(sav.gov.vn) – Kiểm toán nhà nước vừa hoàn thành cuộc kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng (Quỹ) giai đoạn 2020-2022 tại các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang và thành phố Hải Phòng.
Kết quả kiểm toán chủ yếu
Trong giai đoạn 2020 - 2022, 03/04 địa phương được kiểm toán đã thành lập Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh (trừ tỉnh Hải Dương chưa thành lập, giao Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện các nhiệm vụ của Quỹ theo quy định) để thực hiện nhiệm vụ quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng và các nguồn tài chính hợp pháp khác phục vụ bảo vệ và phát triển rừng, phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật. Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố đã thực hiện ban hành quy chế tổ chức, điều lệ tổ chức, hoạt động của Quỹ; ban hành văn bản quản lý; Đề án triển khai chính sách dịch vụ môi trường rừng; kế hoạch thu, chi tiền dịch vụ môi trường rừng; thẩm tra, chấp thuận phương án trồng rừng thay thế; lập kế hoạch, tổ chức thực hiện kế hoạch trồng rừng thay thế theo quy định tại Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn.
Từ khi thành lập Quỹ đến 31/3/2023, các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang và thành phố Hải Phòng đã phê duyệt phương án thu tiền trồng rừng thay thế để chuyển đổi 5.470,01ha rừng (rừng tự nhiên 170,09ha, rừng trồng 5.299,92ha) sang mục đích khác, diện tích rừng phải trồng thay thế 5.607,54ha, diện tích rừng đã trồng thay thế 3.341,64ha (bằng 60% so với diện tích phải trồng); diện tích còn phải trồng rừng thay thế 2.274,07ha, trong đó, Quảng Ninh 2.065,69ha; Hải Dương 28,05ha; Bắc Giang 128,12ha; Hải Phòng 52,21ha.
Về tình hình thu - chi Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2020 - 2022 đến 31/3/2023: Tổng số thu trong kỳ 541.236trđ (trong đó thu tiền trồng rừng thay thế 491.874trđ, dịch vụ môi trường rừng 36.132trđ, còn lại là thu lãi tiền gửi, Quỹ Bảo vệ và phát triển Việt Nam điều chuyển); số đã chi 106.956trđ (trong đó, chi trồng rừng thay thế 86.910trđ, dịch vụ môi trường rừng 17.105trđ, còn lại chi quản lý, dự phòng chi); số dư cuối kỳ 517.979trđ (Quảng Ninh 445.303trđ; Hải Dương 7.688trđ; Bắc Giang 33.968trđ; Hải Phòng 31.020trđ), trong đó, số thu tiền trồng rừng thay thế đã quá thời hạn 12 tháng kể từ ngày chủ dự án nộp tiền nhưng địa phương không bố trí được hoặc chưa bố trí đủ diện tích đất trồng rừng thay thế 275.318trđ phải nộp về Quỹ Bảo vệ và phát triển Việt Nam).
Việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, chuyển loại rừng, ban hành kế hoạch trồng rừng thay thế và ban hành văn bản quản lý
Tỉnh Hải Dương quyết định chuyển mục đích sử dụng đất, cho thuê toàn bộ diện tích đất rừng, bao gồm cả diện tích đất rừng chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền trồng rừng thay thế với 02 dự án. Tỉnh Hải Dương, Bắc Giang chưa ban hành Quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với các dự án đã nộp tiền trồng rừng thay thế (Hải Dương 05 dự án, Bắc Giang 35 dự án) theo quy định tại khoản 1 Điều 42, khoản 1 Điều 43 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Tỉnh Hải Dương thực hiện chuyển loại rừng đặc dụng với 3,9624 ha sang loại rừng sản xuất trước khi chuyển mục đích sử dụng 3,9624ha rừng sản xuất sang mục đích khác (thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường dẫn cầu Đồng Việt kết nối với quốc lộ 37 thành phố Chí Linh). Đến thời điểm kết thúc kiểm toán, địa phương chưa thực hiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng diện tích rừng đặc dụng 3,9624 ha do đã chuyển loại rừng đặc dụng thành rừng sản xuất trước khi chuyển mục đích sử dụng rừng như nêu trên.
UBND tỉnh Bắc Giang trình, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ sang mục đích khác cho Công ty Cổ phần tập đoàn khoáng sản Á Cường khai thác khoáng sản (quặng vàng gốc) đối với diện tích rừng 2,5ha (trong đó: rừng phòng hộ 2,04ha và rừng sản xuất 0,46ha) để khai thác khoáng sản thuộc khu vực cấm khai thác khoáng sản trước khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản.
Tại tỉnh Bắc Giang và Thành phố Hải Phòng, khi quyết định phương án chấp thuận nộp tiền trồng rừng thay thế, địa phương đã không xác định rõ thuộc trường hợp UBND tỉnh bố trí đất để trồng rừng thay thế trên địa bàn theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư số 13/2019/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác (Thông tư 13) hoặc trường hợp địa phương không còn quỹ đất quy hoạch phát triển rừng để trồng rừng thay thế theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Thông tư 13.
Địa phương đã chấp thuận phương án nộp tiền trồng rừng thay thế, đã thu tiền trồng rừng thay thế nhưng đến thời điểm kết thúc kiểm toán chưa giao kế hoạch trồng rừng thay thế cho toàn bộ diện tích rừng đã chuyển mục đích sử dụng rừng, diện tích rừng trồng thay thế (Quảng Ninh 1.913,64 ha chưa giao kế hoạch; Bắc Giang 128,12ha chưa giao kế hoạch); diện tích còn phải trồng rừng thay thế đến 31/3/2023 tại 4 địa phương là 2.274,07ha (Quảng Ninh 2.065,69ha; Hải Dương 28,05ha; Bắc Giang 128,12ha; Hải Phòng 52,21ha); số tiền trồng rừng thay thế đã quá thời hạn 12 tháng kể từ ngày chủ dự án nộp tiền nhưng chưa địa phương không bố trí được hoặc chưa bố trí đủ diện tích đất trồng rừng thay thế cần phải chuyển tiền trồng rừng thay thế về Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam để tổ chức trồng rừng thay thế tại địa phương khác theo quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 4 Thông tư 13 là 275.318trđ (Quảng Ninh 248.933trđ; Bắc Giang 23.249trđ; Hải Phòng 3.136trđ).
UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành quy trình kỹ thuật và suất đầu tư trồng rừng thay thế đối với một số loài cây lâm nghiệp áp dụng cho các chủ dự án không tự trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích sử dụng khác không phải lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, trong đó dự toán không có định mức sử dụng công cụ thủ công theo quy định về "Định mức kinh tế kỹ thuật trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng và bảo vệ rừng”.
UBND tỉnh Bắc Giang ban hành 02 quyết định phê duyệt đơn giá trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, trong đơn giá xây dựng chưa bao gồm một số hạng mục chi phí (chi phí thiết bị thi công, chi phí chung, thu nhập chịu thuế tính trước, thuế giá trị gia tăng, chi phí khác, chi phí dự phòng) theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 15/2019/TT-BNNPTNT ngày 30/10/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số nội dung quản lý đầu tư công trình lâm sinh (Thông tư 15).
Công tác thẩm định, phê duyệt, chấp thuận phương án trồng rừng thay thế
Đơn giá trong phương án trồng rừng thay thế được phê duyệt còn tính thiếu một số hạng mục chi phí theo quy định tại Thông tư 15 (Quảng Ninh giai đoạn từ 30/8/2021 đến hết năm 2022 thiếu công cụ dụng cụ, chi phí dự phòng; Hải Dương thiếu chi phí dự phòng; Bắc Giang thiếu chi phí chung, chi phí khác, chi phí dự phòng; Hải Phòng thiếu chi phí khác, chi phí dự phòng).
Tỉnh Quảng Ninh không phê duyệt lại đơn giá thu nộp tiền trồng rừng thay thế khi quy định tính toán có thay đổi dẫn đến đơn giá thu tiền trồng rừng thay thế thấp hơn đơn giá giao kế hoạch trồng rừng thay thế; 814,3ha diện tích rừng chuyển đổi mục đích đã nộp tiền trồng rừng thay thế 121.293,8trđ theo đơn giá tại thời điểm thu từ 80,62trđ/ha đến 80,87trđ/ha (đơn giá rừng trồng trên cạn) và từ 246,5trđ/ha đến 247,36trđ/ha (đơn giá rừng trồng ngập mặn) nhưng đến nay chưa được giao kế hoạch trồng rừng thay thế. Theo đơn giá tại Quyết định số 318/QĐ-UBND ngày 9/02/2023, Quyết định số 148/QĐ-UBND ngày 17/01/2023 của UBND tỉnh Quảng Ninh về phê duyệt kế hoạch trồng rừng thay thế đợt 2, đợt 3 năm 2023 thì đơn giá trồng rừng thay thế đối với 1ha đang cao hơn so với đơn giá/1ha tại thời điểm thu”.
UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt kế hoạch trồng rừng thay thế nhưng xác định diện tích trồng thay thế không đủ so với diện tích rừng đã quyết định chuyển mục đích sử dụng (còn thiếu 17,37ha); cho phép đơn vị nộp tiền làm nhiều đợt theo đơn giá tính ban đầu, mà không thực hiện xác định đơn giá tại thời điểm nộp tiền theo quy định tại 2 Điều 4 Thông tư số 23/2017/TT-BNNPTNT quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác (Thông tư 23); phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán trồng rừng thay thế, trong đó xác định dự toán đơn giá cây giống Thông mã vĩ cao hơn từ 1,95 lần đến 2 lần so với đơn giá quy định của UBND tỉnh Hải Dương.
Tỉnh Hải Dương và Thành phố Hải Phòng áp dụng văn bản không còn phù hợp để tính toán, phê duyệt đơn giá thu tiền trồng rừng thay thế.
Công tác quản lý thu của Quỹ
Luật Lâm nghiệp 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 nhưng đến thời điểm kết thúc kiểm toán 02/04 địa phương được kiểm toán chưa thực hiện xác định ranh giới lưu vực và diện tích rừng trong lưu vực nằm trong địa giới hành chính của tỉnh để trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo quy định (tỉnh Hải Dương), chưa hoàn thành việc xây dựng bản đồ lưu vực nơi cung ứng dịch vụ môi trường rừng, chưa xác định diện tích rừng được chi trả và đối tượng được chi trả tiền cung ứng dịch vụ môi trường rừng theo quy định (Thành phố Hải Phòng); chưa thực hiện rà soát, xác định xem các tổ chức có thuộc đối tượng phải trả tiền dịch vụ môi trường rừng theo quy định, chưa ký kết hợp đồng ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng theo quy định tại điểm a – Khoản 2 Điều 76 về Nhiệm vụ của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh để đưa các đối tượng theo quy định vào quản lý thu (tỉnh Hải Dương); chưa rà soát, xác định đối tượng, ký hợp đồng uỷ thác chi tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2020 đối với các đơn vị được ký hợp đồng bắt đầu từ năm 2021 (Quảng Ninh); Công ty Nhiệt điện Uông Bí (Quảng Ninh) chưa thống nhất ký hợp đồng ủy thác thu dịch vụ môi trường rừng, chưa đăng ký kế hoạch, chưa nộp tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng các năm 2020, 2021, 2022.
Tại tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương còn tình trạng một số đơn vị được phê duyệt phương án nộp tiền trồng rừng thay thế chưa nộp, chậm nộp tiền trồng rừng thay thế.
