(kiemtoannn.gov.vn) - Sáng 9/1, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam (KTNN) đã tổ chức tọa đàm với đoàn cán bộ cấp cao Kiểm toán Nhà nước Hungary về kiểm toán môi trường. Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Đoàn Xuân Tiên và Chủ tịch KTNN Hungary László Domokos cùng chủ trì buổi tọa đàm. Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo các Vụ Quan hệ quốc tế, Vụ Tổ chức cán bộ, Trung tâm Khoa học và Bồi dưỡng cán bộ và đại diện nhóm làm việc về kiểm toán môi trường của KTNN Việt Nam.
Bà Magdolna Holman, Quản lý giám sát - KTNN Hungary, cho biết bảo vệ môi trường phát triển bền vững là yêu cầu bắt buộc đối với các quốc gia thành viên của Liên minh Châu Âu. Nhưng Hungary còn tiến triển chậm trong lĩnh vực bảo vệ nước, xử lý nước thải, tăng số lượng chất thải trong thành phố và tiến triển chậm trong lĩnh vực sử dụng năng lượng hiệu quả. Do vậy, KTNN Hungary cũng đã đặt ra mục tiêu phải góp phần quản trị tốt tài nguyên môi trường, tăng tính hiệu lực, tính kinh tế và hiệu quả của việc sử dụng công quỹ trong các hoạt động quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên môi trường, đồng thời thúc đẩy sự minh bạch trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, việc thực hiện gặp phải vướng mắc do thiếu nguồn lực cần thiết và các chỉ dẫn không toàn diện.
Kinh nghiệm cho thấy, để triển khai hiệu quả lĩnh vực kiểm toán về môi trường, trước hết phải xác minh các điều kiện để triển khai như khuôn khổ luật pháp, bối cảnh tổ chức để hài hòa các mục tiêu trên cơ sở sử dụng hiệu quả nguồn tiền hỗ trợ. Về kiểm toán tính hiệu quả, KTNN Hungary dựa trên cơ sở các tiêu chí. Ví dụ, việc sử dụng điện cho mỗi vị trí đèn chiếu sáng công cộng trên mét vuông của khu vực chiếu sáng, sử dụng năng lượng sưởi ấm cho mỗi một mét khối nước nóng. Trong kiểm toán chi phí, dựa trên cơ sở của việc đánh giá giá trị hiện tại của lệ phí trả, tiết kiệm thực tế so với số lượng theo kế hoạch... Qua đó, xác định các biện pháp được thực hiện để đảm bảo sử dụng hiệu quả và tiết kiệm công quỹ và đưa ra các kiến nghị. Trong vấn đề kiểm toán ô nhiễm không khí, cần phải xem xét các quy định quốc tế như Hiệp ước Kyoto, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính 20% vào năm 2020; các cam kết quốc tế và mục tiêu quốc gia có được thực hiện hay không.
Theo ông Nguyễn Anh Phương - Phó Trưởng phòng Thư ký tổng hợp - đại diện nhóm làm việc về kiểm toán môi trường của KTNN Việt Nam, trong những năm qua Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong việc phát triển và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, kết quả đạt được là chưa cao, công tác kiểm toán môi trường chưa được thực hiện một cách bài bản và chưa có quy định pháp lý về kiểm toán môi trường. Chính vì vậy, KTNN sẽ ưu tiên kiểm toán lĩnh vực này trong thời gian tới bằng việc đưa nội dung kiểm toán môi trường vào Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020.
Trong thời gian qua, KTNN Việt Nam cũng đã thực hiện một số cuộc kiểm toán môi trường như Dự án trồng mới 5 triệu hecta rừng, Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh An Giang, Dự án đầu tư xây dựng công trình thoát nước nhằm cải tạo môi trường Hà Nội, Dự án thủy lợi lưu vực sông Hồng giai đoạn 2, Dự án xử lý nước thải, chất rắn và bảo vệ môi trường thành phố Hội An, Chuyên đề Chất lượng thủy sản tại Việt Nam (cuộc kiểm toán song song với KTNN LB. Nga) và các vấn đề về nước sông Mê Kông (kiểm toán song song giữa 5 KTNN thuộc ASEANSAI). Qua những cuộc kiểm toán này, KTNN Việt Nam đã từng bước đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực và dành sự quan tâm đến các khía cạnh về môi trường.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên cho rằng, việc tiến hành kiểm toán môi trường là vấn đề tương đối khó, đặc biệt nội dung kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hiệu quả hoạt động để đánh giá tác động đến môi trường. Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng đặt câu hỏi đối với KTNN Hungary về một số vấn đề mà KTNN Việt Nam hiện rất quan tâm như trong cơ cấu của KTNN Hungary có bộ phận chuyên thực hiện kiểm toán môi trường, hay những kinh nghiệm của KTNN Hungary trong quá trình kiểm toán môi trường.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước đã chia sẻ những vấn đề mà KTNN Việt Nam sẽ thực hiện trong thời gian tới để tiến hành kiểm toán môi trường tốt hơn như phát triển nguồn nhân lực; đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; chú trọng tới đào tạo KTV chuyên sâu trong lĩnh vực môi trường; tiếp tục cử KTV tham gia các cuộc họp của nhóm làm việc về Kiểm toán môi trường của INTOSAI, ASOSAI; đẩy mạnh việc xây dựng quy trình và phương pháp cho kiểm toán hoạt động, trong đó có kiểm toán môi trường, xây dựng cẩm nang hướng dẫn nghiệp vụ kiểm toán trên cơ sở luật pháp của Việt Nam nhưng có tham khảo các chuẩn mực, hướng dẫn, cẩm nang của INTOSAI, trong đó chú trọng việc đồng hóa những chuẩn mực của INTOSAI.
Chủ tịch KTNN Hungary László Domokos đánh giá cao việc KTNN Việt Nam đưa kiểm toán môi trường vào Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 và chia sẻ những kinh nghiệm trong kiểm toán môi trường. Ngài László Domokos cũng cho rằng, hoạt động KTNN hai nước có nhiều điểm tương đồng về bối cảnh, điều kiện cho các hoạt động của kiểm toán. Trên cơ sở đó, kiểm toán hai nước cần tăng cường trao đổi kinh nghiệm, đào tạo nhân lực, xây dựng nội dung kiểm toán, đặc biệt là về lĩnh vực bảo vệ môi trường nhằm góp phần tăng tính hiệu lực, hiệu quả vào hoạt động của kiểm toán mỗi nước.
Thanh Trang