Kết quả kiểm toán hoạt động quản lý, xử lý nước thải, rác thải giai đoạn 2018-2022 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh và Long An

(sav.gov.vn) - Kiểm toán nhà nước (KTNN) chỉ ra nhiều bất cập trong hoạt động quản lý, xử lý nước thải, rác thải giai đoạn 2018-2022 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, Long An. Từ đó, kiến nghị UBND hai tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, hạn trong công tác quản lý, sử dựng tài chính công, tài sản công.

Theo kết quả kiểm toán được công bố, giai đoạn 2018-2022, UBND tỉnh Tây Ninh và Long An đã kịp thời ban hành Kế hoạch bảo vệ môi trường (BVMT), các quy định, chỉ thị về quản lý nước thải, rác thải, qua đó công tác quản lý, xử lý nước thải, rác thải trên địa bàn 02 tỉnh đạt được một số kết quả nhất định.

Tại Tỉnh Long An, đã kiểm soát liên tục hơn 72% tổng lượng nước thải công nghiệp phát sinh, các khu công nghiệp (KCN) đã ký hợp đồng thu gom và xử lý với các đơn vị xử lý chất thải với khối lượng rác thải công nghiệp (RTCN) thông thường phát sinh năm 2022 khoảng 474.500 tấn, các cơ sở y tế đã có hệ thống thu gom và xử lý nước thải y tế, khối lượng rác thải y tế được xử lý năm 2022 khoảng 2.183 tấn.

Tại tỉnh Tây Ninh, đã đầu tư xây dựng 02 hệ thống thu gom và xử lý nước thải đô thị; tỷ lệ rác thải sinh hoạt (RTSH) được thu gom, vận chuyển và xử lý đạt gần 90%; hầu hết các KCN đang hoạt động đều đã xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường; các cơ sở y tế thực hiện phân loại, thu gom, xử lý chất thải y tế, thực hiện quan trắc theo quy định.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, KTNN cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế  trong công tác quản lý, xử lý nước thải, rác thải trên địa bàn 02 tỉnh.

Đối với tỉnh Long An

Kết quả kiểm toán chỉ rõ, tỉnh chưa ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn quản lý nước thải và chất thải rắn (CTR); cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ khuyến khích để thực hiện xã hội hóa trên địa bàn tỉnh nên chưa thu hút được các nhà đầu tư trong lĩnh vực BVMT; công nghệ xử lý rác thải của các nhà máy chưa thực hiện đúng Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM); tỷ lệ tái chế phân hữu cơ chiếm tỷ trọng rất thấp, chủ yếu sử dụng công nghệ đốt tiêu hủy không có thu hồi năng lượng; chưa xử lý dứt điểm tình trạng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại một số cơ sở trên địa bàn; kết quả quan trắc môi trường nhiều thông số có nồng độ vượt quy chuẩn; chất lượng nước mặt tại các tuyến kênh rạch chính hầu hết đều có các thông số hóa lý có giá trị đo vượt mức so với giá trị giới hạn của quy chuẩn; các cơ quan chức năng chưa thực kiểm tra công tác BVMT tại các cơ sở y tế.

Ngoài ra, một số KCN cho các doanh nghiệp thuê đất và hoạt động trước khi cơ quan chức năng công nhận hoàn thành các công trình BVMT; một số cơ sở y tế thực hiện không đầy đủ yêu cầu về BVMT theo quy định, như: Không bảo dưỡng định kỳ hệ thống xử lý nước thải; không thực hiện quan trắc chất lượng nước thải, khí thải, quan trắc không đúng yêu cầu, kết quả quan trắc vượt quy định tại ĐTM, giấy phép xả thải; chưa có giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT theo ĐTM được phê duyệt; 14 cơ sở y tế có sử dụng nước tự khai thác (nước dưới đất và nước mặt) nhưng chưa được cấp phép khai thác; các cơ sở xử lý RTSH chưa tuân thủ các quy định về đơn giá theo công nghệ đầu tư.

Kết quả kiểm toán cũng cho thấy, dự toán kinh phí sự nghiệp môi trường bố trí phục vụ cho hoạt động BVMT sử dụng chưa thật sự hiệu quả, phần lớn kinh phí ngân sách bố trí cho sự nghiệp môi trường được sử dụng cho việc thanh toán chi phí công tác thu gom, vận chuyển và xử lý RTSH; số thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải chỉ đảm bảo 34% tổng số chi phí; chưa có quy định hướng dẫn tách biệt khối lượng RTSH của các cơ sở sản xuất, kinh doanh có khối lượng trên 300 kg/ngày, tiềm ẩn khả năng ngân sách phải thanh toán khối lượng không thuộc nhiệm vụ chi; Quyết định số 06/2022/QĐ- UBND ngày 13/01/2022 của UBND Tỉnh ban hành đơn giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn tỉnh, trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều vướng mắc dẫn đến ngân sách các huyện chưa có cơ sở thanh toán chi phí thu gom, vận chuyển rác thải năm 2022 cho các doanh nghiệp thực hiện dịch vụ đã ảnh hưởng đến tình hình hoạt động của các đơn vị; một số huyện chưa thực hiện đấu thầu công tác thu gom, vận chuyển; tổ chức đấu thầu và ký hợp đồng xử lý RTSH sau khi gói thầu đã thực hiện.
 

