Người giữ tiền cho dân

(kiemtoannn.gov.vn) - Trước kia, trong tâm thức của tôi và hẳn là trong suy nghĩ của không ít người cho rằng, công việc kiểm toán là nghề “bới lông tìm vết”. Kiểm toán viên ăn trắng, mặc trơn, ngồi phòng điều hòa, lục trong đống chứng từ, sổ sách kế toán của cơ quan, doanh nghiệp từng chi tiết nhỏ. Cơ quan bị kiểm toán nếu không “biết điều” là ăn “củ hành” ngay lập tức. Vì thế, cái nhìn về nghề kiểm toán và người kiểm toán viên chẳng mấy thiện cảm. Nhưng tôi đã lầm.


Trèo non xem kiểm toán

Câu trả lời cho “sự lầm” của tôi bắt đầu vào giữa mùa mưa năm trước, khi cơn lũ ập đến, hủy hoại hàng ngàn hécta hoa màu, phá hủy hàng trăm căn nhà của đồng bào dân tộc tỉnh Yên Bái. Báo chí chúng tôi theo chân ông Giàng A Tông - Chủ tịch huyện Mù Cang Chải - trèo núi vào bản Hua Khắt - một bản đặc biệt khó khăn của Mù Cang Chải vừa hứng chịu lũ. Giữa đường, cơn mưa rừng bất ngờ ập xuống, ông Chủ tịch huyện người Mông, tuổi chưa đầy 40 thoắt một cái đã dẫn cả đoàn vào một nhà dân trú mưa.  

Bất ngờ gặp ở đây 3 anh chàng áo bỏ trong quần, ăn mặc chỉnh tề ắt hẳn là công chức từ miền xuôi lên đang mở một tờ giấy khổ to in sẵn những dòng kẻ ngang, dọc vừa “cật vấn” chủ nhà, vừa ghi ghi chép chép gì đó vào tờ giấy. Tôi tò mò định hỏi 3 anh chàng kia là ai, sao lại xuất hiện ở xứ khỉ ho cò gáy này, thì Giàng A Tông đã nhanh nhảu lên tiếng: “Vẫn chưa xong à?”. Hóa ra là họ quen nhau.
 
Khua bàn tay về phía chúng tôi, Tông giới thiệu: “Đây là mấy anh nhà báo, còn đây là mấy anh kiểm toán Khu vực VII, đang kiểm toán chương trình 30A và 167 ở Mù Cang Chải”. Tôi buột miệng hỏi: “Kiểm toán thì về ngồi soi sổ sách ở nhà, các bạn vất vả vào đây làm gì?”.  
 
Một cậu rất trẻ lên tiếng: “Các anh chả hiểu gì về nghề bọn em, kiểm toán có nhiều chuyên ngành khác nhau, bọn em đang kiểm toán việc thực hiện nghị quyết Chính phủ về việc hỗ trợ nhà ở, đời sống vật chất và tinh thần cho các hộ nghèo, người các dân tộc thiểu số ở 64 huyện nghèo trong cả nước. Vì vậy, phải đi xuống hỏi từng hộ dân xem tiền của Nhà nước có tới được đúng tay đối tượng chính sách không? Cán bộ có tập huấn cho người dân canh tác hay không? Do quá nhiều việc nên cả trưởng đoàn, Kiểm toán trưởng KTNN Khu vực VII của bọn em cũng trực tiếp xuống bản và đang ở tít bản trong”.
 
Câu chuyện với cán bộ kiểm toán tạm dừng ở đó bởi chuyến đi của chúng tôi có mục đích khác. Chuyện thực sự chỉ trở lại vào đầu tháng 6 vừa rồi, nhân chuyến công tác tại Kon Tum. Khi đang làm việc với chúng tôi, một cán bộ Phòng Tài chính huyện Kon Rẫy buột miệng: “Hiện địa phương chúng tôi đang có tới 2 đoàn kiểm toán đến làm việc, một đoàn Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Chuyên ngành 5 từ Hà Nội vào, một đoàn KTNN Khu vực XII đóng tại Đắc Lắc lên”. “Một địa phương mà cùng một lúc có tới 2 đoàn kiểm toán đến làm việc thì... chết khiếp” - tôi buột miệng.
 
