(sav.gov.vn) – Kiểm toán nhà nước (KTNN) vừa ban hành báo cáo kiểm toán ngân sách địa phương năm 2022 của tỉnh Đắk Lắk. KTNN đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk xử lý tài chính gần 493 tỷ đồng và chỉ đạo các đơn vị có liên quan chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công tại địa phương.
Cuộc kiểm toán ngân sách địa phương năm 2022 của tỉnh Đắk Lắk do KTNN khu vực XII thực hiện tại tỉnh Đắk Lắk từ ngày 06/3/2023 đến ngày 04/5/2023 theo Quyết định số 222/QĐ-KTNN ngày 03/3/2023 của Tổng Kiểm toán nhà nước.
KTNN đánh giá, năm 2022, công tác lập, phân bổ, giao dự toán thu, chi ngân sách của địa phương đã cơ bản được thực hiện theo các quy định, hướng dẫn của Trung ương, Nghị quyết của HĐND. Số thu NSNN trên địa bàn thực hiện vượt 37,5% dự toán Trung ương giao, vượt 11,8% dự toán HĐND tỉnh quyết nghị. Công tác quản lý, điều hành chi ngân sách cơ bản đã được thực hiện trên cơ sở các quy định của Luật NSNN, các chế độ, chính sách hiện hành của Trung ương và HĐND tỉnh ban hành; đảm bảo thực hiện các chính sách an sinh - xã hội, quốc phòng, an ninh cũng như các nhiệm vụ quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bên cạnh đó, báo cáo kiểm toán đã chỉ ra nhiều tồn tại hạn chế trong công tác lập và giao dự toán NSNN. Cụ thể, tỉnh Đắk Lắk giao dự toán thu nội địa cho các huyện chưa dựa trên cơ sở kết quả thực hiện thu ngân sách năm 2021 theo quy định tại Thông tư số 122/2021/TT-BTC ngày 24/12/2021 của Bộ Tài chính.
Quá trình xây dựng dự toán chi chưa gắn với tinh giản biên chế, chưa dựa trên cơ sở khối lượng nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao và chưa xác định cụ thể các tác động tăng hoặc giảm quỹ lương theo quy định tại Thông tư số 61/2021/TT-BTC ngày 26/7/2021 của Bộ Tài chính.
Giao dự toán chi sự nghiệp giáo dục cho đơn vị trực thuộc thấp hơn mức phân bổ của Thủ tướng Chính phủ 95,259 tỷ đồng, chưa phù hợp với quy định tại Thông tư số 122/2021/TT-BTC ngày 24/12/2021 của Bộ Tài chính; giao dự toán chi sự nghiệp cho các huyện tăng thêm so với định mức theo quy định tại Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND ngày 17/12/2021 của HĐND tỉnh số tiền 33,408 tỷ đồng; giao dự toán cho một số đơn vị sự nghiệp công lập vượt 44,933 tỷ đồng do xác định mức kinh phí chi thường xuyên tự đảm bảo từ nguồn thu dự toán năm 2022 thấp hơn phương án tự chủ tài chính được phê duyệt.
Công tác quản lý thu, chi NSNN còn nhiều hạn chế
Qua kiểm tra hồ sơ thanh tra, kiểm tra thuế, KTNN đã chỉ rõ, tại Công ty Cổ phần Ea Súp 3: Đoàn kiểm tra đã xác định Công ty không nộp hồ sơ khai thuế là hành vi trốn thuế, nhưng xác định lại là hành vi kê khai sai và đề nghị Cục Thuế quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi kê khai sai, tuy nhiên hồ sơ Đoàn kiểm tra cung cấp chưa đủ cơ sở để làm rõ việc xác định lại hành vi trốn thuế thành hành vi kê khai sai. Hồ sơ, tài liệu Cục Thuế cung cấp bổ sung (sau khi kết thúc kiểm toán) có điểm mâu thuẫn, không phù hợp với tài liệu mà Đoàn kiểm tra thuế đã cung cấp.
