Vạch trần sự hấp dẫn giả tạo của thuốc lá

(sav.gov.vn) - Ngày 30/5, tại Quảng trường 16-3 (thành phố Kon Tum), Ban Chỉ đạo Phòng, chống tác hại của thuốc lá tỉnh Kon Tum tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25-31/5/2025 với chủ đề “Vạch trần sự hấp dẫn giả tạo”.

Thuốc lá để lại nhiều hệ lụy cho sức khỏe

Tại Lễ mít tinh, đại diện của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum đã nêu rõ những tác hại của thuốc lá đến hệ hô hấp, tim mạch, nguy cơ gây ung thư, đồng thời nhấn mạnh thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của thanh thiếu niên và thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng không phải là sản phẩm ít hại hơn thuốc lá điếu thông thường và không giúp cai nghiện thuốc lá điếu thông thường.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới chưa có bằng chứng về việc thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ít nguy hại hơn thuốc lá thông thường và có giúp cai nghiện thuốc lá thông thường. WHO cũng không xác nhận thuốc lá điện tử là một biện pháp hỗ trợ cai nghiện”.

Bằng chứng cho thấy người sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có nguy cơ sử dụng thuốc lá thông thường, nhiều người sử dụng đồng thời cả thuốc lá điện tử và thuốc lá thông thường. Thuốc lá điện tử không những không giúp cai thuốc lá mà còn khiến người chưa hút thuốc trở thành nghiện nicotin.

Những người trẻ chưa từng hút thuốc lá điếu thông thường nhưng sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có nguy cơ nghiện thuốc lá điếu thông thường cao gấp 2 - 3 lần so với những người chưa từng sử dụng.

BSCKII. Nguyễn Thị Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum nhấn mạnh, thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tác hại rất lớn đến sức khỏe con người, nhất là sức khỏe thanh thiếu niên.

Trước hết, nicotine và các sản phẩm thuốc lá gây nghiện rất nguy hiểm cho sức khỏe nhưng luôn được các tập đoàn thuốc lá trên thế giới tìm cách để thu hút mọi người sử dụng. Không có bất kỳ sản phẩm thuốc lá nào và không có mức độ tiếp xúc nào đối với thuốc lá được coi là an toàn cho sức khoẻ bao gồm cả thuốc lào, xì gà, thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử, thuốc lá tự cuốn, thuốc lá tẩu và các sản phẩm thuốc lá không khói. 

Nicotine là một chất gây nghiện cao, gây tăng nhịp tim, co thắt mạch máu ở tim, tăng mạch và huyết áp. Nicotin còn ảnh hưởng đến sự phát triển và di căn của khối u và có khả năng thúc đẩy, hình thành các khối u. Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là những sản phẩm mới xuất hiện trong hơn 10 năm trở lại, là thiết bị sử dụng pin làm nóng dung dịch điện tử để tạo ra khói cho người dùng hít vào, chứa chất tạo mùi, hòa tan trong Propylene Glycol và Glycerin.

Để tạo mùi vị hấp dẫn, thu hút người sử dụng, đặc biệt là giới trẻ, các nhà sản xuất còn sử dụng rất nhiều loại hương liệu có mùi vị như: bạc hà, táo, cam, chanh… trong thuốc lá điện tử. Theo WHO, hiện có khoảng 20.000 loại hương liệu, trong đó có nhiều loại chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại với sức khỏe. Những hương vị này có thể che giấu độ gắt của nicotin làm cho sản phẩm dễ chịu hơn, dễ hít vào hơn. Một số hương liệu được sử dụng trong thuốc lá điện tử đã được chứng minh là làm tăng độc tính của sản phẩm.
 
Cần thức tỉnh thế hệ trẻ về tác hại của thuốc lá

Khuyến cáo thuốc lá tạo ra chất khí độc hại

Trước những tác hại và hệ lụy nặng nề của thuốc lá, WHO đã khuyến cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tạo ra chất khí độc hại, có nhiều chất độc giống như trong khói thuốc lá điếu thông thường. Dù được nung ở nhiệt độ thấp hơn, nhưng vẫn tạo ra những hóa chất tương tự như trong khói thuốc lá điếu như: Acrolein (chất gây kích ứng đường hô hấp mạnh), glycidol, formaldehyde và acetaldehyde (chất gây ung thư), carbon monoxide, hydrocarbon thơm đa vòng và các kim loại (nhôm, titan, stronti, molypden, thiếc và antimon).

Có ít nhất 60 hợp chất hóa học đã được tìm thấy trong dung dịch thuốc lá điện tử (còn gọi là tinh dầu) và nhiều hợp chất khác có trong khói tạo ra từ thuốc lá điện tử. Ngoài ra, trong khói thuốc lá điện tử các nhà khoa học đã tìm thấy một số kim loại như chì, bạc, crom, nikel, formaldehyde có hàm lượng tương đương hoặc cao hơn so với thuốc lá thông thường.

Tại Mỹ, năm 2020, có ít nhất 2.807 trường hợp nhập viện và 68 trường hợp tử vong đã được xác nhận, trong đó nhóm tuổi từ 18 - 24 chiếm tỷ lệ cao nhất là 38%. Tại Việt Nam, năm 2023, ghi nhận 1.200 trường hợp nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử và hầu hết ở lứa tuổi dưới 18 tuổi.

Năm 2024, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 173/2024/QH15 có hiệu lực thi hành từ 14/01/2025 về việc cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Đó như là một lời cam kết của Việt Nam đối với quốc tế về việc giảm các tác hại của thuốc lá và thuốc lá điện tử gây ra. Và tính đến cuối năm 2024 đã có hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng./.


ĐỨC ANH