Vai trò của kiểm toán trong quản trị công ty

Quản trị công ty (QTCT) ngày nay là một chủ đề có tính thời sự trên toàn cầu, nhất là sau cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997 và gần đây là những vụ sụp đổ của một lọat các công ty như Enron, Woldcom, Palamat… và dẫn đến sự biến mất của công ty kiểm toán quốc tế Andersen. Bài viết này tìm hiểu vai trò của kiểm toán trong hệ thống QTCT nhằm đưa ra một số khuyến nghị đối với vấn đề QTCT của Việt Nam.

Từ kiểm soát hoạt động đến kiểm soát quản lý: khái niệm QTCT

Trong các doanh nghiệp tư nhân hay các công ty TNHH, giám đốc doanh nghiệp/công ty thường là người chủ sở hữu, phải tự quản lý, điều phối, kiểm tra, kiểm soát mọi hoạt động SXKD của doanh nghiệp. Giám đốc doanh nghiệp sẽ phải cố gắng xây dựng được một hệ thống kiểm soát hoạt động của các nhân viên trong nội bộ một cách hiệu quả nhất.

Trong các công ty cổ phần, ra đời xuất phát từ nhu cầu huy động những nguồn vốn lớn từ số đông các nhà đầu tư, các cổ đông không điều hành trực tiếp mà giao quyền cho cán bộ điều hành doanh nghiệp. Ban giám đốc điều hành có quyền kiểm soát các hoạt động hàng ngày đối với tài sản và nguồn lực của công ty. Lúc này, nảy sinh sự tách bạch giữa quyền sở hữu và quyền điều hành doanh nghiệp. Và người điều hành, không phải là người sở hữu doanh nghiệp có thể thiếu động cơ để thực hiện việc kiểm soát và phối hợp một cách hiệu quả các hoạt động của doanh nghiệp. Bởi vì Ban giám đốc điều hành không phải là người chịu rủi ro cuối cùng trong trường hợp công ty thua lỗ và cũng không phải là người hưởng lợi cuối cùng trong trường hợp công ty có lãi. Vì vậy, xuất hiện nguy cơ là Ban giám đốc điều hành có thể làm việc vì quyền lợi của riêng họ hơn là vì quyền lợi của các cổ đông. Do đó, các cổ đông phải kiểm soát công tác quản lý của các nhà điều hành – đây là chức năng kiểm soát quản lý. Các cổ đông có thể trực tiếp thực hiện chức năng kiểm soát này hoặc thông qua một ban đại diện – là Hội Đồng Quản Trị (HĐQT). Các thành viên HĐQT do các cổ đông bầu ra để nhằm bảo vệ quyền lợi của họ. Một trong những chức năng chính của HĐQT là giám sát các cán bộ quản lý điều hành trực tiếp công việc hàng ngày của công ty.

Ngoài ra, trong quá trình hoạt động của mình, bất kỳ một doanh nghiệp/công ty nào cũng phát sinh các mối quan hệ về lợi ích trực tiếp hay gián tiếp với Nhà nước, các bên cho vay, nhà cung cấp, khách hàng, người lao động…Công ty phải đảm bảo thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình đối với các bên có quan hệ về lợi ích kinh tế, xã hội với công ty nói trên. Như vậy, xuất hiện một cấp kiểm soát mới thứ tư đối với công ty cổ phần – đó là cấp kiểm soát từ phía các bên hữu quan là đối tác của công ty (stakeholders).

Quản trị công ty (Corporate Gouvernance) chính là cách mà một công ty được kiểm soát. Để kiểm soát công ty ở các cấp độ như đã phân tích ở trên, cần phải đặt ra các cơ chế điều tiết mối quan hệ giữa các nhóm chủ chốt là: các cổ đông, HĐQT và Ban giám đốc điều hành. Theo OCDE, QTCT được hiểu là “Cơ cấu các mối quan hệ và trách nhiệm tương ứng giữa một nhóm chủ chốt bao gồm các cổ đông, thành viên HĐQT và các cán bộ điều hành được hình thành nhằm mục đích tăng cường khả năng cạnh tranh cần thiết và đạt được mục tiêu chính của công ty”. J. Wolfensohn – chủ tịch Ngân hàng thế giới, thì cho rằng: “QTCT đề cập đến việc tăng cường tính công bằng, minh bạch và chịu trách nhiệm trong công ty”. Như vậy, QTCT nhằm phát huy được tính hiệu quả, công khai, minh bạch, góp phần bảo vệ nhà đầu tư tốt hơn và cải thiện sức cạnh tranh cho chính bản thân doanh nghiệp.