Nổi máu tò mò, tôi đề nghị Nguyễn Xuân Tuấn - cán bộ Phòng Nông nghiệp Kon Rẫy - đưa đi xem cán bộ kiểm toán làm gì, bởi Tuấn vừa tiết lộ: “Đoàn KTNN Chuyên ngành 5 vừa xuất phát đi vào công trình nước sinh hoạt tự chảy ở xã Kon Slak”. Từ UBND huyện Kon Rẫy xuống xã Kon Slak gần 20km, xe chạy vèo vèo vì con đường đẹp như tranh được đầu tư từ nguồn kinh phí của chương trình mục tiêu quốc gia, nhưng bắt đầu từ lối rẽ vào tới công trình còn 5km đường núi cheo leo xe không đi được nữa.

Không kiếm nổi một chiếc xe ôm, chúng tôi đành cuốc bộ dưới cái nắng chang chang của mùa hè Tây Nguyên. Mướt mồ hôi, mỏi rời chân rồi cũng tới nơi, vừa đúng lúc đoàn kiểm toán chuẩn bị rời đi. Tôi hỏi Vũ Trí Hiền - Kiểm toán viên KTNN Chuyên ngành 5: “Các em vào đây làm gì thế? Cũng đi bộ vào à”? Hiền bảo: “Không thuê được xe ôm, bọn em cũng giống các anh thôi. Bọn em kiểm toán theo chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn anh ạ. Công trình này nằm trong chương trình kiểm toán”.
 
“Anh tưởng kiểm toán chỉ cần xem giấy tờ là xong chứ?” - tôi hỏi. “Thế sao được, nếu chỉ xem sổ sách nhỡ họ lập hồ sơ khống thì sao? Phải kiểm tra cả hồ sơ và thực địa chứ. Ví dụ công trình này có tổng mức đầu tư 4,49 tỉ đồng nhằm cung cấp nước sạch cho 141 hộ dân với 943 nhân khẩu của 2 làng Kon Slak và Kon Smuôn. Chúng em kiểm tra hồ sơ xong, phải vào xem bể chứa có thi công đúng thiết kế không, kiểm tra nguồn nước, chất lượng bể, đường ống dẫn nước.... có đảm bảo hay không? Phải đến tận các hộ dân xem có được dùng nước sạch hay không? Rồi đánh giá kết quả của chương trình. Phải như thế mới đảm bảo đúng và đủ theo quy trình anh ạ” - Hiền giải thích.

Ra là vậy. Bấy lâu nay tôi vẫn nghĩ rằng, kiểm toán là ngồi trong phòng lạnh, đi đâu cũng xe đưa, xe đón, cơm bưng nước rót. Đâu ngờ, kiểm toán cũng lặn lội thực địa, ăn cùng dân, ở cùng bản chả khác một điều tra viên. Hiền tâm sự: “Đoàn em 5 người, đều ở Hà Nội vào kiểm toán trên 3 tỉnh Gia Lai - Kon Tum - Đắc Lắc suốt từ tháng 3 đến nay là tháng 6 rồi mà chưa được về thăm nhà.
 
Năm nào cũng vài tháng đi công tác, công việc gia đình đành trút hết lên vai vợ, con gánh vác”. Chị Huỳnh Thị Kim Dung - Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực XII - cũng bộc bạch: “Một kiểm toán viên mỗi năm phải có 6 tháng đi công tác, chia ra làm vài đợt, suốt ngày nay đây mai đó. Nếu gia đình không thông cảm thì sẽ hết sức khó khăn, đặc biệt đối với kiểm toán viên là nữ. Vì vậy, nhiều người đã phải bỏ nghề”.
 