Tại Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Dịch vụ Tân Thành Đạt, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Kỳ Nguyên: Hồ sơ thanh tra, kiểm tra có dấu hiệu bất thường; báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra không ghi chi tiết kết quả đã thanh tra, kiểm tra theo từng nội dung rủi ro đã phân tích; các nội dung khác phát hiện trong quá trình kiểm tra chưa đảm bảo quy trình thanh tra, kiểm tra thuế; hồ sơ kiểm tra tại Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Kỳ Nguyên không được lưu trữ theo quy định; công tác giám sát hoạt động thanh tra, kiểm tra của Cục Thuế không phát hiện sai sót về trình tự thủ tục, quy trình của Đoàn thanh tra, Đoàn kiểm tra nên trong báo kết quả giám sát đã ghi nhận 02 Đoàn đã thực hiện thanh tra, kiểm tra tại trụ sở NNT theo đúng quy định, chưa đảm bảo nguyên tắc giám sát theo quy định, không phát hiện để báo cáo Cục trưởng Cục Thuế khi Đoàn thanh tra, Đoàn kiểm tra thuế có dấu hiệu bất thường.
Quy trình thanh tra thuế ban hành kèm theo Quyết định số 1404/QĐ-TCT ngày 28/7/2015 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế còn có nội dung chưa phù hợp với Thông tư số 06/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ, theo đó hồ sơ thanh tra tại Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Dịch vụ Tân Thành Đạt không đảm bảo theo quy định tại Thông tư số 06/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ.
Đáng chú ý, trong năm 2022, có 06 trường hợp chuyển nhượng vốn theo hình thức cho tặng, thừa kế thuộc đối tượng phải khai nộp thuế TNCN nhưng đến nay chưa được Cục Thuế quản lý thu.
Cục Thuế chậm điều chỉnh đơn giá thuê đất đối với 03 trường hợp đã hết thời hạn ổn định đơn giá thuê đất; cho thuê tài sản gắn liền với đất để kinh doanh nhưng chưa nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (03 đơn vị thuộc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch).
Cục Thuế, Văn phòng Cục Thuế chưa hoàn thành chỉ tiêu thu nợ thuế do Tổng cục Thuế giao; một số Chi cục Thuế không hoàn thành chỉ tiêu thu nợ do Cục Thuế giao; một số Chi cục Thuế theo dõi nợ tiền sử dụng đất ngoài hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS). Cục Thuế và một số Chi cục Thuế chưa áp dụng, chậm hoặc áp dụng chưa đầy đủ các biện pháp thu nợ thuế. Hồ sơ nợ thuế của Công ty Cổ phần Đầu tư và xuất nhập khẩu Cà phê Tây Nguyên phát sinh từ năm 2015, Cục Thuế thực hiện nhiều biện pháp thu nợ và đã có công văn đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét kiến nghị UBND tỉnh Đắk Lắk thu hồi đất nhưng đến nay chưa được xử lý (hiện nay, Công ty đã bỏ địa điểm kinh doanh).
Về công tác chi đầu tư phát triển, UBND tỉnh bổ sung có mục tiêu từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2021 và UBND huyện Krông Pắc giao kế hoạch vốn cho 09 công trình không có trong Kế hoạch Đầu tư công trung hạn.
Bố trí kế hoạch vốn cho một số dự án trước khi có quyết định đầu tư (huyện Cư M’gar, Krông Năng, Krông Pắc); không phù hợp thời gian, tiến độ thực hiện theo quyết định chủ trương đầu tư (huyện Lắk); đã được bố trí đủ vốn từ nguồn thu sử dụng đất (huyện Lắk); bố trí kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng nhưng trong Tổng mức đầu tư được duyệt không có chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng (huyện Krông Pắc).
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 do tỉnh quản lý đạt thấp so với kế hoạch vốn giao (64,5%), chưa đạt mục tiêu phấn đấu theo Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 15/9/2022 của Chính phủ.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chưa có báo cáo về nợ đọng xây dựng cơ bản trên địa bàn đối với nguồn vốn ngân sách tỉnh.
Có 137 dự án do cấp huyện quản lý vi phạm về thời gian quyết toán theo quy định.
Đến 31/3/2023, số dư tạm ứng quá hạn chưa thu hồi của 39 dự án là 221,696 tỷ đồng, KBNN các cấp đã có văn bản đôn đốc, tuy nhiên Chủ đầu tư chưa thực hiện.
Ngoài ra, UBND tỉnh Đắk Lắk bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ Phát triển đất tỉnh ở mức cố định 10% dự toán thu tiền sử dụng đất (số tiền 211 tỷ đồng) không tuân thủ trình tự, thủ tục theo quy định của Luật NSNN, Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06/4/2020 của Chính phủ; chưa bố trí đủ mức tối thiểu 10% số thu tiền sử dụng đất để thực hiện công tác đo đạc, đăng ký đất đai, lập cơ sở dữ liệu hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (số tiền 76,308 tỷ đồng) theo quy định tại Thông tư số 61/2021/TT-BTC ngày 26/7/2021 của Bộ Tài chính và Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND ngày 17/12/2021 của HĐND tỉnh.
