Chuyển biến rõ nét trong thực hiện kiến nghị kiểm toán
Trong năm qua, Tổng Kiểm toán nhà nước chỉ đạo các đơn vị tăng cường theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kiến nghị kiểm toán; đồng thời xử lý vướng mắc trong thực hiện kiến nghị kiểm toán của đơn vị được kiểm toán để kịp thời giải quyết dứt điểm theo quy định.
Đáng chú ý, thực hiện yêu cầu của Ủy ban Tài chính, Ngân sách (UBTCNS) của Quốc hội về chuẩn bị cho Phiên giải trình “Việc thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước đến hết niên độ ngân sách nhà nước năm 2021”, KTNN đã đôn đốc, kiểm tra, rà soát việc thực hiện kiến nghị kiểm toán, phối hợp với UBTCNS khảo sát với một số Bộ, ngành, địa phương và tổ chức thành công Phiên giải trình về thực hiện kiến nghị của KTNN niên độ năm 2021 trở về trước.
Thông tin về vấn đề này, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Nguyễn Chí Trung cho biết, ngay sau khi có Thông báo về Kết luận Phiên giải trình và Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết quả Phiên giải trình, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành công văn yêu cầu các đơn vị trực thuộc tổ chức rút kinh nghiệm để khắc phục những tồn tại, hạn chế, đồng thời triển khai ngay một số nội dung nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực kiến nghị kiểm toán. Với sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, cùng với sự phối hợp thông qua hoạt động giám sát, giải trình của UBTCNS, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2022 của KTNN đã tăng đáng kể so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, qua thực tiễn rà soát cho thấy, một số đơn vị được kiểm toán chưa kịp thời thực hiện kiến nghị kiểm toán dẫn đến nhiều kiến nghị không còn tính khả thi (do thay đổi cơ chế, chính sách; đơn vị được kiểm toán sáp nhập, giải thể). Nhiều Bộ, ngành, địa phương chưa theo dõi đầy đủ, chưa giao đầu mối tổng hợp, đôn đốc thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán; chưa tích cực đôn đốc, xử lý hoặc đề xuất giải pháp để xử lý dứt điểm các kết luận, kiến nghị kiểm toán còn tồn đọng kéo dài nhiều năm dẫn đến chưa phát hiện và kiến nghị kịp thời đến KTNN.
Ngoài ra, do thiếu cơ chế xử lý chung đối với các kết luận, kiến nghị kiểm toán thu hồi, hoàn trả, giảm chi ngân sách nhà nước trong các trường hợp cơ quan, đơn vị phá sản, giải thể…, dẫn đến không thực hiện được các kết luận, kiến nghị kiểm toán.
"Tổng hợp sơ bộ kết quả đến ngày 15/12/2023, số thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2022 về xử lý tài chính là 57.060,65/71.608,4 tỷ đồng, đạt 79,76% (cùng kỳ năm trước đạt 70,61%); các cơ quan đã sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 33 văn bản thay thế các văn bản không phù hợp; có 64/183 báo cáo có kiến nghị về kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân được thực hiện."
Giải quyết tốt các kiến nghị kiểm toán
Qua thực hiện rà soát tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán cho thấy, bên cạnh yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán, việc giải quyết tốt các kiến nghị kiểm toán sẽ góp phần nâng cao kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN.
Theo ông Nguyễn Chí Trung, việc giải quyết tốt các kiến nghị kiểm toán còn là thước đo về chất lượng hoạt động kiểm toán, thể hiện uy tín của KTNN, tính minh bạch của hoạt động kiểm toán. “Việc thực hiện tốt vấn đề này sẽ giúp các đơn vị được kiểm toán thêm tin tưởng, từ đó thúc đẩy việc thực hiện kiến nghị kiểm toán được đầy đủ, kịp thời” - ông Trung cho biết; đồng thời nhấn mạnh công tác xử lý, giải quyết kiến nghị kiểm toán được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của KTNN.
Từ kết quả tổng hợp tại các đơn vị kiểm toán cho thấy, thời gian qua, gắn liền với công tác đôn đốc thực hiện kiến nghị, KTNN đã thực hiện tốt công tác giải quyết kiến nghị kiểm toán. Theo đó, các kiến nghị gửi đến đã được KTNN xem xét, xử lý kịp thời theo quy định, không để xảy ra tình trạng tồn đọng, kéo dài. Ở chiều ngược lại, nhiều đơn vị được kiểm toán chưa tích cực trong việc tham gia ý kiến đối với dự thảo báo cáo kiểm toán của KTNN khi gửi lấy ý kiến…
Để tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác xử lý, giải quyết kiến nghị kiểm toán, Vụ Tổng hợp cho rằng cần tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp, trong đó, các đơn vị kiểm toán cần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định liên quan đến công tác xử lý, giải quyết kiến nghị kiểm toán, chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước tại Công văn số 1386/KTNN-TH ngày 14/11/2023 về việc thực hiện Kết luận số 1552/TB-UBTCNS15 của UBTCNS; có biện pháp xử lý nghiêm đối với đoàn kiểm toán, kiểm toán viên đưa ra kết luận, kiến nghị kiểm toán thiếu bằng chứng, không đầy đủ căn cứ pháp lý, dẫn đến khó thực hiện hoặc bỏ sót sai phạm.
Các đơn vị kiểm toán cũng cần tích cực theo dõi, rà soát, đôn đốc các đơn vị được kiểm toán thực hiện kiến nghị kiểm toán; đồng thời triển khai có hiệu quả Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN, để đảm bảo các kiến nghị được thực hiện kịp thời, tránh tình trạng kiến nghị kiểm toán tại thời điểm kiểm toán là phù hợp nhưng do không được thực hiện kịp thời nên khi có sự thay đổi về cơ chế, chính sách dẫn đến kiến nghị không còn tính khả thi. Đồng thời, cần chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán nói chung và hiệu lực các kết luận, kiến nghị kiểm toán nói riêng, đảm bảo các kết luận, kiến nghị đầy đủ cơ sở pháp lý, bằng chứng, tính khả thi trong thực hiện.
Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, trách nhiệm giải trình của các đơn vị được kiểm toán trong hoạt động kiểm toán, đặc biệt là việc phối hợp giải trình trong quá trình kiểm toán, việc tham gia ý kiến đối với dự thảo báo cáo kiểm toán gửi lấy ý kiến để đảm bảo các kết luận, kiến nghị kiểm toán trước khi phát hành có đầy đủ cơ sở pháp lý, bằng chứng kiểm toán, có sự thống nhất của đơn vị được kiểm toán và tính khả thi trong thực hiện.
Để triển khai thực hiện các nhóm giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xử lý, giải quyết kiến nghị kiểm toán, KTNN kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị được kiểm toán tích cực thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán; nâng cao trách nhiệm giải trình, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan, đề ra các giải pháp và phối hợp với KTNN để xử lý dứt điểm các kiến nghị, kết luận còn tồn đọng./.
Theo Báo Kiểm toán số 2/2024