Phát hiện trốn thuế, chuyển giá và nhiều sai phạm về miễn, giảm, hoàn thuế qua kiểm toán  

Những năm gần đây, tình trạng vi phạm pháp luật về thuế diễn ra khá phổ biến, trong đó các hành vi trốn thuế, chuyển giá và sai phạm về hoàn thuế, miễn giảm thuế đang có xu thế gia tăng, gây thất thu ngân sách. Thực trạng này đã được KTNN khu vực XIII chỉ ra qua kiểm toán ngân sách địa phương tại một số tỉnh, thành.

Chuyển giá, trốn thuế giá trị lớn; miễn giảm, hoàn thuế sai quy định

Một trong những sai phạm chủ yếu là hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) chưa đúng quy định. Các hành vi phổ biến là mua bán hóa đơn, chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT; làm giả Giấy phép xây dựng chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT dự án đầu tư. Đơn cử, khi kiểm toán tại tỉnh BP, Đoàn kiểm toán phát hiện 2 công ty có quy mô kinh doanh tăng bất thường trong các năm 2017, 2018, 2019; doanh số hằng năm khoảng 50.000 - 70.000 tấn mủ cao su nhưng trụ sở đăng ký kinh doanh là nhà dân, không đăng ký kho hàng với cơ quan thuế, cuối năm không có hàng tồn kho; không có phương tiện bốc xếp hàng, container tại kho hoặc chi phí thuê phương tiện bốc xếp hàng hóa mua vào, bán ra; khối lượng bán hàng từng lần lớn nhưng không xuất hóa đơn cho từng xe mà xuất 1 hóa đơn chung, số lượng trên hóa đơn là số chẵn…

Bên cạnh đó, kết quả kiểm toán cũng cho thấy việc miễn giảm thuế, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất sai quy định, cụ thể như: Giảm 1,2% tiền thuê đất, tiền sử dụng đất cho mỗi năm đối với các trường hợp giao đất, cho thuê đất có thời hạn sử dụng đất thấp hơn 70 năm, giá đất cụ thể xác định theo các phương pháp thặng dư, thu nhập, so sánh trực tiếp, chiết trừ, không đúng quy định. Miễn giảm tiền thuê đất cho các dự án xã hội hóa về văn hóa, y tế, giáo dục không đảm bảo điều kiện miễn giảm. Miễn giảm tiền thuê đất theo diện ưu đãi đầu tư không đúng quy định, trong đó, tiền thuê đất phải truy thu nộp NSNN tạm tính từ ngày 01/7/2014 đến 31/12/2019 của 3 dự án xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) trên địa bàn tỉnh là 386,9 tỷ đồng.

Đối với hành vi chuyển giá, trốn thuế, Đoàn kiểm toán đã phát hiện nhiều vụ việc trốn thuế thu nhập cá nhân, chuyển giá, trốn thuế với giá trị lớn, chuyển giá qua chi phí môi giới bán hàng, trốn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Qua kiểm toán công tác quản lý thu NSNN tại Cục Thuế tỉnh BT, Đoàn kiểm toán đã phát hiện dấu hiệu chuyển giá thông qua ký hợp đồng môi giới bán nền với tỷ lệ chi phí bất thường, lên tới 19,5% giá trị bất động sản, tổng số tiền đã thanh toán cho đơn vị môi giới tính đến cuối ngày 31/12/2020 là: 326,2 tỷ đồng, trong khi mức phí môi giới bất động sản phổ biến hiện nay trên thị trường là 1 - 2% giá trị bất động sản. Căn cứ quy định của Bộ Tài chính về trường hợp và căn cứ ấn định yếu tố chi phí xác định số thuế phải nộp, Đoàn kiểm toán tạm xác định mức chi phí môi giới hợp lý, phù hợp với mức bình quân phổ biến trên thị trường được hạch toán vào chi phí hợp lý để xác định thu nhập chịu thuế TNDN là 5%, giúp giảm chi phí hợp lý so với số của đơn vị đã tính vào chi phí 270,4 tỷ đồng, thuế TNDN tăng thêm tương ứng là 54,1 tỷ đồng...
 
Nâng cao chất lượng kiểm toán công tác quản lý thuế

Để nâng cao chất lượng kiểm toán công tác hoàn thuế, miễn giảm thuế, chống trốn thuế, chuyển giá, trước tiên, các đoàn kiểm toán cần tổ chức quán triệt sâu sắc hướng dẫn đầu năm của KTNN về mục tiêu, trọng tâm và nội dung chủ yếu trong lĩnh vực kiểm toán thu ngân sách; tổ chức tốt công tác tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm nội bộ sau mỗi đợt kiểm toán để nâng cao kinh nghiệm, kỹ năng kiểm toán hoàn thuế, miễn giảm thuế, chống trốn thuế, chống chuyển giá cho các kiểm toán viên (KTV) của đơn vị. 

Các đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán nâng cao tính minh bạch thông tin, khuyến khích các tổ kiểm toán trao đổi tập thể về tình hình và kết quả kiểm toán của các thành viên trước khi làm việc với đơn vị được kiểm toán. Đối với các nội dung, vụ việc có dấu hiệu sai phạm lớn, nghiêm trọng, cần huy động sức mạnh tập thể, từ kiểm toán trưởng, trưởng đoàn kiểm toán, đến phòng tổng hợp, tổ kiểm soát chất lượng kiểm toán và các KTV có kinh nghiệm kiểm toán lĩnh vực thu NSNN để cùng xem xét, đánh giá căn cứ pháp lý, bằng chứng kiểm toán, các thông tin, tài liệu cần thu thập bổ sung nhằm củng cố bằng chứng kiểm toán… từ đó làm rõ bản chất vấn đề và cơ sở pháp lý để kiến nghị xử lý theo quy định.

Trưởng đoàn kiểm toán phải nắm vững tình hình triển khai nhiệm vụ của các tổ kiểm toán, kịp thời báo cáo thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán để thủ trưởng báo cáo lãnh đạo KTNN những dấu hiệu sai phạm lớn, nghiêm trọng, từ đó lãnh đạo, chỉ đạo đoàn kiểm toán và các tổ kiểm toán có cách tiếp cận vấn đề một cách hợp lý, thu thập đầy đủ các bằng chứng kiểm toán có liên quan, làm rõ các dấu hiệu vi phạm của địa phương, đơn vị được kiểm toán.

Cùng với đó, các tổ kiểm toán cần tích cực nghiên cứu để tiếp cận, khai thác thông tin, dữ liệu trên hệ thống dữ liệu của cơ quan thuế phục vụ cho việc rà soát, phân tích thông tin, từ đó lựa chọn chính xác những hồ sơ kê khai, hồ sơ thanh tra, kiểm toán thuế có rủi ro cao để kiểm tra, rà soát lựa chọn đưa vào kế khoạch kiểm tra, đối chiếu thuế.

Đối với hoạt động kiểm tra, đối chiếu thuế, trường hợp cần thiết, đoàn kiểm toán phải tăng cường kiểm tra, đối chiếu để xác định rõ các dấu hiệu sai sót, vi phạm lớn hoặc sai sót có hệ thống, đề nghị lãnh đạo KTNN cho phép mở rộng thêm số lượng người nộp thuế được kiểm tra, đối chiếu thuế, trên cơ sở báo cáo tình hình và đề xuất của thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán.
 
Trần Minh Khương – Kiểm toán trưởng KTNN khu vực XIII
(Báo Kiểm toán số 30/2021)