Kết quả kiểm toán chi tiết tại các dự án cho thấy công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư còn sai sót về khối lượng, đơn giá và sai khác số tiền 2,942 tỷ đồng.
Tại Dự án Hạ tầng kỹ thuật khu đất tại phường Tân Hòa, thành phố Buôn Ma Thuột: (i) Còn tính sai tổng mức đầu tư, cụ thể: tính trùng dự phòng của chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và chi phí tổ chức thực hiện số tiền 1,683 tỷ đồng; xác định chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng số tiền 3,837 tỷ đồng chưa đảm bảo quy định; (ii) Chi trả chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng cho Chi nhánh Công ty Cổ phần Xây dựng công trình 507 tại Đắk Lắk còn thiếu hồ sơ chứng minh Chi nhánh là chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất bị thu hồi, thậm chí có tài sản hình thành trước khi UBND tỉnh giao đất cho Công ty (nhà số 10) nhưng chưa được Hội đồng định giá tài sản làm rõ về chủ sở hữu tài sản, làm cơ sở để chi trả bồi thường; Hội đồng định giá tài sản xác định nguồn gốc hình thành tài sản trên đất chỉ dựa trên báo cáo của Chi nhánh.
Về công tác chi thường xuyên, kết quả kiểm toán cho thấy việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương để chi thường xuyên chưa đúng quy định số tiền 3,359,2 tỷ đồng; chi hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 từ nguồn cải cách tiền lương khi chưa sử dụng hết nguồn ngân sách địa phương, không phù hợp quy định tại Thông tư số 122/2021/TT-BTC ngày 24/12/2021 của Bộ Tài chính số tiền 6,725 tỷ đồng.
Một số khoản tạm ứng, ứng trước đã quá thời gian theo quy định nhưng chưa được bố trí để thu hồi, hoàn ứng theo quy định, trong đó các khoản ngân sách tỉnh tạm ứng ngân sách trung ương là 25,073 tỷ đồng, các khoản ngân sách tỉnh ứng trước ngân sách trung ương là 274,968 tỷ đồng (đến thời điểm kiểm toán, UBND tỉnh đã báo cáo Bộ Tài chính bố trí dự toán để thu hồi các khoản tạm ứng, ứng trước trên).
Ngoài mức hỗ trợ 300.000 đồng/ha đối với diện tích rừng tự nhiên theo quy định tại Điều 6 Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ, địa phương hỗ trợ cho 12 công ty lâm nghiệp thực hiện một số nhiệm vụ như sửa chữa, mua sắm thiết bị, hỗ trợ phòng cháy chữa cháy rừng số tiền 16.932 trđ; hiện nay Chính phủ chưa có quy định cụ thể, UBND tỉnh chưa báo cáo HĐND tỉnh phương án, tiêu chí phân bổ đối với các nội dung trên theo quy định tại Điều 30 Luật NSNN.
Về công tác xử lý chuyển nguồn ngân sách cuối năm: Địa phương đã thực hiện chuyển nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương nhưng chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện theo quy định tại Điều 64 Luật NSNN, Điều 48 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06/4/2020 của Chính phủ (huyện Krông Bông: Công trình sửa chữa, khắc phục Kè chống sạt lở bờ sông sau khu dân cư Buôn Chàm A, xã Cư Đrăm).
Ban hành văn bản chưa phù hợp với các quy định hiện hành
Kết quả kiểm toán cũng chỉ rõ, một số huyện chưa chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh chợ từ Ban Quản lý, Tổ Quản lý chợ thành doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh - quản lý chợ theo quy định tại Quyết định số 36/2016/QĐ-UBND ngày 18/11/2016 của UBND tỉnh (16 chợ tại 02 huyện Krông Pắc và Cư M’gar).
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Giao 72 biên chế sự nghiệp công lập để làm việc tại các Trạm thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y chưa phù hợp theo quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ, Thông tư số 07/2015/TT-BNV ngày 11/12/2015 của Bộ Nội vụ; Giao số lượng người (114 người) làm việc hưởng lương từ nguồn thu dịch vụ môi trường rừng cho 06 Ban Quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng chưa phù hợp với Đề án việc làm được UBND tỉnh phê duyệt.