"Bà đỡ" cho chính sách

Khi Nhà nước ban hành chính sách, để đo được hiệu quả của chính sách đó trong cuộc sống, không có công cụ nào tốt hơn là kiểm toán. Ông Hoàng Quang Hàm - Kiểm toán trưởng KTNN Khu vực VII - cho biết: “Thông qua việc kiểm toán, chúng tôi có thể đánh giá chương trình đó có đạt được mục tiêu đề ra hay không và đạt được bao nhiêu phần trăm. Đồng thời đánh giá được khó khăn, vướng mắc của chính các địa phương trong quá trình thực hiện để có những kiến nghị tới các cơ quan chức năng tìm cách tháo gỡ”.
 
Rồi ông Hàm dẫn chứng: Ví dụ việc kiểm toán Chương trình 30A, chúng tôi thấy nổi lên vấn đề là việc xây dựng Đề án là quá tham vọng, trong khi nguồn lực của chúng ta còn hạn chế. “Hoặc như với chương trình 167 về việc hỗ trợ làm nhà ở cho đồng bào cũng vậy. Chúng ta đề ra 3 cứng (nền cứng, mái cứng, vách cứng), mỗi hộ được hỗ trợ 1 tấn ximăng để làm nền nhà, nhưng những hộ ở tít mãi trong rừng, cách đường giao thông đến 30km mà cũng được hỗ trợ giống như những hộ ngay cạnh đường là điều bất cập.
 
Bởi lẽ người ở xa như thế việc vận chuyển vật liệu hết sức khó khăn. Vận chuyển vào đến nơi giá thành đội lên rất lớn, dân lại không có tiền để vận chuyển. Nếu chính quyền không vận chuyển vào cho dân hoặc phát tiền thì họ tiêu hết ngay và như thế thì chương trình cũng không đạt mục tiêu. Nhưng nếu vận chuyển vào cho dân thì kinh phí này lại chưa được tính đến. Hơn thế nữa, các chương trình mục tiêu quốc gia nên lồng ghép với nhau để tạo ra mũi nhọn. Tất cả những thực tế đó chúng tôi đều tổng hợp lại để báo cáo lên Tổng KTNN để Tổng KTNN báo cáo với Quốc hội, với Chính phủ tìm phương án giải quyết” - ông Hàm cho biết.
 
Nói về vai trò của kiểm toán, ông Nguyễn Hữu Hải - Phó Chủ tịch tỉnh Kon Tum - cũng khẳng định: “KTNN giúp địa phương chúng tôi rất nhiều trong việc kiểm tra về tài chính, về đầu tư và các chương trình mục tiêu quốc gia, trái phiếu chính phủ. Qua hoạt động kiểm toán đã chỉ cho chúng tôi cái gì chúng tôi đã làm tốt, cái gì cần rút kinh nghiệm và cái gì chưa làm được để chúng tôi sửa chữa. Sau mỗi đợt kiểm toán, chúng tôi đều có được cái nhìn đầy đủ về việc đã chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước”.
 
Những năm gần đây, vai trò của KTNN ngày càng quan trọng trong việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương lớn của Đảng, những quyết sách của Quốc hội và chế độ, chính sách của Nhà nước. Hằng năm, thông qua hoạt động kiểm toán đã tăng thu, tiết kiệm chi và quản lý qua ngân sách hàng ngàn tỉ đồng.
 
Vấn đề có ý nghĩa hơn cả vẫn là thông qua hoạt động kiểm toán, kịp thời phát hiện và đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với thực tiễn hiện nay. Đồng thời, thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã phát hiện và chuyển sang cơ quan điều tra tiếp tục xử lý theo trình tự pháp luật hàng loạt những vụ tham ô, tham nhũng, tiêu cực, góp phần không nhỏ vào quá trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
 
Có thể nói, KTNN đã và đang trở thành cơ quan có uy tín trong việc kiểm tra, kiểm soát tài sản, tài chính công; trong đó nguồn lực tài sản và tài chính do người dân đóng góp bằng chính mồ hôi, nước mắt và cả sự hy sinh thầm lặng./.
 
Ngô Chí Tùng