Đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

Phát triển hoạt động kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu là xu thế tất yếu của các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI). Phương pháp này thể hiện đúng bản chất nghiệp vụ kiểm toán, phù hợp với thông lệ quốc tế, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động kiểm toán.

Xác định trọng yếu ở cả 3 giai đoạn của quá trình kiểm toán

Theo Hướng dẫn kiểm toán của Tòa Thẩm kế châu Âu (ECA), kiểm toán viên (KTV) khi xác định trọng yếu phải tập trung vào yêu cầu, kỳ vọng của người sử dụng thông tin trên báo cáo kiểm toán (BCKT), cụ thể là Nghị viện châu Âu, các hội đồng, các ủy ban và tổ chức khác thuộc EU, các thành viên thuộc EU, phương tiện truyền thông và công chúng. Trường hợp người sử dụng thông tin không cung cấp hoặc không thể cung cấp cho KTV về những vấn đề trọng yếu cần quan tâm, KTV sẽ sử dụng xét đoán chuyên môn của mình để xác định trọng yếu trong giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán.

KTV cần phải xem xét trọng yếu trong cả 3 giai đoạn của quá trình kiểm toán trên cả hai khía cạnh định tính và định lượng. Trong đó, về định lượng, KTV phải xác định mức trọng yếu về mặt giá trị bằng tích số giữa tỷ lệ phần trăm (thường từ 0,5 - 2%) và cơ sở (tiêu chí) xác định trọng yếu (thường là tổng các khoản chi hoặc thu). Về mặt định tính, KTV phải xem xét trọng yếu dựa vào bản chất của vấn đề, sự kiện, khoản mục hoặc nghiệp vụ và hoàn cảnh. Bản chất của vấn đề xem xét được coi là trọng yếu nếu nó liên quan đến lạm quyền, gian lận trong quản lý, không tuân thủ pháp luật, cố tình trình bày sai hoặc thiếu thông tin. Bối cảnh để xem xét vấn đề đó có trọng yếu hay không phụ thuộc vào người sử dụng và mức độ quan tâm của họ đến thông tin trình bày trong BCKT.

Đối với loại hình kiểm toán tuân thủ, chính sách trọng yếu của ECA quy định rằng mức tối đa cho hành vi không tuân thủ pháp luật có thể chấp nhận được, xác định theo tỷ lệ là 2%, trung bình từ 0,5 - 2%. Tỷ lệ 2% được KTV áp dụng để đánh giá xem hệ thống kiểm soát nội bộ (KSNB) của đơn vị có ngăn ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các sai sót do không tuân thủ pháp luật gây ra hay không. Trường hợp KTV chỉ ra điểm yếu của hệ thống KSNB nhưng nó không dẫn đến sai sót trọng yếu hoặc không vượt quá mức 2%, KTV có thể kết luận hệ thống KSNB là “hữu hiệu”. Ngược lại, nếu các phát hiện dẫn tới sai sót trọng yếu cao hơn 2% hoặc thấp hơn 2% nhưng KTV chưa thể tiến hành được toàn bộ các thủ tục kiểm toán thì hệ thống KSNB được xếp loại “hữu hiệu một phần” hoặc “không hữu hiệu”.

Tại KTNN Ấn Độ (CAG), quy trình và sổ tay hướng dẫn việc xác định và vận dụng trọng yếu trong kiểm toán khá đầy đủ cho cả 3 loại hình kiểm toán: tuân thủ, tài chính, hoạt động. Tương tự như ECA, CAG cũng yêu cầu các KTV phải xác định và vận dụng trọng yếu trong cả 3 giai đoạn lập, thực hiện và phát hành BCKT. Ở giai đoạn lập kế hoạch, KTV phải thu thập thông tin về đơn vị được kiểm toán để đánh giá rủi ro và thiết lập mức trọng yếu cho việc thiết kế các thủ tục kiểm toán. Để thu thập đầy đủ bằng chứng đối với từng mục tiêu kiểm toán, CAG  yêu cầu các KTV phải lập chương trình kiểm toán dưới dạng ma trận cho mỗi đơn vị được kiểm toán.

Trong giai đoạn thực hiện kiểm toán, KTV có trách nhiệm thực hiện các thủ tục kiểm toán để thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp liên quan các nội dung trọng yếu kiểm toán. Nếu có bằng chứng kiểm toán cho thấy việc không tuân thủ pháp luật, KTV phải sử dụng xét đoán chuyên môn để xem xét trong từng hoàn cảnh trên cả khía cạnh định lượng và định tính.

Cuối cùng, khi lập BCKT, KTV phải xem xét trọng yếu cho mục đích lập BCKT và đảm bảo thỏa mãn các nguyên tắc đầy đủ, khách quan, kịp thời. Việc đánh giá mức trọng yếu cũng được sử dụng để quyết định hình thức trình bày BCKT, chẳng hạn các phát hiện kiểm toán được sắp xếp theo thứ tự giảm dần dựa trên mức độ trọng yếu của các phát hiện kiểm toán.
 
Bài học kinh nghiệm cho Kiểm toán nhà nước Việt Nam

Quá trình nghiên cứu các chuẩn mực kiểm toán quốc tế cũng như hướng dẫn của các SAI đã chỉ ra rằng, để thực hiện tốt việc xác định rủi ro và đánh giá trọng yếu kiểm toán, trước tiên, KTNN Việt Nam cần nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng và phát triển khuôn mẫu, khái niệm trọng yếu của các tổ chức quốc tế để xây dựng sổ tay hướng dẫn kiểm toán theo 3 cấp độ như ECA (chuẩn mực, quy trình, hướng dẫn chi tiết) hoặc theo 4 cấp độ như của Ấn Độ (chuẩn mực, quy trình, hướng dẫn chi tiết, đề cương).

Cùng với đó, KTNN cần bổ sung hướng dẫn chi tiết về xác lập mức độ trọng yếu. Hướng dẫn này phải giúp KTV vận dụng được khái niệm trọng yếu từ chuẩn mực - quy định đâu là đối tượng sử dụng chính thông tin trên BCKT, cách thức thu thập thông tin về nhu cầu của người sử dụng BCKT, cơ sở xác định trọng yếu và phương pháp xác định trọng yếu.

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và mục tiêu hiện đại hóa công tác kiểm toán, KTNN cần nghiên cứu thêm các biện pháp kiểm toán trong nền kinh tế số, cũng như các giải pháp để tăng cường phối hợp thông tin giữa các cấp nhằm cập nhật đầy đủ dữ liệu và nắm chắc các thông tin ngay từ khâu lập kế hoạch kiểm toán.n
 
Ths. Đinh Công Nhàn – KTNN khu vực VII
(Báo Kiểm toán số 27/2021)