(sav.gov.vn) - Kiểm toán nhà nước (KTNN) vừa hoàn thành cuộc kiểm toán hoạt động Đề án ổn định dân cư phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư thuỷ điện Sơn La (Đề án 666) tại tỉnh Lai Châu. Kết quả kiểm toán cho thấy quá trình triển khai thực hiện Đề án của tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế.
Kiểm toán Đề án 666 tại tỉnh Lai Châu: Những điểm đáng chú ý về dân cư và kinh tế xã hội
Theo kết quả kiểm toán được công bố, UBND tỉnh Lai Châu đã tổ chức triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư thủy điện Sơn La được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 666/QĐ-TTg ngày 31/5/2018 theo quy định.
Tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị thụ hưởng nguồn kinh phí của Đề án thực hiện việc lồng ghép với các chương trình, đề án khác cùng thực hiện trên địa bàn để nâng cao hiệu quả các chương trình, đề án; thực hiện chế độ quản lý đầu tư và xây dựng công trình của Nhà nước phù hợp với nội dung của Đề án được duyệt và kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 21/02/2022.
Tuy nhiên, kết quả kiểm toán cho thấy quá trình triển khai thực hiện Đề án của tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế.
Cụ thể, UBND tỉnh Lai Châu chưa lập, phê duyệt các nội dung thuộc hợp phần hỗ trợ sản xuất để triển khai thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 2 Quyết định số 666/QĐ-TTg ngày 31/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Tại 04 huyện kiểm toán chi tiết (huyện Sìn Hồ, huyện Nậm Nhùn, huyện Tam Đường, huyện Phong Thổ): chưa rà soát thống kê xác định chi tiết các nội dung của Đề án 666 để thực hiện lồng ghép với các chương trình MTQG; chưa tổng hợp số liệu lồng ghép các chương trình khác cùng thực hiện trên địa bàn với Đề án 666 để đánh giá tác động của các chương trình đến mức độ đạt được các mục tiêu của Đề án 666.
Đáng chú ý, một số công trình chưa lập tiến độ thi công trình chủ đầu tư phê duyệt theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ; còn trường hợp chưa có biên bản kiểm tra sự phù hợp năng lực của nhà thầu thi công xây dựng công trình so với hồ sơ dự thầu và hợp đồng xây dựng (như nhân lực, thiết bị thi công xây dựng công trình, thiết kế chưa thể hiện vị trí đổ thải … ) theo quy định tại Nghị định số 06/2021/NĐ-CP; công tác nghiệm thu còn sai sót về khối lượng, đơn giá, sai khác được giảm trừ qua kết quả kiểm toán chi phí đầu tư 754 triệu đồng.
Qua chọn mẫu kiểm tra hiện trường 08 công trình cho thấy còn 01 công trình thi công bề rộng mặt đường nhỏ hơn thiết kế nhưng chưa được Chủ đầu tư thực hiện bước điều chỉnh và phê duyệt thiết kế theo quy định; chưa điều chỉnh thiết kế 01 công trình trùng với công trình đã thi công; chưa thực hiện lập bản vẽ hoàn công theo kích thước thực tế thi công tấm đan rãnh bê tông xi măng.
Về thực hiện mục tiêu của Đề án 666, KTNN chỉ rõ đến năm 2022 còn 01/39 điểm tái định cư không đạt mức thu nhập bình quân đầu người cao hơn gấp đôi so với năm 2014, còn 28/39 điểm tái định cư có tỷ lệ hộ nghèo cao hơn 10% (mục tiêu của Đề án dưới 10%).
Bên cạnh đó, còn 11/39 điểm tái định cư có tỷ lệ lao động nông nghiệp cao hơn 73% (so với mục tiêu Đề án còn dưới 73%) và theo đà giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp như năm 2022 so với năm 2021 chỉ là 1,89% thì đến năm 2025 tỷ lệ lao động nông nghiệp khó đạt được mục tiêu của đề án đề ra (mục tiêu Đề án là 65%).
Về đào tạo chuyển đổi nghề và việc làm, tại một số huyện được kiểm toán số người đào tạo chuyển đổi nghề và việc làm so với mục tiêu của Đề án còn thấp (huyện Sìn Hồ đạt 37,5%; huyện Nậm Nhùn đạt 62,6%).
Đến thời điểm kiểm toán, Hợp phần sửa chữa, nâng cấp công trình cơ sở hạ tầng được bố trí vốn ở giai đoạn 2021-2025 với kế hoạch vốn đã được phân bổ là 566 tỷ đồng cho 04 dự án, các dự án bắt đầu triển khai thực hiện thi công từ năm 2022 và chưa hoàn thành, chậm so với thời gian Đề án được phê duyệt của giai đoạn 2018-2020 là 5 năm; có hợp phần còn chưa được triển khai (hợp phần hỗ trợ sản xuất), trong khi đến năm 2025 là kết thúc Đề án làm ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả của Đề án.
Đánh giá tính hiệu lực trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, KTNN nêu rõ Đề án được thực hiện trong thời gian từ 2018 đến 2025, tuy nhiên giai đoạn 2018-2020 tỉnh chưa được Trung ương giao vốn để triển khai thực hiện Đề án, việc huy động vốn của dân và nguồn vốn hợp pháp khác cũng chưa thực hiện được đã làm giảm tính hiệu lực của Đề án.
Khắc phục bất cập, thực hiện nghiêm kiến nghị kiểm toán
Từ kết quả kiểm toán, KTNN kiến nghị UBND tỉnh Lai Châu và các đơn vị trực thuộc được kiểm toán chấn chỉnh, rút kinh nghiệm đối với những hạn chế, tồn tại đã được nêu trong BCKT, đồng thời kiến nghị UBND tỉnh thực hiện và chỉ đạo thực hiện:
Thực hiện phê duyệt các nội dung về hợp phần hỗ trợ sản xuất để sẵn sàng triển khai thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 2 của Quyết định số 666/QĐ-TTg khi được phân bổ vốn. Đồng thời, có văn bản báo cáo Bộ Tài chính về nguồn vốn thực hiện hợp phần này để được hướng dẫn cụ thể.
Xây dựng phương án huy động nguồn lực trong dân và các nguồn vốn hợp pháp khác cho Đề án khi phê duyệt các nội dung về hợp phần trợ sản xuất để sẵn sàng triển khai thực hiện.
Chỉ đạo các huyện (Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Tam Đường, Phong Thổ) chấn chỉnh rút kinh nghiệm các hạn chế như đã nêu ở kết quả kiểm toán.
Báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Đơn vị chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án) để báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn và có giải pháp xử lý đối với việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam chưa chuyển nguồn vốn khấu hao của Tập đoàn cho Đề án theo điểm a khoản 2 Mục IV Điều 1 và điểm c khoản 1 Điều 2 Quyết định số 666/QĐ-TTg ngày 31/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Hà Linh