Kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP năm 2020: Tập trung đánh giá rủi ro, phân tích thông tin để xác định trọng yếu kiểm toán  

  Để đảm bảo chất lượng các cuộc kiểm toán tổng hợp báo cáo quyết toán ngân sách địa phương (NSĐP) năm 2020, Tổng Kiểm toán Nhà nước hướng dẫn các đoàn kiểm toán khi xác định trọng yếu kiểm toán cần chú ý các vấn đề, nội dung, khoản mục có thể có những sai sót ảnh hưởng đáng kể như quy mô lớn, rủi ro có sai sót trọng yếu, là trọng tâm của Ngành, các chỉ tiêu có biến động bất thường hay có phát hiện sai sót...

Tập trung kiểm toán chi ngân sách địa phương

Theo Đề cương hướng dẫn vừa mới ban hành, Tổng Kiểm toán Nhà nước yêu cầu, tại cơ quan tài chính, đoàn kiểm toán cần tập trung kiểm toán chi thường xuyên thông qua kiểm toán việc tổng hợp quyết toán; kiểm tra, đánh giá công tác quyết toán NSNN, tính đúng đắn, trung thực của số liệu kế toán và số liệu trên báo cáo quyết toán NSNN. Trong đó, chú trọng kiểm toán việc thực hiện quy trình tổng hợp lập báo cáo tổng hợp ngân sách, việc tổng hợp quyết toán các khoản chi theo nội dung kinh tế, lĩnh vực; việc tổng hợp quyết toán các khoản chi theo mục lục ngân sách. Sai sót có thể xảy ra là số liệu quyết toán năm đối chiếu giữa cơ quan tài chính và cơ quan kho bạc chỉ khớp đúng với nhau được về tổng số vì chỉ tiêu không đồng nhất nên chi tiết không thể khớp; việc tổng hợp theo nội dung, mục lục ngân sách, chương loại chưa đảm bảo chính xác và khớp đúng.

Đồng thời, tại cơ quan tài chính, đoàn kiểm toán cần kiểm tra, xác nhận số chi ứng trước dự toán từ các năm trước được hoàn trả trong năm được kiểm toán và số chi ứng trước dự toán trong năm được kiểm toán cho các năm sau. Theo đó, kiểm toán viên (KTV) tiến hành so sánh, đối chiếu các khoản chi từ nguồn dự phòng với các chính sách, chế độ tài chính áp dụng cho các nội dung, lĩnh vực chi tương ứng; kiểm toán thẩm quyền sử dụng nguồn kinh phí dự phòng thông qua các văn bản phê duyệt sử dụng nguồn kinh phí này; kiểm toán việc báo cáo với Thường trực HĐND và HĐND theo quy định Điều 10 Luật NSNN… để đánh giá việc quản lý, điều hành, sử dụng của tỉnh đối với nguồn kinh phí dự phòng.
Sai sót có thể xảy ra là mức bố trí dự phòng không đảm bảo từ 2% đến 4% tổng chi ngân sách mỗi cấp; cấp huyện không bố trí dự phòng cho cấp xã mà để lại cấp huyện để điều hành chung; chi từ nguồn dự phòng cho những nhiệm vụ không phải cấp bách và không thật sự cần thiết, đã được dự toán ngay từ đầu năm; sử dụng dự phòng sai thẩm quyền, sai chế độ tài chính, không đủ thủ tục… Khi đánh giá việc quyết toán các khoản chi bằng lệnh chi tiền; việc ghi thu, ghi chi, KTV cần lưu ý một số sai sót như quyết toán cả số kinh phí còn dư trên tài khoản tiền gửi của đơn vị; hỗ trợ cho các đơn vị ngoài phân cấp không đúng quy định. Liên quan đến nội dung kiểm toán chi chuyển nguồn sang năm sau, cần lưu ý các vấn đề chi chuyển nguồn không đủ thủ tục, thời hạn; chi chuyển nguồn đối với những khoản đã hết nhiệm vụ chi; không chi chuyển nguồn đối với khoản còn nhiệm vụ chi; phân bổ kinh phí chuyển nguồn năm sau không đúng nhiệm vụ; hồ sơ chi chuyển nguồn không đầy đủ.
 