Một số văn bản địa phương ban hành chưa phù hợp với các quy định hiện hành như:
Điều 2 Nghị quyết số 17/2021/NQ-HĐND ngày 20/12/2021 của HĐND tỉnh giao UBND tỉnh “quyết định tỷ lệ phần trăm phân chia các nguồn thu giữa ngân sách cấp huyện với ngân sách cấp xã” chưa phù hợp theo quy định tại điểm d khoản 9 Điều 30 Luật NSNN.
Công văn số 2240/STC-HCSN ngày 03/8/2022 của Sở Tài chính về kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ chi phí học tập, miễn giảm học phí theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định “Trường hợp nhu cầu kinh phí thực hiện chính sách thực tế tăng so với số đã được bổ sung, đề nghị các huyện, thị xã, thành phố chủ động sử dụng… nguồn cải cách tiền lương còn tại địa phương để kịp thời chi trả cho đối tượng chính sách” chưa phù hợp quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội.
Văn bản số 313/SXD-KTVLXD ngày 14/02/2022 của Sở Xây dựng quy định về thành phần giá ca máy và thiết bị thi công xây dựng (bao gồm các thành phần chi phí: khấu hao, sửa chữa, nhiên liệu, năng lượng; chi phí nhân công điều khiển và chi phí khác của máy được xác định theo Phụ lục số V của Thông tư số 13/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 của Bộ Xây dựng) chưa phù hợp với quy định tại Thông tư số 13/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 và Thông tư số 11/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 của Bộ Xây dựng do một số thiết bị không phát sinh chi phí nhiên liệu, năng lượng như: kích nâng, rơ mooc, sà lan, phao thép,...
Sở Tài chính thực hiện thu phí thẩm tra của 407 công trình sửa chữa sử dụng kinh phí chi thường xuyên để sửa chữa công trình, thiết bị công trình khi chưa có hướng dẫn của cấp có thẩm quyền số tiền 2,149 tỷ đồng.
Kết quả kiểm toán tại Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk chỉ rõ: Chủ trương xây dựng Dự án Thành phố giáo dục quốc tế và khu vui chơi giáo dục kết hợp khu bảo tồn văn hóa Đắk Lắk của UBND tỉnh tại Công văn 8184/UBND-TH ngày 29/5/2018 có nội dung thống nhất cho Tập đoàn Nguyễn Hoàng chủ động làm việc với Công ty để thỏa thuận phương án đền bù, hỗ trợ tài sản trên phần diện tích thực hiện Dự án khi chưa tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, quyền thuê đất là không đúng quy định tại Điều 68 Luật Đất đai, Điều 4 Thông tư số 80/2017/TT-BTC ngày 02/8/2017 của Bộ Tài chính. Đến thời điểm kiểm toán, Dự án chưa được triển khai do chưa phù hợp với quy hoạch chung của thành phố Buôn Ma Thuột, chưa có quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ngày 20/8/2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1903/QĐ-UBND về việc thu hồi 88 ha đất trên của Công ty và giao Trung tâm Phát triển quỹ đất quản lý. Tuy nhiên đến thời điểm kiểm toán, Công ty chưa thực hiện được việc bàn giao đất do Trung tâm Phát triển quỹ đất chưa nhận bàn giao và chưa hoàn thành việc xử lý đối với tài sản gắn liền với đất; UBND tỉnh chưa quyết định việc trả lại giá trị còn lại của tài sản gắn liền với đất đối với Công ty theo quy định tại Thông tư số 80/2017/TT-BTC ngày 02/8/2017 của Bộ Tài chính.
Mặt khác, UBND tỉnh chậm có văn bản giao Người đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty tham gia biểu quyết, thống nhất thực hiện chia hết cổ tức bằng tiền mặt cho các cổ đông khoản lợi nhuận sau thuế sau khi trích lập các quỹ đến 31/12/2021 với số tiền 32,560 tỷ đồng theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Sau khi có định phê duyệt quyết toán tiền thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp năm 2021, Công ty chưa thực hiện nộp số tiền 49,446,4 tỷ đồng về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ. Đến thời điểm kiểm toán, UBND tỉnh chưa có ý kiến chỉ đạo, rà soát đôn đốc và Công ty cũng chưa thực hiện kê khai và nộp NSNN số tiền trên theo quy định tại Thông tư số 57/2022/TT-BTC ngày 16/9/2022 của Bộ Tài chính.
