Xây dựng kế toán quản trị - quá trình phát triển từ hệ thống thông tin nội bộ đến hệ thống thông tin thực hiện toàn diện đáp ứng các chức năng quản trị

Tầm quan trọng của kế toán quản trị đã từ lâu không còn là vấn đề tranh luận nhưng triển khai kế toán quản trị vẫn là vấn đề thời sự. Triển khai kế toán quản trị như thế nào? Câu hỏi này có thể tiếp cận theo nhiều khía cạnh khác nhau, chúng tôi bắt đầu từ trọng tâm và lịch sử hình thành, phát triển kế toán quản trị.

Xét về trọng tâm kế toán quản trị, theo Michel Lebas, trong khi kế toán tài chính nhấn mạnh đến các tác động trên tài sản, nguồn vốn hoặc tình trạng tài chính của doanh nghiệp, kế toán quản trị tập trung vào những ảnh hưởng đến quy trình tạo giá trị của doanh nghiệp.

Xét về quá trình hình thành, phát triển, kế toán quản trị ngày nay được hình thành, phát triển từ kế toán chi phí. Quá trình đó cũng chính là quá trình phát triển từ thông tin chi phí để hoạch định, kiểm soát, định hướng sản xuất đến thông tin có bản chất kinh tế để thực hiện toàn diện các chức năng quản trị, từ doanh nghiệp nhỏ đến doanh nghiệp lớn.

Do đó, triển khai kế toán quản trị chính là: Thiết lập quy trình xây dựng, phát triển hệ thống thông tin chi phí, thu nhập, lợi nhuận theo quy chuẩn nội bộ doanh nghiệp thành hệ thống thông tin thực hiện toàn diện các chức năng quản trị quy trình tạo vật chất của doanh nghiệp.

Như vậy, triển khai kế toán quản trị được tiến hành như sau:

Bước đầu, triển khai xây dựng hệ thống thông tin nội bộ chi phí, thu nhập, lợi nhuận nhằm thiết lập nhận thức và quy trình trình thu thập thông tin lập báo cáo chi phí, thu nhập, lợi nhuận theo quy chuẩn riêng của doanh nghiệp. Nội dung này không đòi hỏi nhiều những điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật, trình độ của kế toán quản trị nên cũng có thể áp dụng cho nhiều doanh nghiệp ở quy mô khác nhau, từ doanh nghiệp tư nhân đến những tập đoàn kinh tế.

Bước kế tiếp, phát triển hệ thống thông tin thực hiện các chức năng quản trị theo từng phương thức quản trị trên cơ sở thông tin quy chuẩn nội bộ về chi phí, thu nhập, lợi nhuận. Đây chính là xây dựng hệ thống thông tin và quy trình thu thập thông tin:

(1) Định hướng hoạt động sản xuất kinh doanh, như các loại dự toán giá bán, tiêu thụ - sản xuất – chi phí, chi phí bán hàng, chi phí quản trị doanh nghiệp, kết quả kinh doanh, thu chi tiền, tài sản – nguồn vốn, vốn đầu tư dài hạn, …;

(2) Tình hình kết quả và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, như chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm, kết quả và hiệu quả hoạt động sản xuất, kết quả và hiệu quả tiêu thụ, kết quả và hiệu quả kinh doanh, kết quả và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư dài hạn, kết quả và hiệu quả nguồn lực kinh tế sử dụng, cân bằng nguồn lực kinh tế, … ;

(3) Biến động kết quả, hiệu quả và nguyên nhân hoạt động sản xuất kinh doanh, như biến động kết quả, hiệu quả và nguyên nhân hoạt động sản xuất, biến động kết quả, hiệu quả và nguyên nhân hoạt động tiêu thụ, biến động kết quả, hiệu quả và nguyên nhân hoạt động kinh doanh, biến động kết quả, hiệu quả và nguyên nhân sử dụng vốn đầu tư dài hạn, biến động kết quả, hiệu quả và nguyên nhân nguồn lực kinh tế sử dụng, biến động kết quả, hiệu quả và nguyên nhân cân bằng nguồn lực kinh tế, …;

