Những điểm mới về kiểm toán hoạt động trong Bộ Chuẩn mực của INTOSAI

Bộ Chuẩn mực của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) về các hướng dẫn nghiệp vụ (IFPP - Framework of Professional Pronouncement) chính thức được ban hành thay thế Nhóm các chuẩn mực của INTOSAI (ISSAI) từ năm 2019. So với các ISSAI trước đây, nội dung của IFPP không có sự khác biệt lớn, tuy nhiên, cấu trúc từng chuẩn mực cũng như một số nội dung đã được điều chỉnh, bổ sung. Trong đó, IFPP về kiểm toán hoạt động (KTHĐ) có một số điểm mới so với các ISSAI về KTHĐ đã ban hành năm 2010 (chỉnh sửa năm 2016).

IFPP gồm 3 nhóm: Nhóm các nguyên tắc của INTOSAI (INTOSAI - P), ISSAI, Nhóm hướng dẫn của INTOSAI (GUIDS). Mục đích của IFPP nhằm nâng cao tính tin cậy của các hướng dẫn nghiệp vụ INTOSAI, trở thành bộ chuẩn mực có giá trị bắt buộc thực hiện trong kiểm toán lĩnh vực công. Đối với KTHĐ, IFPP gồm 2 ISSAI (ISSAI 300 và 3000) và 2 GUIDS (GUID 3910 và 3920) thay thế cho bộ chuẩn mực trước đây gồm các ISSAI: 300, 3000, 3100 và 3200.
 
Nhóm chuẩn mực về kiểm toán hoạt động

ISSAI 300 thuộc tiểu nhóm các nguyên tắc KTHĐ (ISSAI 300-399) và gọi là “Các nguyên tắc KTHĐ”, được xây dựng trên cơ sở phát triển từ các nguyên tắc chủ yếu của ISSAI 100 - Các nguyên tắc chủ yếu của kiểm toán khu vực công. Chuẩn mực này vẫn giữ nguyên 3 phần như trước đây: Khuôn khổ về KTHĐ và dẫn chiếu đến các ISSAI khác, các nguyên tắc chung đối với một cuộc KTHĐ mà kiểm toán viên (KTV) phải xem xét trước khi tiến hành và trong suốt quy trình kiểm toán, các nguyên tắc liên quan đến các giai đoạn trong quy trình KTHĐ.

Tuy nhiên, tại phần thứ nhất, khi xác định dẫn chiếu đến các ISSAI khác, ISSAI 300 đã bổ sung điểm mới so với bản cũ: Đoạn 14 về việc áp dụng ISSAI 300 tại các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) nêu “Trường hợp có sự trùng lặp/chồng lấn giữa các loại hình kiểm toán (hoặc kiểm toán lồng ghép) cần lưu ý đến việc SAI đã tuyên bố lựa chọn việc áp dụng ISSAI theo hình thức ban hành dựa trên cơ sở nhất quán hay hình thức áp dụng đầy đủ (Đoạn 9, 10 của ISSAI 100)”; Đoạn 24 về các Nguyên tắc chung bổ sung việc tuân thủ theo Các nguyên tắc cốt lõi của INTOSAI (INTOSAI - P 10-99) và Các yêu cầu về tổ chức đối với SAI (ISSAI 130-199) liên quan tới một số vấn đề như đạo đức và tính độc lập.

ISSAI 3000 thuộc tiểu nhóm chuẩn mực KTHĐ, có tên gọi là “Chuẩn mực KTHĐ”. Đây là chuẩn mực quốc tế về KTHĐ, được sử dụng trong mối liên hệ với ISSAI 100 và ISSAI 300. Ngay từ cách đặt tên và chia nhóm IFPP đã cho thấy vị trí của ISSAI 3000 được dịch chuyển từ “hướng dẫn trên cơ sở kinh nghiệm thực hành” (ISSAI 3000 cũ) thành “chuẩn mực yêu cầu phải tuân thủ” đối với các SAI lựa chọn hình thức ban hành chuẩn mực kiểm toán áp dụng đầy đủ theo INTOSAI. Sự khác biệt này được nêu tại Đoạn 3 và giải thích cụ thể tại ngay phần thứ 2 - Quy mô của chuẩn mực. ISSAI 3000 được biên tập, sắp xếp các phần, các đoạn tương ứng và mở rộng từ ISSAI 300, bao gồm 4 phần chính: Quy mô của chuẩn mực, khái niệm về KTHĐ và mục tiêu của KTHĐ, yêu cầu chung đối với KTHĐ, các yêu cầu liên quan đến việc thực hiện các bước của quy trình KTHĐ. Bên cạnh đó, phần yêu cầu chung đối với KTHĐ (từ Đoạn 21 đến Đoạn 24), ISSAI 3000 đã bổ sung một số điểm lưu ý về tính độc lập và đạo đức nghề nghiệp, độ tin cậy và mức độ đảm bảo trong KTHĐ.
 