Chú trọng đến kết dư ngân sách, chi bổ sung và thu ngân sách

Hướng dẫn nội dung kiểm toán kết dư ngân sách, Tổng Kiểm toán Nhà nước lưu ý các KTV cần chú trọng đến những khoản kinh phí đã hết nhiệm vụ chi của năm ngân sách nhưng để kết dư; số thu kết dư của NSĐP chuyển sang lớn hơn số kết dư năm trước; để kết dư ngân sách những khoản kinh phí còn nhiệm vụ chi…

Còn khi kiểm toán các khoản chi bổ sung cho ngân sách cấp dưới, chi nộp ngân sách cấp trên, chi viện trợ, các KTV cần chú ý khi số bổ sung cân đối không đúng quy định; bổ sung có mục tiêu cho huyện để thực hiện các nhiệm vụ vượt quá khả năng của huyện; số kinh phí bổ sung có mục tiêu chưa tương xứng nhiệm vụ được giao; số liệu quyết toán chi bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp dưới với số liệu quyết toán thu bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên của huyện không khớp đúng; phản ánh số liệu chi các cấp nộp trả chưa đầy đủ, chính xác; chi viện trợ không đúng mục đích, chưa được phê duyệt đầy đủ.

Cùng với những nội dung trên, Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng có những hướng dẫn cụ thể để kiểm tra việc thẩm tra, xét duyệt quyết toán; việc điều chỉnh số liệu quyết toán theo kết quả thanh, kiểm tra, xét duyệt báo cáo tài chính; kiểm toán việc lập phương án điều chỉnh dự toán NSNN; kiểm toán việc tạo lập và sử dụng nguồn kinh phí cải cách tiền lương.

Liên quan đến kiểm toán thu ngân sách, Tổng Kiểm toán Nhà nước nêu rõ, những nội dung trọng tâm cần thực hiện là kiểm toán việc hạch toán, đối chiếu số liệu quyết toán thu theo nội dung, mục lục ngân sách; việc hạch toán, điều chỉnh nội dung thu; việc xử lý các khoản tạm thu, thu chưa đưa vào cân đối, thu đưa vào cân đối, các khoản tạm thu, tạm giữ để nộp ngân sách. Đồng thời kiểm toán các khoản thu bổ sung từ ngân sách cấp trên, thu cấp dưới nộp lên, chi nộp ngân sách cấp trên, chi viện trợ; thu khác; kiểm toán việc tổng hợp, rà soát các khoản thu chuyển nguồn; thu kết dư năm trước.

Đối với các nội dung này, sai sót có thể xảy ra là hạch toán phân cấp giữa các cấp nguồn thu không đúng phân cấp, tỷ lệ điều tiết; hạch toán sai mục lục ngân sách; điều chỉnh tỷ lệ phân cấp nguồn thu và ghi thu, ghi chi không đúng quy định... Bên cạnh đó còn có những rủi ro sai sót là không thực hiện bán đấu giá tài sản tịch thu theo quy định, định giá tài sản bán đấu giá thấp hơn giá thị trường; chưa kịp thời xử lý các khoản tạm thu, tạm giữ đã đủ điều kiện nộp NSNN hoặc nộp NSNN các khoản tạm thu, tạm giữ chưa đủ điều kiện nộp; thu tiền sử dụng đất, tiền bán tài sản chưa nộp ngân sách.

Đáng chú ý nữa là sai sót trong hạch toán các nội dung khác vào tài khoản tạm thu, tạm giữ; xác định tỷ lệ phải nộp NSNN, tỷ lệ để lại cho công tác thu khi xử lý, nộp NSNN không đúng quy định; kết dư ngân sách cấp tỉnh không sử dụng để chi trả nợ gốc và lãi các khoản vay của NSNN; tỉnh không trích 50% vào quỹ dự trữ tài chính cùng cấp; trích 50% còn lại vào thu ngân sách năm sau; kết dư ngân sách cấp huyện, xã chưa được hạch toán vào thu ngân sách năm sau...

Đồng thời với những hướng dẫn về những nội dung kiểm toán tại cơ quan tài chính, Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng có những hướng dẫn kiểm toán cụ thể tại cục thuế, cơ quan hải quan, Kho bạc Nhà nước, Sở Kế hoạch và Đầu tư; kiểm toán tại cấp huyện, thành phố, thị xã, các đơn vị dự toán để hoàn chỉnh việc kiểm toán quyết toán NSĐP năm 2020./.

Hồng Thoan
(Báo Kiểm toán số 33/2021)