(4) Chứng minh các quyết định quản trị, như thông tin chứng minh một phương án mới, một phương án thay thế; chứng minh giá bán, tính hữu ích của chi phí; chứng minh năng lực kinh tế tài sản, tính hợp lý nguồn vốn; thông tin chứng minh tính cân đối Tài sản – Nguồn vốn, chứng minh tiềm năng tài chính qua các chỉ số tài chính, ….

Những nội dung này rất phức tạp, nhất là quy trình tạo vật chất và quản trị quy trình tạo vật chất của mỗi doanh nghiệp sản xuất rất đa dạng, nên hệ thống thông tin và quy trình thu thập thông tin của những nội dung trên cũng rất cá biệt. Do vậy đòi hỏi thiết kế những mẫu biểu sao cho tương thích với quy trình hoạt động, nguyên lý vận hành quy trình hoạt động, mô hình tổ chức quản trị, phương thức quản trị của mỗi doanh nghiệp để đảm bảo phản ảnh được đặc điểm, yêu cầu quản trị các đối tượng kế toán quản trị và phát huy được các chức năng và các phương pháp kỹ thuật kế toán quản trị. Do đó, chỉ nên (chỉ có thể) triển khai những nội dung này ở những doanh nghiệp có quy mô lớn, đảm bảo những điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật, phương tiện, trình độ của kế toán quản trị nhất định.

Bên cạnh triển khai các nội dung thông tin, các bước phát triển nội dung thông tin, triển khai kế toán quản trị cũng cần chú ý đến tính linh hoạt của bộ máy kế toán quản trị. Trước đây, khi nói đến bộ máy kế toán chỉ đề cập đến bộ máy kế toán tài chính. Ngày này, bộ máy kế toán phải bao gồm kế toán tài chính và kế toán quản trị. Vì vậy, khi xây dựng bộ máy kế toán cần quan tâm đến quy mô, công việc kế toán tài chính và kế toán quản trị, sự tương thích và kết hợp tốt giữa hai bộ phận.

Tóm lại, kế toán quản trị có thể ứng dụng ở doanh nghiệp có quy mô khác nhau, từng bước xây dựng, phát triển nội dung thông tin song song với triển khai linh hoạt bộ máy kế toán. Triển khai kế toán quản trị trên cơ sở hoạch định một khuôn mẫu chung ổn định làm tiền đề phát triển các chi tiết thích hợp theo yêu cầu quản trị cụ thể.

Tài liệu tham khảo :

1. Ahmed Riahi Belkaoui (1993), Accounnting theory, third edition, The University Press, Cambridge .

2. Simon Dekker.Ltd (2001), Management Accounting for the year 2000, Deker.Ltd.

3. Timothy Doupnik, Hector Perera (2006), Internatioanal Accounting, Mc Graw -Hill Companies.

4. Charles T.Horngren, Alnoor Bhimani, Srikant M.Datar, George Foster (2002), Management and cost Accounting, second edition, Frentice Hall Europe .

5. IFAC (1998), Management Accounting Concepts.

6. H.Thomas Johnson, Robert S.Kaplan (1987), Relevance lost the rise and fall of management Accounting, Harvard Business School Press.

7. Michel Lebas (1994), Managerial Accounting in France :Overview of past tradition and current practice, European accounting review, vol.3, n0 3..

8. Michael W. Maher, Clyde P. Stickney và Roman.Weil (1997), Managerial accounting: an introduction to concepts, methods, and uses, Sixth edition, The Dryden Press.

9. Akira Nishimura (2003), Management accounting feed forward and asian perspectives, Palgrave Macmillan, First Puplished, Freface and Acknowledgements.