Về chi dịch vụ môi trường rừng, trồng rừng thay thế
Kết quả kiểm tra chọn mẫu hồ sơ tại tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang cho thấy tỉnh Quảng Ninh không thực hiện điều tiết nguồn thu tiền dịch vụ môi trường rừng từ Quỹ TW (3.622trđ) cho đơn vị có mức chi trả thấp nhất (7.718đ/ha) theo quy định Điểm e Khoản 2 Điều 70 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp (Nghị định 156); thực hiện chi cao hơn kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt; hồ sơ chi trả còn áp dụng hình thức thanh toán tiền mặt, thiếu thông tin cá nhân người được chi trả.
Theo kết quả kiểm tra chọn mẫu hồ sơ nghiệm thu, thanh toán kinh phí trồng rừng thay thế tại tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Hải Dương và kiểm tra đối chiếu tại tỉnh Bắc Giang (Ban quản lý rừng phòng hộ Cấm Sơn, Ban quản lý rừng phòng hộ Sơn Động), hồ sơ ký kết hợp đồng nhân công, cây giống, phân bón còn chưa đảm bảo chặt chẽ theo quy định; hồ sơ nghiệm thu thanh toán chưa thể hiện đủ số nhân công cần thiết để thực hiện công việc theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán, chưa có tài liệu nghiệm thu, bàn giao phân bón, cây giống trước khi thực hiện trồng, chăm sóc rừng; hồ sơ nghiệm thu thể hiện công việc vận chuyển, bón phân trước thời điểm bàn giao phân bón; trồng cây trước thời điểm giao nhận cây giống…; hồ sơ thiết kế kỹ thuật dự toán thể hiện chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, đơn giá cây giống (Thông mã vĩ) cao hơn đơn quy định của tỉnh và địa bàn lân cận (Hải Dương)…
Công tác chỉ đạo kiểm tra, giám sát của UBND cấp tỉnh tại 04 địa phương được kiểm toán chưa được quan tâm, thực hiện thường xuyên; việc chấp hành chế độ báo cáo chưa kịp thời, đầy đủ.
Những bất cập chính sách
Về quy định hệ số K1 điều chỉnh mức chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với trữ lượng rừng trồng
Mục 2 phần II Phụ lục VII kèm theo Nghị định 156 quy định “Hệ số K1 điều chỉnh mức chi trả dịch vụ môi trường rừng theo trữ lượng rừng, gồm rừng rất giàu và rừng giàu, rừng trung bình, rừng nghèo. Hệ số K1 có giá trị bằng: 1,00 đối với rừng rất giàu và rừng giàu; 0,95 đối với rừng trung bình; 0,90 đối với rừng nghèo. Tiêu chí trữ lượng rừng theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”.
Tỉnh Quảng Ninh khi xây dựng Đề án triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh đã phát sinh trường hợp cần xác định chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với trữ lượng rừng trồng nhưng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa có quy định, hướng dẫn xác định hệ số (K1) đối với trữ lượng rừng trồng để làm cơ sở cho việc thực hiện.
Tại tỉnh Bắc Giang, phát sinh trường hợp cần xác định chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với trường hợp xác định trữ lượng rừng trồng (rừng giàu, rừng nghèo) nhưng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa có quy định, hướng dẫn xác định hệ số (K1) đối với trữ lượng rừng trồng để làm cơ sở cho việc thực hiện.
Về quy định xử phạt vi phạm hành chính, tính lại đơn giá tại thời điểm nộp, phạt chậm nộp khi phát sinh trường hợp chậm nộp tiền trồng rừng thay thế
Địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang phát sinh các trường hợp chậm nộp tiền trồng rừng thay thế theo quy định tại khoản 3, điều 4 Thông tư 13. Tại thời điểm đơn vị thực hiện nộp tiền trồng rừng thay thế, đơn giá để thực hiện trồng rừng thay thế đã thay đổi (xu hướng tăng lên) so với đơn giá được phê duyệt từ đó dẫn đến tiền thu trồng rừng thay thế không đủ chi trồng đủ diện tích rừng đã chuyển đổi.
Luật Lâm nghiệp, Nghị định 156, Thông tư 13, Thông tư 25/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác chưa có quy định về việc phải tính lại tiền trồng rừng thay thế tại thời điểm nộp, tính phạt chậm nộp tiền trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp, trong đó đã có quy định xử phạt đối với hành vi chưa nộp, chậm nộp tiền dịch vụ môi trường rừng, xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về trồng rừng thay thế nhưng không có quy định xử phạt đối với hành vi chậm nộp tiền trồng rừng thay thế.
Việc không có quy định xử lý khi chậm nộp tiền trồng rừng thay thế đã gây ra sự bất bình đẳng về pháp luật giữa đơn vị tuân thủ pháp luật và đơn vị chưa nghiêm túc tuân thủ pháp luật.
Quy định về thẩm quyền chuyển loại rừng đặc dụng và chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng tại Luật Lâm nghiệp
Khoản 2 Điều 20 Luật Lâm nghiệp năm 2017 quy định về thẩm quyền chuyển chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng chỉ thuộc về Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ như sau: “Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 50 ha trở lên…”; tại khoản 3 “ Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng dưới 50 ha...”.
Nhưng theo các quy định tại điểm b khoản 2 Điều 18, khoản 2 Điều 25 Luật Lâm nghiệp 2017 thì chủ tịch UBND cấp tỉnh được quyền chuyển loại rừng đặc dụng do chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập sang loại rừng khác (rừng phòng hộ, rừng sản xuất) khi đáp ứng các tiêu chí chuyển loại, được HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương; từ đó tiếp tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng mà không cần báo cáo Thủ tướng hoặc Quốc hội như quy định tại khoản 2, khoản 2 Điều 20 Luật Lâm nghiệp 2017.