Kiểm toán chính là một yếu tố trong hệ thống QTCT, giúp cho các bên kiểm soát có được thông tin tài chính, kế toán trung thực, khách quan, và qua đó thực hiện được chức năng, nhiệm vụ của mình.

Kiểm toán giúp giảm bớt sự bất cân xứng về thông tin giữa các cấp kiểm soát

Ban giám đốc là những người điều hành công việc hàng ngày của công ty, nên có thông tin đầy đủ hơn HĐQT, các cổ đông và các bên hữu quan (stakeholders) về tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Chính sự bất cân xứng về số lượng và chất lượng thông tin này sẽ có thể tạo cơ hội cho ban giám đốc đưa ra các quyết định vì mục đích tư lợi cho cá nhân họ. Kiểm toán thông qua việc xác nhận tính trung thực, khách quan của các thông tin tài chính mà công ty cung cấp sẽ làm giảm bớt sự bất cân xứng về thông tin giữa nhà quản lý và các cổ đông.

Kiểm toán cho phép giảm bớt sự bất cân xứng về thông tin ở bốn cấp độ:

- Cấp độ thứ nhất là sự bất cân xứng giữa những người điều hành và những người đại diện cho các cổ đông - HĐQT. HĐQT không thể biết hết mọi cố gắng của ban giám đốc cũng như đánh giá được sự thích hợp của các quyết định kinh doanh mà BGĐ đã đưa ra. Thông qua đánh giá các thủ tục kiểm soát nội bộ, kiểm toán cho phép các thành viên HĐQT yên tâm rằng ban giám đốc đã (i) thực sự kiểm soát công ty; (ii) xây dựng các thủ tục để bảo vệ tài sản; (iii) triển khai thực hiện các quyết định chiến lược và (iv) cung cấp đầy đủ thông tin về công tác quản lý. Các thành viên HĐQT có thể yêu cầu được tiếp cận với các thông tin về quản lý phục vụ cho việc xây dựng và đánh giá các quyết định chiến lược quan trọng. Kiểm toán sẽ đảm bảo rằng các thông tin này là trung thực và khách quan.

- Cấp độ thứ hai là sự bất cân xứng về thông tin giữa các cổ đông và các thành viên HĐQT (người đại diện cho các cổ đông). Các thành viên HĐQT được tiếp cận với các thông tin quản lý nội bộ trong khi các cổ đông chỉ được đọc các BCTC năm và các thông tin tài chính đã công khai. Rõ ràng, các cổ đông phải được đảm bảo rằng các thông tin tài chính nói trên là đáng tin cậy sau khi kiểm toán kiểm tra và xác nhận.

- Cấp độ bất cân xứng về thông tin thứ ba xuất hiện khi các cổ đông của một công ty muốn phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO). Các kiểm toán viên phải gửi một thông điệp đến các nhà đầu tư tiềm năng để đảm bảo mức độ tin cậy của các thông tin tài chính mà công ty cổ phần đã cung cấp. Trong trường hợp này, sự bất cân xứng về thông tin giữa những người điều hành, chủ sở hữu và những nhà đầu tư tương lai là lớn nhất bởi vì thực tế là giá cổ phiếu không phụ thuộc vào giá trị sổ sách của tài sản. Thật vậy, bên phát hành cổ phiếu hiểu rõ hơn bên mua về tình hình thực tế của công ty niêm yết. Vì vậy, các cổ đông mới thường đưa ra một mức giá thấp hơn giá thị trường ước tính để bù đắp rủi ro từ việc bên bán đã đưa ra mức giá cao hơn giá thị trường của cổ phiếu. Việc giảm giá trị thực của cổ phiếu có thể gây tổn thất to lớn cho các cổ đông cũ. Vì vậy, các cổ đông cũ phải tìm mọi biện pháp để giảm bớt sự bất cân xứng về thông tin nói trên. Các công ty có thể thuê kiểm toán độc lập để xác nhận thông tin tài chính đã cung cấp. Rủi ro về công ty càng cao, thì chất lượng của dịch vụ kiểm toán càng quan trọng trong việc giảm bớt sự bất cân xứng về thông tin.

