Xây dựng Kế hoạch khoa học công nghệ năm 2026 của Kiểm toán nhà nước

(sav.gov.vn) - Sáng 09/7, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước (KTNN) Bùi Quốc Dũng chủ trì cuộc họp Thường trực Hội đồng khoa học thảo luận về Kế hoạch khoa học công nghệ (KHCN) năm 2026 của KTNN.

Tham dự cuộc họp có nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên, Nguyễn Tuấn Anh; Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Minh Khương; Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II Lê Đình Thăng; Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Trần Kim Lộc; Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Nguyễn Văn Quang.
 
Thực hiện Kế hoạch KHCN năm 2025 của KTNN về việc xây dựng Kế hoạch KHCN năm 2026, Văn phòng Hội đồng khoa học đã tham mưu lãnh đạo KTNN triển khai xây dựng Kế hoạch KHCN năm 2026. Theo đó, tổng hợp phiếu đăng ký của các đơn vị và cá nhân, Văn phòng Hội đồng khoa học đã lập danh sách 08 nhiệm vụ đăng ký thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ và 03 nhiệm vụ đăng ký thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp Cơ sở.
 
Bao gồm: Lĩnh vực hoàn thiện cơ sở pháp lý, đổi mới hoạt động kiểm toán có 03 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp Bộ; lĩnh vực kiểm toán ngân sách nhà nước có 04 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp Bộ và 01 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp Cơ sở; lĩnh vực kiểm toán mới, kiểm toán môi trường, công nghệ thông tin, công nghệ cao, nâng cao chất lượng kiểm toán viên có 01 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp Bộ và 02 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp Cơ sở.
 
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng chủ trì cuộc họp.

Về chủ đề các hội thảo năm 2026, thành viên Hội đồng khoa học và các đơn vị đề xuất 09 chủ đề để lựa chọn tổ chức năm 2026, trong đó có chủ đề bám sát với thực tiễn hiện nay như: Kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước trong điều kiện thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp; kiểm toán công tác quản lý, sử dụng trụ sở dôi dư sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy…
 
Trên cơ sở ý kiến định hướng của Thường trực, Văn phòng Hội đồng khoa học sẽ tham mưu Chủ tịch Hội đồng khoa học thành lập Hội đồng tư vấn, xác định nhiệm vụ và xét chọn cá nhân, tổ chức thực hiện để xem xét, lựa chọn những đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ và Cơ sở đề xuất đưa vào nhiệm vụ nghiên cứu khoa học năm 2026. Sau đó, Văn phòng Hội đồng khoa học hoàn thiện Kế hoạch KHCN năm 2026 để gửi Bộ Khoa học và Công nghệ.
 
Cho ý kiến về các đề tài nghiên cứu khoa học, Thường trực HĐKH nhấn mạnh, các đề tài cần tập trung vào thực tiễn của đất nước gắn chặt với hoạt động kiểm toán, chẳng hạn như giải pháp xử lý các kiến nghị kiểm toán còn tồn đọng sau khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy; kiểm toán trong bối cảnh chính quyền địa phương 2 cấp…
 
Phạm vi các đề tài cần mở rộng, có tầm nhìn dài hạn, tiên phong như: kinh tế xanh, tài chính xanh, kiểm toán phát triển bền vững, tích hợp công nghệ thông tin vào kiểm toán bền vững, tích hợp các yếu tố xã hội và môi trường vào kiểm toán công, tích hợp quản trị và công nghệ, tác động của chính sách công về phát triển bền vững đối với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.
 
Đối với hội thảo, tọa đàm năm 2026, Thường trực HĐKH cho rằng các chủ đề phải thật sự cần thiết, sát với hoạt động kiểm toán. Trong đó, có thể tập trung tổ chức hội thảo lớn về xây dựng nền tảng dữ liệu kiểm toán (kết nối, liên thông dữ liệu quốc gia); kiểm toán dựa trên ứng dụng công nghệ như AI, big data…
 
Tại cuộc họp, Cục Công nghệ thông tin cũng đã báo cáo về việc xây dựng Phần mềm quản lý danh mục đề tài nghiên cứu khoa học. Về cơ bản phần mềm đã đầy đủ các chức năng, thông kê các đề tài nghiên cứu khoa học của KTNN từ năm 2012 đến nay (tóm tắt đề tài, người/đơn vị chủ trì thực hiện, xếp loại); tích hợp phần mềm chống đạo văn hàng đầu thế giới là Turnitin, được sử dụng rộng rãi trong giới học thuật và nghiên cứu.
 
Thường trực Hội đồng khoa học thảo luận về Kế hoạch khoa học công nghệ năm 2026 của KTNN.

Kết luận cuộc họp, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng thống nhất với các ý kiến của Thường trực HĐKH. Với các đề tài nghiên cứu khoa học năm 2026, Văn phòng Hội đồng khoa học lưu ý rà soát, loại các đề tài trùng lặp; một số đề tài cần bổ sung, đổi tên để đảm bảo tính khoa học và phạm vi nghiên cứu. Đối với các đề tài đặt hàng, cần nghiên cứu kỹ chủ đề, rà soát đề tài các năm trước để lựa chọn chủ đề mới.
 
Về các hội thảo, tọa đàm, chủ đề đăng ký rất nhiều nhưng khi tổ chức thì chỉ từ 1-2 hội thảo lớn, vì vậy, các chủ đề liên quan đến công nghệ, AI, big data, phân tích dữ liệu cần nhóm chung vào 1 hội thảo. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng yêu cầu Văn phòng Hội đồng khoa học tiếp thu đầy đủ các ý kiến, rà soát, nghiên cứu để bổ sung thêm các chủ đề nghiên cứu khoa học, đề tài đặt hàng và lựa chọn chủ đề hội thảo phù hợp bối cảnh trong nước cũng như hoạt động kiểm toán.

Tin và ảnh: Nguyễn Ly