Thực tế, tỉnh Hải Dương đã thực hiện chuyển đổi loại rừng đặc dụng (3,96ha) sang rừng sản xuất trước khi chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để có thể chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đặc dụng (3,96ha nêu trên) mà không cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại khoản 3 điều 20 Luật Lâm nghiệp 2017.
Quy định thời điểm chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng của Quỹ bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh
Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 69, điểm a khoản 2 Điều 71 Nghị định 156: “Trước ngày 31 tháng 3 hằng năm, căn cứ số tiền dịch vụ môi trường rừng thực thu năm trước và kết quả xác định diện tích rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh xác định số tiền chi trả cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng năm trước để chi trả cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng”; “Căn cứ số tiền thực thu trong năm, kết quả xác định diện tích rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh hoặc đơn vị, tổ chức được giao hỗ trợ chi trả thực hiện thanh toán tiền cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng trước ngày 01 tháng 6 năm sau”.
Kết quả kiểm toán cho thấy, tại tỉnh Bắc Giang, nguồn thu dịch vụ môi trường rừng năm 2019 rất thấp (khoảng 1.150trđ), trong khi số chủ rừng rất lớn (6.541 chủ rừng), tương đương mức chi bình quân 175.814 đồng/chủ rừng/năm, nhiều chủ rừng có mức chi trả dưới 50.000đ/năm nên việc thực hiện chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng hằng năm gặp khó khăn. UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quyết định phê duyệt kế hoạch chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng theo chu kỳ 03 năm/lần để thực hiện chi trả.
Kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục bất cập
Đối với UBND tỉnh Quảng Ninh
KTNN đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh kiểm tra, rà soát để khắc phục, xử lý và xác định rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân có liên quan trong công tác tham mưu, trong việc quyết định để xem xét xử lý theo đúng quy định của pháp luật (nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật thì thực hiện xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan và chỉ đạo cơ quan chức năng xử lý theo đúng quy định của pháp luật) đối với các nội dung:
Việc phê duyệt đơn giá và chấp thuận nộp tiền trồng rừng khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác cho các chủ dự án (giai đoạn từ 30/8/2021 đến hết năm 2022) trong đó đơn giá trồng rừng thay thế tính thiếu định mức sử dụng công cụ thủ công và chưa có hạng mục chi phí dự phòng theo quy định.
Việc không áp dụng đơn giá quy định tại Quyết định số 39/2020/QĐ-UBND ngày 30/11/2020 (trong giai đoạn từ 30/11/2020 đến 30/8/2021) khi phê duyệt đơn giá thu tiền trồng rừng thay thế đối với các phương án trồng rừng thay thế.
Việc ban hành ban hành Quyết định 833/QĐ-UBND ngày 5/3/2019 trong đó dự toán không có định mức sử dụng công cụ thủ công theo quy định tại Quyết định số 38/2005/QĐ-BNN ngày 6/7/2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Việc chưa bố trí kế hoạch trồng rừng thay thế đối với diện tích đã chuyển đổi mục đích, đã thu tiền trồng rừng thay thế; trong đó 1.297ha đã quá thời hạn 12 tháng kể từ khi chủ dự án hoàn thành nộp tiền trồng rừng thay thế (248.932,8trđ) nhưng địa phương chưa báo cáo, chưa chuyển tiền về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam.
Chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, thực hiện đúng chế độ quy định trong việc công bố, báo cáo hiện trạng rừng hằng năm; chỉ đạo kiểm tra, rà soát, xác định chính xác số liệu hiện trạng rừng được công bố năm 2021 theo quy định.
Chấn chỉnh, chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc phối hợp với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã được UBND tỉnh quy định tại Quyết định số 2527/QĐ-UBND ngày 03/8/2021 của UBND tỉnh Quảng Ninh.
Chỉ đạo Hội đồng Quản lý Quỹ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh chấn chỉnh rút kinh nghiệm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, quy định tại Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn.
Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh kiểm tra, rà soát, xử lý theo đúng quy định đối với việc tính toán chi phí giám sát trong hồ sơ thiết kế kinh tế kỹ thuật, dự toán kinh phí trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng trồng thay thế 05 năm (2022-2026) của Ban quản lý rừng phòng hộ Ba Chẽ để đảm bảo nghiệm thu, thanh toán, quyết toán theo đúng quy định của pháp luật.
Chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện kiểm tra, rà soát để xác định đầy đủ, đúng quy định các đối tượng có sử dụng dịch vụ môi trường rừng (trong đó có các đơn vị sản xuất công nghiệp có sử dụng nước từ nguồn nước, có phát sinh sản lượng nước khai thác năm 2020; Công ty nhiệt điện Uông Bí) để đảm bảo thu đầy đủ, đúng quy định, kịp thời tiền dịch vụ môi trường rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp và Nghị định 156.
Chỉ đạo Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng thực hiện kiểm tra các đơn vị đã ký hợp đồng ủy thác với Quỹ nhưng không thực hiện đăng ký kế hoạch chi trả, không nộp tờ khai quyết toán để đảm bảo thu đầy đủ và kịp thời số tiền dịch vụ môi trường rừng về Quỹ theo quy định.
Đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Ninh kiểm tra, rà soát, xác định ảnh hưởng của việc phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán kinh phí trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng thay thế đến việc nghiệm thu, thanh toán, quyết toán chi phí trồng rừng thay thế để đảm bảo nghiệm thu, thanh toán, quyết toán đúng quy định, tránh thất thu tài chính công, gồm các nội dung: tính thiếu định mức sử dụng công cụ thủ công theo quy định; xác định chi phí giám sát chưa chính xác (hồ sơ thiết kế kinh tế kỹ thuật và dự toán kinh phí trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng trồng thay thế 05 năm (2022-2026) của Ban quản lý rừng phòng hộ Ba Chẽ).
Đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Quảng Ninh và các đơn vị có liên quan trong quá trình nghiệm thu, thanh toán, quyết toán chi phí trồng rừng thay thế, tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng thực hiện kiểm tra, rà soát, xác định chi phí được nghiệm thu, thanh toán, quyết toán theo đúng chế độ quy định; kịp thời thu hồi số đã nghiệm thu, thanh toán, quyết toán sai quy định (nếu có) để tránh thất thoát tài chính nhà nước đối với các trường hợp sau: Chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2021 từ nguồn điều tiết tiền dịch vụ môi trường rừng được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam phân bổ về; Các trường hợp hồ sơ thanh toán tiền trồng rừng thay thế chưa thể hiện đủ số nhân công cần thiết để thực hiện công việc theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán; hồ sơ nghiệm thu chưa có tài liệu nghiệm thu, bàn giao phân bón, cây giống trước khi trồng và chăm sóc rừng; hồ sơ thể hiện công việc vận chuyển và bón phân trước thời điểm trên biên bản bàn giao phân bón; thể hiện công việc trồng cây trước thời điểm trên biên bản bàn giao, giao nhận cây giống; Chi phí trồng dặm.
UBND tỉnh Quảng Ninh chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, khắc phục kịp thời việc chưa bố trí kế hoạch trồng rừng thay thế đối với diện tích đã chấp thuận phương án trồng rừng thay thế.
Đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc áp dụng hệ số K1= 0,90 theo trữ lượng cho rừng trồng chưa có trong các quy định hiện hành làm hệ số điều chỉnh mức chi trả dịch vụ môi trường rừng để áp dụng trong quá trình thực hiện Đề án triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tỉnh Quảng Ninh.
Báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để báo cáo Chính phủ, Quốc hội xem xét việc xử lý các trường hợp chậm nộp tiền trồng rừng thay thế so với thời hạn được quy định tại khoản 3 điều 4 Thông tư 13.
Báo cáo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nguồn thu tiền tiền trồng rừng thay thế còn dư tại Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Quảng Ninh và việc địa phương chưa bố trí kế hoạch trồng rừng thay thế đối với 1.913,64ha rừng đã chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
Đối với UBND tỉnh Hải Dương
KTNN đề nghị UBND tỉnh Hải Dương kiểm tra, rà soát để khắc phục, xử lý và xác định rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân có liên quan để xem xét xử lý theo đúng quy định của pháp luật (nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật thì thực hiện xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan và chỉ đạo cơ quan chức năng xử lý theo đúng quy định của pháp luật) đối với các nội dung:
Việc 02 dự án đến thời điểm kết thúc kiểm toán (27/4/2023) chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính về tiền trồng rừng thay thế, chưa có quyết định của cấp có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng nhưng đã thực hiện giải phóng mặt bằng trên diện tích đất có rừng, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành quyết định thu hồi đất rừng, chuyển mục đích sử dụng đất và cho thuê đất (bao gồm cả diện tích đất có rừng chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính về trồng rừng thay thế) để các chủ dự án khai thác khoáng sản, khai thác đất đồi.
Việc chưa ban hành quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng (05 dự án, tổng diện tích 50,025ha) đã chuyển sang mục đích khác, đã hoàn thành trách nhiệm nộp tiền trồng rừng thay thế, đã được UBND tỉnh Hải Dương ban hành quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng.
Việc ban hành 03 quyết định thu tiền trồng rừng thay thế (trước ngày 01/01/2020) áp dụng đơn giá quy định tại Quyết định số 20/2018/QĐ-UBND ngày 17/9/2018 của UBND tỉnh Hải Dương quy định đơn giá trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh Hải Dương (Quyết định 20) đồng thời cho phép cho chủ dự án nộp tiền trồng rừng thay thế làm nhiều đợt nhưng không xác định lại đơn giá trồng rừng tại thời điểm chủ dự án nộp tiền trồng rừng thay thế theo quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 4 Thông tư 23.
Việc áp dụng đơn giá quy định tại Quyết định 20 trong giai đoạn 2020 - 2022 để phê duyệt phương án thu tiền trồng rừng thay thế khi các căn cứ xây dựng Quyết định 20 không còn phù hợp.
Việc phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán trồng rừng thay thế, trong đó xác định dự toán đơn giá cây giống Thông mã vĩ cao hơn hơn từ 1,95 lần đến 2 lần so với đơn giá quy định tại Quyết định 20.
Việc phê duyệt kế hoạch trồng rừng thay thế nhưng xác định diện tích trồng thay thế không đủ (thiếu 17,37ha) so với diện tích rừng đã quyết định chuyển mục đích sử dụng và thu tiền trồng rừng thay thế. UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật đối với 03 hồ sơ trồng rừng thay thế đã nghiệm thu, thanh toán chi phí cây giống Thông mã vĩ từ 10.200đ/cây đến 10.500đ/cây (cao hơn hơn so với đơn giá quy định tại Quyết định 20 và đơn giá được UBND tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang ban hành).
Đề nghị UBND tỉnh Hải Dương thực hiện, đồng thời chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị có liên quan khẩn trương hoàn thành xác định ranh giới lưu vực và diện tích rừng trong lưu vực nằm trong địa giới hành chính của tỉnh, việc xây dựng bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng và bản đồ lưu vực nơi cung ứng dịch vụ môi trường rừng; tổ chức kiểm tra, rà soát, xác định đầy đủ, đúng quy định các đối tượng có sử dụng dịch vụ môi trường rừng để đảm bảo thu đầy đủ, đúng quy định, kịp thời tiền dịch vụ môi trường rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp, Nghị định 156 (trong đó lưu ý một số cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch, cơ sở sản xuất công nghiệp có phát sinh việc cấp giấy phép khai thác nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất công nghiệp; có phát sinh việc kê khai thuế tài nguyên nhưng đến thời điểm kết thúc kiểm toán, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa thực hiện rà soát, xác định xem các tổ chức có thuộc đối tượng phải trả tiền dịch vụ môi trường rừng theo quy định; chưa ký kết hợp đồng ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng theo quy định để đưa các đối tượng theo quy định vào quản lý thu).