- Cấp độ thứ tư là sự bất cân xứng về thông tin giữa các bên hữu quan (Nhà nước, ngân hàng, nhà cung cấp, người lao động…) và những người sở hữu và điều hành công ty. Những đối tượng này cũng có nhu cầu sử dụng thông tin tài chính có độ tin cậy cao. Đặc biệt, ngân hàng cho doanh nghiệp vay vốn cũng ở trong tình thế bất cân xứng về thông tin so với các nhà quản lý và các chủ sở hữu. Các chủ sở hữu, các nhà quản lý có thể làm đẹp các báo cáo tài chính, che giấu các rủi ro trong kinh doanh, nhằm mục đích ký được các hợp đồng vay vốn của ngân hàng – chủ nợ. Vì vậy, các ngân hàng thận trọng thường yêu cầu được kiểm toán xác nhận rằng các báo cáo tài chính của các doanh nghiệp đi vay vốn là trung thực và khách quan. Kiểm toán giúp cho các công ty có thể tiếp cận được các nguồn vốn cho vay của các ngân hàng, các tổ chức tín dụng. Đồng thời, các ngân hàng cũng yên tâm về các quyết định cho vay của mình. Trong một số tình huống, để vay được vốn của ngân hàng, các chủ sở hữu và các nhà quản lý (Ban giám đốc) có thể thông đồng với nhau để biến báo các số liệu kế toán. Kiểm toán thông qua nghiệp vụ của mình phát hiện ra các sai phạm nghiêm trọng đó.

Quy định của Việt Nam về kiểm toán đối với các công ty cổ phần

Vai trò của kiểm toán trong quản trị công ty cổ phần đã được chú trọng ở Việt Nam . Ngày 30/03/2004, Chính phủ đã ban hành Nghị định 105/2004/NĐ-CP về Kiểm toán độc lập, có hiệu lực từ 15/04/2004, trong đó tại Điều 10 quy định: đối với các công ty cổ phần có tham gia niêm yết và kinh doanh trên thị trường chứng khoán thì thực hiện kiểm toán theo quy định của pháp luật về kinh doanh chứng khoán. Theo qui định tại Điều 15 và Điều 16 Luật Chứng khoán, BCTC năm của các tổ chức chào bán chứng khoán ra công chúng, tổ chức niêm yết, tổ chức kinh doanh chứng khoán... phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận. Đây một trong những yếu tố của QTCT đảm bảo sự công khai, minh bạch về thông tin trên thị trường chứng khoán, một thị trường nhạy cảm và tác động rộng rãi đến công chúng. Ngày 24/10/2007 vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 89/2007/QĐ-BTC về việc ban hành Quy chế lựa chọn doanh nghiệp kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho tổ chức phát hành, tổ chức niêm yết và tổ chức kinh doanh chứng khoán. Theo Quyết định này, các báo cáo tài chính hợp nhất của các công ty mẹ và báo cáo tài chính của các công ty đầu tư chứng khoán cũng phải được kiểm toán từ các công ty độc lập. Đồng thời, để được chấp thuận kiểm toán các công ty tổ chức nói trên, các công ty kiểm toán phải thỏa mãn các điều kiện sau: (i) Có vốn điều lệ hoặc vốn chủ sở hữu tối thiểu là 2 tỷ đồng đối với các doanh nghiệp kiểm toán trong nước, vốn điều lệ tối thiểu là 300.000 USD đối với doanh nghiệp kiểm toán có vốn đầu tư nước ngoài; (ii) Có số lượng kiểm toán viên hành nghề từ 7 người trở lên; (iii) Các kiểm toán viên phải đăng ký hành nghề kiểm toán với Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), phải có ít nhất tròn 2 năm kinh nghiệm kiểm toán sau ngày được cấp chứng chỉ kiểm toán viên và không phải là người đăng ký làm bán thời gian cho doanh nghiệp kiểm toán; (iv) Thời gian hoạt động kiểm toán tại Việt Nam tối thiểu là tròn 3 năm (tức là đủ 36 tháng) tính từ ngày thành lập đến ngày nộp Đơn đăng ký tham gia kiểm toán.