Kiến nghị nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách
Từ kết quả kiểm toán, KTNN kiến nghị UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các đơn vị thực hiện xử lý tài chính 492,979 tỷ đồng (tăng thu NSNN 64,309 tỷ đồng; thu hồi, giảm chi ngân sách 428,670 tỷ đồng); kiến nghị giảm lỗ 3,169 tỷ đồng; kiến nghị khác 10,196 tỷ đồng. Đồng thời, thực hiện và chỉ đạo các đơn vị thực hiện:
Báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 sang năm 2023 đối với Công trình sửa chữa, khắc phục Kè chống sạt lở bờ sông sau khu dân cư Buôn Chàm A, xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông số tiền 4,309 tỷ đồng.
Báo cáo HĐND tỉnh xem xét, quyết định đối với việc giao vượt dự toán chi thường xuyên cho một số đơn vị sự nghiệp công lập do xác định mức kinh phí chi thường xuyên tự đảm bảo được từ nguồn thu dự toán năm 2022 thấp hơn so với mức kinh phí chi thường xuyên tự đảm bảo từ nguồn thu tại phương án tự chủ tài chính số tiền 44.933 trđ; chưa bố trí đủ tiền sử dụng đất để thực hiện công tác đo đạc, đăng ký đất đai, lập cơ sở dữ liệu hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số tiền 76.308 triệu đồng.
Rà soát nhu cầu chi cho nhiệm vụ giáo dục trên địa bàn tỉnh để báo cáo HĐND tỉnh xem xét, quyết định đối với việc giao dự toán chi sự nghiệp giáo dục cho đơn vị trực thuộc thấp hơn mức phân bổ của Thủ tướng Chính phủ số tiền 95.259 trđ.
Rà soát và xử lý theo quy định đối với diện tích đất của Công ty Cổ phần Đầu tư và xuất nhập khẩu Cà phê Tây Nguyên.
Chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh phương án, tiêu chí phân bổ đối với các nội dung chi hỗ trợ sửa chữa, mua sắm, phòng cháy chữa cháy rừng cho các công ty lâm nghiệp theo quy định.
Đối với việc thu hồi 88 ha của Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk tại phường Tân Hòa, thành phố Buôn Ma Thuột: Tổ chức kiểm tra, rà soát và xử lý theo quy định của pháp luật trong việc ban hành Công văn số 8184/UBND-TH ngày 29/5/2018 của UBND tỉnh có nội dung chủ trương thống nhất cho Tập đoàn Nguyễn Hoàng chủ động làm việc với Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk để thỏa thuận phương án đền bù, hỗ trợ tài sản trên phần diện tích thực hiện dự án khi chưa tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, quyền thuê đất không đúng quy định; Chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định việc trả lại giá trị còn lại của tài sản gắn liền với đất cho Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk theo quy định.
Chỉ đạo các đơn vị có liên quan làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật đối với việc xác định và chi trả số tiền 3,837 tỷ đồng giá trị tài sản còn lại cho Chi nhánh Công ty Cổ phần Xây dựng công trình 507 tại Đắk Lắk.
Chỉ đạo Cục Thuế: Tổ chức kiểm tra, quản lý thu thuế TNCN đối với 06 cá nhân, doanh nghiệp có thu nhập từ nhận thừa kế, cho tặng từ chuyển nhượng vốn để xử lý theo quy định của pháp luật; Rà soát, điều chỉnh đơn giá thuê đất đối với 03 trường hợp đã hết thời hạn ổn định đơn giá thuê đất theo quy định; Rà soát lại hồ sơ, tài liệu liên quan việc kê khai, nộp thay thuế thu nhập cá nhân của Công ty Cổ phần Ea Súp 3 trong việc chuyển nhượng vốn năm 2020 và 2021; Rà soát hồ sơ thanh tra, kiểm tra tại Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Kỳ Nguyên, Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Dịch vụ Tân Thành Đạt; sau khi rà soát, tùy theo mức độ sai phạm, Cục thuế thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật đối với các tập thể, cá nhân liên quan; trường hợp có dấu hiệu tội phạm thì chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm cho cơ quan có thẩm quyền điều tra tiến hành các thủ tục tố tụng hình sự (đối với Công ty Cổ phần Ea Súp 3); đề nghị Tổng cục Thuế thanh tra lại nếu thuộc các trường hợp quy định tại Điều 8 Quyết định số 188/QĐ-TCT của Tổng cục Thuế (đối với Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Kỳ Nguyên, Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Dịch vụ Tân Thành Đạt).