Đề nghị UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị có liên quan trong quá trình nghiệm thu, thanh toán, quyết toán chi phí trồng rừng thay thế thực hiện kiểm tra, rà soát để đảm bảo xác định chi phí được nghiệm thu, thanh toán, quyết toán theo đúng chế độ quy định; kịp thời thu hồi số đã nghiệm thu, thanh toán sai quy định (nếu có) để tránh thất thoát tài chính nhà nước đối với các trường hợp sau: dự toán trồng rừng thay thế xác định cả 5% thuế giá trị gia tăng; việc áp dụng đơn giá mua cây giống thông mã vĩ 10.200đ-10.500đ/01 cây giống; việc xác định tỷ lệ cây thực tế đã trồng dặm và chi phí trồng dặm.
Đề nghị UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, rà soát việc xác định tiêu chí, hồ sơ làm cơ sở quyết định chuyển loại rừng đặc dụng sang rừng sản xuất (diện tích 3,9624ha để thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường dẫn cầu Đồng Việt kết nối với quốc lộ 37 thành phố Chí Linh) theo đúng quy định của Luật Lâm nghiệp và các quy định của pháp luật.
Kiến nghị xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan trong việc tham mưu, phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật, thiết kế, dự toán trồng rừng thay thế, phân bổ kinh phí trồng rừng thay thế, sử dụng hết số kinh phí 4.162,5trđ đã thu của các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, diện tích phải trồng rừng thay thế 54,99ha nhưng chỉ trồng được 36,72ha, diện tích rừng thay thế phải trồng còn thiếu là 17,37ha.
Xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân, đơn vị liên quan trong việc 02 dự án có diện tích rừng (rừng sản xuất) chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính về tiền trồng rừng thay thế, chưa có quyết định của cấp có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng nhưng đã thực hiện giải phóng mặt bằng trên diện tích đất có rừng, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành quyết định thu hồi đất rừng, chuyển mục đích sử dụng đất và cho thuê đất (bao gồm cả diện tích đất có rừng chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính về trồng rừng thay thế) để các chủ dự án khai thác khoáng sản, khai thác đất đồi.
Xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện chuyển loại rừng đặc dụng (3,9624 ha) sang loại rừng sản xuất trước khi chuyển mục đích sử dụng 3,9624ha rừng sản xuất sang mục đích khác (thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường dẫn cầu Đồng Việt kết nối với quốc lộ 37 thành phố Chí Linh - dự án đầu tư cần thiết, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội chung của tỉnh).
UBND tỉnh Hải Dương kiểm tra, rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ quy định xác định đơn giá trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh Hải Dương tại Quyết định 20 theo đúng quy định của Luật Lâm nghiệp, Nghị định 156 và các văn bản hướng dẫn hiện hành.
Đề nghị UBND tỉnh Hải Dương báo cáo và đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc địa phương đã thực hiện chuyển loại rừng đặc dụng (diện tích 3,9624ha) sang loại rừng sản xuất để chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác (thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường dẫn cầu Đồng Việt kết nối với quốc lộ 37 thành phố Chí Linh).
Tổng hợp báo cáo và đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Chính phủ, Quốc hội xem xét ban hành quy định, hướng dẫn xử lý các trường hợp chậm nộp tiền trồng rừng thay thế so với thời hạn được quy định tại khoản 3 điều 4 Thông tư 13.
Đối với UBND tỉnh Bắc Giang
KTNN đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang kiểm tra, rà soát để khắc phục, xử lý theo đúng quy định của pháp luật (nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật thì thực hiện xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan và chỉ đạo cơ quan chức năng xử lý theo đúng quy định của pháp luật) đối với các nội dung:
Việc chưa ban hành quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với 35 dự án đã nộp tiền trồng rừng thay thế.
Việc ban hành Quyết định số 169/QĐ-UBND ngày 30/01/2020 và Quyết định số 1029/QĐ-UBND ngày 01/10/2021 của UBND tỉnh Bắc Giang về việc phê duyệt đơn giá trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác nhưng đơn giá quy định chưa bao gồm một số hạng mục chi phí (chi phí thiết bị thi công, chi phí chung, thu nhập chịu thuế tính trước, thuế giá trị gia tăng, chi phí khác, chi phí dự phòng) theo quy định tại Điều 5 Thông tư 15.
Đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang thực hiện, chỉ đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang và các đơn vị có liên quan kiểm tra, rà soát để khắc phục, xử lý theo đúng quy định của pháp luật (nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật thì thực hiện xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan và chỉ đạo cơ quan chức năng xử lý theo đúng quy định của pháp luật) đối với các nội dung:
Việc ban hành quyết định phê duyệt phương án nộp tiền trồng rừng thay thế đối với 11 dự án không tính đơn giá theo mức dự toán trồng rừng trên địa bàn tỉnh tại thời điểm chủ dự án đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang chấp thuận nộp tiền trồng rừng thay thế theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4 Thông tư 13, mà áp dụng đơn giá trồng rừng thay thế tại thời điểm UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định về việc phê duyệt đơn giá trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Dự án Xây dựng trường THPT Lục Ngạn số 2, tại thôn Thanh Văn 1, xã Tân Hoa, huyện Lục Ngạn đến thời điểm kết thúc kiểm toán chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền trồng rừng thay thế, chưa đủ điều kiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định tại khoản 4 Điều 19 Luật Lâm nghiệp nhưng đã hoàn thành, đã trình Sở Tài chính thẩm định quyết toán.
