Nhân lực đóng vai trò quan trọng trong kiểm toán chuyên sâu các dự án ODA  

  Thời gian qua, KTNN chuyên ngành IV đã tăng cường kiểm toán các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ODA và đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, để kết quả kiểm toán được toàn diện hơn, các đoàn kiểm toán cần có sự linh hoạt trong cách thức triển khai, đặc biệt là chú trọng nâng cao năng lực cho đội ngũ kiểm toán viên (KTV).  

Thiếu đội ngũ kiểm toán viên am hiểu sâu về đặc thù vốn ODA

Giai đoạn 2015-2019, KTNN chuyên ngành IV đã triển khai 27 cuộc kiểm toán là các dự án sử dụng vốn ODA. Qua đó, đơn vị đã phát hiện nhiều sai phạm, hạn chế trong quá trình quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA; kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với các sai phạm và xử lý tài chính là 12.492 tỷ đồng; đưa ra 22 kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách.

Tuy nhiên, thực tiễn kiểm toán cho thấy, một số nội dung đặc thù chưa được các đoàn kiểm toán khai thác sâu. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do số lượng KTV chưa đảm bảo để kiểm toán sâu một số nội dung như: sự cần thiết phải vay ODA, phương án trả nợ của dự án, đánh giá các thành tố ưu đãi, kiểm toán tính kinh tế, hiệu quả trong việc quản lý, sử dụng khoản tiền vay ODA, kiểm toán dòng tiền...

Theo số liệu thống kê giai đoạn 2015-2019, tổng số KTV tham gia các đoàn kiểm toán dự án ODA là 392 người (trung bình 14 người/cuộc kiểm toán), trong đó, tỷ lệ KTV chuyên ngành tài chính là 36%. Tuy nhiên, việc bố trí KTV chưa thật sự đều ở các năm (năm 2015 là 25%, năm 2018 là 38%) và các cuộc kiểm toán. Đơn cử, cuộc kiểm toán Dự án Đầu tư xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi chỉ bố trí 1 KTV chuyên ngành tài chính; kiểm toán Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP. HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên bố trí 7 KTV chuyên ngành tài chính...

Kết quả nghiên cứu và thống kê cho thấy, những đoàn kiểm toán bố trí nhiều KTV chuyên ngành tài chính sẽ có nhiều kiến nghị về cơ chế, chính sách hơn các đoàn khác. Ví dụ, Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP. HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên bố trí 7 KTV thì có 4 kiến nghị về sửa đổi cơ chế, chính sách. Thống kê năm 2015 cho thấy, các cuộc kiểm toán dự án ODA bố trí 25% là KTV tài chính, chỉ có 2 kiến nghị về sửa đổi cơ chế, chính sách, trong khi năm 2018, bố trí 38% là KTV tài chính thì có 10 kiến nghị về sửa đổi cơ chế, chính sách.

Ngoài ra, hồ sơ của các dự án sử dụng nguồn vốn ODA chủ yếu sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh. Điều này gây khó khăn cho đoàn kiểm toán trong việc nghiên cứu hồ sơ, tài liệu, đặc biệt là lĩnh vực đầu tư xây dựng (lĩnh vực trọng tâm của các cuộc kiểm toán dự án ODA nên được bố trí nhiều nhân sự hơn so với lĩnh vực tài chính).
 
Linh hoạt trong việc sắp xếp nhân sự tham gia kiểm toán

Trong quá trình lập kế hoạch kiểm toán, các đoàn sẽ căn cứ vào số lượng và trình độ KTV để phân bổ lực lượng phù hợp với đặc thù của từng cuộc kiểm toán. Thực tế, các dự án sử dụng vốn ODA bao gồm tổng hòa các chuyên ngành: tài chính, kỹ thuật, xây dựng... Vì vậy, để nâng cao chất lượng kiểm toán, đảm bảo các đánh giá, phát hiện, kiến nghị chính xác, các đoàn kiểm toán cần bố trí lực lượng KTV đồng đều, đầy đủ cơ cấu ở các chuyên ngành.

Bên cạnh đó, việc sắp xếp nhân sự cho đoàn kiểm toán dự án ODA cần thay đổi theo hướng bố trí riêng 1 tổ kiểm toán gồm nhiều KTV có kinh nghiệm về tài chính để kiểm toán các nội dung đặc thù như: sự cần thiết phải vay ODA đối với dự án, kiểm toán các điều khoản của hiệp định, kiểm toán dòng tiền, công tác ghi thu - ghi chi, bố trí vốn đối ứng, kiểm toán khả năng trả nợ (đối với các dự án tự cân đối), kiểm toán hiệu quả xã hội của dự án... Qua đó, đoàn kiểm toán chỉ ra các điều khoản bất lợi, các bằng chứng chính xác làm căn cứ kiến nghị với Chính phủ và các Bộ, ngành, đơn vị liên quan. Trường hợp cần thiết, đoàn kiểm toán có thể đề xuất thuê chuyên gia tư vấn về lĩnh vực của dự án ODA.

Phân công nhiệm vụ cụ thể trong đoàn, tổ và cho từng KTV phù hợp với năng lực, sở trường của từng người để phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ. Mỗi đoàn, tổ và kiểm toán viên cần xây dựng kế hoạch hoạt động rõ ràng cho từng tháng, từng đợt kiểm toán để bám sát kế hoạch công tác chung, trong đó cần nêu rõ thời gian hoàn thành, cá nhân phụ trách phần việc để thuận lợi cho công tác quản lý và bố trí nhân sự.

Để nâng cao năng lực cho các KTV tham gia kiểm toán dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ODA, KTNN cần đẩy mạnh đào tạo chuyên môn cho KTV. Trong đó, chương trình đào tạo cần phải được xây dựng một cách kỹ lưỡng, chuyên sâu về lĩnh vực dự án đầu tư mang đặc thù của dự án sử dụng vốn ODA, mang tính “cầm tay chỉ việc” là chủ yếu.

Về đối tượng, để công tác đào tạo có chất lượng, tiết kiệm thời gian và hiệu quả, cần lựa chọn các KTV có chuyên môn phù hợp, chú trọng đào tạo kỹ năng kiểm toán các nội dung đặc thù của dự án sử dụng vốn ODA. Giảng viên đào tạo cũng phải là người có chuyên môn cao và nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực kiểm toán dự án sử dụng vốn ODA. KTNN có thể mời các chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư dự án sử dụng vốn ODA tại các Bộ, ngành tham gia vào công tác đào tạo. Đồng thời, cần tăng cường trình độ tiếng Anh cho các KTV thực hiện kiểm toán dự án ODA./.

Ths. Nguyễn Hữu Bảo và Ks. Đinh Ngọc Thư - KTNN khu vực VII
(Theo Báo Kiểm toán sô 26/2021)