinh khí mới trong hoạt động KHCN” - Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá.

Vấn đề đặt hàng nghiên cứu các đề tài KHCN cũng được cụ thể hóa trong Dự thảo Luật. Đánh giá cao quy định này, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội) - cho rằng, để cơ chế đặt hàng không nằm trên giấy và có sự chuyển biến thực chất, Dự thảo Luật cần quy định hằng năm, các Bộ, ngành, địa phương phải dành tối thiểu 20% kinh phí sự nghiệp KHCN cho đặt hàng các sản phẩm KHCN trong nước. Theo đại biểu, việc quy định rõ ràng một tỷ lệ bắt buộc sẽ tạo động lực và áp lực thực hiện, thay vì chỉ khuyến khích tự nguyện như hiện nay. Đồng thời, Dự thảo Nghị định kèm theo cần quy định cụ thể về phương án tài chính đối với hoạt động đặt hàng theo hướng khoán chi để đơn giản hóa thủ tục, tăng tính chủ động cho tổ chức chủ trì; cùng với đó là các chính sách hỗ trợ đầu ra, chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu.

Dự kiến, Dự thảo Luật sẽ được Quốc hội xem xét và thông qua ngay tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Kỳ vọng, Luật sớm đi vào đời sống sẽ là hành lang pháp lý để KHCN thực sự là bệ phóng, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới…/.

Theo Báo Kiểm toán số 21/2025