Hệ thống xử lý nước thải. Nguồn: Sưu tầm


Đối với tỉnh Tây Ninh

Qua kiểm toán, KTNN phát hiện tỉnh chưa ban hành chính sách khuyến khích việc phân loại riêng rác thải nguy hại trong RTSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân; chưa ban hành văn bản, cơ chế chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, hỗ trợ khuyến khích xã hội hoá trong lĩnh vực xử lý nước thải; chưa ban hành quy định cụ thể hình thức và mức thu từ hộ gia đình, cá nhân và doanh nghiệp phải chi trả cho công tác xử lý RTSH; nước thải sinh hoạt phát sinh từ các khu vực dân cư chưa được thu gom và xử lý mà thải trực tiếp ra môi trường xung quanh.

Cùng với đó, một số cơ sở sản xuất chưa được cơ quan chức năng kiếm tra, xác nhận hoàn thành công trình xử lý nước thải; một số doanh nghiệp chưa được cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; các cơ sở chưa quan tâm đến công tác BVMT, chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải đúng theo ĐTM; một số cơ sở xử lý nước thải không đạt quy chuẩn quy định; chưa thực hiện đầy đủ, hoàn chỉnh các thủ tục, hồ sơ về môi trường; một số doanh nghiệp trong KCN có thông số nước thải vượt quy chuẩn; không có giấy phép môi trường; thực hiện không đúng, không đầy đủ nội dung được phê duyệt theo ĐTM; một số cơ sở y tế chưa xây dựng kế hoạch quản lý chất thải y tế; chưa thực hiện công tác giám sát môi trường; có lò đốt rác thải hoặc hệ thống xử lý nước thải bị hư hỏng không hoạt động; chưa lập kế hoạch ứng phó khắc phục sự cố môi trường; chưa xây dựng phương án khắc phục sự cố môi trường.

Dự toán thu đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải chưa đảm bảo theo lộ trình số thu UBND Tỉnh đề ra, số thu thực tế đa số không đạt so dự toán thu được giao; công tác tổ chức thu phí BVMT chưa quyết liệt, chưa tổ chức kiểm tra rà soát, xác định đúng, đủ danh sách đối tượng chịu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp; còn trường hợp doanh nghiệp kê khai không đúng, không đủ số phí phải nộp; công tác rà soát, thẩm định số phí BVMT còn chậm; ƯBND Tỉnh phê duyệt hình thức lựa chọn nhà thầu chưa phù hợp; công tác tổ chức đấu thầu còn chậm; còn trường hợp không tổ chức đấu thầu lựa chọn cơ sở thu gom, vận chuyển và xử lý CTR sinh hoạt.

Kiến nghị kiểm toán

Từ kết quả kiểm toán, KTNN kiến nghị các đơn vị chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công tương ứng với các tồn tại, hạn chế đã nêu trong BCKT hoạt động quản lý, công tác xử lý nước thải, rác thải.

tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật KTNN cũng kiến nghị các địa phương chỉ đạo các đơn vị có liên quan kiểm tra, rà soát để xử lý theo quy định để kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế được chỉ ra qua kết quả kiểm toán đối với hoạt động quản lý, công tác xử lý nước thải, rác thải.

Ngoài ra, qua kiểm toán, KTNN kiến nghị các đơn vị nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, ban hành một số văn bản, chính sách, cụ thể:

KTNN kiến nghị UBND tỉnh Long An: Ban hành quy định một số nội dung về quản lý, xử lý rác thải, nước thải theo thẩm quyền; phân công trách nhiệm quản lý cho cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường và phân cấp quản lý cho UBND cấp dưới về quản lý CTR sinh hoạt; quy định việc phân loại cụ thê CTR sinh hoạt theo hướng dẫn của Bộ TNMT; có chính sách khuyến khích việc phân loại riêng chất thải nguy hại trong CTR sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân theo quy định; quy định việc thu gom, vận chuyển, xử lý CTR xây dựngvà quy hoạch địa điểm đổ chất thải từ hoạt động xây dựng, bùn thải từ bể phốt, hầm cầu và bùn thải từ hệ thống thoát nước; ban hành hạn ngạch xả thải của nguồn nước làm cơ sở cấp phép xả thải theo quy định; ban hành quyết định về xác định vị trí, ranh giới của vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải trên địa bàn quản lý đã được xác định trong quy hoạch tỉnh trong kỳ quy hoạch; ban hành lộ trình thực hiện đôi với cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đang hoạt động trong vùng bảo vệ nghiêm ngặt và vùng hạn chế phát thải đã được xác định trên địa bàn quản lý; quy định về quản lý thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại, trong đó có mô hình thu gom theo cụm phù hợp với quy định và thực tế tại địa phương; ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với việc xã hội hóa trong lĩnh vực nước thải và CTR.