Một số khuyến nghị để kiểm toán thực sự phát huy vai trò trong QTCT

So với quy định để một công ty kiểm toán được phép kiểm toán báo cáo tài chính của các doanh nghiệp nói chung là phải có 3 kiểm toán viên được cấp chứng chỉ của Bộ Tài chính, trong đó giám đốc công ty phải có chứng chỉ kiểm toán viên và ít nhất 3 năm kinh nghiệm, thì đòi hỏi đối với các công ty kiểm toán được phép kiểm toán các công ty cổ phần niêm yết là cao hơn. Yêu cầu cao hơn này là nhằm đảm bảo chất lượng kiểm toán độc lập đối với các công ty cổ phần niêm yết, qua đó bảo vệ được lợi ích của các cổ đông, đảm bảo sự minh bạch của thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, kiểm toán không chỉ cần thiết trong việc minh bạch các thông tin kế toán, tài chính của các công ty cổ phần niêm yết mà là cho tất cả các công ty cổ phần nói chung. Vì vậy, trong thời gian trước mắt, bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng kiểm toán các công ty cổ phần niêm yết, chúng ta nên quy định tất cả các công ty cổ phần phải được kiểm toán mà không xem xét đến yếu tố ngành nghề hoạt động và quy mô của công ty. Nếu đưa ra quy định này, thì với trên 200 công ty niêm yết, gần 100 công ty chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán và gần 1.000 công ty đại chúng, thì số lượng các công ty kiểm toán đươck chấp nhận kiểm toán các tổ chức này hiện nay còn khiêm tốn (hơn 100 công ty). Bởi vậy cần có những biện pháp để nhanh chóng đào tạo đội ngũ kiểm toán viên nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về kiểm toán nói chung và về kiểm toán báo cáo tài chính các tổ chức niêm yết trên thị trường chứng khoán nói riêng.

Về phía các công ty cổ phần, các cổ đông phải thanh toán phí kiểm toán, cũng phải làm thế nào để dịch vụ kiểm toán độc lập đảm bảo có chất lượng, tức là xác nhận thông tin trên báo cáo tài chính do Ban giám đốc lập ra là phản ánh trung thực, khách quan tình hình tài chính và kết quả hoạt động kinh doanh của công ty. Muốn vậy, các công ty cổ phần cần phải:

- Xác định rõ ràng vai trò, trách nhiệm của HĐQT, ban kiểm soát và Ban giám đốc điều hành. Trách nhiệm không rõ ràng dẫn đến sự chồng chéo giữa HĐQT và Ban giám đốc điều hành. Chức năng của HĐQT phải là chức năng giám sát Ban giám đốc điều hành. Nhưng trên thực tế, thành viên HĐQT lại nắm giữ một số vị trí trọng trách trong Ban giám đốc, tham gia vào nhiều hoạt động tác nghiệp hàng ngày. Sự chồng chéo này dẫn đến việc không phân định rõ ràng trách nhiệm, trách nhiệm mang tính chất tập thể nhiều hơn trách nhiệm cá nhân. Trong trường hợp này, không có một hệ thống QTCT tốt và vai trò của kiểm toán vì thế cũng bị coi nhẹ. Có nhiều trường hợp, Ban giám đốc đảm nhận trách nhiệm đàm phán, lựa chọn và ký hợp đồng với công ty kiểm toán. Vì thế, nhiều kiểm toán viên độc lập đã phải thực hiện công việc của mình dưới sức ép của Ban giám đốc, dẫn đến sự minh bạch về thông tin đã được kiểm toán là không bảo đảm được dẫn đến thiếu khách quan trong hoạt động kiểm toán của kiểm toán viên.

