Những mốc son đáng nhớ
Từ khi thành lập (năm 1994) cho đến nay, KTNN đã liên tục đổi mới hoạt động kiểm toán, chất lượng, tính chuyên nghiệp, hiện đại và uy tín của Ngành không ngừng được nâng cao. Đóng góp vào thành công chung của KTNN có phần không nhỏ đến từ KTNN khu vực IV.
Là đơn vị được thành lập đầu tiên trong số 13 khu vực, sau gần 30 năm hình thành và phát triển, KTNN khu vực IV có ba mốc son đáng nhớ:
Dấu mốc đầu tiên là ngày 19/5/1995, KTNN khu vực IV (tiền thân là KTNN khu vực phía Nam) được thành lập theo Quyết định số 275/QĐ/KTNN-VP của Tổng Kiểm toán nhà nước. Khi mới thành lập, đơn vị chỉ có 4 phòng với hơn 30 cán bộ công chức, người lao động chưa thực sự am tường về kiểm toán, quá trình kiểm toán cũng vừa học, vừa làm. Đến nay, đơn vị đã có 8 phòng với 100 công chức, người lao động, trong đó có 90 kiểm toán viên, 100% kiểm toán viên có trình độ đại học và trên đại học.
Dấu mốc thứ hai: Sự trưởng thành vượt bậc (khi Luật KTNN đầu tiên được ban hành năm 2005 đến năm 2015). Kể từ năm 2006, KTNN chuyển từ cơ quan thuộc Chính phủ sang cơ quan do Quốc hội thành lập. KTNN khu vực IV được giao nhiệm vụ kiểm toán TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh Đông Nam Bộ đến Bắc sông Hậu sang nhiệm vụ kiểm toán TP. Hồ Chí Minh và 5 tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh và Bình Phước. Nội dung và phạm vi kiểm toán được mở rộng từ kiểm toán tài chính sang kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động. Phạm vi, quy mô, phương pháp kiểm toán có sự tiến bộ cả về chiều rộng (số lượng cuộc kiểm toán) và chiều sâu (chất lượng kiểm toán). Giai đoạn này, ngoài thế mạnh là kiểm toán ngân sách địa phương, đơn vị luôn đi đầu trong kiểm toán đất đai và đối chiếu thuế.
Dấu mốc thứ ba: Tính chuyên nghiệp, hiện đại và uy tín (từ năm 2015 đến nay). Có thể nói, từ thời điểm này, KTNN khu vực IV trưởng thành về mọi mặt và đi đầu trên một số phương diện, nhất là kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động. Năm 2016, đơn vị được Tổng Kiểm toán nhà nước cho phép thành lập Phòng Kiểm toán hoạt động. Kết quả kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động đã phát hiện nhiều trường hợp giao đất, chuyển mục đích không thông qua đấu giá; xác định giá trị khu đất chưa phù hợp giá thị trường; sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm để tham gia liên doanh góp vốn trái quy định. Đơn cử, cuộc kiểm toán Chuyên đề quản lý sử dụng đất giai đoạn 2013-2016 đã kiến nghị truy thu tiền sử dụng đất 1.849 tỷ đồng.
Đơn vị có nhiều cuộc kiểm toán xếp loại xuất sắc, đạt tiêu chuẩn chất lượng vàng
Cùng với sự lớn mạnh của KTNN, KTNN khu vực IV đã từng bước trưởng thành và trở thành một trong những “lá cờ đầu” của Ngành, đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đơn vị luôn tiên phong thực hiện kiểm toán đất đai; chống chuyển giá trốn thuế và một số loại hình kiểm toán mới như: Kiểm toán hoạt động, môi trường; tham gia các đoàn kiểm toán về biến đổi khí hậu; thực hiện các cuộc kiểm toán theo đề nghị của WorldBank. Đây đều là những cuộc kiểm toán được dư luận xã hội quan tâm.
Tổng hợp kết quả kiểm toán từ khi thành lập đến nay, KTNN khu vực IV đã kiến nghị xử lý tài chính khoảng 80.611 tỷ đồng, trong đó, tăng thu ngân sách nhà nước 32.963 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước khoảng 13.368 tỷ đồng. Nhiều phát hiện và kết quả kiểm toán có giá trị với sự lan toả lớn. Đơn cử, thông qua kiểm toán tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn, Đoàn kiểm toán đã phát hiện việc kê khai và nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo giá bán tại Công ty TNHH MTV Bia Sài Gòn, thuộc cùng hệ thống sản xuất - tiêu thụ của Tổng công ty, không phải cơ sở kinh doanh thương mại độc lập với cơ sở sản xuất để giảm số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp và đã kiến nghị nộp ngân sách nhà nước 483 tỷ đồng. Đây cũng là một tình huống điển hình của việc chuyển giá, sau đó, Bộ Tài chính phải có động thái điều chỉnh chính sách quản lý thuế.
Bên cạnh những kiến nghị xử lý tài chính, điểm sáng trong kết quả kiểm toán của KTNN khu vực IV những năm qua chính là những kiến nghị về sửa đổi bổ sung các cơ chế, chính sách còn bất cập, chồng chéo hoặc không còn phù hợp.
Giai đoạn 2011-2022, KTNN khu vực IV đã kiến nghị sửa đổi, thay thế khoảng 94 văn bản pháp luật nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, chính sách liên quan đến hình thức đầu tư PPP; quản lý, định giá đất, quản lý, sử dụng tài nguyên - khoáng sản, công tác quản lý thu, chống xói mòn cơ sở thuế, chống chuyển giá; công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và xác định giá trị doanh nghiệp nhà nước trước khi cổ phần... giúp đơn vị được kiểm toán khắc phục nhiều yếu kém, bất cập trong quản lý ngân sách nhà nước, tài chính doanh nghiệp, quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản, hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tính minh bạch trong quản lý tài chính công, tài sản công, đóng góp tích cực vào thành tích chung của toàn Ngành.
Trong lĩnh vực quản lý ngân sách, nhiều văn bản được KTNN kiến nghị sửa đổi, bổ sung có ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý, điều hành như: Kiến nghị Bộ Tài chính ban hành bổ sung quy định về quyết toán hợp đồng PPP khi dự án kết thúc thời gian thu phí hoàn vốn; hay kiến nghị Bộ Tài chính xem xét sửa đổi, bổ sung Quy chế sử dụng phí duy tu, tái tạo cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp và khu chế xuất TP. Hồ Chí Minh…
Trong lĩnh vực quản lý đất đai, đơn vị đã kiến nghị sửa đổi các văn bản của địa phương về quản lý xây dựng và quản lý đất đai; thu hồi đất dự án không sử dụng; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 2013; bổ sung quy định cụ thể về việc đấu giá quyền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất đối với đất do doanh nghiệp quản lý, sử dụng; sửa đổi các nghị định, thông tư nhằm xác định giá đất sát giá thị trường…
Qua gần 30 năm hình thành và phát triển, KTNN khu vực IV đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước: Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2005); Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2010); Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2015); 3 lần Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và Cờ thi đua của Chính phủ; nhiều năm được Tổng Kiểm toán nhà nước tặng Bằng khen và Cờ thi đua của KTNN… |