Nhóm hướng dẫn

GUID 3910 và 3920 được xác định là “hướng dẫn hỗ trợ không mang tính bắt buộc” và cần được sử dụng đồng thời để hiểu sâu sắc hơn về việc xem xét các khái niệm căn bản của KTHĐ trong suốt quy trình kiểm toán.

GUID 3910 “Những khái niệm chính trong KTHĐ” là tài liệu biên soạn thay thế ISSAI 3100. So với ISSAI 3100, tài liệu này cơ bản trình bày các nội dung tương tự, tuy nhiên, cách trình bày, sắp xếp đã được biên tập lại theo hướng chi tiết hơn, dễ hiểu, dễ áp dụng hơn đối với các nội dung như: mục tiêu kiểm toán, lựa chọn chủ đề kiểm toán và quy trình kiểm toán. Hướng dẫn này tập trung đề cập đến việc thực hiện quy trình kiểm toán, các nguồn lực cần thiết, trong đó lưu ý đến các đặc trưng của KTHĐ, tầm quan trọng đối với các SAI và toàn thể khu vực công.

Hướng dẫn này chia thành hai phần chính: Phần thứ nhất định nghĩa về KTHĐ và làm rõ tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực; phần thứ hai đề cập đến các khái niệm căn bản như: các bên liên quan, chủ đề kiểm toán, mục tiêu kiểm toán, phương pháp tiếp cận… Bên cạnh đó, phần thứ nhất GUID 3910, Đoạn 49 đã bổ sung một khái niệm mới so với ISSAI 3100, đó là “hiệu quả về chi phí” trong mối liên hệ với tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực. Khái niệm này sẽ giúp các KTV có thêm cơ sở phân tích, đánh giá các yếu tố của chương trình, hoạt động, dự án được kiểm toán để xác định đúng đắn, phù hợp hơn về mục tiêu, nội dung và tiêu chí kiểm toán.

Ngoài ra, GUID 3910 ban hành kèm theo Phụ lục về “Thiết lập chức năng KTHĐ”, trong đó tập trung vào các thách thức mang tính chiến lược và các nguồn lực cần thiết của các SAI khi áp dụng quy trình và triển khai KTHĐ như: Bản chất và lợi ích của KTHĐ, thách thức khi tiến hành KTHĐ, cách thức để bắt đầu triển khai KTHĐ, thiết lập chức năng KTHĐ bền vững của các SAI.

GUID 3920 “Quy trình KTHĐ” là tài liệu biên soạn thay thế ISSAI 3200, giúp KTV diễn giải các yêu cầu tại ISSAI 3000 và hướng dẫn cách thức để KTV đảm bảo các yêu cầu, áp dụng xét đoán chuyên môn. Tài liệu này được trình bày rất chi tiết, cụ thể và khoa học với các bảng biểu lưu ý, so sánh hoặc đưa ra một số mẹo, ví dụ… trong quá trình triển khai các bước của quy trình KTHĐ.

Những điểm mới từ hệ thống IFPP về KTHĐ của INTOSAI là cơ sở để KTNN xem xét, rà soát hệ thống IFPP và tổng kết thực tiễn áp dụng Hệ thống Chuẩn mực KTNN thời gian qua, từ đó có định hướng đánh giá, cập nhật, bổ sung trong thời gian tới. KTNN cũng có thể nghiên cứu, tham khảo các hướng dẫn GUID 3910 và 3920 để xây dựng Hướng dẫn KTHĐ và các tài liệu đào tạo./.

Ths. Hán Thị Bích Hồng – Vụ Tổng hợp KTNN
(Báo Kiểm toán số 43/2021)