- Sự tách bạch giữa HĐQT và Ban giám đốc điều hành được đảm bảo sẽ khiến cho HĐQT cần đến các nhà chuyên môn sâu về kế toán, kiểm toán thực hiện kiểm tra và xác nhận kết quả hoạt động điều hành của Ban giám đốc. Khi đó chắc chắn vai trò của kiểm toán sẽ được nâng lên.

- Cần quy định rõ ràng quyền lựa chọn tổ chức kiểm toán độc lập là của Đại hội cổ đông (thông qua Ban giám sát HĐQT) hay là của HĐQT. Khi HĐQT đã thực sự độc lập với Ban giám đốc điều hành, thì việc độc quyền lựa chọn tổ chức kiểm toán, kiểm tra tính độc lập của các kiểm toán viên đối với Ban giám đốc, xác định mức thù lao trả cho kiểm toán, giám sát quá trình kiểm toán, thẩm định báo cáo kiểm toán…nên được giao cho Ủy ban kiểm toán trực thuộc HĐQT. Tất cả các thành viên của Ủy ban kiểm toán phải là các thành viên HĐQT độc lập. Có như vậy, chất lượng họat động kiểm toán mới được đảm bảo, qua đó hệ thống QTCT của Việt Nam sẽ được hoàn thiện.

Tóm lại, kiểm toán đóng vai trò quan trọng trong công tác quản trị doanh nghiệp nói chung và trong công tác quản trị công ty nói riêng. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp sử dụng dịch vụ kiểm toán là do pháp luật bắt buộc. Thế nhưng, kiểm toán, thông qua việc kiểm tra và đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ, hệ thống kế toán của khách hàng, thường đưa ra những ý kiến tư vấn hữu ích, giúp lãnh đạo doanh nghiệp khách hàng cải thiện được hệ thống kiểm soát nội bộ, khắc phục được những tồn tại, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Kiểm toán cũng tham gia phổ biến các chế độ kế toán, chính sách về tài chính, thuế khóa giúp cho khách hàng tuân thủ các quy định của pháp luật.

Đối với các công ty cổ phần, kiểm toán đóng vai trò quan trọng trong công tác quản trị công ty, trong việc giải quyết các xung đột về lợi ích giữa Ban giám đốc, Hội đồng quản trị, các cổ đông…Kết quả kinh doanh đã được kiểm toán xác nhận là trung thực và khách quan sẽ là căn cứ để các cổ đông, Hội đồng quản trị đánh giá trình độ quản lý của Ban giám đốc, là cơ sở để xác định các khoản lương, thưởng phải trả cho các nhà quản lý và để xây dựng chính sách chi trả cổ tức cho các cổ đông. Kiểm toán là công cụ kiểm soát quản lý của các cổ đông. Kiểm toán góp phần ngăn chặn các hành vi gian lận trong hoạt động kinh doanh, các động cơ nhằm che giấu, biến báo số liệu kế toán vì các mục đích tư lợi cá nhân của Ban giám đốc. Như vậy, kiểm toán có vai trò quan trọng trong sự phát triển của doanh nghiệp.

Tài liệu tham khảo:

1 _ Benoit Pigé, Audit et contrôle interne, Edition EMS, 2001.

2 _ Christian PRAT dit HAURET, Comité d’audit et gouvernance des sociétés cotées: une analyse comparative Etat Unis France, 2005.

3 _ Ngân hàng thế giới, Đánh giá tình hình quản trị công ty của Việt Nam , 2006.

4_ Hà Thị Ngọc Hà, “Quy chế lựa chọn doanh nghiệp kiểm toán trên TTCK: Các nội dung mới và bổ sung sửa đổi”, http://www.vacpa.org.vn, 20/11/2007.