Việc 05 dự án (Hộ ông Nguyễn Hữu Hồi; Công ty Cổ phần thương mại, chế biến lâm sản Vĩnh Hợp; Công ty TNHH MTV Dũng Giang; Hộ ông Đặng Đình Đoán; Công ty TNHH Anh An Phú Việt Nam) triển khai thi công trước khi có quyết định phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác và quyết định phê duyệt phương án nộp tiền trồng rừng thay thế của UBND tỉnh Bắc Giang.
Chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện kiểm tra, rà soát, xác định đầy đủ, đúng quy định các đối tượng có sử dụng dịch vụ môi trường rừng để đảm bảo thu đầy đủ, đúng quy định, kịp thời tiền dịch vụ môi trường rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp, Nghị định 156.
UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật đối với hồ sơ thanh toán kinh phí trồng rừng và chăm sóc rừng năm thứ nhất (năm 2022) của Ban quản lý rừng phòng hộ Cấm Sơn thể hiện chữ ký của đại diện hộ nhận khoán trồng, chăm sóc rừng tại các hồ sơ không giống nhau.
Kiểm tra, rà soát, xác định nguyên nhân để xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với các nội dung:
Việc ban hành quyết định công bố hiện trạng, diện tích rừng trên địa bàn tỉnh các năm 2020, 2021, 2022 nhưng số liệu tổng diện tích rừng đầu kỳ các năm báo cáo chưa khớp đúng với tổng diện tích rừng cuối các năm trước liền kề chuyển sang với số chênh lệch từ năm 2020 đến 2022 là 25ha (năm 2020 chênh lệch 09ha; năm 2021 chênh lệch 13ha; năm 2022 chênh lệch 03ha); thực hiện cập nhật đầy đủ, chính xác diện tích rừng thay đổi hàng năm làm cơ sở phê duyệt kết quả theo dõi diễn biến rừng và công bố hiện trạng rừng, làm căn cứ để xác định diện tích rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng hàng năm.
Số liệu về diện tích rừng được chuyển mục đích sử dụng của Dự án “Cơ sở sản xuất gỗ ván ép xuất khẩu” tại xã Lam Cốt, huyện Tân Yên (chủ đầu tư Nguyễn Hữu Hồi) chưa có sự thống nhất giữa Nghị quyết của HĐND tỉnh, UBND tỉnh Bắc Giang và báo cáo đồng ý chủ trương đầu tư của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang.
Chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với công tác điều hành, quản lý và hoạt động của Quỹ theo quy định tại điểm m khoản 1 Điều 102 Luật Lâm nghiệp.
Chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, thực hiện và xử lý theo đúng qui định của pháp luật trong việc ban hành quyết định phê duyệt phương án nộp tiền trồng rừng thay thế đối với 05 dự án khi chưa có quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác của HĐND tỉnh Bắc Giang theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 Thông tư 13.
Đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang kiểm điểm trách nhiệm và xử lý theo đúng qui định của pháp luật đối với tập thể, cá nhân có liên quan trong việc tham mưu trình HĐND (Tờ trình số 365/TTr-UBND ngày 30/7/2021 của UBND tỉnh Bắc Giang) ban hành Nghị quyết chuyển mục đích sử dụng 2,04ha đất rừng phòng hộ sang mục đích khác cho Công ty Cổ phần tập đoàn khoáng sản Á Cường khai thác khoáng sản thuộc địa bàn xã Phong Minh và xã Sa Lý, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, thuộc khu vực cấm khai thác khoáng sản theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 28 Luật Khoáng sản trước khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản tại Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 17/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định 219).
Tổ chức kiểm tra xác định loại rừng đối với diện tích rừng thực hiện Dự án hạ tầng khu du lịch Suối Mỡ để thực hiện theo quy định. Trường hợp có diện tích rừng đặc dụng, đề nghị UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định chủ trưởng chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác theo quy định và xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện dự án nhưng chưa được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng sang mục đích khác theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Lâm nghiệp.
Đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang báo cáo cơ quan có thẩm quyền, xem xét xử lý theo quy định:
Việc áp dụng hệ số K1=1,00 theo trữ lượng cho rừng trồng chưa có trong các quy định hiện hành làm hệ số điều chỉnh mức chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2020 của Công ty TNHH Hai thành viên Lâm nghiệp Yên Thế.
Tổng hợp báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để báo cáo Chính phủ, Quốc hội xem xét: Khó khăn trong việc thực hiện quy định thời điểm chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng của Quỹ bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh tại điểm a khoản 2 Điều 71 Nghị định 156/; Việc xử lý các trường hợp chậm nộp tiền trồng rừng thay thế so với thời hạn được quy định tại khoản 3 điều 4 Thông tư 13.
Tổng hợp báo cáo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nguồn thu tiền trồng rừng thay thế còn dư tại Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh do địa phương chưa bố trí được quỹ đất để trồng rừng thay thế.
Đề nghị HĐND tỉnh Bắc Giang chấn chỉnh, rút kinh nghiệm và xử lý theo đúng qui định của pháp luật đối với tập thể, cá nhân có liên quan trong việc Quyết định chủ trương (tại Văn bản số 448/HĐND-CTHĐND ngày 23/8/2021 của HĐND tỉnh Bắc Giang) chuyển mục đích sử dụng 2,04ha đất rừng phòng hộ sang mục đích khác cho Công ty Cổ phần tập đoàn khoáng sản Á Cường khai thác khoáng sản thuộc địa bàn xã Phong Minh và xã Sa Lý, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, thuộc khu vực cấm khai thác khoáng sản theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 28 Luật Khoáng sản trước khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản tại Quyết định 219.