Xem xét điều chỉnh hoặc hủy bỏ Quyết định số 06/2022/QĐ-UBND về việc quy định giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyến và xử lý CTR, rác sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Long An. Trong thời gian chưa có hướng dẫn của Bộ TNMT, đề nghị UBND Tỉnh có chỉ đạo xử lý phù hợp đối với việc áp dụng định mức, đơn giá, lộ trình hỗ trợ kinh phí ngân sách cấp bù hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác đế các đơn vị có cơ sở tổ chức thục hiện dự toán công tác thu gom, vận chuyển RTSH năm 2022, 2023 trên địa bàn.

KTNN kiến nghị UBND tỉnh Tây Ninh: Ban hành văn bản quy định về việc thu gom, vận chuyển và xử lý CTR y tế phù hợp với điều kiện của địa phuơng, theo quy định tại khoản 6 Điều 62 Luật Bảo vệ mồi truờng; ban hành chính sách khuyến khích việc phân loại riêng chất thải nguy hại trong CTR sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân theo quy định tại khoản 2 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường; ban hành lộ trình và chính sách hỗ trợ để tổ chức, hộ gia đình trong đô thị, khu dân cư tập trung xây dựng công trình, lắp đặt thiết bị xử lý nước thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi thải vào nguồn tiếp nhận theo quy định tại điểm c và d khoản 5 Điều 86 Luật Bảo vệ môi trường; ban hành văn bản, cơ chế chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, hỗ trợ khuyến khích xã hội hoá trong lĩnh vực xử lý nước thải cho địa bàn Tỉnh theo quy định tại Nghị định 80/2014/NĐ-CP.

Ban hành văn bản thay thế Công văn số 1034/UBND-KTN ngày 07/5/2018 để xác định lại tỷ lệ chi phí quản lý chung phù hợp Thông tư số 17/2019/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động thương binh - Xã hội.

Xác định lại đơn giá dịch vụ xử lý đối với Chủ xử lý CTR hoạt động trên cùng địa bàn trong đó xem xét đến yếu tố khả năng tiêu thụ sản phẩm đầu ra (nếu có) phù hợp với quy định.

Ban hành đơn giá xử lý nước thải đối với Nhà máy xử lý nước thải đô thị Mộc Bài và Nhà máy xử lý nước thải khu vực thị trấn Dương Minh Châu đã vận hành từ năm 2017 theo quy định tại Nghị định 80/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Chỉ đạo Sở Tài chính, Sở Xây dựng và Ban Quản lý Khu kinh tế tổ chức kiểm tra, thẩm định để trình UBND Tỉnh phê duyệt giá dịch vụ thoát nước theo quy định tại Nghị định 80/2014/NĐ-CP tại 03 đơn vị: Công ty TNHH Đầu tư Quốc tế (KCN Chà Là), Công ty TNHH Phát triển (KCN TMTC) và Công ty CP Đầu tư Sài Gòn VRG (KCN Phước Đông).

Ngoài ra, KTNN kiến nghị Bộ Y tế: Xem xét sửa đổi các tiêu chí C4.5, C4.6 trong Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam ban hành tại Quyết định số 6858/QĐ-BYT ngày 18/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế cho phù hợp với quy định hiện hành trong lĩnh vực quản lý chất thải y tế.
 

Năm 2023, KTNN thực hiện 02 cuộc kiểm toán “Hoạt động quản lý, công tác xử lý nước thải, rác thải” “Chuyên đề việc chấp hành các quy định pháp luật về đầu tư, việc thực hiện nghĩa vụ với NSNN đối với các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN và doanh nghiệp hoạt động trong KCN giai đoạn 2018-2022” trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, Long An với tổng kiến nghị xử lý tài chính là 877,7 tỷ đồng, trong đó:

- KTNN kiến nghị tỉnh Long An xử lý tài chính 490,8 tỷ đồng (gồm: Tăng thu NSNN 70,9 tỷ đồng; thu hồi, giảm chi NSNN 1,4 tỷ đồng; giảm lỗ 418, 4 tỷ đồng)

- KTNN kiến nghị tỉnh Tây Ninh 386,9 tỷ đồng (gồm: Tăng thu NSNN 40,6 tỷ triệu đồng; giảm lỗ 346,2 tỷ đồng.

Hà Linh