Cẩn trọng với lạm phát!

Công bố mới đây của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng đầu năm tăng 0,89% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng bình quân 4 tháng thấp nhất kể từ năm 2016.

Nhen nhóm nguy cơ khiến lạm phát tăng

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng đầu năm tăng 0,89% so với cùng kỳ năm trước  là điều kiện thuận lợi, tạo dư địa cho việc kiểm soát lạm phát cả năm 2021. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các chuyên gia nhận định thế giới sắp đối mặt với làn sóng lạm phát, điều này sẽ tạo áp lực lạm phát trong nước từ nay đến cuối năm.

Theo Ngân hàng Thế giới, tính đến hết tháng 4/2021, giá năng lượng (dầu thô và than đá) toàn cầu tăng 30% so với đầu năm, giá lương thực tăng 16%, phân bón tăng 24% và kim loại, khoáng chất tăng 25%... Với các nước nhập khẩu nguyên liệu như Việt Nam, mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước lên cao. Bên cạnh đó, việc các nước tiếp tục chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm phục hồi kinh tế cũng đẩy giá cả hàng hóa đi lên.

Trong nước, dù CPI tháng 4/2021 giảm 0,04% so với tháng trước nhưng vẫn có nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ cơ bản tăng, tạo đà tăng lạm phát như: giao thông tăng 0,87%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,14%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,11%...

Nghiên cứu mới đây của Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng chỉ thêm một số yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến lạm phát như: chi phí logistics của Việt Nam cao hơn nhiều nước trong khu vực ASEAN và gấp 1,3 - 1,5 lần trung bình thế giới (theo Công ty Armstrong&Associates). Đồng thời, tỷ trọng chi phí logistics trong giá thành sản phẩm cũng chiếm đến 30 - 35% của nhiều ngành hàng khiến giá hàng hóa và lạm phát của Việt Nam tăng theo.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn đang phải đối mặt với nguy cơ rủi ro lạm phát tiềm ẩn từ áp lực cung tiền và vòng quay tiền. Nghiên cứu của BIDV chỉ ra rằng, cung tiền tăng nhưng hiệu quả sử dụng vốn thấp sẽ tạo áp lực dài hạn lên lạm phát, nhất là trong bối cảnh quy mô lượng cung tiền/GDP của Việt Nam so với các nước là tương đối lớn, ở mức 138% GDP. Ngoài ra, vòng quay tiền chậm lại song “đường đi” của tiền lại phức tạp và luân chuyển khá nhanh trong các kênh đầu tư rủi ro như: bất động sản, chứng khoán, tiền kỹ thuật số…, từ đó trở thành một trong những nguyên nhân gây ra cơn sốt của các thị trường này thời gian qua. Các yếu tố này đều thiếu tính bền vững, vì vậy, Bộ Tài chính cũng như Ngân hàng Nhà nước đã phải có động thái cảnh báo và kiểm soát dòng tiền mạnh hơn trong thời gian gần đây.
 
Kiểm soát lạm phát - không nên lơ là, chủ quan

Trước những dấu hiệu và nguy cơ trên, các chuyên gia khuyến nghị: Các ngành, các cấp không nên chủ quan trong kiểm soát lạm phát, đặc biệt cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu và chủ động trong việc điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý đúng thời điểm với liều lượng phù hợp. Mặt khác, liên Bộ Công Thương - Tài chính theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu hợp lý để hạn chế mức tăng giá của mặt hàng này đến CPI chung.

Theo PGS,TS. Ngô Trí Long, thị trường thế giới vẫn đang diễn biến bất thường, đặc biệt đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế và hệ thống ngân hàng trong nước. Do đó, công tác điều hành giá cần thận trọng, linh hoạt và chủ động. Chính sách tài khóa phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, để có thể giữ CPI ở mức dưới 4%, trước tiên, phải đẩy mạnh công tác phòng, chống Covid-19, từ đó ổn định sản xuất, thị trường, bình ổn giá cả các mặt hàng. Tăng trưởng GDP sẽ là nhân tố hỗ trợ đắc lực cho việc giữ ổn định nền kinh tế, giúp tránh được tâm lý hoài nghi của các DN và các tầng lớp dân cư, tránh tình trạng “lạm phát do tâm lý”.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục theo dõi sát tình hình kinh tế thế giới, chủ động điều hành linh hoạt lãi suất, công cụ thị trường mở, tích cực quản lý và điều chỉnh tỷ giá hối đoái, từng bước ổn định và nâng cao giá trị đồng Việt Nam để làm cơ sở cho việc kìm giữ CPI. Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả, thị trường, nhất là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, các hàng hóa được mua sắm từ nguồn ngân sách, hàng hóa dự trữ quốc gia, dịch vụ phục vụ công ích, đảm bảo ổn định mặt bằng giá cả.

Từ việc phân tích các yếu tố tác động tới lạm phát, Nhóm nghiên cứu của BIDV cũng đưa ra khuyến nghị: Không chủ quan với lạm phát, tăng vòng quay tiền trong nền kinh tế thực và tiếp tục nắn dòng tiền vào những lĩnh vực có tính lan tỏa cao. Các cơ quan quản lý chấn chỉnh hiện tượng tăng giá bất động sản, công khai, minh bạch quy hoạch; tách bạch dòng vốn tín dụng cho vay nhà với dòng vốn cho vay, đầu tư trái phiếu kinh doanh bất động sản; ngăn chặn, răn đe, xử phạt các hành vi thao túng, tạo cung cầu bất động sản ảo.

Đối với chính sách tiền tệ và tài khóa, gắn quan điểm điều hành, kiểm soát lạm phát với yêu cầu phục hồi, tăng trưởng kinh tế cả ngắn hạn và trung - dài hạn để ứng xử phù hợp. Thực hiện hiệu quả các giải pháp hỗ trợ tài khóa và tiền tệ, lành mạnh hóa thị trường trái phiếu DN, giảm áp lực cho vốn tín dụng, đa dạng hóa kênh huy động, phân phối vốn trong nền kinh tế.

Các cơ quan quản lý cần quan tâm đến vấn đề rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu, từ đó đánh giá tác động và có giải pháp phù hợp đối với Việt Nam. Cuối cùng, phát triển các kênh phân phối điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt sẽ hỗ trợ kiểm soát tốt dịch bệnh, tăng cường phân phối hàng hóa kịp thời, giảm áp lực lạm phát và tăng vòng quay tiền trong nền kinh tế.

(Báo Kiểm toán số 21/2021)