Chỉ đạo Kho bạc Nhà nước tỉnh thực hiện và chỉ đạo KBNN Krông Pắc phối hợp với các chủ đầu tư thu hồi các khoản tạm ứng quá hạn.
Chỉ đạo Sở Tài chính: Tạm dừng việc thu phí thẩm tra, quyết toán công trình hoàn thành đối với các công trình sử dụng kinh phí chi thường xuyên để sửa chữa công trình, thiết bị công trình cho đến khi cấp thẩm quyền có hướng dẫn; báo cáo UBND tỉnh xem xét, xử lý các khoản thu phí thẩm tra quyết toán công trình hoàn thành đối với các công trình sử dụng kinh phí chi thường xuyên khi chưa có hướng dẫn của cấp có thẩm quyền; Sửa đổi nội dung hướng dẫn sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn tại địa phương để chi trả cho đối tượng chính sách tại Công văn số 2240/STC-HCSN ngày 03/8/2022 của Sở Tài chính.
Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Báo cáo UBND tỉnh để xem xét, xử lý theo quy định việc giao biên chế cho Chi cục Chăn nuôi và Thú y chưa phù hợp theo quy định; Giao số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu dịch vụ môi trường rừng phù hợp với Đề án việc làm được UBND tỉnh phê duyệt; Chỉ đạo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cho các chủ rừng tạm ứng tiền dịch vụ môi trường rừng theo quy định tại Điều 1 Quyết định số 08/2020/QĐ-UBND của UBND tỉnh, thu tiền dịch vụ môi trường rừng của các cơ sở kinh doanh đã được cấp phép khai thác tài nguyên nước để phục vụ kinh doanh nhưng chưa kê khai và nộp tiền dịch vụ môi trường rừng; Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính đối với 04 cơ sở kinh doanh được cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước để phục vụ kinh doanh nhưng chưa kê khai và nộp tiền dịch vụ môi trường rừng theo quy định tại Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ.
Chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh: Trình UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh giảm Tổng mức đầu tư của dự án Hạ tầng kỹ thuật khu đất tại phường Tân Hòa, thành phố Buôn Ma Thuột với số tiền 5.520,3 trđ; Báo cáo UBND tỉnh Đắk Lắk để thực hiện hoàn ứng số tiền 3.837 trđ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng đã chi trả cho Chi nhánh Công ty Cổ phần Xây dựng công trình 507 tại Đắk Lắk theo đúng quy định của Luật NSNN.
Chỉ đạo UBND các huyện, thành phố đôn đốc các chủ đầu tư lập báo cáo quyết toán vốn đầu tư công trình phê duyệt theo đúng thời gian quy định; chỉ đạo Phòng Tài chính Kế hoạch tham mưu xử lý vi phạm các chủ đầu tư chậm nộp hồ sơ trình phê duyệt quyết toán theo quy định.
Chỉ đạo UBND huyện Krông Pắc, Cư M’gar chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh chợ theo quy định tại Quyết định số 36/2016/QĐ-UBND ngày 18/11/2016 của UBND tỉnh Đắk Lắk.
KTNN kiến nghị HĐND tỉnh Đắk Lắk sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 17/2021/NQ-HĐND ngày 20/12/2021 về tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa ngân sách các cấp chính quyền, đảm bảo HĐND tỉnh quyết định tỷ lệ phân chia nguồn thu giữa ngân sách cấp huyện và ngân sách cấp xã (không giao UBND tỉnh quyết định) cho phù hợp quy định tại điểm d khoản 9 Điều 30 Luật NSNN.
Sử dụng Báo cáo kiểm toán của KTNN trong quá trình phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương năm 2022 của tỉnh Đắk Lắk; giám sát việc thực hiện kiến nghị của KTNN được nêu tại Báo cáo kiểm toán; lưu ý các ý kiến của KTNN tại Báo cáo kiểm toán này khi giao dự toán, điều hành ngân sách các năm sau.
KTNN đề nghị Tổng cục Thuế: Rà soát, bổ sung các quy định về Quy trình thanh tra thuế tại Quyết định số 1404/QĐ-TCT ngày 28/7/2015 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho phù hợp với Thông tư số 06/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ.
KTNN đề nghị Bộ Tài chính: Bố trí dự toán để thu hồi các khoản tạm ứng, ứng trước dự toán từ NSTW đã quá hạn số tiền 300,041 tỷ đồng (tạm ứng 25,073 tỷ đồng; ứng trước 274,968 tỷ đồng).
Hà Linh