Đối với UBND thành phố Hải Phòng
KTNN đề nghị UBND thành phố Hải Phòng thực hiện, đồng thời chỉ đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng thành phố Hải Phòng và các đơn vị có liên quan khẩn trương hoàn thành việc xây dựng bản đồ lưu vực nơi cung ứng dịch vụ môi trường rừng, xác định diện tích rừng được chi trả và đối tượng được chi trả tiền cung ứng dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn Thành phố Hải Phòng theo đúng quy định của Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn; tổ chức thực hiện kiểm tra, rà soát, xác định đầy đủ, đúng quy định các đối tượng có sử dụng dịch vụ môi trường rừng để đảm bảo thu đầy đủ, đúng quy định, kịp thời tiền dịch vụ môi trường rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp, Nghị định 156 (trong đó lưu ý một số cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch, cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nguồn nước nhưng đến thời điểm kết thúc kiểm toán, Quỹ chưa thực hiện rà soát, xác định xem các tổ chức có thuộc đối tượng phải trả tiền dịch vụ môi trường rừng theo quy định và chưa ký kết hợp đồng ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng theo quy định).
Đề nghị UBND thành phố Hải Phòng tổng hợp báo cáo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nguồn kinh phí trồng rừng thay thế còn dư tại Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng thành phố, do địa phương chưa bố trí được quỹ đất để trồng rừng thay thế.
Đề nghị UBND thành phố Hải Phòng thực hiện, chỉ đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố Hải Phòng và các đơn vị có liên quan kiểm tra, rà soát để khắc phục, xử lý theo đúng quy định của pháp luật (nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật thì thực hiện xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan và chỉ đạo cơ quan chức năng xử lý theo đúng quy định của pháp luật) đối với nội dung:
Việc ban hành quyết định phê duyệt phương án nộp tiền trồng rừng thay thế đối với 03 dự án nhưng không tính đơn giá theo mức dự toán trồng rừng trên địa bàn thành phố tại thời điểm chủ dự án đề nghị chấp thuận nộp tiền trồng rừng thay thế mà áp dụng đơn giá trồng rừng thay thế tại Quyết định số 2711/QĐ-UBND ngày 04/12/2014 của UBND thành phố Hải Phòng (Quyết định 2711). Tại thời điểm áp dụng đơn giá thu tiền trồng rừng thay thế của các phương án theo Quyết định 2711, một số văn bản quy phạm pháp luật làm căn cứ xây dựng đơn giá đã hết hiệu lực thi hành.
Việc ban hành quyết định Quyết định số 3189/QĐ-UBND ngày 29/9/2022 phê duyệt phương án nộp tiền trồng rừng thay thế Dự án Đầu tư xây dựng cầu Bến Rừng nối huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng và thị xã Quảng Yên tỉnh Quảng Ninh, trong đơn giá chưa có hạng mục chi phí khác và chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá theo quy định tại khoản 5 và điểm b khoản 6 Điều 5 Thông tư 15.
UBND thành phố Hải Phòng chấn chỉnh rút kinh nghiệm, thực hiện đúng quy định trong việc: Không giao Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng thành phố Hải Phòng chủ trì xây dựng bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 61 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ khi phê duyệt Đề án thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng thành phố Hải Phòng.
UBND thành phố Hải Phòng chỉ đạo Kho bạc Nhà nước Hải Phòng kiểm tra, rà soát và báo cáo Kho bạc nhà nước về việc chưa thực hiện tính lãi đối với số dư tiền gửi của Quỹ tại Kho bạc Nhà nước Hải Phòng từ khi phát sinh số dư tiền gửi đến ngày 21/10/2021 để đảm bảo thực hiện theo đúng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 11 Nghị định số 24/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước.
Đề nghị UBND thành phố Hải Phòng xem xét, sửa đổi bổ sung hoặc bãi bỏ Quyết định 2711 theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 61 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Xem xét, báo cáo Chính phủ xem xét ban hành bổ sung quy định để xử lý việc chậm nộp tiền trồng rừng thay thế của các chủ dự án khi được phép chuyển đổi đất rừng sang mục đích khác và quy định tính lại đơn giá thu tiền trồng rừng thay thế tại thời điểm chủ dự án nộp tiền trồng rừng thay thế.
Ban hành văn bản quy định, hướng dẫn xác định hệ số điều chỉnh (K1) mức chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với trữ lượng rừng cho rừng trồng làm cơ sở xác định số tiền chi trả cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng.
Xem xét báo cáo Chính phủ bổ sung quy định cụ thể về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong chuyển loại rừng đặc dụng sang rừng khác tương ứng với thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng sang mục đích khác quy định tại khoản 3 Điều 20 Luật Lâm nghiệp để tránh quy định của pháp luật chưa chặt chẽ, thống nhất.
Báo cáo Chính phủ xem xét bổ sung quy định về thời gian chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng tại điểm a khoản 2 Điều 69, điểm a khoản 2 Điều 71 Nghị định 156 đối với các địa phương có mức chi trả hàng năm cho 01 đơn vị cung ứng dịch vụ môi trường rừng thấp theo hướng UBND cấp tỉnh quyết định thời gian chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng phù hợp với điều kiện tại địa phương.
Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam sớm có văn bản hướng dẫn Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Ninh và sớm có văn bản trả lời Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Bắc Giang trong việc chuyển về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam kinh phí trồng rừng thay thế đã thu quá thời hạn 12 tháng kể từ khi chủ dự án nộp tiền nhưng địa phương không bố trí được hoặc không bố trí đủ diện tích đất trồng rừng thay thế theo đúng quy định tại điểm d Khoản 3 Điều 4 Thông tư 13 và thực hiện đầy đủ, kịp thời kết luận, kiến nghị của KTNN./.
Minh Anh